Kim Dung luận kiếm: Đại nghiệp

Phần 4: Thất bại

trước
tiếp

Chiến lược đã được vạch ra dựa trên thời cuộc và nền tảng đã có, nhà Mộ Dung và phái Tung Sơn đã thực hiện như thế nào thì trong truyện đã nói rõ, vậy hãy thử tìm hiểu xem vì sao họ đều thất bại.

PHẦN 4: THẤT BẠI

Những kế hoạch của Mộ Dung Phục đều bắt nguồn từ sự bộc phát, không có sự tính toán cụ thể, cũng không có sự tìm hiểu rõ ràng về đối phương, gã cũng không kiên trì tới cùng nên tất cả đều nhanh chóng đổ bể.

Tính cách của Mộ Dung Phục cũng vô cùng cao ngạo. Gã luôn coi mình là dòng dõi đế vương, là “rồng phượng trong loài người”, nhưng ngoài nhan sắc ra thì gã chẳng có gì quá đặc biệt, võ không phải vô địch, văn cũng chẳng thuộc hạng nhất. Chỉ khi đứng trước một Nam viện Đại vương Tiêu Phong lừng lững trong hoàng cung Tây Hạ, gã mới chợt nhận ra mình chả là cái gì cả.

Có thể nói, đối với cái tham vọng phục quốc, Mộ Dung Phục chỉ là một thằng nhãi ranh và thật tội nghiệp khi gã phải gồng gánh một ảo mộng quá lớn của ông cha.

mộ dung phục và vương ngũ yên 2003

Mộ Dung Bác có phần lão luyện hơn con. Lão nhìn nhận được thời thế, biết tìm kiếm cơ hội nhưng những kế hoạch của lão không hề phù hợp với chính khả năng của mình.

  • Tuy thời Tống Thần Tông đã thi hành nhiều chính sách khiến dân chúng lầm than nhưng tư tưởng “trung quân ái quốc” của Nho giáo cùng với tinh thần dân tộc chống giặc ngoại xâm đã giúp nhà Tống không rơi vào cảnh loạn lạc. Ngay sau đó, Thái hoàng Thái hậu Cao Thị đã thể hiện bản lĩnh chính trị xuất sắc khi vực dậy Đại Tống trở lại vị thế của một cường quốc, khiến các nước lân bang phải e dè.
  • Trong tình thế đó, việc gây nội loạn là rất khó nên dù Cưu Ma Trí có oán hận chùa Thiếu Lâm đến đâu cũng chẳng thể xúi giục được quốc vương Thổ Phồn xua quân đánh Đại Tống được.

Có thể nói, Mộ Dung Bác quá nhỏ bé trên bàn cờ chính trị. Tuy thời thế có biến động nhưng sức lão là không đủ để gây ra sóng gió.

Trong võ lâm, tuyệt kĩ “gậy ông đập lưng ông” đã giúp nhà Mộ Dung gây dựng được danh tiếng vang dội nhưng kèm với đó là không ít hệ lụy.

  • Kha Bách Tuế và Huyền Bi bị sát hại, chả ai phải mất công đi tìm hung thủ vì ai cũng biết đó là ai. Không rõ võ công của hai nạn nhân này như thế nào nhưng với trình độ của mình thì Mộ Dung Bác hoàn toàn có thể sử dụng một môn võ công khác để sát hại họ. Vậy mà lão cứ nhất định phải ra tay theo đúng phong cách “gậy ông đập lưng ông”. Cái chết của Kha Bách Tuế có thể không đáng lo ngại nhưng kết thù với chùa Thiếu Lâm chắc chắn không phải việc hay ho, nhất là với tham vọng của nhà Mộ Dung.
  • Phó bang chủ Cái Bang Mã Đại Nguyên cũng chết bởi chính tuyệt kĩ của mình. Nếu Tiêu Phong không phải là một người tinh tế và đủ quyền uy thì nhà Mộ Dung đã vô tình trở thành kẻ thù của Cái Bang – bang hội lớn nhất trong thiên hạ. Điều này chắc chắn không có lợi cho công cuộc phục hưng Đại Yên.

mộ dung bác 2003

Cha con nhà Mộ Dung cũng không có được những tay trợ thủ đắc lực. Bốn tay gia thần chỉ có sự trung thành chứ với năng lực của họ thì không thể trợ giúp được gì nhiều cho công cuộc phục hưng Đại Yên.

  • Đơn giản như việc Bao Bất Đồng thường xuyên lôi kéo người khác vào những cuộc cãi nhau vô bổ bất kể đó là ai. Việc này tưởng chừng vô hại nhưng sẽ là trở ngại lớn nếu nhà Mộ Dung muốn kết liên minh với bất kì thế lực nào. Hãy thử tưởng tượng trong một cuộc bàn chính sự mà cứ hở ra là gã “sai bét, sai bét”, vặn vẹo bắt bẻ từng câu từng chữ thì còn ai muốn bàn chuyện nữa ?
  • Cái tính nết hiếu võ, thích đánh nhau bất kể sống chết của Phong Ba Ác cũng không hề hay ho chút nào. Nó cũng dễ gây ra nhiều vấn đề chả kém gì việc thích cãi nhau vô bổ của Bao Bất Đồng.

Có thể thấy sự thất bại của nhà Mộ Dung là điều hiển nhiên, không cần bàn cãi. Thời thế không thuận, chiến lược không rõ ràng, năng lực quá hạn chế. Tất cả những gì họ có là một kho tàng võ công đồ sộ, tiếc là thế mạnh đó đã không được khai thác hiệu quả để phục vụ tham vọng phục quốc.

Khác với nhà Mộ Dung, Tả Lãnh Thiền đưa ra được chiến lược rất cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của lão và phái Tung Sơn.

Kế hoạch đầu tiên là hợp nhất Ngũ Nhạc kiếm phái được tính toán rất cẩn thận dựa trên sự nghiên cứu kĩ lưỡng về tình hình của bốn phái còn lại.

  • Phái Thái Sơn: Thiên Môn đạo nhân tính tình nóng nảy, dễ bị kích động đã nhanh chóng bị các vị sư thúc liên thủ lật đổ ngay tại Tung Sơn để giành chức chưởng môn.
  • Phái Hành Sơn: Lưu Chính Phong qua lại với Khúc Dương của Nhật Nguyệt thần giáo, rồi sau đó là việc Mạc Đại giết Phí Bân chính là cái cớ để Tả Lãnh Thiền uy hiếp Nam nhạc.
  • Phái Hoa Sơn: Trong Ngũ Nhạc kiếm phái, Tả Lãnh Thiền đánh giá Nhạc Bất Quần là đối thủ khó chịu nhất nên đã huy động cả phe kiếm tông lẫn các thành phần hắc đạo vây đánh chưởng môn Tây nhạc cùng các đệ tử.
  • Phái Hằng Sơn: Ban đầu, Tả Lãnh Thiền muốn chia rẽ ba vị sư thái chữ Định nhưng không được nên dường như lão muốn tiêu diệt phái này và đổ tội cho Nhật Nguyệt thần giáo để lấy cớ châm ngòi cho cuộc chiến giữa hai phe chính – tà.

tả lãnh thiền tung sơn

Âm mưu của Tả Lãnh Thiền rất chi tiết, nhắm đúng vào điểm yếu của Tứ nhạc nhưng vẫn thất bại chỉ bởi một sự kiện: Lệnh Hồ Xung học được Độc Cô cửu kiếm.

Với môn kiếm pháp này, Lệnh Hồ Xung đã trở thành cao thủ kiếm thuật hàng đầu thiên hạ, qua đó trực tiếp cứu thoát hai phái Hoa Sơn và Hằng Sơn khỏi âm mưu của chưởng môn phái Tung Sơn. Nhờ vậy mà Hằng Sơn không bị diệt vong, còn Nhạc Bất Quần có cơ hội thực hiện mưu kế của mình và đánh bại Tả Lãnh Thiền, giành chức chưởng môn Ngũ Nhạc phái.

Có thể thấy Tả Lãnh Thiền khai thác rất tốt tiềm lực của phái Tung Sơn, thế cục giữa hai phe chính – tà và cả những điểm yếu chí mạng của Tứ nhạc. Sự thất bại của lão đơn giản chỉ là bởi “ý trời không thuận” mà thôi.

===

Có nguyên nhân thì sẽ có cách khắc phục, nhà Mộ Dung và Tả Lãnh Thiền cần cải thiện điều gì để khắc phục điểm yếu và thực hiện tham vọng của mình ???

Comments

comments


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.