Liên Thành quyết

Hồi 01: Nhà quê ra tỉnh

trước
tiếp

Chát! Chát chát chát!

Chát! Chát chát!

Hai thanh kiếm gỗ vù vù giao đấu, phát ra những âm thanh chát chúa. Có lúc lặng phắc một hồi khá lâu, có lúc lại vang lên dồn dập.

Trên một sân phơi thóc, trước một ngôi nhà ngói nhỏ ba gian ở làng Ma Khê, phía Nam Nguyên Lăng thuộc Tương[1] Tây, một đôi thanh niên nam nữ tay cầm kiếm gỗ đang tỉ thí.

Trên chiếc ghế thấp trước nhà, một ông già đang ngồi bện giày cỏ, miệng ngậm tẩu thuốc, thỉnh thoảng lại phà khói, ngẩng đầu nhìn đôi thanh niên, khóe miệng cười cười vẻ hài lòng. Ánh nắng nhạt xuyên qua đám khói thuốc, chiếu lên mái tóc bạc, chiếu lên cả khuôn mặt đầy nếp nhăn.

Nhưng khi mắt lão nhìn vào hai thanh kiếm gỗ vẫn ánh lên vẻ uy mãnh, xem ra chưa phải là già lắm, đâu chừng năm mươi tuổi trở lại.

Thiếu nữ khoảng mười bảy mười tám, khuôn mặt trái xoan, mắt đen lay láy, trán lấm tấm mồ hôi, trên má mồ hôi ròng ròng chảy xuống tận cổ. Cô bé láy tay áo lau mồ hôi, mặt đỏ như mấy xâu ớt treo bên hàng hiên. Cậu trai lớn hơn cô gái vài ba tuổi, thân mình đen trũi, gò má hơi cao, tay chân thô ráp, y như những chàng trai lực điền người ta thường gặp ở vùng Tương Tây, thanh kiếm gỗ trong tay cậu trai thật là linh hoạt.

Bỗng thanh kiếm gỗ trong tay cậu ta từ góc trên bên trái phạt thẳng xuống, thiếu nữ nghiêng đầu tránh, kiếm gỗ đâm tới ngay cực nhanh. Cậu trai lùi hai bước, thanh kiếm gỗ vung một vòng rộng, lia ngang ba nhát, thiếu nữ chống đỡ không kịp, đột nhiên thu kiếm đứng yên, không hề gạt đỡ, cất tiếng giận dữ:

– Chịu huynh lợi hại, được chưa? Chém chết muội đi xem nào!

Cậu trai không ngờ cô ta thu kiếm không chống đỡ, thấy nhát kiếm thứ ba sắp chém vào lưng cô gái, hoảng quá vội vàng thu chiêu, nhưng thế kiếm quá mạnh, “cốp” một tiếng thanh kiếm giáng trúng mu bàn tay trái – “ối cha”, cậu trai bật tiếng la hoảng. Thiếu nữ vỗ tay cười:

– Xấu hổ chưa? Nếu là kiếm thật thì bàn tay huynh có còn không nhỉ?

Khuôn mặt đen nhẻm của cậu trai hơi đỏ lên:

– Huynh sợ chém phải muội nên mới không để ý đến mình. Nếu là đánh thật, người ta có chịu nhường muội không? Sư phụ, sư phụ thử phân xử xem.

Nói rồi, cậu trai ngoảnh sang phía ông già. Ông già buông chiếc giày cỏ đang bện dở, đứng dậy, nói:

– Hai đứa đánh năm chục chiêu đầu còn được, mấy chiêu sau chả ra quái gì cả.

Lão cầm lấy thanh kiếm gỗ trong tay thiếu nữ, tay vung kiếm, miệng nói:

– Chiêu “Ca ông hám thượng lai” này tiếp theo chiêu “Thị hành bất cảm quá”, cần phải lia ngang, không được đâm thẳng. A Phương, hai chiêu này của con là “Hốt thính phún kinh phong, liên sơn nhược bố đào” thế kiếm phải như một dải lụa vắt qua. Hai chiêu của A Vân là “Lạc nê chiêu đại thư, Mã mệnh phong tiểu tiểu”[2] sử rất khá. Nhưng chiêu pháp đã gọi là “phong tiểu tiểu”, con lại xuất lực là sai rồi. Bộ kiếm pháp này của chúng ta là “Thảng thi kiếm pháp” nổi tiếng trong võ lâm, chiêu đã ra lả kẻ địch phải thành xác chết. Tỉ đấu tuy không phải lả đánh thật nhưng hai chữ “thảng thi”[3] thì phải luôn luôn nhớ kỹ trong lòng.

Thiếu nữ nói:

– Cha, kiếm pháp của chúng ta rất hay, nhưng cái tên này thì… thì không… không hay lắm, “Thảng thi kiếm pháp”, nghe mà phát sợ.

Lão già nói:

– Nghe phát sợ mới có uy phong. Kẻ địch còn chưa kịp trở tay đã lòng run mật vỡ, là đã thua đến ba phần rồi.

Tay lão cầm kiếm gỗ, diễn lại sáu chiêu một lần nữa. Chỉ thấy kiếm chiêu của lão nặng nề, tiến đâm thoái đỡ đều độc ác dị thường, đôi thanh niên nam nữ kia nhìn mà bội phục vỗ tay. Lão già trả thanh kiếm gỗ cho thiếu nữ, nói:

– Hai đứa luyện lại lẩn nữa xem. A Phương đừng giỡn. Vừa rồi nếu như sư ca không nhường con thì cái mạng nhỏ xíu của con có còn không?

Thiếu nữ le lưỡi, đột nhiên một kiếm phóng ra, cực nhanh. Cậu trai không kịp đề phòng vội vàng đưa kiếm ra đỡ, nhưng cô gái đã chiếm tiên cơ, tấn công tới tấp, cậu ta không sao phản kích được. Xem chừng bại cục đã rõ. Bỗng có tiếng vó ngựa dồn dập từ phía Bắc, một người cưỡi ngựa đang lao tới.

Cậu trai ngoái đầu lại hỏi:

– Ai tới vậy?

Thiếu nữ hét lên:

– Thua rồi, đừng đánh trống lảng. Ai đến thì có can gì đến huynh?

Lại chát chát chát tấn công liền ba chiêu. Cậu trai ra sức ngăn lại, giận dữ:

– Muội bảo ta sợ muội ư?

Thiếu nữ cười nói:

– Miệng nói không sợ, trong lòng sợ!

Lại đâm bên trái một nhát, đâm bên phải một nhát, thế hai chiêu kiếm cực linh động.

Lúc ấy người cưỡi ngựa đã ghìm cương, lớn tiếng kêu lên:

– Thiên hoa lạc bất tận, Xứ xứ điểu hàm phi. Hay quá!

Thiếu nữ “a” lên một tiếng, nhảy lui lại phía sau, ngó người khách kia dò xét, chỉ thấy anh ta khoảng hăm ba hăm bốn tuổi, ăn mặc bảnh bao ra vẻ con nhà giàu thành thị, bất giác mặt ửng hòng, khẽ hỏi:

– Cha, anh ta… sao anh ta lại biết?

Lão già nghe người khách cưỡi ngựa gọi đúng tên hai chiêu kiếm của con gái cũng cảm thấy lạ, đang định hỏi. Người khách đã xuống yên, bước tới chắp tay nói:

– Xin hỏi lão trượng, ở Ma Khê có một vị danh gia kiếm thuật gọi là “Thiết tỏa hoành giang” Thích Trường Phát, ông ấy đang ở đâu ạ?

Ông già nói:

– Lão chính là Thích Trường Phát đây. “Kiếm thuật danh gia” gì, đâu dám nhận. Ngài tìm tôi có việc gì?

Tráng sĩ trẻ kia quỳ lạy, nói:

– Vãn bối Bốc Viên, xin bái kiến Thích sư thúc. Vãn bối phụng mệnh gia sư đến tìm sư thúc.

Thích Trường Phát nói:

– Không dám! Không dám!

Rồi đưa tay đỡ chàng trai dậy, hai tay ngẩm vận nội kình. Bốc Viên cảm thấy nửa người tê dại, đỏ mặt lên, nói:

– Thích sư thúc thử vãn bối à, mới gặp đã làm vãn bối phải xấu hổ.

Thích Trường Phát cười nói:

– Nội công của cậu còn kém. Cậu là đệ tử thứ mấy của Vạn sư ca?

Bốc Viên lại đỏ mặt, nói:

– Vãn bối là đệ tử kém cỏi thứ năm của sư phụ. Sư phụ lão nhân gia thường vẫn khen Thích sư thúc nội công thâm hậu, sao lại đem vãn bối ra làm trò cười.

Thích Trường Phát ha ha cười lớn, nói:

– Vạn sư ca có khỏe không? Anh em ta mười mấy năm rồi không gặp nhau.

Bốc Viên nói:

– Nhờ hồng phúc của sư thúc, sư phụ vẫn khỏe. Hai vị sư ca sư tỷ này là cao đồ của sư thúc phải không? Kiếm pháp thật là cao minh!

Thích Trường Phát vẫy vẫy tay, nói:

– A Phương, A Phương, lại đây chào Bốc sư ca. Đây là Địch Vân, đồ đệ của lão. Còn đây là A Phương, con gái lão. Ầy, con gái nhà quê, chưa biết lễ nghi, đều là người nhà cả, ngại gì.

Thích Phương nấp sau lưng Địch Vân cũng không hành lễ, chỉ gật đầu cười cười. Địch Vân nói:

– Bốc sư huynh, kiếm pháp huynh luyện cũng một lộ với chúng tôi, phải không? Thảo nào mà thoạt nhìn đã nhận ra kiếm chiêu của sư muội.

Thích Trường Phát “phì” một tiếng, nhổ xuống đất một bãi đờm, nói:

– Sư phụ của ngươi và sư phụ của anh ấy là đồng môn, tất nhiên cùng học một lộ kiếm pháp, thế mà cũng phải hỏi?

Bốc Viên mở cái túi vải bên yên ngựa, lấy ra một cái bao, hai tay nâng lên, nói:

– Thích sư thúc, sư phụ nói một chút quà mọn, xin sư thúc nhận cho.

Thích Trường Phát cảm ơn, rồi bảo Thích Phương nhận lấy.

Thích Phương đem vào phòng, mở ra, thấy là một bộ áo hàng da dê lót đoạn gấm, một chiếc vòng tay bằng Hán ngọc, một chiếc mũ lông, một tấm mã quải bằng nỉ đen. Thích Phương bưng cả ra, cười hì hì, nói:

– Cha, cha, xưa nay cha chưa hề mặc bộ đồ đẹp thế này, nay mặc vào xem có còn giống ông già nhà quê nữa không nào? Chẳng phải là phát tài thăng quan sao?

Thích Trường Phát thoạt nhìn cũng ngẩn ra một lúc, rồi ngập ngừng nói:

– Vạn sư ca… cái này… hi hi… thật là…

Địch Vân đến đầu thôn mua ba cân rượu trắng. Thích Phương mổ một con gà mập, hái rau cải và rau muống vườn nhà, biện một mâm lớn, lại có một bát tương ớt ngâm giấm. Bốn người vây quanh mâm cùng ăn cơm.

Trong bữa cơm Thích Trường Phát hỏi ý định của Bốc Viên. Bốc Viên nói:

– Sư phụ nói đã hơn mười năm không gặp sư thúc, rất là nhớ, đã muốn đi Hồ Nam thăm. Có điều lão nhân gia ngày nào cũng phải luyện “Liên thành kiếm pháp”, không sao dứt ra mà đi được…

Thích Trường Phát bưng bát rượu đang kề môi sắp uống, nghe vậy liền dừng lại, vội hỏi:

– Cái gì? Sư phụ của cậu đang luyện “Liên thành kiếm pháp” à?

Bốc Viên đắc ý nói:

– Ngày mùng năm tháng trước, sư phụ đã luyện xong “Liên thảnh kiếm pháp” rồi.

Thích Trường Phát giật mình, đặt mạnh bát rượu xuống mâm, nửa bát rượu sánh ra, ướt cả mâm, vạt áo trước cũng ướt đẫm rượu. Lão ngẩn ra một lúc, đột nhiên ha ha cười lớn, vỗ mạnh vào vai Bốc Viên, nói:

– Mẹ kiếp, thằng nhóc này, sư phụ của cậu từ bé đã hay bốc phét. “Liên thành kiếm pháp” đến sư tổ của cậu cũng chưa luyện thành, trò chơi của sư phụ cậu cao minh đến mức nào? Chớ lừa sư thúc, uống đi, uống đi…

Nói rồi lão ngửa cổ, dốc tuột cả nửa bát rượu vào, tay trái lão vớ một quả ớt đỏ cắn ngang nhai rau ráu.

Bốc Viên nghiêm giọng:

– Sư phụ biết rõ là sư thúc không tin, ngày mười sáu tháng sau là ngày mừng thọ sư phụ năm mươi tuổi, mời sư thúc đem cả sư đệ và sư muội, cùng đến Kinh Châu xơi chén rượu nhạt. Sư phụ bảo vãn bối đến mời trước, thế nào cũng phải mời được sư thúc quang lâm. Sư phụ nói e rằng người luyện chưa được thuần thục, muốn cùng sư thúc trao đổi thêm. Sư phụ thường nói kiếm pháp của sư thúc rất cao cường. Anh em vãn bối được sư thúc chỉ điểm cho vải chiêu, chắc cũng tiến bộ nhiều.

Thích Trường Phát hỏi:

– Nhị sư thúc Ngôn Đạt Bình, đã được mời chưa?

Bốc Viên nói:

– Ngôn nhị sư thúc hành tung vô định, sư phụ đã sai ba vị nhị sư ca, tam sư ca, tứ sư ca đến tìm ở ba nơi Hà Sóc, Giang Nam và Vân Quý để tìm nhưng đều không tìm được. Thích sư thúc có nghe được tin tức gì của Ngôn nhị sư thúc không?

Thích Trường Phát than:

– Sư huynh đệ chúng ta có ba người, nhị sư ca võ công cao nhất. Nếu nói là nhị sư ca luyện được “Liên thành kiếm pháp” thì ta còn tin được ba phần. Còn sư phụ của cậu ấy ả? Hi hi, ta không tin, không tin!

Tay trái lão cầm vò rượu, rót đầy một bát, tay phải bưng bát rượu nhưng không uống, bỗng lớn tiếng:

– Được! Ngày mười sáu tháng sau, ta nhất định sẽ đến Kinh Châu chúc thọ sư phụ của cậu, xem xem ông ấy luyện “Liên thành kiếm pháp” thế nào.

Lão dằn mạnh bát rượu xuống bàn, lại nửa bát rượu tung tóe ra, lênh láng cả mặt bàn, vạt áo cũng đẫm rượu.

* * *

– Cha, cha bán Đại hoàng đi rồi thì năm sau ta lấy gì mà cày ruộng?

– Việc sang năm để sang năm hãy nói, lo xa làm gì?

– Cha, chúng ta ở đây chẳng phải là tốt rồi sao? Đến Kinh Châu làm gì? Để mừng sinh nhật Vạn sư bá mà bán con Đại hoàng làm lộ phí, con thấy thật không ổn.

– Cha đã nhận lời Bốc Viên rồi, nhất định phải đi. Đại trượng phu đã nói một lời, sao có thể thay đổi? Đưa con với A Vân đến thành Kinh Châu cho mở mang tầm mắt, chớ có cả đời làm kẻ quê mùa.

– Làm người nhà quê thì có gì là không tốt. Con chẳng cần đến Kinh Châu. Đại hoàng là do con nuôi từ nhỏ. Con dắt nó đi ăn cỏ, dắt nó về nhà… Cha xem Đại hoàng đang chảy nước mắt kìa, nó không chịu đi.

– Cô ngốc ơi! Bò là súc sinh, biết gì? Mau buông tay ra.

– Con không buông. Người ta mua Đại hoàng để mổ thịt, con không thể buông được.

– Đâu có mổ thịt, người ta mua để cày ruộng.

– Hôm qua lão đồ tể họ Vương đến nói gì với cha? Nhất định là mua đại hoàng để mổ thịt. Cha lừa con, cha lừa con. Cha xem Đại hoàng chảy nước mắt. Đại hoàng, Đại hoàng, tao không bỏ mày được. Anh Vân, anh Vân! Lại đây mau, cha muốn bán Đại hoàng.

– A Phương, cha cũng không muốn xa Đại hoàng. Nhưng chúng ta tay không đến mừng sinh nhật sao được. Chúng ta mặc ba bộ đồ rách rưới này, người ta sẽ khinh cho.

– Chẳng phải là Vạn sư bá mới tặng cha một bộ đồ mới sao? Mặc vào trông oai vệ ra phết.

– Ầ y, trời nóng thế này làm sao mặc được áo da? Hơn nữa, sư bá của con khoe là đã luyện được “Liên thành kiếm pháp”, cha không tin, phải xem tận mắt mới được. Con gái ngoan, buông tay ra nào.

– Đại hoàng, người ta định mổ mày, mày húc cho họ ngã chổng kềnh rồi chạy về đây. Không! Người ta sẽ đuổi tới đây, mày phải trốn đi thật xa, trốn lên núi ấy.

* * *

Nửa tháng sau, Thích Trường Phát dẫn đồ đệ là Địch Vân và con gái là Thích Phương đến Kinh Châu. Ba người đều mặc áo mới, đến thành lớn lần đầu, lạ nước lạ cái họ đều có chút sợ hãi, không biết để chân tay vào đâu. Hỏi đường đến nhà “Ngũ Vân Thủ” Vạn Chấn Sơn người ta đều nói:

– Nhà của Vạn lão anh hùng mà còn phải hỏi à? Ngôi nhà lớn nhất ở đằng kia kìa.

Địch Vân và Thích Phương đến trước ngôi nhà lớn của họ Vạn, thấy tường cao cổng sơn đỏ, treo đèn kết hoa rực rỡ, trong lòng thầm lo âu. Thích Phương nắm chặt tay áo phụ thân. Thích Trường Phát đang định hỏi người gác cổng, bỗng thấy Bốc Viên từ trong cổng bước ra, lão vui vẻ gọi:

– Bốc hiền điệt, ta đến đây.

Bốc Viên vội ra đón, vui mừng nói:

– Thích sư thúc đến rồi. Chào Địch sư đệ, chào sư muội. Sư phụ đang nhớ sư thúc đấy, mấy hôm nay cứ nhắc: “Thích sư đệ sao chưa thấy tới?”. Mời sư thúc vào!

Ba người bước vào cổng, đàn sáo tưng bừng tấu khúc đón khách. Có tiếng khóa đồng vang lên, Địch Vân giật mình.

Trên đại sảnh một ông già cao lớn đang ân cần tiếp khách. Thích Trường Phát gọi:

– Đại sư ca, đệ đến đây!

Ông già hơi ngẩn ra, tựa như không nhận ra, đứng lặng một lúc mới dang cả hai tay bước tới, cười ha ha:

– Lão tam, đệ già đi nhiều quá, huynh suýt không nhận ra đệ đấy!

Hai anh em đang định cầm tay chuyện trò, bỗng một luồng hơi thối nồng nặc, tiếp theo lả một âm thanh như lệnh vỡ hét lên:

– Vạn Chấn Sơn, mười năm trước ngươi thiếu ta một món nợ, hôm nay hãy trả đây!

Thích Trường Phát ngoái đầu nhìn, chỉ thấy trước sảnh một người bưng một chiếc thùng gỗ, hai tay giơ lên, một thùng đầy cứt đái tạt tới lão và Vạn Chấn Sơn.

Thích Trường Phát thấy con gái vả đồ đệ đứng sau lưng mình, nếu nghiêng mình tránh thì cả thùng phân ấy sẽ tạt hết vào con gái. Lão ứng biến cực nhanh, hai tay nắm lấy trường bào, vận kình cởi phắt ra. Phựt phựt phựt phựt tiếng cúc áo đứt, tay trái lão nắm tấm áo ném ra, nội kình làm chiếc áo phồng lên như cánh buồm hứng trọn cả thùng nước phân, lão thuận tay đẩy ra một nhát, tấm trường bào với toàn bộ cứt đái bay tới trước người mới đến.

Người kia vội ném cái thùng nhảy sang một bên, cả thùng phân và trường bào đều rơi xuống đất, mùi thối nồng nặc cả đại sảnh.

Chì thấy người kia mặt xồm xoàm đầy râu, thân hình cao lớn, đứng đó oai phong lẫm lẫm, ha ha cười lớn:

– Vạn Chấn Sơn, ta ngàn dặm xa xôi đến mừng thọ, tặng ngươi vạn lạng hoàng kim, mừng ngươi vàng ngọc đầy nhà!

Tám đệ tử của Vạn Chấn Sơn thấy người kia đến phá đám, làm cho cả đại sảnh đèn hoa rực rỡ bị ô uế, ai cũng giận dữ. Cả tám người đều xông tới, định tóm lấy y đánh chết. Vạn Chấn Sơn hét lên:

– Đứng im cả cho ta!

Tám đệ tử lập tức dừng lại.

Đệ tử thứ hai là Chu Kỳ lớn tiếng chửi:

– Mẹ mày, mày là cái quái gì? Hôm nay là ngày mừng thọ Vạn lão gia mày lại đến phá đám, đồ thối tha nhà ngươi không biết “Ngũ vân thủ” Vạn lão gia lợi hại thế nào ư?

Vạn Chán Sơn đã nhận ra lai lịch của kẻ râu quai nón kia, nói:

– Ta tưởng là ai, hóa ra là Lữ đại trại chủ ở Thái Hàng Sơn. Lữ đại trại chủ mấy năm nay phát đại tài, trong nhà vạn lạng hoàng kim tiêu không hết, còn dắt theo nhiều vậy.

Tân khách nghe bảy chữ “Lữ đại trại chủ Thái Hàng Sơn”, ghé tai nhau nghị luận:

– Hóa ra là Lữ Thông ở Thái Hàng Sơn, không rõ y có oán thù gì với Vạn lão gia.

– Cái lão Lữ Thông nảy là nhân vật cực kỳ lợi hại trong hắc đạo năm tỉnh miền Bắc, một tay Lục hợp đao lục hợp chưởng, nổi tiếng khắp nam bắc sông Hoàng Hà.

– Người tốt không đến, người đến không tốt! Hôm nay lại một phen náo nhiệt.

Lữ Thông cười nhạt:

– Mười năm trước em trai ta gây án ở phủ Thái Nguyên, có kẻ đã mật báo, phá mất mối làm ăn của bọn ta. Điều ấy không quan trọng lắm, nhưng liên lụy đến em ta là Lữ Uy bị bọn ưng trảo bắt được, chết phi mệnh. Mãi đến ba năm trước mới dò ra được tên cẩu tặc Vạn Chấn Sơn nhà người cáo mật. Việc ấy ngươi bảo phải thanh toán sao đây?

Vạn Chấn Sơn nói:

– Không sai, đó là do Vạn Chấn Sơn ta mật báo. Đã ăn chén cơm giang hồ, có mất vốn cũng chẳng sao, nhưng gã Lữ Uy em trai ngươi lại cưỡng gian con gái nhỏ của người ta, giết cả bốn mạng người. Những điều thương thiên hại lý ấy, họ Vạn ta chứng kiến lẽ nào lại có thể làm ngơ.

Mọi người nghe thế đều thét lên:

– Việc đại ác như thế mà dám làm, thật không biết nhục!

– Thằng giặc này, trói nó lại mà giải lên quan.

– Thằng kẻ cướp nảy, lại còn dám đến Giang Lăng gây rối!

Lữ Thông bỗng lao như tên bắn, từ giữa sân vào trước sảnh, nhằm cây cột chống mái hiên phạt ngang cánh tay. Đánh liền mấy nhát, nghe “rắc” một tiếng, cột chống gãy lìa, ngói trên nhà ào ào rơi xuống, trước sảnh trên sân bụi bay mù mịt. Nhiều người vội chạy ra ngoài sảnh. Mọi người thấy y thi triển “Thiết tý công”, ai cũng rợn gáy, đều nghĩ “Nếu bị cánh tay y phạt ngang người thì còn đâu tính mạng?”

Lữ Thông xoay người nhảy ra sân hét lớn:

– Vạn Chấn Sơn, nếu ngươi thực thi hiệp nghĩa đạo thì phải đứng ra dẹp bất bình, ta chắc phải phục ngươi là hảo hán. Sao ngươi lại lén lén lút lút mật báo với quan phủ? Vì sao lại nuốt sáu ngàn lạng bạc sắp đến tay anh em ta? Mẹ kiếp, ngươi thật ti bỉ vô sỉ! Ta nay phải liều sống chết với ngươi!

Vạn Chấn Sơn cười nhạt, nói:

– Lữ đại trại chủ, mười năm không gặp, công phu của ngươi quả đã tiến xa, đáng tiếc là bọn người như ngươi võ công càng cao hại người càng nhiều. Họ Vạn ta tuy đã già, cũng phải lĩnh giáo một phen.

Nói rồi Vạn Chấn Sơn chậm rãi bước ra.

Bỗng từ trong đám đông một chàng trai trẻ mày thô mắt lớn nhảy vọt ra, không nói một lời, vung hai tay đã khóa chặt hai cánh tay của Lữ Thông, lớn tiếng quát:

– Ngươi làm bẩn mất bộ áo mới của sư phụ ta, mau đền đi!

Chính là Địch Vân, đệ tử của Thích Trường Phát.

Hai cánh tay của Lữ Thông chấn động, muốn đẩy Địch Vân ra, không ngờ hai cánh tay bị Địch Vân giữ chắc cứng, không cách gì thoát khỏi. “Thiết tý công” của Lữ Thông phải phạt ngang chém dọc mới phát huy được uy lực, nào ngờ vì không đề phòng mà bị chàng trai khóa chặt, không sử được kình lực. Hắn cả giận thúc đầu gối vào bụng dưới của Địch Vân, hét lên:

– Mau buông ra!

Địch Vân bị đau, tay hơi lỏng ra. Lữ Thông dùng một chiêu “Phong vân sạ khởi”, giãy ra khỏi hai tay Địch Vân, đánh ra một quyền, chính là chiêu “Ô long thám hải” trong “Lục hợp quyền”.

Địch Vân vội lùi lại, quát:

– Ta không đánh nhau với ngươi. Bộ áo mới này sư phụ ta may mất ba lạng bạc, chúng ta phải bán một con bò mộng mới may được ba bộ y phục, hôm nay mới mặc lần đầu…

Lữ Thông tức giận nói:

– Thằng nhóc láo toét, nói lăng nhăng cái gì vậy?

Địch Vân xông lên ba bước, quát:

– Ngươi mau đền đi!

Cậu ta là con nhà nông, rất tiếc của, thấy sư phụ phải bán con bò quý giá may được ba bộ quần áo mới, mới mặc lần đầu đã bị người ta làm bẩn, sao cho khỏi tiếc nuối? Địch Vân cũng chẳng thèm biết Lữ Thông với Vạn Chấn Sơn có ân oán giang hồ gì, chỉ biết bộ áo mới của sư phụ kẻ kia không đền không được.

Vạn Chấn Sơn nói:

– Địch hiền điệt lui ra, áo của sư phụ ngươi để ta đền cho.

Địch Vân nói:

– Y phải đền, để y đi rồi bác lại không chịu đền thì hỏng.

Vừa nói, Địch Vân vừa nắm lấy áo Lữ Thông.

Lữ Thông lắc người tránh, thoi ra một đấm, trúng giữa ngực Địch Vân, Địch Vân loạng choạng suýt ngã. Vạn Chấn Sơn quát lên:

– Địch hiền điệt, lui ra!

Lữ Thông cười nói:

– Ta đánh thằng nhóc hỗn láo này cái đã.

Địch Vân nói:

– Ta cũng đánh ngươi!

Rồi hơi rùn người, chưởng trái lia xéo, chưởng phải cũng theo đà phóng ra. Lữ Thông sử chiêu “Đả hổ thức”, chân trái hơi khuỵu xuống, quyền bên phải đấm mạnh ra.

Hai người quần thảo, loáng cái đã chiết hơn mười chiêu. Địch Vân từ nhỏ đã luyện võ với Thích Trường Phát, cùng sư muội Thích Phương quá chiêu đấu kiếm chưa hề nghỉ một ngày. Lữ Thông tuy là đại đạo ở đất Tấn (Sơn Tây), là nhân vật đã thành danh trong hắc đạo, nhưng nhất thời cũng chưa đánh ngã được cậu ta. Mấy lần Lữ Thông sử “Thiết tý công”, Địch Vân đều khéo léo tránh được. Lữ Thông hai lần đánh trúng vai Địch Vân nhưng cậu ta thân hình lực lưỡng nên cũng không bị thương.

Lại qua mấy chiêu nữa, Lữ Thông sốt ruột, quyền pháp đột nhiên thay đồi, từ “Lục hợp quyền” biến thành “Xích khảo liên quyền”. Bộ quyền pháp này cũng là một lộ trong “Lục hợp quyền”, có điều xen cả hầu quyền, chú ý nhiều thế – ôm, đánh, bao, đạp, quét… lại thêm các thức “mèo vồ”, “chó đớp”, “thỏ lăn”, “ưng lật”, “diều nghiêng cánh”… trong thức lại có thức, biến ảo đa đoan. Địch Vân chưa hề thấy lộ quyền pháp này, phát hoảng, chân trái lại bị Lữ Thông đá cho hai cú.

Vạn Chấn Sơn thấy Địch Vân không phải là đối thủ, lại quát:

– Địch hiền điệt, lui ra, ngươi đánh không lại y đâu!

Địch Vân kêu lên:

– Đánh không lại cũng phải đánh.

“Bình” một tiếng, ngực lại bị Lữ Thông đấm trúng một quyền.

Thích Phương đứng ở bên cạnh nhìn, lo cho sư ca, lúc này không nhịn được cũng kêu lên:

– Sư ca, đừng đánh nữa, để Vạn sư bá đánh y.

Nhưng hai tay Địch Vân vẫn liên tiếp chém ngang phạt dọc, lăn xả đến liều mạng, không ngớt quát tháo:

– Ta không sợ ngươi, ta không sợ ngươi.

“Bình” một tiếng, mũi lại bị trúng một quyền, máu chảy đầm đìa.

Vạn Chấn Sơn cau mày quay sang nói với Thích Trường Phát:

– Sư đệ, nó không nghe lời ta, đệ bảo nó lui ra đi.

Thích Trường Phát hừm một tiếng, nói:

– Cho nó nếm một chút đau khổ, để rồi đệ đấu với tên kẻ cướp nảy.

Đúng lúc ấy, một lão ăn mày đầu bù mặt mốc từ ngoài cổng đi vào, tay trái cầm bát mẻ, tay phải chống gậy tre, cất giọng khàn khàn nói:

– Lão gia hôm nay có hỉ sự, xin thí cho lão một chén cơm nguội.

Mọi người đều đang chăm chú nhìn Lữ Thông đấu với Địch Vân, chẳng ai để ý đến lão. Lão ăn mày rên rỉ:

– Chao ôi, đói chết mất, đói chết mất.

Bỗng chân trái lão giẫm phải đám cứt đái, trượt chân một cái, ngã xoài xuống, kêu to lên:

– Úi chà, ngã chết mất!

Cái bát mẻ và cái gậy trúc trong tay đồng thời văng ra. Kể cũng vừa khéo, cái bát mẻ lại văng trúng huyệt chí đường sau lưng Lữ Thông, cái gậy tre văng trúng huyệt khúc tuyền trên khoeo chân y.

Đầu gối Lữ Thông chợt mềm ra, chân trái quỵ xuống, đồng thời toàn thân tê dại. Song quyền của Địch Vân cùng phóng ra, “bình bình” hai tiếng, đánh bay cả cái thân hình to lớn của Lữ Thông, bốp một tiếng, nước thối bắn tung tóe, y rơi vào giữa đống cứt đái mà y vừa đem tới.

Biến cố này không ai tưởng tượng nổi, chỉ thấy Lữ Thông bò lê bò càng ôm đầu chạy ra. Tân khách ha ha cười lớn, cùng reo hò: “Bắt lấy hắn, bắt lấy hắn”; “Đừng để thằng giặc ấy chạy thoát”…

Địch Vân hét lớn:

– Đền áo cho sư phụ ta.

Rồi định đuổi theo. Bỗng cậu ta cảm thấy vai trái bị nắm chặt, không nhúc nhích được, nghiêng đầu nhìn, chính là sư phụ.

Thích Trường Phát nói:

– Ngươi ăn may mà thắng được, còn đuổi cái gì?

Thích Phương rút chiếc khăn tay, lau máu tươi trên mặt cho Địch Vân.

Địch Vân cúi đầu, chỉ thấy bộ áo mới của mình bê bết máu tươi, không nén được xót ruột, nói:

– Hỏng bét, hỏng bét! Bộ… bộ áo mới của huynh cũng bị bẩn cả rồi.

Chỉ thấy lão hành khất lụ khụ bước ra cổng, miệng lẩm bẩm:

– Cơm chẳng xin được, lại mất cả cái bát.

Địch Vân biết mình thắng được toàn là nhờ vào cú ngã khéo đúng lúc của lão ăn mày, cậu ta rút từ trong túi ra hai chục đồng tiền mà sư phụ cho để tiêu vặt khi lên tỉnh, đuổi theo dúi vào tay ông lão. Lão ăn mày rối rít cảm ơn:

– Đa tạ! Đa tạ!

* * *

Tối hôm ấy Vạn Chấn Sơn mở đại tiệc khoản đãi tân khách, ông ta là một đại thân sĩ ở Kinh Châu, trong thọ đường treo hai bức trướng chúc thọ của tri phủ Kinh Châu và tri huyện Giang Lăng, chữ vàng lấp lánh, rất đỗi huy hoàng.

Trên tiệc mọi người râm ran bàn luận về chuyện mới xảy ra, ai cũng nói Địch Vân thật may mắn, rõ ràng là không địch nổi Lữ Thông, vừa khéo cú ngã của lão ăn mày khiến Lữ Thông rối loạn tâm thần. Mọi người cũng không ngớt khen ngợi Địch Vân còn nhỏ tuổi mà can đảm, đấu mấy chục chiêu với nhân vật nổi danh của hắc đạo, quả thật là không dễ. Tất nhiên cũng có người nói rằng đó là do hồng phúc của thọ tinh, nếu không sao lại khéo tình cờ lão ăn mày ngã xoài lại đẩy lui được cường địch, nếu là Vạn Chấn Sơn ra tay đương nhiên là chỉ cần vài chiêu là đã tống cổ được tên ác khách, nhưng phải để thọ tinh hạ cố mới thật là thú vị.

Khách khứa tán tụng Địch Vân khiến cho tám đệ tử của Vạn Chấn Sơn đều bực bội. Lữ Thông đến là để phá rối tiệc mừng thọ của Vạn Chấn Sơn, thế mà đệ tử của họ Vạn không ra tay, lại để cho chú học trò nhà quê của sư thúc xông ra đánh lui kẻ địch. Cả tám đệ tử đều tức giận nhưng trước mặt tân khách không tiện phát tác.

Sau khi Vạn Chấn Sơn tự mình đi mời rượu, đại đệ tử Lỗ Khôn, nhị đệ tử Chu Kỳ, tam đệ tử Vạn Khuê, tứ đệ tử Tôn Quân, ngũ đệ tử Bốc Viên, lục đệ tử Ngô Khảm, thất đệ tử Phùng Thản, bát đệ tử Thẩm Thành lần lượt đi mời rượu các bàn. Tám đệ tử của Vạn môn đều đặt tên có bộ thổ.

Trong đó tam đệ tử Vạn Khuê chính là con trai một của Vạn Chấn Sơn. Anh chàng này dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt thanh tú, tuấn mỹ tiêu sái, giống như một công tử nhà giàu, không thô tháp ngang tàng như đại sư huynh Lỗ Khôn, nhị sư huynh Chu Kỳ.

Tám người mời rượu các vị cử nhân, tú tài, các bậc tôn trưởng trong võ lâm, mời sư thúc Thích Trường Phát rồi đến mời rượu Địch Vân.

Vạn Khuê nói:

– Hôm nay Địch sư huynh giữ được thể diện của gia phụ, tám anh em sư huynh đệ chúng tôi, mỗi người không mời Địch sư huynh một chung lớn không được.

Địch Vân xưa nay không hề uống rượu, xua cả hai tay nói:

– Tôi không biết uống, tôi không biết uống.

Vạn Khuê nói:

– Hôm nay gia phụ ba lần gọi, bảo Địch sư huynh lui ra, Địch sư huynh không thèm để ý, coi lời gia phụ như gió thoảng. Bây giờ chúng tôi mời rượu, Địch sư huynh lại không chịu uống, vậy thì coi rẻ nhà họ Vạn chúng tôi quá.

Địch Vân ngạc nhiên nói:

– Tôi… tôi không có…

Thích Trường Phát cảm thấy lời của Vạn Khuê thật khó nghe, nghiêm giọng nói:

– Vân nhi, con uống đi.

Địch Vân nói:

– Con… Con… Con không biết uống rượu mà.

Thích Trường Phát gằn giọng:

– Uống!

Địch Vân chẳng còn cách nào đành phải uống với mỗi người một chung, liên tiếp uống luôn tám chung, lập tức mặt đỏ bừng lên, hai tai lùng bùng, đầu óc quay cuồng.

Đến tối, Địch Vân lên giường, đầu óc mơ hồ, cảm thấy những chỗ bị Lữ Thông tay đấm chân đạp ở trên ngực, trên vai, trên chân đều đau đớn, nóng ran. Ngủ đến nửa đêm, trong mơ mảng nghe thấy có tiếng ai đó gõ vào cửa sổ, có người gọi không ngớt:

– Địch sư huynh, Địch Vân, Địch Vân!

Địch Vân giật mình, tỉnh dậy, hỏi:

– Ai vậy?

Người ở ngoài cửa sổ nói:

– Tiểu đệ Vạn Khuê đây, có việc muốn bàn, mời Địch sư huynh ra đây.

Địch Vân ngẩn ra chốc lát, xuống giường, mặc áo đi giày, đẩy cửa sồ. Chỉ thấy bên ngoài tám người dàn hàng chữ nhất, trong tay mỗi người đều lăm lăm trường kiếm, thì ra là tám đệ tử Vạn môn.

Địch Vân lấy làm lạ, hỏi:

– Gọi tôi có việc gì vậy?

Vạn Khuê nói:

– Chúng tôi muốn lĩnh giáo kiếm chiêu của Địch sư huynh.

Địch Vân lắc đầu nói:

– Sư phụ đã dặn không được tỉ thí võ nghệ với các sư huynh đệ tử của Vạn sư bá.

Vạn Khuê cười nhạt, nói:

– Hóa ra Thích sư thúc cũng sáng suốt tự biết mình.

Địch Vân nổi giận:

– Thế nào là sáng suốt tự biết mình?

Đột nhiên nghe sột sột sột ba tiếng, cách cửa sổ Vạn Khuê đâm liền ba nhát kiếm, mũi kiếm đều sượt qua bên má Địch Vân. Địch Vân cảm thấy hai bên má lạnh ngắt, giật mình vội vàng lùi lại, chân trái giẫm phải cái ghế, loạng choạng, thật là bê bối, tám đệ tử họ Vạn cười ồ lên.

Địch Vân cả giận, xoay người rút thanh trường kiếm dưới gối ra, nhảy ra ngoài cửa sổ, thấy tám đệ tử Vạn môn người nào vẻ mặt cũng rất dữ tợn không nén được thầm kêu khổ, tuy giận nhưng nhớ lời sư phụ dặn đi dặn lại muôn vạn lần không được bất hòa với đệ tử của Vạn sư bá, nên chỉ hỏi:

– Các người muốn gì?

Vạn Khuê đâm hờ một nhát, trường kiếm kêu vo vo, y nói:

– Địch sư huynh, hôm nay huynh ra oai, coi Vạn gia chúng tôi như chết cả rồi, phải không? Hay là cho rằng trong nhà họ Vạn này không ai địch nổi huynh?

Địch Vân lắc đầu nói:

– Người kia làm bẩn áo sư phụ tôi, tất nhiên phải bắt đền y, can hệ gì đến huynh?

Vạn Khuê cười nhạt, nói:

– Trước mặt tân khách huynh hiển lộ thân thù, nở nang mày mặt, bôi tro trát trấu vào mặt bọn này. Chưa nói trên chốn giang hồ, ngay trên đất Kinh Châu này huynh đệ bọn ta cũng không còn chỗ đứng nữa. Những điều huynh làm hôm nay chẳng phải là quá đáng sao?

Địch Vân ngạc nhiên nói:

– Tôi… tôi không biết điều ấy.

Đại đệ tử Lỗ Khôn nói:

– Tam sư đệ, thằng này dấm dớ, nói với nó làm gì, ra tay thôi.

Trường kiếm của Vạn Khuê vung ra, chĩa vào vai trái Địch Vân. Địch Vân biết đây chỉ là hư chiêu, thân hình bất động, cũng không đưa kiếm đón đỡ.

Vạn Khuê thu kiếm về, bị Địch Vân đoán được kiếm chiêu, càng tức giận nói:

– Được lắm, ngươi không thèm động thủ!

Địch Vân nói:

– Sư phụ đã dặn không được tỉ thí với người nhà của Vạn sư bá.

Đột nhiên soạt một tiếng, trường kiếm của Vạn Khuê đâm tới, xẻ một đường trên tay áo bên phải Địch Vân. Địch Vân rất quý tấm áo mới này, nay vô cớ bị y làm rách, không thể nhịn được nữa, hét lên:

– Ngươi làm rách áo ta, ngươi phải đền.

Vạn Khuê lạnh lùng cười nhạt, lại vung kiếm đâm vào tay áo bên trái. Địch Vân tạt xiên lưỡi kiếm gạt đi, choang một tiếng, chặn đứng thế kiếm, thừa thế đánh lại. Hai người ra tay, càng đấu ra chiêu càng nhanh. Kiếm pháp của hai người thuộc một phái, đấu đến hơn mười chiêu, Địch Vân hăng máu, mỗi nhát đều tấn công vào chỗ hiểm yếu trên người Vạn Khuê.

Chu Kỳ kêu lên:

– Hây, thằng nhãi này muốn lấy mạng người ta thật sao? Tam sư đệ, không cần phải thủ hạ dung tình nữa.

Địch Vân giật mình, thầm nghĩ: “Nếu mình lỡ tay làm y bị thương thì hỏng bét”, thế công bèn chậm lại. Vạn Khuê lại cho rằng kiếm pháp của Địch Vân không bằng y, kiếm chiếu ra miên miên bất tuyệt, thế kiếm thật lả ghê gớm. Địch Vân liên tiếp lùi lại, kêu lên:

– Ta không đánh thật lực, sao ngươi lại làm thế?

Vạn Khuê nói:

– Làm cái gì à? Phải khoét mấy lỗ qua người mi!

Lưỡi kiếm đâm thẳng tới trước ngực Địch Vân. Địch Vân né mình sang trái, nhìn thấy vai Vạn Khuê có chỗ sơ hở, trường kiếm liền lia sang, đường kiếm này nếu chém thẳng vai của Vạn Khuê chắc sẽ bị trọng thương, Địch Vân lật cổ tay một cái, lưỡi kiếm sượt qua, gõ bốp lên vai Vạn Khuê.

Địch Vân cho rằng như thế là đã phân thắng bại, Vạn Khuê sẽ biết điều mà rút lui. Ngày thường cậu ta đấu kiếm với sư muội, đến mức này thì dừng tay. Không ngờ khuôn mặt tuấn tú của Vạn Khuê đỏ bừng lên, lại vung kiếm đâm thẳng tới. Địch Vân thảng thốt không kịp đề phòng, chân trái đau nhói lên, dĩ nhiên là đã bị trúng kiếm.

Lỗ Khôn, Chu Kỳ vỗ tay hoan hô, hét lên:

– Thằng nhãi kia, nằm xuống!

– Nhận thua thì tha cho!

– Thích sư thúc dạy thằng học trò nhà quê này chẳng qua chỉ mấy chiêu mèo què.

Khi chân bị trúng kiếm, Địch Vân đã nổi giận, nghe bọn kia sỉ nhục sư phụ càng giận sôi lên, nghiến răng, trường kiếm tấn công như mưa sa gió quét. Vạn Khuê thấy đối phương như con cọp điên, y có ý sợ. Y từ nhỏ đã được cưng chiều, kiếm pháp tuy luyện khá tinh thục nhưng lối ác đấu liều mạng này xưa nay chưa từng trải qua, trong sợ hãi đường kiếm càng tán loạn.

Bốc Viên thấy tam sư huynh sắp thua, nhặt một viên gạch, ra sức ném vào hậu tâm Địch Vân.

Địch Vân đang để hết tinh thần vào cuộc đấu với Vạn Khuê, đột nhiên cảm thấy sau lưng đau nhói, bị viên gạch ném trúng. Địch Vân ngoái đầu chửi:

– Không biết xấu, hai đánh một ả?

Bốc Viên nói:

– Cái gì? Ngươi nói gì?

Địch Vân nghĩ bụng: “Hôm nay tám đứa chúng mày cùng xông vào, ta cũng không để sư phụ mất mặt”. Bèn không thèm để ý đến cái đau đớn trên chân trên lưng nữa, lưỡi kiếm tới tấp đâm tới Vạn Khuê. Lúc này kiếm chiêu của Địch Vân đã không còn chương pháp gì nữa, lộ ra rất nhiều sơ hở. Chỗ sơ hở tuy nhiều nhưng khí thế quá thịnh, Vạn Khuê cuống quýt chống đỡ, không dám tấn công.

Bốc Viên đưa mắt cho sư đệ thứ sáu là Ngô Khảm, nói:

– Tam sư huynh kiếm pháp cao minh, thằng nhãi này chống đỡ không nổi, nếu làm mất mạng hắn, chúng ta khó nhìn mặt Thích sư thúc lắm, mình nên can họ ra.

Ngô Khảm hiểu ý, gật đầu nói:

– Đúng đấy, anh em ta phải chú ý, đừng để tam sư huynh lỡ tay giết người.

Hai tên, một trái một phải, hai kiếm vun vút đâm vào hai bên sườn Địch Vân.

Kiếm pháp của Địch Vân vốn cũng không cao minh hơn Vạn Khuê bao nhiêu, toàn nhờ vào khí thế tấn công mãnh liệt mới chiếm được thượng phong. Bốc Viên và Ngô Khảm xông vào giáp công, một chọi ba, lập tức chân tay luống cuống, soạt một tiếng, chân trái lại trúng kiếm, vết thương khá nặng, đứng không vững nữa, ngã ngồi xuống, tuy kiếm chưa rơi mất nhưng không chống đỡ nổi kiếm chiêu của ba tên kia đâm tới. Lỗ Khôn cười nhạt một tiếng, co chân phải đá ra, trúng luôn cổ tay Địch Vân, trường kiếm bay mất, rơi vào trong bụi cây. Trường kiếm của Vạn Khuê đâm thẳng tới, mũi kiếm dí vào yết hầu Địch Vân. Bốc Viên và Ngô Khảm ha ha cười rộ, nhảy lui.

Vạn Khuê cười đắc ý:

– Thằng nhà quê, phục chưa?

Địch Vân thét lên:

– Phục cái rắm gì, các ngươi bốn người đánh một mình ta, sao gọi là hảo hán?

Mũi kiếm của Vạn Khuê nhích tới một chút, đâm vào yết hầu Địch Vân mấy phân. Y hét lên:

– Ngươi còn dám già mồm! Ta đẩy thêm chút nữa thì đứt cuống họng.

Địch Vân chửi:

– Ngươi mạnh tay vào, ngươi có gan thì cắt đứt cuống họng ta đi. Không dám mạnh tay là con rùa đen.

Mắt Vạn Khuê lộ hung quang, chân trái phóng ra, đá mạnh vào bụng Địch Vân, chửi:

– Thằng giặc thối tha này, còn già mồm nữa hả?

Cú đá này khiến lục phủ ngũ tạng Địch Vân như xoắn lại, suýt rên lên nhưng vẫn cắn răng nén lại, chửi:

– Đồ con hoang thối tha.

Vạn Khuê lại dộng thêm một đá vào giữa mặt Địch Vân.

Địch Vân thấy hai mắt nảy đom đóm, cơ hồ ngất xỉu, muốn chửi nữa nhưng không ra tiếng.

Vạn Khuê cười nhạt, nói:

– Hôm nay tạm tha cho ngươi. Ngươi mau đến khóc khóc mếu mếu nói với sư phụ và sư muội là bọn ta người nhiều thế mạnh đánh ngươi! Cái bọc mủ nhà ngươi khóc mếu cũng hay đấy.

Địch Vân tức giận nói:

– Khóc mếu cái gì? Đại trượng phu báo thù, chỉ tự mình ra tay.

Vạn Khuê đang đợi cậu ta nói ra câu này, càng khích thêm:

– Ta đánh dấu thêm vào mặt ngươi, để sư phụ ngươi phải mở mồm ra hỏi.

Nói rồi Vạn Khuê lại đá mạnh vào mắt trái, má phải của Địch Vân. Nửa mặt Địch Vân lập tức sưng vù lên, nước mắt chảy giàn giụa.

Bốc Viên vỗ tay cười:

– Hi hi, đại trượng phu khóc nhè, anh hùng biến thành cẩu hùng rồi!

Địch Vân giận muốn vỡ tung cổ họng nghĩ bụng “khi đến nhà sư phụ ta, ta đón tiếp ngươi thật tử tế, mua rượu mổ gả, mà bây giờ ngươi hại ta đến thế nảy…”

Vạn Khuê nói:

– Ngươi đánh không lại ta, cứ đến mách với cha ta cũng không sao, để cha ta trách phạt ta. Thế này này… hu hu, Vạn sư bá, tám đệ tử của bác đánh cho cháu phải bò xuống đất xin tha. Hu hu hu, Vạn sư bá, bác không chủ trì công đạo sao?

Địch Vân nói:

– Đồ hèn như ngươi mới mách lẻo với người lớn!

Vạn Khuê, Lỗ Khôn và Bốc Viên nhìn nhau cười, nghĩ bụng hôm nay đã trút được bực dọc, bèn tra kiếm vào vỏ, nói:

– Thẳng nhóc khá! Mày có gan thì ngày mai đánh nữa, chúng ông sẽ chiều mày!

Tám tên hi hi ha ha cười bỏ đi.

* * *

Địch Vân nhìn theo bóng tám tên kia, lòng vừa tức giận, vừa không hiểu, thầm nghĩ: “Mình chẳng có gì không phải với chúng cũng không hề có lỗi gì với sư bá, sao chúng lại vô duyên vô cớ đánh mình? Lẽ nào người thành phố đều vô lý như thế?” Địch Vân gượng đứng dậy, đầu óc choáng váng, lại ngã ngồi xuống.

Bỗng nghe sau lưng có tiếng than thở:

– Ôi, đánh không nổi người ta thì phải dập đầu xin tha, chứ ngồi ì ra đó sao?

Địch Vân tức giận nói:

– Thà bị đánh chết cũng không cúi đầu!

Ngoảnh đầu lại thấy một người lụ khụ lê giày, lom khom đi đến. Chỉ thấy ông ta đầu bù tóc rối, hóa ra là lão ăn mày.

Lão ăn mày nói:

– Ầy, già rồi, lưng bị phong đau quá thể. Anh bạn nhỏ, đấm lưng giùm lão với.

Địch Vân đang tức tối, hừm một tiếng, không thèm để ý đến lão. Lão ăn mày than:

– Ai bảo mình không con không cháu, đến già chẳng có người thân chàm sóc. Ôi chao! Ôi chao!…

Lão chống thanh gậy tre chậm rãi bước đi.

Địch Vân nhìn theo, thấy lưng lão run rẩy. Mình mới bị người ta đánh cho một trận, bất giác Địch Vân nảy lòng thương xót, gọi:

– Ê, tôi còn có mấy chục đồng tiền, lão cầm lấy mua cái gì mà ăn.

Lão ăn mày chậm rãi quay lại, nhận mấy chục đồng tiền, nói:

– Lưng ta bị phong thấp đau không chịu nổi, cháu đấm giúp ta một chút!

Địch Vân nói:

– Được, để tôi băng vết thương trên chân cái đã.

Lão ăn mày nói:

– Cậu chỉ chú ý đến mình, không để ý đến người khác, sao gọi là anh hùng hảo hán?

Địch Vân bị khích, liền nói:

– Được! Tôi đấm lưng cho lão!

Cậu ta ngồi xuống đất, đấm lưng cho lão già. Mới đấm được vài nhát, lão ăn mày nói:

– Thích quá, thoải mái quá, đấm mạnh hơn một chút nữa đi!

Địch Vân mạnh tay hơn. Lão lại nói:

– Đáng tiếc là quá nhẹ.

Địch Vân lại mạnh tay hơn. Lão lại nói:

– Ầy, thằng nhỏ vô tích sự, bị một trận đòn đã ỉu xìu, không còn sức đấm lưng cho lão già này nữa, loại người như ngươi sống trên đời thật vô dụng.

Địch Vân tức giận nói:

– Tôi mà đấm mạnh chỉ sợ gãy xương sống lão.

Lão hành khất cười:

– Cậu mà đấm gãy được xương sống lão thì đã không bò lê trên đất để người ta đá vào mặt, lại còn mọp đầu xin tha…

Địch Vân nổi đóa, ra sức đấm mạnh. Lão già vẫn cười:

– Ầ y, thế này còn khá, nhưng vẫn còn quá nhẹ.

Địch Vân vận kình đấm mạnh một quyền. Lão ăn mày cười:

– Nhẹ quá, nhẹ quá, không đáng kể.

Địch Vân nói:

– Lão già này, đừng đùa, tôi không muốn đánh lão bị thương.

Lão ăn mày cười nhạt nói:

– Sức ngươi mà đánh ta bị thương được sao? Ngươi dùng hết sức đánh ta một quyền xem?

Địch Vân vận kình tay phải, định đấm thật mạnh. Dưới ánh trăng thấy bộ dạng lụ khụ của lão, bỗng mềm lòng, nhả kình ra, nói:

– Ai lại nặng tay đánh lão.

Rồi đấm khẽ một đấm lên lưng lão.

Bỗng dưng, Địch Vân cảm thấy ngang hông bị huých một cái, thân mình bay vèo đi, “bình” một tiếng, ngã huỵch vào đám cỏ rậm rạp, đầu váng mắt hoa, mãi một lúc sau mới bò dậy được. Địch Vân giãy giụa đứng lên, không hề giận dữ, nhưng hết sức kinh ngạc, ngơ ngác nhìn lão già:

– Là lão… là lão vừa mới đẩy tôi đấy à?

Lão hành khất kia nói:

– Ở đây còn có ai khác nữa? Không phải lão thì là ai?

– Lão dùng cách nào mà hất tôi hay vậy?

Lão ăn mày nói:

Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương

(Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ quê hương)

Địch Vân lấy làm lạ hỏi:

– Đây là kiếm pháp sư phụ tôi đã dạy, lão… lão làm sao biết được?

Lão ăn mày nói:

– Quyền chiêu kiếm pháp đều như nhau. Vả lại, sư phụ ngươi cũng dạy không đúng.

Địch Vân nổi giận nói:

– Sư phụ tôi sao lại dạy không đúng? Ăn mày như lão mà dám nói sư phụ tôi sai?

Lão ăn mày nói:

– Nếu sư phụ ngươi dạy đúng, thì sao ngươi đánh không lại người ta?

Địch Vân nói:

– Chúng nó ba bốn đứa đánh một mình tôi, tất nhiên là tôi đánh không lại. Nếu đơn đả độc đấu, lão xem tôi có thua không?

Lão ăn mày cười nói:

– Ha ha, đánh nhau ấy à, làm sao mà một chọi một được? Ngươi muốn đơn đả độc đấu, người ta không chịu thì làm sao? Nếu không quỳ xuống mọp đầu thì chỉ còn cách phải chọi cả bọn thôi. Một người đánh thắng cả bọn tám người, mười người, thế mới là hảo hán chứ.

Địch Vân nghĩ lão nói vậy cũng đúng, bèn nói:

– Bọn chúng là đệ tử của Vạn sư bá, kiếm pháp chẳng kém gì tôi, một mình tôi làm sao mà đấu nổi với tám tên ấy?

Lão ăn mày nói:

– Ta dạy ngươi mấy chiêu, để một mình ngươi đánh thắng tám đứa kia, ngươi có học không?

Địch Vân cả mừng, nói:

– Tôi học, tôi học!

Nhưng lại nghĩ trên đời chắc gì đã có thứ bản lĩnh ghê gớm thế, huống hồ lão ăn mày đã già nua lại chẳng có vẻ gì là có võ công thượng thừa cả. Đang lúc do dự chưa quyết bỗng có ai đó chộp tới sau lưng, cả người bay bỗng lên, lần này bay rõ cao, rớt phịch xuống rất nặng, cánh tay giập xuống đất suýt gãy, lồm cồm bò dậy nói không ra hơi nhưng trong lòng lại vui mừng khôn xiết, kêu lên:

– Lão… lão bá bá, tôi… tôi học.

Lão ăn mày nói:

– Hôm nay ta dạy ngươi máy chiêu, tối mai ngươi lại đến đây đánh nhau với bọn chúng, ngươi có dám không?

Địch Vân nghĩ bụng: “Võ công của lão tuy cao nhưng trong một ngày mình làm sao học được?” nhưng nghĩ đến việc tái đấu với bọn Vạn Khuê, Lỗ Khôn lại hăng hái nói:

– Tôi dám! Cùng lắm thì bị đánh một trận nữa, có gì ghê gớm đâu.

Lão ăn mày vung tay trái, nắm lấy gáy Địch Vân, ném phắt xuống đất, chửi:

– Thằng nhãi thối nảy, ta đã dạy ngươi võ công, làm sao ngươi còn bị chúng nó đánh, hử? Ngươi có tin ta không?

Địch Vân tuy bị quật rất đau, nhưng càng mừng, vội nói:

– Đúng! Đúng! Là tôi nói sai rồi, xin lão nhân gia dạy ngay cho.

Lão ăn mày nói:

– Ngươi sử kiếm pháp đã học ta xem nào, vừa sử vừa đọc tên gọi của kiếm chiêu!

Địch Vân đáp:

– Vâng!

Thấy vết thương trên chân còn chảy máu, cậu ta buộc qua loa, đến bụi cây tìm thanh trường kiếm, theo lời sư phụ dạy sử ra từng chiêu, miệng đọc tên chiêu thức, càng về sau múa lại càng thuần phục, miệng đọc càng nhanh.

Cậu đang múa say sưa bỗng nghe lão ăn mày ha ha cười lớn, ngạc nhiên dừng kiếm hỏi:

– Tôi luyện không đúng sao?

Lão già không đáp, cứ ôm bụng mà cười. Địch Vân hơi có ý giận, nói:

– Dù tôi có sử không đúng thì cũng có gì là đáng cười.

Lão ăn mày đột nhiên không cười nữa, than:

– Thích Trường Phát ơi lả Thích Trường Phát, ngươi chơi cái trò này khá lắm.

Rồi lão lại lắc lắc đầu nói tiếp:

– Đưa kiếm đây cho ta.

Địch Vân xoay chuôi kiếm, đưa cho lão. Lão nhận lấy thanh kiếm, vừa nhẹ nhàng đọc:

– Cô hồng hải thượng lai, Trì hoàng bất cảm cố.

Rồi vừa múa kiếm lên. Với thanh kiếm trong tay, lão như biến thành một con người khác, thân hình trầm ổn, kiếm thế phiêu dật, đâu còn vẻ hom hem lụ khụ.

Địch Vân xem mấy chiêu, chợt ngộ ra, hỏi:

– Lão bá, lúc ban ngày cháu đấu với Lữ Thông, chính lão bá đã ném cái bát ra giúp cháu phải không?

Lão ăn mày nổi giận, nói:

– Thế mà còn phải hỏi? Võ công của “Lục hợp thủ” Lữ Thông hơn thằng nhãi ngốc nhà ngươi xa lắm, bằng vào mấy ngón mèo quào của ngươi mà đánh lại y được à?

Lão vừa nói vừa sử kiếm. Địch Vân nghe khẩu quyết của lão đọc không khác gì những điều sư phụ đã truyền, chỉ khẩu âm thỉnh thoảng có chút khác lạ, nhưng kiếm chiêu thì khác xa, cảng xem càng lấy làm lạ.

Lão ăn mày tay trái theo kiếm quyết, tay phải vung trường kiếm, thoắt cái chuyển kiếm sang tay trái, tay phải lật ngược vỗ phách một cái, tát mạnh vào mặt Địch Vân. Địch Vân nhảy dựng lên, vuốt mặt giận dữ nói:

– Lão… lão… vì sao lại đánh người?

Lão ăn mày cười nói:

– Ta dạy ngươi kiếm chiêu, ngươi lại cứ nghĩ ngợi lung tung, không đáng đánh sao?

Địch Vân nghĩ hóa ra là mình không phải, bèn trấn tĩnh lại, nói rằng:

– Phải, tôi sai rồi, tôi nghe chiêu số của lão bá đọc cũng giống sư phụ, nhưng kiếm pháp lại hoàn toàn khác nên lấy làm lạ.

Lão ăn mảy hỏi:

– Vậy thì sư phụ ngươi dạy đúng hay ta sử kiếm đúng?

Địch Vân lắc đầu nói:

– Tôi không biết.

Lão ném trường kiếm trả cho Địch Vân, nói:

– Chúng ta thử một chút.

Địch Vân nói:

– Tôi kém xa lão nhân gia, không đấu nổi.

Lão cười nhạt:

– Thằng nhãi con ngốc quá, thế này này, chúng ta chỉ tỉ chiêu thức, không tỉ công lực.

Cái gậy tre trong tay lão rung lên, lấy gậy làm kiếm, đâm tới Địch Vân. Địch Vân hoành kiếm chặn lại, thấy cây gậy của lão không đẩy tới liền vung kiếm phản kích. Nào ngờ lưỡi kiếm của Địch Vân mới dịch đi một chút, gậy trúc của lão đã mổ tới như con rắn độc, điểm trúng vai Địch Vân.

Địch Vân vui vẻ tâm phục, kêu lên:

– Hay quá, hay quá.

Liền hoành kiếm chém tới. Lão lật cây gậy tre, dựa vào thanh kiếm của Địch Vân, Địch Vân vận kình đánh tới, cây gậy tre của lão xoay liền mấy vòng đẩy kình lực của Địch Vân trở ngược lại. Địch Vân cầm không vững, trường kiếm tuột khỏi tay bay mất. Cậu ta đứng ngẩn ra, nói:

– Lão bá, kiếm chiêu của lão bá thật cao cường.

Gậy trúc của lão vươn thẳng ra đón lấy thanh trường kiếm đang bay trong không trung, đầu gậy như có keo, dính chặt lấy trường kiếm thu về, nói:

– Sư phụ ngươi một thân võ công mà chỉ dạy ngươi như thế thôi sao? Hi hi, thật là lạ lùng cổ quái

Lão lắc lắc đầu nói tiếp:

– Bộ “Đường thi kiếm pháp” này của các người, mỗi chiêu đều từ một câu thơ Đường biến hóa ra…

Địch Vân nói:

– Cái gì là “Đường thi kiếm pháp”? Sư phụ tôi bảo là “Thảng thi kiếm pháp”[4], kiếm đánh ra, kẻ địch lập tức biến thành xác chết.

Lão ăn mày hi hi cười mấy tiếng, nói:

– Lả “Đường thi”, không phải “Thảng thi”! Sư phụ ngươi nói với ngươi là “thảng thi” à? Buồn cười thật! Buồn cười thật! Hai chiêu “Cô hồng hải thượng lai, Trì hoàng bất cảm cố” (Cánh hồng từ biển đến, Chẳng dám ngó đầm ao) là nói một con chim hồng nhạn từ biển bay tới thấy những ao đầm bé nhỏ, không ngó xuống. Hai câu này là của Tể tướng Trương Cửu Linh thời nhà Đường, ông ta tự thấy mình thanh cao, không muốn tranh quyền đoạt lợi với người. Lấy hai câu thơ ấy biến thành kiếm pháp, trong tầm nhìn phải có một luồng hào khí phiêu dật. Trương Cửu Linh nói “chẳng dám ngó” thực ra là muốn nói “chẳng thèm ngó”. Sư phụ ngươi lại dạy ngươi đọc thành “Ca ông hám thượng lai, Thị hành bất cảm quá” (Ông anh hét lớn tiếng, Chẳng dám bước ngang qua). Thế là câu trước biến thành tiếng thét lớn, câu sau lại thành sợ hãi co đầu, cụp đuôi. Nguyên ý của kiếm pháp thế là không còn nữa. Sư phụ ngươi giỏi thật, “Thiết tỏa hoành giang”, dạy đồ đệ thế đấy, hi hi, lợi hại, lợi hại!

Lão vừa nói vừa không ngớt cười nhạt.

Địch Vân ngơ ngác, nghe câu chuyện của lão có vẻ nhai văn nhá chữ, tuy không hiểu lắm nhưng cũng biết là lão nói rất đúng. Địch Vân xưa nay kính yêu sư phụ, nghe lão nói sư phụ mình chẳng chút nào đúng đắn, về sau lại càng có ý mỉa mai, trong lòng rất buồn, bỗng quay lại nói:

– Tôi đi ngủ đây! Không học nữa.

Lão ăn mảy lấy làm lạ hỏi:

– Tại sao? Ta nói không đúng à?

Địch Vân nói:

– Có lẽ là lão nói đúng, nhưng lão nói sư phụ tôi sai, tôi thà không học. Sư phụ tôi là người làm ruộng, không biết chữ, không hiểu những điều lão nói thì…

Lão ăn mày cười rộ:

– Sư phụ ngươi không biết chữ? Ha ha, thật kỳ lạ.

Địch Vân tức giận nói:

– Kẻ nhà quê không biết chữ, có gì đáng cười?

Lão cười ha hả, đưa tay xoa đầu Địch Vân, nói:

– Tốt lắm, tốt lắm! Thẳng nhỏ này có lòng trung hậu, ta thích loại người như ngươi. Ta xin lỗi, không nói cái sai của sư phụ ngươi nữa, được chưa?

Địch Vân đổi giận làm vui, cười nói:

– Chỉ cần lão bá không nói đến sư phụ tôi, tôi xin khấu đầu. Nói rồi quỳ xuống đất, dập đầu xuống đất bái lạy.

Lão ăn mày cười ha ha, nhận mấy lạy của Địch Vân, rồi bắt đầu giải thích kiếm chiêu. “Hốt thính phún kinh phong, Liên sơn thạch bố đào” thực ra là “Liên sơn nhược ba đào” (Lắng nghe tiếng gió mạnh, Qua núi như sóng trào). Hai câu “Lạc nê chiêu đại thư, Mã mệnh phong tiểu tiểu” thực ra là “Lạc nhật chiếu đại kỳ, Mã minh phong tiêu tiêu” (Nắng xế chiếu đại kỳ, Ngựa hí gió vi vu).

Trong tiếng địa phương vùng Tương Tây, chữ “nê” và chữ “nhật” nói không khác nhau lắm. Trong ngôn ngữ của lão ăn mày quả là không hề nhắc đến Thích Trường Phát, chỉ sửa lại những chỗ sai lầm trong kiếm chiêu cho Địch Vân.

Lão nói:

– Trong kiếm pháp của ngươi có nhiều chỗ chẳng ra làm sao cả, nhất thời không nói hết được. Ta dạy ngươi ba chiêu, ngày mai ngươi tái đấu với tám đứa kia. Chú ý nhớ lấy này!

Địch Vân hăng hái, chăm chú nhìn lão vũ lộng cây gậy trúc thay kiếm. Chiêu thứ nhất là “thích kiên thức” (đâm vào vai). Nếu kẻ địch chỉ một mực phòng thủ thì không thể đâm được, nhưng chỉ cần y ra đòn tấn công thì đòn của mình tuy ra sau mà tới trước, đâm trúng vai của đối phương. Chiêu thứ hai là “nhĩ quang thức” (tát tai) chính là chiêu của lão đã bạt tai Địch Vân hồi nãy. Chiêu này hết sức cổ quái, dù cho kè dịch có biết rõ mình chuyến kiếm sang tay trái, trở tay tát y nhưng y né sang bên trái thì đánh bên trái, né sang bên phải thì đánh bên phải, càng né tránh thì đòn ra càng nặng. Chiêu thứ ba là “khử kiếm thức” (đánh bay kiếm) chính là chiêu mà hồi nãy lão dùng đánh bay kiếm của Địch Vân.

Ba chiêu này lão đều đã thử trên người Địch Vân, mỗi thức vốn đều có tên gọi theo một câu thơ Đường rất trang nhã. Nhưng lão ăn mày biết là Địch Vân chẳng có bao lăm chữ nghĩa, dạy mấy câu thơ chỉ tổ làm y bị nhiễu loạn tâm thần, bèn đổi ra mấy tên gọi dễ hiểu.

Địch Vân chẳng thông minh gì nhưng lại hết sức kiên nghị. Ba chiêu này học vừa trọn một canh giờ mới hơi thuần thục.

Lão ăn mày cười nói:

– Được rồi. Nhưng ngươi phải hứa với ta một điều, việc ta dạy kiếm pháp cho ngươi hôm nay, ngươi không được nói với ai, đến cả với sư phụ và sư muội cũng không được nói, nếu không…

Địch Vân kính sư phụ như cha, còn đối với cô sư muội xinh đẹp yêu kiều thì từ lâu đã thầm yêu, nay làm sao có thể giấu sư phụ và sư muội, quả là khó, vì vậy nhất thời do dự không trả lời.

Lão ăn mày than:

– Lý do của việc này nhất thời không thế nói rõ được, nếu ngươi tiết lộ chuyện hôm nay, chắc ta không giữ được tính mạng, chắc sẽ phải chết dưới kiếm của “Ngũ vân thủ” Vạn Chấn Sơn.

Địch Vân giật mình, lấy làm lạ hỏi:

– Lão bá, võ công của lão cao cường như thế, sao lại phải sợ Vạn sư bá?

Lão ăn mày không đáp, quay mình đi, còn nói với lại:

– Ngươi có lòng hại ta không, điều ấy toàn do ngươi.

Địch Vân vội vàng đuổi theo, nói:

– Tôi đa tạ lão bá còn chưa đủ, sao lại còn hại tính mạng lão bá? Nếu tôi tiết lộ nửa chữ thì sẽ bị trời tru đất diệt.

Lão ăn mày than thở bước đi.

Địch Vân ngẩn người ra một lúc, chợt nhớ ra là chưa hỏi tên họ của lão, liền gọi to:

– Lão bá bá, lão bá bá!

Nhưng lão ăn mảy đã khuất vào sau lùm cây, không thấy tăm hơi đâu nữa.

* * *

Sáng sớm hôm sau, Thích Trường Phát thấy Địch Vân mặt mũi sưng vù, tím bẩm, lấy làm lạ, hỏi:

– Đánh nhau với ai rồi, sao mà bị thương nặng thế?

Địch Vân không biết nói dối, ấm ớ không biết trả lời sao. Thích Trường Phát cười nói:

– Chẳng phải là hôm qua bị tên đại đạo Lữ Thông đánh cho sao?

Thích Trường Phát không thể ngờ có chuyện tối qua, nên cũng không hỏi thêm.

Thích Phương kéo áo Địch Vân, hai người đi ra mé cửa, đến bên bờ giếng, thấy bốn phía không người liền ngồi xuống bên lan can bờ giếng. Thích Phương hỏi:

– Sư ca, tối hôm qua huynh đánh nhau với ai vậy?

Địch Vân ậm ừ không đáp. Thích Phương nói:

– Huynh không giấu được muội đâu. Hôm qua huynh đấu với Lữ Thông, quyền cước của y đánh vào chỗ nào trên người huynh, muội đều nhìn rất rõ, y không hề đánh trúng mặt huynh.

Địch Vân thấy là không thể giấu cô ta được, nghĩ bụng: “Chỉ cần mình không nói đến chuyện lão bá dạy võ thì cũng không có gì nghiêm trọng”. Thế là bèn đem chuyện tám đệ tử họ Vạn nửa đêm đến gây sự, nào là đấu kiếm thế nào, bị thua trận bị sỉ nhục như thế nào… kể ra hết cả.

Thích Phương càng nghe càng giận, mặt đỏ bừng lên, tức tối nói:

– Bọn họ tám người đánh một mình huynh, sao gọi là hảo hán?

Địch Vân nói:

– Cũng không phải là tám người cùng ra tay, mà là ba bốn đứa đánh một mình huynh.

Thích Phương giận nói:

– Hừm, bọn chúng ba bốn đứa liên thủ đánh một mình huynh đã thắng rồi, còn mấy đứa nữa bất tất phải ra tay, nếu ba bốn đứa đánh không nổi, lại chẳng năm sáu đứa, bảy tám đứa cùng xông lên sao.

Địch Vân gật đầu nói:

– Chắc là sẽ như vậy.

Thích Phương đứng bật dậy, nói:

– Chúng mình đi nói với cha, để xem Vạn Chấn Sơn phân xử chuyện này ra sao.

Cô ta nổi cơn thịnh nộ đến mức không gọi là Vạn sư bá nữa mà gọi thẳng tên. Địch Vân vội nói:

– Không, huynh đánh thua người ta, lại đi mách với sư phụ, thế chẳng phải để người ta khinh cho sao?

Thích Phương hừm một tiếng, thấy áo Địch Vân bị rách nhiều chỗ, thấy xót ruột bèn rút túi kim chỉ ra vá lại áo cho Địch Vân. Tóc cô cọ vào cằm Địch Vân, Địch Vân cảm thấy nhột, cảm thấy mùi hương con gái nhẹ nhàng phảng phất, tự nhiên thấy lâng lâng, khẽ gọi:

– Sư muội!

Thích Phương nói:

– Không Tâm Thái, anh chàng rau muống này, đừng nói nào! Kẻo người ta vu oan cho huynh.

Ở vùng Tam Tương miền Giang Nam dân gian có một thứ mê tín, khi mặc áo trên người để cho người khác vá hay đơm nút, nếu mà nói chuyện thì sẽ bị người ta hiểu nhầm, vu cho là ăn trộm. Còn “Không Tâm Thái” là trác hiệu mà Thích Phương đặt cho Địch Vân, chế giễu cậu ta thẳng như ruột ngựa, không có một chút mưu mẹo gì. (Không tâm thái nghĩa là rau rỗng ruột, là tên người Trung Quốc gọi rau muống).

* * *

Tối hôm áy, Vạn Chấn Sơn mở tiệc ở tiền sảnh chiêu đãi sư đệ, tám đệ tử mời rượu, mười hai người quây quần quanh một chiếc bàn tròn.

Sau ba tuần rượu, Vạn Chấn Sơn thấy Địch Vân mồm miệng sưng vều, ăn uống không tiện bèn hỏi:

– Địch hiền điệt, hôm qua để cháu phải vất vả, uống đi uống đi, ăn nhiều thêm một chút.

Rồi gắp một cái đùi gà, đặt vào bát Địch Vân. Chu Kỳ bỗng “hừm” một tiếng.

Thích Phương đã tức giận cành hông, lúc này nhịn không được nữa, lớn tiếng nói:

– Vạn sư bá, vết thương của sư ca không phải là do Lữ Thông đánh đâu mà là do tám cao đồ của sư bá liên thủ đánh huynh ấy đấy.

Vạn Chấn Sơn và Thích Trường Phát cùng giật mình, hỏi:

– Cái gì?

Đệ tử thứ tám của họ Vạn là Thẩm Thành tuổi nhỏ nhất nhưng lại hết sức linh lợi láu cá, vội cướp lời nói:

– Địch sư ca đánh thắng Lữ Thông, nói rằng sư phụ lão nhân gia nhát gan, không dám động thủ với Lữ Thông, toàn nhờ Địch sư ca ra tay mới đuổi được tên cường đạo, chúng con tức giận quá…

Vạn Chán Sơn biến sắc nhưng vẫn cười nói:

– Đúng đấy, toàn là nhờ Địch hiền điệt giữ thể hiện cho lão.

Thẩm Thành nói:

– Vạn sư ca thấy huynh ấy khoác lác đúng là đã giận quá mới thách Địch sư ca tỉ kiếm, hình như Vạn sư ca đã chiếm thượng phong.

Địch Vân nói:

– Ngươi… ngươi nói láo… Ta… ta lúc ấy…

Địch Vân vốn ít mồm ít miệng, nghe Thẩm Thành nói xỏ xiên vừa nóng vừa giận càng lúng túng không nói rõ ràng được.

Vạn Chấn Sơn nói:

– Khuê nhi đã chiếm thượng phong như thế nào?

Thẩm Thành nói:

– Tối qua Vạn sư ca và Địch sư ca tỉ kiếm như thế nào, chúng con đều không nhìn thấy. Sáng nay Vạn sư ca kể lại với mọi người, hình như Vạn sư ca đã ra chiêu… ra chiêu…

Y xoay lại hỏi Vạn Khuê:

– Vạn sư ca, huynh đã dùng chiêu gì để đánh thắng Địch sư ca nhỉ?

Vạn Khuê nói:

– Là chiêu “Trường An nhất phiến nguyệt, Vạn hộ đảo y thanh”!

Hai đứa tung hứng, giấu nhẹm việc tám người liên thủ đánh một. Vạn Khuê thắng Địch Vân như thế nào, người ngoải không ai thấy, tất nhiên hẳn là không có chuyện liên thủ. Thẩm Thành mới mười lăm mười sáu tuổi, có vẻ rất ngây thơ, không ai nghĩ là y nói láo.

Vạn Chấn Sơn gật đầu nói:

– Hóa ra là như thế.

Thích Trường Phát giận đỏ bừng mặt, vỗ mạnh xuống bàn, hét lên:

– Vân nhi, ta muôn dặn ngàn dò bảo ngươi không được lảm mất hòa khí với các đệ tử của Vạn sư bá, tại sao lại đánh nhau?

Địch Vân thấy sư phụ cũng tin Thẩm Thành thì giận đến nỗi run bắn toàn thân, nói:

– Sư phụ… con… con… con không…

Thích Trường Phát vung tay bạt tai, hét lên:

– Đã sai rồi, còn cãi!

Địch Vân không dám tránh, đòn của Thích Trường Phát quá nặng, mặt Địch Vân vốn đã bẩm tím, lập tức càng sưng vù lên.

Thích Phương vội vàng kêu lên:

– Cha, sao cha không hỏi cho rõ ràng?

Địch Vân giận điên lên, máu phổi bò phát tác, đột nhiên nhảy vọt ra, cầm lấy thanh trường kiếm ở phía sau, đứng ở giữa sảnh, kêu to:

– Sư phụ, gã… gã Vạn Khuê này nói đã đánh bại con, nay bảo y tái đấu xem.

Thích Trường Phát cả giận, thét:

– Ngươi có quay lại không?

Rồi lão lại rời chỗ ngồi, lại định vung quyền đánh. Thích Phương ôm chặt lấy lão kêu:

– Cha!

Địch Vân thét lớn:

– Tám đứa các người tái đấu với ta, có gan thì xông lên hết cả đi, đứa nào không dám xông lên là con rùa đen, con chó hoang.

Trong lúc nóng giận Địch Vân không lựa lời, chửi vung lên.

Vạn Chấn Sơn chau mày nói:

– Đã thế, các ngươi cùng ra lĩnh giáo kiếm pháp của Địch sư ca đi.

Tám tên đệ tử chỉ đợi câu này của sư phụ, dàn ra tám phía vây Địch Vân vào giữa.

Địch Vân quát lớn:

– Tối qua tám con chó hoang này đánh một mình ta, hôm nay lại tám con chó hoang…

Thích Trường Phát quát:

– Vân nhi, ngươi nói bậy bạ gì thế? Tỉ kiếm thì tỉ kiếm, chứ lại mồm loa mép giải ả?

Vạn Chấn Sơn nghe Địch Vân không ngớt chửi “chó hoang” thì trong lòng tức giận. Trong tám tên này thì Vạn Khuê là con ruột của lão, Địch Vân chửi như vậy là chửi lên đầu lão. Lão thấy tám đứa đệ tử đứng ở tám phía, tạo thành thế hợp kích, quát:

– Địch sư huynh không coi chúng tôi ra gì, muốn lấy một chọi tám, lẽ nào chúng tôi lại tự coi rẻ mình.

Đại đệ tử Lỗ Khôn nói:

– Phải, các sư đệ lui ra, để huynh lĩnh giáo cao chiêu của Địch sư ca trước.

Đệ tử thứ năm là Bốc Viên rất nhiều mưu kế, hôm qua thấy Địch Vân động thủ với Vạn Khuê, thằng nhà quê này võ công không kém, lúc này vội vàng liều mạng đại sư huynh chưa chắc đã thắng, nếu bị y thắng trước một trận, dẫu người sau có đánh được y chăng nữa cũng đã làm mất nhuệ khí của Vạn môn. Trong đám đồng môn, kiếm thuật của tứ sư huynh Tôn Quân là đệ nhất, để Tôn Quân ra tay đánh bại y trước hết, khiến y không thể già mồm được nữa, bèn nói:

– Đại sư ca là thù lĩnh của chúng ta, hà tất phải tự mình ra tay, để tứ sư ca cho y một bải học là được rồi.

Lỗ Khôn nghe vậy đã hiểu ý, mỉm cười:

– Được, tứ sư đệ, chúng ta cử đệ đấy.

Y vẫy tay trái một cái, cả bảy tên đều lui ra, chỉ để một mình Tôn Quân đấu với Địch Vân.

Tôn Quân trầm mặc ít lời, thường cả ngày không nói một tiếng, chăm chú học tập, kiếm pháp cao nhất trong tám đệ tử. Y thấy các sư huynh đệ cử mình ra tay liền dựng trường kiếm lên, khom mình cúi đầu, chiêu này có tên là “Vạn quốc ngưỡng tông Chu, Y quan bái miện lưu” (Muôn nước tôn phò Chu, Kính cần bái vương miện) là chiêu kính lễ trước khi quyết đấu. Nhưng năm ấy Thích Trường Phát khi dạy kiếm cho Địch Vân lại bảo chiêu này có tên là “Phạn giác nhượng chưng xú, Nhất quan bái mã hầu” (Bát cơm nhường chưng thối, Cao quan kính khỉ hèn) ý là “Ta là bát cơm ngon, ngươi là một cái bánh chưng thối, bên ngoải nhường ngươi một chút, nhưng trong lòng ta thầm chửi ngươi! Ta là quan, ngươi là con khỉ, ta bái ngươi là quan bái súc sinh”. Địch Vân thấy y ra chiêu ấy thì càng tức giận, bèn cũng dựng trường kiếm lên, khom mình cúi đầu, trả lại cũng bằng chiêu “Phạn giác nhượng chưng xú, Nhất quan bái mã hầu”, hai mũi kiếm đối nhau, không hề kém cạnh.

Địch Vân mới khom mình một chút, thân hình còn chưa đứng thẳng lên, mũi nhọn trường kiếm đã đâm vào bụng dưới Tôn Quân. Các đệ tử Vạn môn đều kinh hoảng la lên. Tôn Quân xoay kiếm chặn lại, “keng” một tiếng hai kiếm va vào nhau, cánh tay hai người đều tê dại.

Lỗ Khôn nói:

– Sư phụ, tên tiểu tử kia hạ thủ thật độc ác. Hẳn là y muốn lấy mạng Tôn sư đệ.

Vạn Chấn Sơn thầm kinh dị: “Thằng nhỏ nhả quê này sao lại phẫn nộ đến như thế, mới vào trận đã liều mạng?”

Chỉ nghe liên tiếp mấy tiếng “choeng choeng choeng choeng” vang lên, Địch Vân và Tôn Quân ra chiêu gấp gáp, sau hơn mười chiêu, trường kiếm của Tôn Quân phạt xéo, để hở bụng dưới. Địch Vân thét to một tiếng, vung kiếm đâm thẳng, Tôn Quân xoay trường kiếm, đã chặn đứng trường kiếm của cậu ta, “bốp” một chưởng đánh thẳng vào trước ngực Địch Vân. Đám đệ tử Vạn môn cùng reo lên, có người hét to:

– Một người còn đánh không lại, còn phét lác đòi đánh tám người à?

Địch Vân vung kiếm che mình rồi như mưa sa gió quét trường kiếm mãnh liệt tấn công. Tôn Quân đỡ được mấy chiêu, hươi kiếm phản công. Đột nhiên trường kiếm trong tay Địch Vân rung động, “phách” một tiếng, trường kiếm đã đâm trúng vai Tôn Quân, chính là “thích kiên thức” mà lão ăn mày đã dạy.

“Thích kiên thức” này đột nhiên đến, không ai tưởng tượng được. Chỉ thấy vai Tôn Quân máu chảy đầm đìa, thân hình loạng choạng, đám đệ tử Vạn môn cùng hét lên. Lỗ Khôn và Chu Kỳ cùng tuốt kiếm ra tấn công Địch Vân. Trường kiếm của Địch Vân đâm bên trái thọc bên phải, “chát chát” hai tiếng, vai phải của Lỗ Khôn và Chu Kỳ đều trúng kiếm, trường kiếm trong tay đều rơi xuống đất.

Vạn Chấn Sơn nặng mặt thét lên:

– Giỏi lắm!

Vạn Khuê giơ kiếm lên, chăm chú nhìn Địch Vân, đột nhiên hét một tiếng, “chát chát chát” đâm liền ba nhát, Địch Vân chặn ngay cả ba nhát, chuyển kiếm sang tay trái, tay phải lật lại, “bốp” một tiếng, giáng thẳng một bạt tai vào mặt Vạn Khuê. Chiêu này xuất ra bất ngờ, Vạn Khuê còn đang ngơ ngác, Địch Vân đã co chân trái đá vào giữa ngực y. Vạn Khuê không gượng nổi, ngã ngồi xuống đất. Bốc Viên nhảy lại đỡ, Địch Vân không để y kịp đến gần, vút kiếm đâm tới, Bốc Viên đành phải giơ kiếm ra đỡ.

Ngô Khảm, Phùng Thản, Thẩm Thành, ba đứa thấy Địch Vân hung hãn như thế mà Vạn Khuê thì ngồi dưới đất chưa đứng lên được, vừa sợ vừa giận, đều rút kiếm vây lấy Địch Vân. Lúc này đám gia đinh tôi tớ của nhà họ Vạn nghe thấy tiếng binh khí chát chúa ở trên sảnh đều đồ dồn đến xem.

Thích Trường Phát nhìn trừng trừng, nét mặt lộ vẻ hoang mang, không biết phải làm sao.

Thích Phương kêu lên:

– Cha, họ vây lấy đánh một mình sư ca. Mau, mau cứu huynh ấy với!

——————————————————

[1]       Tương: tên gọi tắt tỉnh Hồ Nam.

[2]       Lão già cố ý đọc sai mấy câu thơ Đường

[3]       “thảng thi”: nghĩa là “xác chết nằm”

[4]       Đường thi: thơ Đường, thảng thi: xác chết nằm. Trong tiếng Trung Quốc chữ Đường và chữ Thảng âm đọc gần giống nhau. Thích Trường Phát đọc chệch đi để lừa Địch Vân và Thích Phương.

Comments

comments


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.