Phi Hồ ngoại truyện

Chương 18: Bảo đao với ngân châm

trước
tiếp

Quần hào nghe nói đều ngạc nhiên. Còn mọi người ở phủ Phúc Khang An thì từ trên xuống dưới đã nghe quen rồi, biết Hoàng thượng chăm lo việc triều chính, dù nửa đêm thánh chỉ cũng ban ra, chẳng có chi là kỳ lạ.

Phúc Khang An sai bày hương án. Hắn quỳ xuống trước thềm đang nhỏ mưa tí tách để tiếp thánh chỉ. Từ An đề đốc trở xuống ai cũng quỳ mọp. Hồ Phỉ trước tình trạng này cũng phải quỳ, nhưng chửi thầm trong bụng.

Bỗng nghe tiếng giày lẹp kẹp, năm người từ ngoài cửa lớn đi vào. Đi trước là một thái giám già. Phúc Khang An nhận ra lão là Lưu Chi Dư, thái giám ở cung Càn Thanh, đi sau là bốn tên túc vệ trong nội cung.

Lưu Chi Dư đến trước cửa sảnh đường chứ không tiến vào. Lão mở thánh chỉ ra tuyên đọc:

 – Binh bộ thượng thư Phúc Khang An nghe chỉ! Vừa rồi bắt được đôi gian tặc một nam một nữ. Vậy lập tức đưa vào cung. Khâm thử!

Phúc Khang An liền ngơ ngác tự hỏi:

– Tin tức của Hoàng thượng sao lại mau lẹ đến thế? Ngài đòi đưa hai tên gian tặc vào cung làm gì?

Hắn ngửng đầu ngó thấy đầu mắt lão thái giám có chiều khác lạ liền nghĩ ngay tới ngày thường bọn thái giám truyền chỉ nhất định vào đứng chính giữa đại sảnh, quay mặt ra ngoài về hướng nam để tuyên đọc, đó là thủ tục tuyên chỉ trong triều. Gã Lưu Chi Dư này là một thái giám già đời trong cung quyết không thể vi phạm quy củ này được, như vậy bên trong tất có duyên cớ.

Hắn liền đứng dậy nói:

– Lưu công công! Mời công công vào ngồi dùng trà và coi các vị anh hùng hảo hán phô trương thân thủ.

Lưu Chi Dư vui vẻ đáp:

– Hay lắm! Hay lắm!

Đột nhiên lão chau mày, nói tiếp:

– Đa tạ Phúc đại soái. Lão phu không uống trà được. Hoàng thượng đang chờ hồi báo.

Phúc Khang An nhìn tình cảnh này liền tỉnh ngộ ngay. Hắn biết lão bị bốn tên thị vệ ở phía sau uy hiếp để giả truyền thánh chỉ. Bốn tên vệ sĩ kia nếu không phải bạn đồ thì cũng là người ngoài giả trá.

Hắn thản nhiên như không, mỉm cười hỏi:

– Mấy vị đại ca đi theo công công là ai vậy? Sao trông mặt có vẻ khẩn trương thế?

Lưu Chi Dư cười khổ, ấp úng:

– Cái đó… Cái đó… hà hà! … Họ ở tỉnh ngoài mới đến mà.

Phúc Khang An liền hiểu rõ ngay. Hắn biết bọn túc vệ trong nội cung ngày đêm cận kề hoàng thượng, nếu không phải là người thân quyền quý thì cũng là con em của các vị quan đã nhiều đời lập được công huân chứ bọn học võ từ tỉnh ngoài đến làm sao đảm đương được.

Hắn tự nhủ:

– Bây giờ phải ly khai bốn tên kia ra thì Lưu Thái giám mới khỏi bị chúng uy hiếp.

Hắn liền nói:

– Đã vậy thì bốn vị thị vệ đại ca dẫn tặc nhân đi cho!

Hắn vừa nói vừa trỏ vào thư sinh và Tang Phi Hồng bị trói để một bên.

Một trong bốn thị vệ tiến lại toan dắt tay thư sinh, Phúc Khang An hỏi:

– Hãy khoan! Quý tính của vị thị vệ đại ca này là gì?

Theo thường tình, Phúc Khang An vẫn giữ khách khí với bọn thị vệ, gọi chúng là “Thị vệ đại ca”, nhưng quân hàm thị vệ so với hắn rất thấp kém, tất nhiên phải bước tới thỉnh an.

Tên thị vệ này vẫn không lý gì đến hắn, chỉ đáp:

-Thuộc hạ họ Trương.

Phúc Khang An lại hỏi:

– Trương đại ca vào cung đã bao lâu rồi, sao ta không gặp bao giờ?

Tên thị về kia chưa kịp đáp, thì một tên thị vệ khác dáng người to béo đứng sau Lưu Chi Dư đột nhiên vung tay phải lên, ánh ngân quang lấp loáng, một mũi ám khí bắn tới các chiếc Ngọc Long bôi đặt trên kỷ trà. Món ám khí này bắn đi rất mạnh, tưởng chừng như sắp đánh bể một loạt tám chiếc ngọc bôi đến nơi.

Bọn vệ sĩ quát tháo om sòm. Những tay hảo thủ về ám khí đều đồng loạt phóng ra, nào tụ tiễn, phi tiêu, nào thiết liên tử, thiết lê tật, bảy tám thứ bay nhắm phía chiếc ngân thoa bắn tới. Tên thị vệ to béo lại vung hai tay bắn liền một lúc ra bảy tám món ám khí.

Chỉ nghe những tiếng “keng keng” vang lên không ngớt, đánh rớt tất cả những ám khí của bọn thị vệ xuống đất. Cây ngân thoa phóng ra trước bay tới kỷ trà liền móc lấy một chiếc Ngọc Long bôi. Lạ thay, chiếc ngân thoa đang ở trên không bỗng tự động chuyển hướng, móc được chiếc Ngọc Long bôi rồi lại chênh chếch bay vòng trở về đến tay tên thị vệ to béo.

Quần hào đứng trước tình trạng quái dị này đều sửng sốt.

Hồ Phỉ thấy thần kỹ bắn ám khí của tên thị vệ to béo quá tuyệt diệu cũng không nhịn được, reo lên:

– Triệu tam ca!

Nguyên tên thị vệ to béo đó chính là Thiên thủ Như Lai Triệu Bán Sơn hóa trang. Còn tên thị vệ đi cứu thư sinh cũng là người trong Hồng hoa hội tên là Thạch Song Anh ở Quỉ Kiến Sầu. Những người này đã chờ ở bên ngoài phủ Phúc Khang An để tiếp ứng.

Họ thấy thư sinh lỡ tay bị bắt, thì gặp lúc thái giám Lưu Chi Dư qua, liền bắt lấy để giả truyền thánh chỉ. Nhưng các hào sĩ giang hồ này không hiểu quy củ ở chốn cung đình, nên vừa vào phủ Phúc Khang An đã bị lòi đuôi.

Triệu Bán Sơn thấy vẻ mặt và lời nói của Phúc Khung An ra chiêu ngờ vực, thì không chờ hắn hạ lệnh bắt người đã hạ thủ trước. Lão ném một mũi “Phi yến ngân thoa” đoạt một chiếc Ngọc Long bôi. Mũi “Phi yến ngân thoa” này lão đã dày công chế tạo theo hình cánh cung, khi ném ra rồi có thể bay quanh trở lại.

Triệu Bán Sơn vừa đoạt được chén ngọc đột nhiên nghe người hô “Triệu tam ca” bằng thanh âm lộ vẻ chân tình chẳng khác người thân. Lão liền giương mắt lên nhìn về phía phát ra thanh âm mà chẳng thấy ai quen thuộc.

Nên biết lão chia tay Hồ Phỉ lâu năm, thân hình diện mạo chàng đã biến đổi rất nhiều. Đừng nói chàng đã hóa trang, dù có để nguyên chân tướng, khi gặp nhau chưa chắc lão đã nhận ra được.

Triệu Bán Sơn đang ở nơi đầm rồng hang cọp, liếc nhìn không thấy người quen, chẳng dám chần chờ nhìn đến lần thứ hai. Lão lại giơ hai tay lên, bỗng nghe những tiếng veo véo không ngớt. Cứ mỗi tiếng véo là một ngọn đèn tắt ngóm. Chỉ trong khoảnh khắc cả đại sảnh tối om như mực.

Bỗng nghe tiếng người hô:

– Phúc Khang An! Coi tiêu đây!

Tiếp theo là hai người rú lên thê thảm, hiển nhiên là đã trúng ám khí.

Lại nghe những tiếng binh khí đụng chạm nhau chan chát. Thì ra có hai tên vệ sĩ chặn bắt Thạch Song Anh.

Triệu Bán Sơn hô lớn:

– Đi thôi! Chớ có ham đánh!

Lão biết mình ở nơi hiểm địa, mà xung quanh cao thủ lại đông như kiến, bắn không trúng đích liền rút đi ngay. Còn việc cứu người rồi sẽ tính sau. Bây giờ nhân lúc đêm tối hỗn loạn dễ thoát thân, để lỡ thời cơ thì chính mình cũng sẽ bị hãm vào vòng nguy hiểm.

Hiện giờ Thạch Song Anh đã bị cao thủ võ sĩ bắt trói, phía sau lại có hai người tấn công đến thì đến mình cũng chưa chắc đã tẩu thoát được, nói chi đến chuyện cứu người?

Ngay từ lúc gã thư sinh bị Thang Bái bắt, Hồ Phỉ đã tính cách giải cứu, nhưng trong đại sảnh cường địch đông quá. Ngay mỗi người trong bốn đại chưởng môn ngồi trên ghế thái sư chàng cũng chưa nắm chắc được phần thắng, nên khi đột nhiên thấy Triệu Bán Sơn phóng ám khí tắt đèn đuốc, chàng không chần chờ gì nữa vọt đến bên thư sinh.

Lúc Thang Bái điểm huyệt gã. Hồ Phỉ đã nhìn rõ lão điểm vào ba huyệt “Vân môn”, “Khúc trì”, “Hợp cốc”. Chàng liền cúi xuống vỗ vào huyệt “Thiên tông” ở sau vai gã, lập tức giải khai được huyệt “Vân môn”. Chàng toan nắm huyệt “Thiên trì” thì đột nhiên cảm thấy một luồng chưởng phong tập kích trên đầu. Chàng liền xoay tay trái lên đánh trả một chưởng. Chàng thấy chưởng phong của đối phương xô tới rất gấp.

Bỗng nghe đánh chát một tiếng khe khẽ, hai chưởng đụng nhau, Hồ Phỉ bị chấn động không tự chủ được, phải lùi lại nửa bước. Chàng kinh hãi nghĩ thầm:

– Chưởng lực người này thật là hùng hậu!

Chàng phải vận toàn lực để chống cự, chỉ cảm thấy nội lực đối phương ào tới liên miên không ngớt. Hồ Phỉ ngấm ngầm kêu khổ:

– Cuộc tỉ thí chưởng lực này không thể trong khoảnh khắc mà phân thắng bại. Lát nữa đèn thắp lên thì mình không dễ gì mà thoát thân được.

Hai tay đấu chưởng, trong lòng xoay chuyển ý nghĩ đều là việc xảy ra trong chớp mắt.

Bỗng nghe thư sinh khẽ nói:

– Đa tạ các hạ đã tương trợ!

Rồi gã nhảy vọt lên. Gã vừa tung người lên, Hồ Phỉ lập tức tỉnh ngộ:

– Ta mới giải huyệt “Vân môn” cho gã, còn hai huyệt “Khúc trì” và “Hợp cốc” té ra được người đối chưởng với ta giải khai. Vậy y là bạn chứ không phải là thù.

Y nghĩ tới điểm này thì đồng thời đối phương cũng nghĩ:

– Ta mới giải huyệt “Khúc trì” và “Hợp cốc”, còn huyệt “Vân môn” chưa giải. Té ra đã được người đối chưởng với ta giải khai rồi. Vậy y là bạn chứ không phải là thù.

Hai bên tâm niệm tương đồng liền thu chưởng lực lại.

Thiếu niên thư sinh cúi xuống cắp Tang Phi Hồng vừa rảo bước chạy đi vừa hô lớn:

– Phúc Khang An bị ta giết rồi! Xin các vị hảo hán phái Thiếu Lâm đánh mặt đông, hảo hán Võ Đương đánh mặt tây! Chúng ta hãy ra tay hạ sát, hạ sát!

Trong bóng tối, chỉ nghe tiếng khí giới vang lên. Hỗn loạn khiến trong lòng ai nấy cũng hoang mang. Bọn thị vệ nghe Phúc Khang An bị hại đều sợ toát mồ hôi.

Lại nghe người hô “Hảo hản Thiếu Lâm đánh mặt đông, hảo hán Võ Đương đánh mặt tây” thì càng kinh hãi hơn, nghĩ rằng hai phái lớn này người đông, chẳng lẽ họ phản loạn cả rồi?

Bỗng nghe thanh âm của Chu Thiết Tiêu hô lớn:

– Phúc đại soái vẫn bình yên, đừng mắc lừa bọn tặc tử.

Khi bọn vệ sĩ thắp đèn lửa lên thì bọn Triệu Bán Sơn, Thạch Song Anh, thiếu niên thư sinh và Tang Phi Hồng đều không thấy đâu nữa.

Phúc Khang An vẫn ngồi trên ghế. Thang Bái và Hải Lan Bật đứng chắn ở phía trước hắn. Có hơn sáu chục tên vệ sĩ đứng dày đặc chung quanh như một bức tường người để bảo vệ hắn. Với cách phòng vệ nghiêm mật như thế này thì dù có hàng trăm hàng ngàn cao thủ đồng thời tập kích cũng chưa chắc đụng tới nửa sợi chân lông của hắn trong khoảnh khắc, chứ nói chi tới dăm ba tên thích khách lẻ tẻ? Cũng nhờ tất cả bọn vệ sĩ thủ hạ của hắn chỉ lo bảo vệ đại soái nên bọn Triệu Bán Sơn mới nhân đêm tối mà tẩu thoát. Nếu không thì bọn họ dù có võ công cao cường đến mấy cũng không dễ gì rút lui một cách bình yên được.

Mọi người thấy Phúc Khang An mỉm cười, thần sắc trấn tĩnh, cảnh ồn ào trong sảnh lập tức lắng dịu trở lại. Họ lại thấy chưởng môn phái Thiếu Lâm là Đại Trí Thiền sư và chưởng môn phái Võ Đương là Vô Thanh Tử vẫn ngồi yên trên ghế, mới biết gã thư sinh hô hoán chẳng qua là để rối loạn nhân tâm.

Phúc Khang An cười nói:

– Bọn tặc tử hô ngôn loạn ngữ, thiền sư và đạo trưởng bất tất phải để lòng.

An đề đốc tiến lại trước mặt Phúc Khang An nói:

– Ty chức bất tài để tặc tử trốn mất, xin đại soái giáng tội.

Phúc Khang An xua tay, cười đáp:

– Vụ này đều do ta mà ra, chứ nào phải vì các vị kém bản lĩnh. Ai nấy đều hết sức bảo vệ ta mà không lý gì đến bọn tiểu tặc.

Trong lòng hắn hết sức thỏa mãn, vì bọn vệ sĩ đều làm tròn trách nhiệm, ai nấy đều coi hắn làm trọng mà ra sức bảo vệ.

Phúc Khang An lại nói:

– Mấy tên tiểu mao tặc quấy rối một phen thì phỏng có chi đáng kể. Còn hai chiếc Ngọc Long bôi bị cướp đi thì, hừm, cứ để vị chưởng môn của phái nào đó sau này sẽ đoạt lại, đồng thời bắt cả hai tên tiểu tặc kia, chiếc Ngọc Long bôi sẽ thuộc quyền sở hữu của vị đó. Vụ này vừa đấu lực vừa đấu trí, so với cuộc tỷ võ ở đây, chẳng thú vị hơn ư?

Quần hào đều lớn tiếng hoan hô, ca ngợi cách an bài tuyệt diệu của Phúc đại soái.

Hồ Phỉ và Trình Linh Tố đưa mắt nhìn nhau, trong lòng không khỏi bội phục Phúc Khang An giỏi tài ứng biến, đã chế lấp được cái xấu về việc để mất ngự bôi, mà còn gây mối họa tâm phúc cho Hồng Hoa hội. Trong võ lâm thiếu gì người háo danh sẽ nghĩ ra trăm phương nghìn kế để đoạt lại Ngọc long bôi. Bất luận thành công hay không, vụ này cũng gây thêm cho Hồng Hoa hội không ít cường địch.

Phúc Khang An nhìn An đề đốc nói:

– Mời các vị tiếp tục tỷ thí đi!

An đề đốc khom lưng “dạ” một tiếng, rồi quay ra dõng dạc tuyên bố:

– Phúc đại soái có lệnh, mời các vị anh hùng thiên hạ tiếp tục cuộc tỉ thí tài nghệ để xem ba chiếc ngự bôi còn lại thuộc về tay ai?

Lão đã nói “Phúc đại soái có lệnh” nhưng lại dùng thêm chữ “mời” để tỏ vẻ tôn trọng quần hào, dùng lễ chủ khách mà tiếp đãi

Phúc Khang An dặn dò:

– Dẹp bớt một chiếc ghế đi.

Một tên vệ sĩ tiến lên dẹp một cái ghế thái sư để trống. Giữa đại sảnh bây giờ còn lại ba cái ghế trống. Đến lúc này mọi người mới phát giác chưởng môn phái Côn Luân đao là Tây Linh đạo trưởng đã bỏ ghế ngồi không biết đi từ lúc nào. Ai cũng nghĩ lão thấy võ công của các nhà các phái đều cao hơn mình quá nhiều. Để bị đẩy xuống khỏi ghế, sao bằng nhường chỗ trước bỏ đi để khỏi phải phơi bày cái kém cỏi của mình ra.

Lúc này Hồ Phỉ trăm mối ngổn ngang, trong lòng ngờ vực tự hỏi: Hai đứa con song sinh của Phúc Khang An sao lại bị hắn đoạt trở lại? Mình mạo xưng chưởng môn Hoa Quyền môn đã bị hắn phát giác chưa? Đối phương cứ từ từ chưa phanh phui ra, phải chăng là đã ngấm ngầm bố trí cạm bẫy cực kỳ lợi hại? Ta vừa giải huyệt cho thư sinh đã chạm chưởng lực của một người trong bóng tối. Nội lực của người đó hùng hậu không phải tầm thường mà cũng trợ giúp thư sinh, dĩ nhiên là một trong đám quần hào tại đại sảnh, nhưng không hiểu y là ai?

Chàng biết rõ mình còn ở trong Phúc phủ lúc nào là tăng thêm phần hung hiểm lúc ấy, nhưng một là trong lòng còn nhiều mối hoài nghi chưa giải thích được, hai là Phụng Thiên Nam cũng ở đây, khó khăn lắm mới tìm dược hắn, không lẽ lại để hắn đào tẩu? Ba là chàng muốn coi ba chiếc Ngọc Long bôi còn lại sẽ về tay chưởng môn phái nào.

Thực ra đây chỉ là những nguyên nhân nghĩ trong đầu, còn nguyên nhân chính chàng chỉ ngấm ngầm nhắc nhở trong lòng: đó là Viên Tử Y thế nào cũng đến dự hội. Chàng biết nàng sẽ tới nên không chịu bỏ đi. Dẫu có nguy hiểm tày trời cũng không làm chàng sợ hãi.

Lúc này trong đại sảnh có hai cặp tỷ võ. Bốn người đều sử binh khí. Hồ Phỉ vừa liếc qua đã biết bốn người này bản lãnh cao hơn những người đấu trước.

Chẳng bao lâu người sử Tam tiết côn bị thua lui xuống, lại có người khác sử Lưu tinh chùy bước ra. Tên võ quan báo danh lão là Lưu tinh hãn nguyệt Đồng Hoài Đạo ở phủ Thái Nguyên.

Hồ Phỉ nghĩ tới mấy tháng trước cùng Chung thị Tam hùng giao đấu đã nghe bọn họ nhắc tới tên của Lưu tinh hãn nguyệt Đồng lão sư. Bản lĩnh song chùy của Đồng Hoài Đạo quả nhiên cực kỳ thâm hậu. Chỉ hơn mười hiệp, lão đã đánh bại đối thủ. Tiếp theo hai người nữa tiến ra cũng không phải đối thủ của lão.

Các bậc cao thủ so tài, nếu không tỷ đấu bằng nội lực, chỉ cần chiết giải vài chiêu thì đã phân thắng bại. Tỷ đấu bằng binh khí thì việc thương vong so với tỷ đấu bằng quyền cước còn hung hiểm hơn nhiều.

Hai bên tỷ thí đã không có thâm cừu đại oán gì, phần lớn chỉ được nghe danh chứ không quen biết, nên ai thấy bản lãnh mình đã phân cao thấp hay kém một chút là rút lui ngay, chứ chẳng ai mạo hiểm đem tính mệnh ra để quyết sống mái ăn thua.

Trong mắt của Phúc Khang An, những tay võ học mèo quào cứ sợ bị tổn thương nên chỉ đánh mấy hiệp đã rút lui, xem không hứng thú bằng những tay đánh ác liệt như bọn Hoàng Hy Tiết, Tang Phi Hồng, Âu Dương Công Chính, Cáp Xích hòa thượng.

Những người võ công cao minh thấy rõ ràng các kẻ tỷ đấu càng về sau bản lĩnh càng cao cường, muốn thủ thắng không phải là chuyện dễ dàng. Không ít những vị chưởng môn ban đầu cũng muốn nhảy ra tỷ đấu, đến lúc này đều thay đổi chủ ý, quyết định tụ thủ bàng quan.

Lắm lúc hai người tỷ đấu xem ra quá tầm thường, chẳng có chi hay ho nhưng những tay cao thủ như Thang Bái, Hải Lan Bật cũng hoan hô, khiến bọn hậu bối không hiểu lý lẽ nếu chẳng trợn mắt há miệng thì cũng đứng ngây người như khúc gỗ, rồi hùa theo lên tiếng phụ họa, ra điều ta đây biết thưởng thức.

Tuy những người ra tỷ đấu đã hết sức cẩn thận, nhưng vào đấu trường rồi thì ai cũng mong thủ thắng mà khí giới lại không có mắt, cho nên có ba vị chưởng môn chết ngay đương trường, bảy người bị trọng thương.

Chỉ vì Phúc Khang An uy thế khiếp người, nên bọn đệ tử của những người bị tử thương nhất thời chưa dám phát tác. Nhưng những mối oan oan tương báo gây ra bao cuộc gió tanh mưa máu trong võ lâm về sau đều bắt nguồn từ bữa hôm nay.

Ba triều đại Thuận Trị, Khang Hy, Ung Chính đời nhà Thanh liên tiếp nổ ra những cuộc khởi nghĩa phản Thanh, hơn trăm năm không thể bình định hết được. Nhưng đến trung diệp đời Càn Long về sau mới rộ lên phong trào nhân sĩ võ lâm tự tàn sát lẫn nhau, không nghĩ đến chuyện phản Thanh nữa, Thanh triều mới khỏi mối lo này. Vụ này tuy có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính nảy mầm từ đại hội các chưởng môn nhân này.

Về sau trong võ lâm cũng có kẻ sĩ giàu kiến thức ra sức điều giải những mối hiềm khích, mà cũng không sao dập tắt hết được những mối thù oán giữa các môn phái. Những người không hiểu âm mưu sâu xa của Phục Khang An đều cho rằng vận khí nhà Mãn Thanh đang thịnh, khiến anh hùng thảo mãng tàn sát lẫn nhau, đó là ý trời muốn vậy.

Lưu tinh hãn nguyệt Đồng Hoài Đạo sử cặp lưu tinh chùy không đầy nửa giờ đã đả bại liên tiếp cao thủ chưởng môn của năm phái. Những chưởng môn của phái khác đâm sợ cặp chùy tấn công linh hoạt của lão nên không ai dám khiêu chiến nữa.

Giữa lúc ấy ngoài sảnh đường có một tên võ quan ngũ phẩm hấp tấp chạy vào, đến trước mặt Phúc Khang An khẽ bẩm báo mấy câu.

Phúc Khang An gật đầu. Tên võ quan kia liền ra cửa đại sảnh, hô lớn:

– Phúc đại soái mời Điền lão sư, chưởng môn phái Bắc Tông ở Thiên Long môn vào yết kiến.

Hồ Phỉ và Trình Linh Tố đưa mắt nhìn nhau, lòng hơi chấn động, thầm nhủ:

– Hắn cũng đến rồi!

Lát sau Điền Quy Nông mình khoác trường bào, miệng mỉm cười thong thả tiến vào. Theo sau hắn có tám người cao có, lùn có. Hắn tới trước mặt Phúc Khang An khom lưng thỉnh an.

Phúc Khang An nghiêng mình, vòng tay đáp lễ, mỉm cười nói:

– Điền lão sư mạnh giỏi a! Mời lão sư an tọa!

Quần hào thấy thế, nghĩ thầm:

– Võ công Thiên Long môn lừng danh thiên hạ hằng trăm năm. Từ cuối đời nhà Minh đến giờ, bốn nhà Hồ, Miêu, Phạm, Điền cùng nổi tiếng ngang nhau, thời nào cũng đều có những tay cao thủ. Tên họ Điền này khí phách không phải tầm thường. Phúc đại soái đối với hắn có phần trân trọng khác hẳn những môn phái khác. Không hiểu hắn thực có tài kinh nhân hay không?

Mỗi phái đều chỉ có bốn người tham gia đại hội mà Điền Quy Nông lại đem theo tám tên tùy tùng, huống chi hắn còn khệnh khạng đến muộn.

Quần hào tuy bị chấn động bởi oai danh của hắn, nhưng trong lòng đều có ý bất bình.

Điền Quy Nông nhìn chưởng môn hai phái Thiếu Lâm và Võ Đương gật đầu thi lễ, xem chừng không quen thuộc lắm, nhưng đối với Cam Lâm Huệ thất tỉnh Thang Bái, hắn tỏ vẻ cực kỳ thân thiện.

Thang Bái vỗ vai hắn, cười nói:

– Hiền đệ! Ca ca đây vẫn nhớ hiền đệ, nghĩ mãi không hiểu vì lẽ gì mãi đến giờ vẫn chưa thấy tới? Giả tỷ hiền đệ đến chậm không lấy được Ngọc Long bôi, thì một mình ta đem Ngọc Long bôi về sao tiện? Thiên Long môn của hiền đệ mà không được Ngọc bôi tất có một ngày kia, hiền đệ cao hứng tìm đến ta để tỷ đấu. Khi ấy ta chỉ còn nước hai tay dâng chén ngọc chứ còn nói gì được nữa, há chẳng hỏng việc ư?

Lão nói rồi thuật lại chuyện Phúc đại soái tổ chức tỷ võ để lấy ngự bôi cho hắn hay.

Điền Quy Nông cười nói:

– Tiểu đệ sao dám tỷ thí với đại ca? Thiên Long môn của tiểu đệ nếu được Phúc đại soái gia ân, lại thêm đại ca chiếu cố cho, để phô phang cái mặt xấu xa trước anh hùng trong thiên hạ là cũng đã quá lòng mong ước rồi.

Hắn nói rồi cả hai cùng cười rộ lên. Tuy lời nói có vẻ khiêm nhượng, nhưng xem thái độ thì hắn hiển nhiên xem Ngọc Long bôi đã là vật trong túi của mình rồi.

Thang Bái tỏ ra rất thân thiện với mọi người, nhưng thái độ đối với Điền Quy Nông khác hẳn. Nghe cách hai người xưng hô thì tựa hồ như họ đã kết nghĩa đệ huynh.

Hồ Phỉ nghĩ thầm:

– Tên họ Điền kia đã giao thủ với ta. Võ công hắn tuy cao hơn bọn người ở đây, nhưng chưa chắc đã bằng Thang Bái và Hải Lan Bật. Nếu bảo hắn nhất định đoạt được Ngọc Long bôi thì không khỏi xem thường anh hùng trong thiên hạ.

Chàng nhớ tới hành động đê hèn ám toán Miêu Nhân Phụng của hắn liền định bụng:

– Hắn không đoạt được Ngọc Long bôi thì chẳng nói làm chi, bằng chẳng may hắn đoạt được thì ta phải làm cho hắn mất mặt trước quần hùng.

Chàng đã giao thủ với Điền Quy Nông ở nhà Miêu Nhân Phụng, dùng đao pháp tổ truyền đánh hắn miệng hộc máu tươi phải chịu thua mà chạy, chưa kể ngày ấy chàng chưa được Miêu Nhân Phùng chỉ điểm, chưa lĩnh hội được những yếu quyết tinh diệu trong “Hồ gia đao pháp”, giờ đây nếu chỉ luận về đao pháp thì thiên hạ cơ hồ không ai thắng được chàng. Ngày đến hạng nhất lưu cao thủ như Miêu Nhân Phụng hay Triệu Bán Sơn cũng chẳng hơn chàng được, dĩ nhiên Điền Quy Nông khó lòng địch nổi.

Lúc Điền Quy Nông bước vào, cuộc tỷ thí trong sảnh đường dừng lại một lúc, bây giờ tiếng khí giới lại chạm nhau chan chát.

Điền Quy Nông ngồi trên ghế, tay cầm chung rượu, vẻ mặt rất ung dung nhàn nhã. Mắt hắn nhìn kẻ thắng, người bại chỉ mỉm cười, chẳng để vào lòng. Có lúc hắn trò chuyện phiếm mấy câu với Thang Bái.

Quần hùng đã nhận ra thái độ của hắn làm ra vẻ như mình là cao nhân bậc nhất không thèm tranh thắng với mọi người, những thực ra hắn muốn “dĩ dật, đãi lao”, dùng nhàn đánh mệt. Hắn định chờ đến lúc tối hậu, quần hào sức cùng lực kiệt, mới thi triển toàn lực đánh một đòn.

Lưu tinh hãn nguyệt Đồng Hoài Đạo ngồi trên ghế thái sư chờ lâu không thấy ai đến khiêu chiến, đột nhiên đứng dậy đi tới trước mặt Điền Quy Nông nói:

– Điền lão sư! Đồng mỗ muốn lãnh giáo những cao chiêu của lão sư!

Mọi người đều ngạc nhiên, vì từ lúc khai diễn cuộc đấu thì toàn những nhân vật thắng trận ngồi trên ghế để người khác đến khiêu chiến, ai ngờ Đồng Hoài Đạo lại bỏ chỗ ngồi để thách đấu với Điền Quy Nông.

Điền Quy Nông cười đáp:

– Sao mà vội thế?

Tay hắn vẫn cầm chung rượu.

Đồng Hoài Đạo hỏi:

– Chẳng sớm thì muộn chúng ta cũng tỷ đấu một phen. Đồng mỗ muốn thừa lúc còn có khí lực để lãnh giáo Điền lão sư, chứ không muốn lão sư dưỡng tinh súc nhuệ để đến lúc sau cùng mới ra tay chiếm tiện nghi.

Nguyên Đồng Hoài Đạo là một người thẳng thắn mau miệng, nghĩ sao nói vậy chẳng úy kỵ gì. Trong quần hào có hơn hai mươi người lớn tiếng hoan hô. Bọn này thấy họ Điền làm bộ làm tịch đã cảm thấy bực mình.

Điền Quy Nông thấy khó lòng chối từ chối liền cười khanh khách, nhìn Thang Bái nói:

– Đại ca! Tiểu đệ xin phô trương cái dở ra vậy.

Thang Bái đáp:

– Chúc mừng hiền đệ mã đáo thành công!

Đồng Hoài Đạo quay lại tròn mắt nhìn Thang Bái, cất giọng ồm ồm nói:

– Thang lão sư! Phúc đại soái đặt lão sư vào địa vị một người trong bốn đại chưởng môn. Xin lão sư giữ gìn công đạo cho. Chỉ một chữ “công” thôi e rằng cũng không khỏi có chỗ sai lệch.

Thang Bái bị lão đập thẳng một câu, không khỏi ngượng ngùng, Lão cười gượng, hỏi lại:

– Tại hạ bất công ở chỗ nào, xin Đồng lão sư chỉ giáo.

Đồng Hoài Đạo đáp:

– Đồng mỗ chưa tỷ đấu với Điền lão sư mà lại có lòng thiên vị nói nào là “Chúc mừng hiền đệ mã đáo thành công”. Các anh hùng thiên hạ ở đây đều nghe rõ cả.

Thang Bái trong lòng phẫn nộ. Hai ba chục năm gần đây, bất kỳ ai gặp lão cũng một điều “Thang đại hiệp”, hai điều “Thang đại hiệp”, chưa một ai dám ăn nói bốp chát như vậy. Huống chi ở giữa đám đông quần hào, Đồng Hoài Đạo lại ngang nhiên chỉ trích lão. Nhưng lão là người dày công hàm dưỡng, nên vẫn mỉm cười đáp:

– Thang mỗ cũng xin chúc cho Đồng lão sư kỳ khai đắc thắng!

Đồng Hoài Đạo sửng sốt nghĩ bụng:

– Hai người tỷ đấu, lão chúc một người “kỳ khai đắc thắng”, một kẻ “mã đáo thành công”, trong thiên hạ làm gì có cái lý ấy?

Nhưng lão cũng không biện bác gì nữa, chỉ nói một câu:

– Thang lão sư! Chúc lão sư “kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công”.

Quần hào nghe xong phá lên cười.

Điền Quy Nông đưa mắt nhìn Thang Bái ra hiệu, ý nói:

– Đại ca cứ yên tâm, loại người lỗ mãng vô lễ thế này tiểu đệ nhất định sẽ cho hắn một bài học.

Hắn từ từ bước vào giữa sảnh đường, nói:

– Mời Đồng lão sư tiến lên!

Đồng Hoài Đạo thấy hắn chưa cởi trường bào, trong tay lại không có khí giới gì lại càng thêm tức tối, đáp:

– Điền lão sư muốn dùng tay không để đón tiếp cặp Lưu tinh chùy của Đồng mỗ chăng?

Điền Quy Nông tâm kế sâu xa, hành động thận trọng. Hắn tính thầm nếu trong vòng đôi ba chiêu mà đánh ngã được Đồng Hoài Đạo, đại hiển oai phong trước mặt quần hùng thì điều đó quả là tuyệt diệu. Nhưng hắn thấy Đồng Hoài Đạo thân thể to lớn, da thịt rắn như sắt, chẳng phải hạng người dễ ăn, liền cười nói:

– Đồng lão sư nổi danh khắp vùng Thiểm Tây, hảo hán trên giang hồ ai mà không biết tuyệt kỹ “Lưu tinh hãn nguyệt”. Tại hạ có sử dụng binh khí đi nữa cũng vị tất là đối thủ của lão sư.

Điền Quy Nông đưa tay phải lên vẫy một cái, đại đệ tử của hắn là Tào Vân Kỳ hai tay cầm thanh bảo kiếm dâng lên.

Điền Quy Nông khoát tay trái đón lấy kiếm, cười nói:

– Mời!

Đồng Hoài Đạo thấy hắn chưa rút kiếm ra khỏi vỏ, bụng bảo dạ:

– Ngươi đã cầm binh khí trong tay thì muốn lúc nào rút kiếm là việc của ngươi.

Tay lão cầm quãng giữa sợi dây xích sắt giật mạnh xuống, cặp lưu tinh chùy lập tức tung thẳng lên như hai cây thiết bổng.

Quần hào đồng thanh khen ngợi:

– Hảo công phu!

Tiếng reo chưa dứt, chùy bên trái của lão vẫn dựng lên không mà chùy bên phải đã đánh vào trước ngực đối phương. Nhưng quả chùy này còn cách ngực Điền Quy Nông nửa thước thì đột nhiên dừng lại. Quả chùy bên trái từ phía sau đánh thẳng vào bụng Điền Quy Nông mau lẹ dị thường.

Quả chùy trước chỉ là hư chiêu để dụ địch. Quả chùy sau mới dùng toàn lực để đánh. Vừa mới xuất thủ mà lão đã dùng ngay tuyệt kỹ “Lưu tinh hãn nguyệt” để tấn công.

Điền Quy Nông trong lòng cũng hơi kinh hãi lùi lại một bước, vung trường kiếm để nguyên cả vỏ đâm tới.

Đồng Hoài Đạo cả giận, nghĩ thầm:

– Hắn không rút kiếm ra, rõ ràng không coi ta vào đâu.

Lão liền tăng gia kình lực, vung cặp thiết chùy thành một vòng hắc quang. Song chùy của lão một nhanh, một chậm, một hư một thực, nhưng nhanh mà không hẳn nhanh, chậm cũng không hẳn chậm, cứ hư hư thực thực biến hóa vô cùng.

Điền Quy Nông thủy chung vẫn không rút kiếm ra khỏi vỏ, sử dụng toàn “Thiên Long kiếm pháp” để đối phó.

Hai người chiết giải ngoài ba chục chiêu, Điền Quy Nông đã hiểu rõ lộ số của đối phương. Đột nhiên hắn hươi trường kiếm điểm lẹ vào huyệt “Khúc tuyền” trên đầu gối bên trái của Đồng Hoài Đạo. Chiêu này không phải là chiêu số về kiếm pháp. Hắn đã biến trường kiếm lẫn vỏ thành phán quan bút. Đồng Hoài Đạo cả kinh, lùi lại hai bước.

Điền Quy Nông quét ngang trường kiếm đánh vào đùi lão. Chiêu này hắn lại biến vỏ kiếm thành thiết giản để ra chiêu “Liễu lâm hoán giản” trong giản pháp. Trong vòng hai chiêu hắn biến từ kiếm pháp qua bút pháp, lại từ bút pháp qua giản pháp.

Đồng Hoài Đạo trong lòng hoang mang, lão cuốn Lưu tinh chùy bên tay trái lại rồi đẩy mạnh ra. Trái thiết chùy nhắm vào huyệt “Mi tâm” của Điền Quy Nông bắn tới.

Lão sử chiêu này là phép đánh “lưỡng bại câu thương”. Lão để đùi bên trái hứng chịu vỏ kiếm đâm vào và mong thiết chùy cũng đập trúng hắn.

Điền Quy Nông chẳng ngờ đối phương không né tránh mà lại tấn công. Vỏ kiếm của hắn còn cách đùi đối thủ chỉ mấy tấc, mà hắn đã nghe kình phong quạt vào mặt do trái thiết chùy bay tới. Nếu cả hai cùng bị trúng đòn thì đối phương cùng lắm chỉ phế bỏ một chân, con hắn sẽ gặp cái họa bị chùy đập nát đầu. Trong lúc hoang mang, hắn xoay chuyển trường kiếm gạt dây chùy, chuyển công thành thủ và rơi vào thế hạ phong.

Đồng Hoài Đạo thu lưu tinh chùy về, dây xích đã cuốn lấy thanh trường kiếm giật mạnh một cái, đồng thời chùy bên phải quét ngang đánh tới. Trước mắt, Điền Quy Nông bị kiếm chế binh khí, dẫu có thoát chết thì cũng tuột mất trường kiếm.

Bỗng nghe đánh “soạt” một tiếng, ánh thanh quang lấp loáng. Trường kiếm đã rút ra khỏi vỏ. Mũi kiếm rung lên đâm trúng vào cổ tay phải của Đồng Hoài Đạo.

Thì ra sợi dây xích buộc chùy của lão quấn được trường kiếm kéo mạnh một cái làm tuột vỏ kiếm ra. Điền Quy Nông thừa cơ phóng kiếm đả thương địch thủ. Tiếp theo hắn sấn tới hai bước, phóng tay cái điểm liền vào ba huyệt đạo trước ngực đối phương.

Đồng Hoài Đạo toàn thân tê dại. Hai trái lưu tinh chùy rơi xuống đánh bể gạch dưới đất, làm bay mảnh tứ tung.

Điền Qui Nông tra kiếm vào vỏ, cười hì hì, nói:

– Cảm ơn các hạ đã nhân nhượng!

Rồi bước đến ngồi vào cỗ ghế thái sư mà Đồng Hoài Đạo vừa ngồi.

Tuy hắn đắc thắng nhưng quần hào đều cảm thấy hắn gặp may, lại có thêm chút trá ngụy chứ không phải thủ thắng bằng bản lĩnh chân thực. Vì thế trừ bọn Thang Bái mấy người nổi tiếng hoan hô, còn ngoài ra không ai khen ngợi gì.

Đồng Hoài Đạo bị điểm huyệt rồi toàn thân bất động, vẫn đứng yên theo tư thế vung chùy đánh người, mắt trừng giận giữ, bộ dạng trông rất tức cười.

Điền Quy Nông không giải huyệt cho lão, cứ ngồi trên ghế thái sư cười đùa với Thang Bái, để mặc Đồng Hoài Đạo giữ nguyên bộ dạng khó coi. Hắn lờ đi làm như không thấy.

Trong đại sảnh chẳng thiếu gì những đại hành gia chuyên nghề điểm huyệt, trong lòng đều có ý bất nhẫn, những ai cũng hiểu nếu đến giải huyệt Đồng Hoài Đạo tất làm mất lòng Thang Bái và Điền Quy Nông. Điền Quy Nông thì cũng chẳng có gì đáng kể, song Cam Lâm Huệ thất tỉnh Thang Bái oai danh lại quá lớn, mà các danh gia điểm huyệt thì mười phần hết chín đều là những bậc lão thành thận trọng, nên không muốn đắc tội với Thang Bái.

Có điều ai nấy ngó thấy Đồng Hoài Đạo dương cặp mắt tức giận đứng ngây người ra đó cũng lấy làm khó chịu.

Đột nhiên một đại hán ở bàn tiệc phía tây, tay kéo loạt soạt một cây côn sắt thô vừa dài, rảo bước đến trước mặt Điền Quy Nông, lớn tiếng quát:

– Họ Điền kia! Sao không giải khai huyệt đạo cho người ta đi, còn để lão đứng trơ ra đó làm chi?

Điền Quy Nông mỉm cười hỏi:

– Các hạ là ai?

Đại hán đáp:

– Ta là Lý Đình Báo. Người đã nghe tiếng bao giờ chưa?

Đại hán báo danh mà tiếng như tiếng sấm, làm tai mọi người đều chấn động kêu o o.

Quần hào nghe tiếng Lý Đình Báo đều không khỏi ngạc nhiên. Nguyên Lý Đình Báo là đại đệ tử của chưởng môn phái Ngũ Đài, đã mở tiêu cục ở phủ Diên An tỉnh Thiểm Tây. Y nổi tiếng thiên hạ về “Ngũ Long côn pháp”. Ngũ Long tiêu cục của y oai danh khá lớn tại bảy tỉnh miền bắc. Quần hào tưởng y đã xuất thân từ tiêu cục thì dĩ nhiên là người tinh minh mẫn cán, từng trải sự đời, không ngờ y lại hành động chẳng khác một kẻ mãng phu.

Điền Quy Nông vẫn ngồi trên ghế thái sư không đứng đậy, cũng chẳng nghiêng mình. Danh tự Lý Đình Báo ở phái Ngũ Đài dĩ nhiên hắn đã nghe qua, nhưng hắn lại giả bộ ngạc nhiên, lắc đầu đáp:

– Tại hạ chưa từng nghe nói đến. Các hạ ở môn phái nào?

Lý Đình Báo cả giận quát:

– Phái Ngũ Đài, ngươi đã nghe tới chưa?

Điền Quy Nông vẫn lắc đầu. Vẻ mặt hắn vừa ra chiều ân hận lại tỏ vẻ hoảng sợ, cất tiếng hỏi:

– Phái “Ngũ Đài” ư? Chứ không phải “Thất Đài”, “Bát Đài” à?

Hắn nói đến chữ “Bát Đài” là có ý dựa theo âm “Bát đản” trong “Vương bát đản”. Người ta thường dùng thành ngữ “Vương bát đản” để thóa mạ như “Quân khốn kiếp!”, “Đồ chó đẻ!”. Bọn tuổi trẻ trong sảnh đường không nhịn được đều phá lên cười.

May mà Lý Đình Báo không phát giác. Y nói:

– Là phái Ngũ Đài! Người ta cũng là một môn phái trong võ lâm, ngươi giải huyệt cho Đồng lão sư mau đi!

Điền Quy Nông hỏi:

– Các hạ là hảo bằng hữu với Đồng lão sư sao?

Lý Đình Báo đáp:

– Không phải! Ta với lão chưa từng quen biết, nhưng ngươi hý lộng người ta như thế thật chẳng ra thể thống gì. Ta thấy chẳng thuận mắt chút nào.

Điền Quy Nông chau mày nói:

– Tại hạ chỉ biết điểm huyệt. Ngày trước sư phụ Điền mỗ không dạy cách giải huyệt.

Lý Đình Báo đáp:

– Ta không tin!

Bọn Phúc Khang An, đề đốc nghe hai người đối đáp rất lấy làm thú vị. Chúng biết Điền Quy Nông muốn trêu cợt con người chất phác này. Những viên đại quan này coi cuộc tỷ võ làm vui cũng như coi tuồng hát hay làm xiếc. Chúng thấy sau một loạt các cuộc tỷ đấu kịch liệt lại có vai hề phụ xen vào làm trò lại càng tăng thêm hứng thú.

Điền Quy Nông liếc mắt thấy Phúc Khang An cười hì hì, vẻ mặt ra chiều thích thú liền nói:

– Bây giờ làm thế này! Các hạ cứ đá mạnh một cước vào khuỷu chân y là giải khai được huyệt đạo.

Lý Đình Báo hỏi:

– Có thật không?

Điền Quy Nông đáp:

– Ngày trước sư phụ dạy tại hạ như vậy, có điều tại hạ chưa từng thử qua

Lý Đình Báo liền giơ chân phải lên đá vào khuỷu chân Đồng Hoài Đạo. Phát đá này, lực đạo không mạnh nhưng Đồng Hoài Đạo cũng ngã lăn đi mấy vòng mà tư thế chân tay vẫn không mảy may biến đổi, chỉ chuyển từ tư thế thẳng đứng sang tư thế nằm kềnh trên mặt đất. Thế là Lý Đình Báo mắc bẫy, muốn cứu người lại thành đá ngã người.

Phúc Khang An nổi lên cười ha hả, bọn quý quan cũng cười rộ theo. Trong quần hào có mấy người muốn chỉ trích Điền Quy Nông, nhưng thấy Phúc Khang An vui cười nên không dám lên tiếng.

Tiếng cười chưa dứt, bỗng vèo vèo ba tiếng vang lên, ba chung rượu bay lên không. Mọi người nhất tề ngửng đầu lên nhìn, thấy ba chung rượu chạm vào nhau “bốp bốp” hai tiếng liền vỡ tan tành.

Mục quang mọi người nhìn theo những mảnh chung rớt xuống thì thấy Đồng Hoài Đạo đã đứng dậy rồi. Tay cầm một cái chung, lão nói:

– Vị anh hùng nào ngầm tương trợ, Đồng mỗ suốt đời không quên ơn đức.

Lão nói rồi bỏ chung rượu vào bọc, hằn học nhìn Điền Quy Nông rồi chạy thẳng ra khỏi sảnh đường.

Thì ra có người nào đó ném chung rượu lên không cho chạm nhau là để quần hào tập trung chú ý. Khi mọi người đang chăm chú nhìn ba chung rượu đụng nhau trên không, y lại ném một chung nữa ra đánh vào huyệt “Cân Xúc” sau lưng Đồng Hoài Đạo để giải huyệt cho lão.

Diễn biến che mắt được hết mọi cao thủ trong sảnh đường. Mọi người đều biết đó là công phu cực kỳ cao minh, nhưng không biết ai là người xuất thủ.

Thang Bái liền lấy hai chung rót đầy rượu, cầm đến trước bàn Hồ Phỉ, nói:

– Huynh đài đây lạ mặt quá nhỉ. Xin cho biết tôn tính đại đanh! Công phu ném chung giải huyệt của các hạ khiến tại hạ vô cùng khâm phục.

Hồ Phỉ vừa rồi nghĩ tới Đồng Hoài Đạo là bạn hữu của Chung thị tam hùng, lại thấy Điền Quy Nông làm nhục người thái quá bèn động lòng nghĩa hiệp nên dù biết mình đang ở nơi hiểm địa cũng không nhịn được, phải ra tay giải khai huyệt đạo cho lão. Nào ngờ Thang Bái mục quang vô cùng sắc bén nên nhận ra ngay.

Hồ Phỉ đáp:

– Tại hạ họ Trình, thảo tự Linh Hồ, ở Hoa Quyền môn. Thang đại hiệp vừa nói việc ném chung giải huyệt gì đó tại hạ không hiểu.

Thang Bái cười ha hả, nói:

– Các hạ hà tất phải giấu giếm làm chi? Chẳng phải trên bàn này mất bốn cái chung rượu đấy ư?

Hồ Phỉ nghĩ bụng:

– Xem ra chưa chắc lão đã nhìn thấy ta ném chung, chẳng qua vì thấy trên bàn thiếu bốn cái nên suy diễn mà thôi.

Chàng liền quay lại nhìn Quách Ngọc Đường nói:

– Quách lão sư! Té ra lão sư mình mang tuyệt nghệ, ném chung giải huyệt cho lão họ Đồng. Bội phục! Bội phục!

Quách Ngọc Đường vốn gan thỏ đế, lão sợ vô cớ bị liên lụy vội đáp:

– Lão phu đâu có ném chung! Lão phu đâu có ném chung!

Thang Bái quen lão đã lâu nên biết lão không đủ tài như vậy, lại nhìn hết mọi người trên bàn có Thái Uy ở Hoa Quyền môn là người nổi danh đã lâu, nhưng xưa nay công phu phóng ám khí của lão cũng rất tầm thường.

Lão nghĩ vậy liền đưa chung rượu trong tay phải cho Hồ Phỉ, cười nói:

– Trình huynh! Bữa nay may được gặp nhau, huynh đệ kính mời Trình huynh một chén!

Lão nói rồi giơ chung rượu lên cụng kẽ vào chung rượu kia. Bỗng nghe “bốp” một tiếng, chung rượu trong tay Hồ Phỉ lập tức vỡ tan. Nước rượu nóng cùng mảnh chung vỡ bắn tứ tung đập cả vào ngực chàng.

Nguyên lúc cụng chung, Thang Bái đã ngầm vận nội lực, võ công Hồ Phỉ ra sao, chỉ cần cụng chung là lão phát hiện ra ngay. Không ngờ hai chung rượu đụng nhau, chưởng môn Trình Linh Hồ của Hoa Quyền môn tựa hồ chẳng có chút nội công nào, nên để cho chung bể vụn và rượu đổ hắt vào mình. Chung rượu trên tay Thang Bái cố nhiên hãy còn nguyên vẹn, cả áo lão cũng không có một giọt rượu nào bắn vào.

Lão mỉm cười nói:

– Xin lỗi nhé!

Rồi lão trở về bàn ngồi, tự hỏi:

– Bản lãnh của tiểu lão nhị kia tầm thường lắm, không hiểu người ném chung giải huyệt là ai?

Lúc này Điền Quy Nông và Lý Đình Báo đã khai diễn cuộc đấu ở giữa sảnh đường. Điền Quy Nông tay cầm trường kiếm, thanh quang lấp loáng. Hắn rút kiếm ra, không dám coi thường như trước, Lý Đình Báo triển khai “Ngũ Lang côn pháp”, sử dụng những chiêu “Hối song vọng nguyệt”, “Bối côn tràng chung”, “Bạch viên vấn lộ”, “Hoành lạn thiên môn”. Những động tác của y nào điểm nào khuyên, nào chém, nào lướt, nào hất, nào đập, nào tát, nào sát, chiêu số cực kỳ mãnh liệt.

Quần hào đứng xem đều ngấm ngầm tâm phục và biết Ngũ Lang tiêu cục mười mấy năm gần đây uy danh vang dội, Lý tổng tiêu đầu quả nhiên tài nghệ có chỗ hơn người. “Thiên Long kiếm pháp” của Điền Quy Nông cũng là một tuyệt nghệ trong võ lâm. Sau một lần kịch đấu, hắn dần dần chiếm được thượng phong, nhưng muốn thủ thắng trong thời gian ngắn xem ra không phải là chuyện dễ.

Cuộc chiến đương hăng, Điền Quy Nông đột nhiên lật vạt áo ra. Một tiếng “soạt” vang lên, hắn đã rút một thanh đoản đao từ trường bào ra. Dưới ánh đèn lửa, ánh đao quang lấp lánh bất định, đứng xa coi như bảo thạch lại giống pha lê, như nước trong lại giống băng lạnh.

Lý Đình Báo sử chiêu “Đảo phản càn khôn” xoay tay bửa xuống. Điền Quy Nông vung tay hất vung trường kiếm lên. Lý Đình Báo phóng thẳng thiết côn về phía trước. Đó là chiêu “Thanh long xuất động” biến hóa từ “Tỏa hầu thương pháp”, cực kỳ nguy hiểm. Y sử chiêu này rất thuần thục. Điền Quy Nông không lùi lại né tránh, tay trái hắn cầm đơn đao hất ngược lên đánh choang một tiếng. Cây thiết côn bị gãy làm hai đoạn. Điền Quy Nông nhân lúc đối phương đang lòng rối loạn, tay mặt hắn vung kiếm đâm lẹ tơi, vạch một đường trên cổ tay Lý Đình Báo cứa đứt gân mạch.

Lý Đình Báo rú lên một tiếng buông cây côn xuống. Gân tay đứt rồi là cánh tay mặt thành tàn phế. Suốt đời y chỉ luyện “Ngũ Lang côn”, mà công phu về côn bổng cần cả hai tay mới sử dụng được. Tay mặt bị phế bỏ là xem như mất hết toàn bộ võ công. Trong khoảnh khắc, y nghĩ đến công phu khổ luyện một đời đã trôi theo dòng nước, tiêu cục chỉ còn cách đóng cửa. Y kiếm tiền dễ dàng nên xưa nay không dành dụm. Cả nhà già trẻ lớn bé lập tức sẽ lâm vào cảnh đói rét. Y lại nghĩ tới mình bình sinh bản tính nóng nảy, kết oán với không ít người. Đừng nói đến việc cừu nhân tìm đến trả thù đã vô phương đối phó, mà hàng ngày, ngay những tiếng mỉa mai trào lộng của bọn hậu bối tiểu nhân cũng làm sao chịu nổi? Y là người lòng dạ ngay thẳng, nhận thấy sống thêm khắc nào là nhục thêm khắc ấy. Tay trái y lượm nửa khúc côn sắt tự đập vào đầu đánh “bộp”, vỡ óc chết ngay.

Quần hào trong sảnh đường bật tiếng la hoảng, đứng phắt cả dậy. Ai cũng tưởng y lượm khúc côn gãy để liều mạng với Điền Quy Nông, không ngờ y đập đầu tự tử. Biến cố này diễn ra đột ngột khiến mọi người kinh hãi nói không ra lời.

An đề đốc hô:

– Cụt hứng! Cụt hứng!

Hắn sai người đem thi thể Lý Đình Báo ra ngoài.

Giá như Lý Đình Báo bị Điền Quy Nông đâm chết trong lúc kịch đấu, thì cái đó còn được. Nhưng hắn lại bức bách Lý Đình Báo phải tự sát, khiến cho mọi người đều phẫn uất.

Bỗng nghe trong góc tây nam một người đứng lên lớn tiếng chất vấn:

– Điền lão sư! Lão sư dùng bảo đao chặt đứt thiết côn là đã thắng rồi, sao còn cắt gân tay y?

Điền Quy Nông đáp:

– Binh khí không có mắt. Giả tỷ tại hạ học nghệ không tinh bị thiết côn của y quét trúng thì cũng uổng mạng rồi.

Người kia cười lạt, hỏi móc:

– Lão sư nói vậy thì ra học nghệ đã tinh lắm phải không?

Điền Quy Nông đáp:

– Không dám! Nếu lão huynh không phục thì xin được chỉ giáo!

Người kia đáp:

– Được lắm

Y cũng sử trường kiếm. Bước ra đấu trường, chưa thông tên họ đã phóng kiếm veo véo hai nhát đâm thẳng vào ngực Điền Quy Nông.

Điền Quy Nông vẫn tả đao hữu kiếm tiếp chiêu. Hai bên đánh nhau chưa được bảy tám hiệp, bỗng nghe đánh “choang” một tiếng, bảo đao của Điền Quy Nông đã chém gãy trường kiếm của người kia. Tiếp theo hắn phóng kiếm đâm vào ngực trái đối phương.

Quần hào thấy Điền Quy Nông hạ thủ hiểm độc, liên tiếp có mấy người khiêu chiến.

Quá nửa số này không ham đoạt Ngọc Long bôi, chỉ vì thấy Lý Đình Báo chết quá thê thảm, nên muốn làm giảm bớt uy phong của Điền Quy Nông. Nhưng bảo đao trong tay trái hắn cực kỳ lợi hại, bất luận binh khí gì chạm vào cũng đều bị chém gãy.

Rồi sau cả những khí giới quái dị như Ngũ hành luân, Độc cước đồng nhân cũng không chống lại được cây bảo đao quá bén.

Bỗng nghe người nói khích:

– Điền lão sư! Võ công của lão cũng bình thường, phải ỷ vào sức của bảo đao để thủ thắng, thì có chi đáng mặt anh hùng? Nếu lão có tài giỏi thì hãy cùng tại hạ dùng quyền cước để phân cao thấp!

Điền Quy Nông cười đáp:

– Thanh bảo đao này là bảo vật trấn môn truyền đời của Thiên Long môn. Bữa nay Phúc đại soái mời các môn phái so tài cao thấp, Điền mỗ là chưởng môn Thiên Long môn mà không dùng bảo vật trấn môn nhà mình thì dùng thứ gì?

Lúc hắn ra tay chẳng chút lưu tình, dùng bảo đao chém gãy binh khí người ta, còn thanh trường kiếm ở tay trái chém chân tay đối thủ. Hắn liên tiếp đả bại trước sau mười mấy người. Quần hào thấy ai đấu với hắn nếu không bị đứt tay gãy chân, thì cũng mình mang trọng thương. Tuy có người cậy mình bản lãnh cao thâm hơn hắn, những không nghĩ được cách gì để chống lại cây bảo đao, nên đành chịu bó tay.

Tháng Bái thấy không còn ai ra khiêu chiến nữa, liền cười ha hả, nói:

– Hiền đệ! Cuộc chiến bữa nay khiến cho Thiên Long môn uy chấn thiên hạ, tiểu huynh cũng được vẻ vang lây. Nào, lại đây! Tiểu ca mừng hiền đệ một chung!

Hồ Phỉ nhìn Trình Linh Tố thấy cô khẽ lắc đầu. Chàng tuy phẫn nộ trước hành động ngang ngược của Điền Quy Nông, nhưng một là chàng không dám để lộ thân phân, vừa rồi mới ném chung giải huyệt cho Đồng Hoài Đạo mà cơ hồ đã bị Thang Bái phát giác, hai là thanh bảo đao của hắn quá ư lợi hại, bình sinh chàng chưa từng thấy. Nếu cùng hắn tỷ đấu thì mười hết bảy đã nắm phần thua.

Hồ Phỉ lại nghĩ:

– Bữa trước hắn dẫn bọn thuộc hạ đến nhà Miêu Nhân Phụng, sao không đem theo thanh bảo đao này? Giả tỷ hôm ấy hắn cũng dùng bảo đao đó thì e rằng mình chưa chắc đã sống được đến bữa nay.

Hồ Phỉ không biết rằng thanh bảo đao đó được hai phe Bắc Tông và Nam Tông của Thiên Long môn luân phiên chấp chưởng. Hôm nay đến lượt chưởng môn nhân của phe Nam Tông nắm giữ.

Điền Quy Nông vẻ mặt nhơn nhơn đắc ý, cầm chung rượu kề vào môi. Đột nhiên nghe đánh “vù” một tiếng, một hạt thiết bồ đề bay tới. Chắc là có người ném ám khí định đánh bể chung rượu của hắn.

Điền Quy Nông làm như không trông thấy, vẫn tiếp tục uống rượu.

Tào Vân Kỳ la lên:

– Sư phụ! Coi chừng!

Điền Quy Nông chờ cho hạt thiết bồ đề bay tới trước mặt mới giơ ngón tay khẽ điểm một cái, khiến hạt thiết bồ đề văng ra cửa sảnh đường.

Quần hùng thấy Điền Quy Nông phô trương thân thủ này, tuy chẳng ưa gì tư cách của hắn, nhưng cũng không kiềm được phải reo lên:

– Hay quá!

Hạt thiết bồ đề đang bay vút ra trước cửa sảnh đường thì vừa vặn gặp người đi vào. Người này thấy hạt thiết bồ đề bay tới trước ngực liền giơ ngón tay lên búng một cái, miệng cất tiếng hỏi:

– Tiếp khách kiểu này ư?

Hạt thiết bồ đề bị búng phải, liền rít lên veo véo như xé bầu không khí, bay ngược về phía Điền Quy Nông. Chỉ cần nghe thanh âm cũng đủ biết sức đàn chỉ rất khủng khiếp, so với Điền Quy Nông còn lợi hại hơn nhiều.

Điền Quy Nông cả kinh, không dám đưa tay đón tiếp, mà vội nghiêng về bên phải để tránh.

Một tên vệ sĩ của Phúc Khang An đứng sau lưng hắn vừa nghe tiếng gió rít lên đã thấy hạt thiết bồ đề bay tới trước mặt không kịp né tránh, vội giơ tay lên đỡ. Bỗng nghe đánh rắc một tiếng, xương ngón tay gã bị gãy rời. Gã đau quá rú lên một tiếng:

– Úi chao!

Quần hào thấy hạt thiết bồ đề nhỏ tí mà đánh gãy được xương ngón tay của tên thị vệ thì quả là điều hiếm có. Ai nấy đều ngửng đầu nhìn ra thì thấy người này thân hình cao lêu khêu mà ốm tong teo, tay trái cầm một cái nhạc, trên vai đeo túi thuốc. Mình lão mặc tấm trường bào vải xanh bạc thếch, chân lê đôi giày rách nát dính đầy bùn. Cách ăn mặc chẳng khác gì thầy lang đạo ở chốn hương thôn. Chỉ có cặp mắt là lấp loáng thần quang, liếc nhanh như chớp.

Ngũ quan lão rất thô kệch: mày thô, mắt to, mũi lớn, miệng rộng, tai vểnh, lưỡng quyền nhô cao. Tướng mạo này bất cứ là ai nhìn thấy một lần sẽ vĩnh viễn không sao quên được. Mái tóc lão đã hoa râm, ít ra đã ngoài năm chục tuổi, da mặt lốm đốm tàn nhang. Hai người theo sau lão chắc là đệ tử hay tùy bộc, thái độ rất mực kính cẩn.

Hồ Phỉ và Trình Linh Tố thấy lão đi trước chưa hiểu là ai, nhưng vừa ngó hai người đi sau liền giật mình kinh hãi. Nguyên một người dáng vẻ thư sinh chính là đại sư huynh của Trình Linh Tố tên gọi Mộ Dung Cảnh Nhạc, còn người đàn bà chân què kia là tam sư tỷ của cô tên gọi Tiết Thước.

Hồ Phỉ và Trình Linh Tố đưa mắt nhìn nhau, trong lòng rất lấy làm lạ, tự hỏi:

– Hai người này là tử thù với nhau, mà sao bữa nay lại cùng đi tới đây? Trượng phu của Tiết Thước là Khương Thiết Sơn sao không thấy?

Trình Linh Tố thấy khóe mắt Hồ Phỉ lộ vẻ hoài nghi, biết là chàng muốn hỏi thầy lang đạo kia là ai. Cô từ từ lắc đầu tỏ ý không nhận ra.

Bỗng tiếng rú thê thảm “úi chao” vang lên, tên vệ sĩ gãy xương ngón tay vừa rồi ngã xuống lăn lộn mấy vòng. Gã giơ cao bàn tay bị gãy xương lên.

Lúc đầu quần hùng lấy làm lạ, tự hỏi:

– Đã là vệ sĩ của Phúc đại soái thì ít ra phải có bản lãnh tương đối, mà sao gã mới bị gãy mấy đốt xương đã chịu không nổi?

Đến khi thấy rõ bàn tay gãy biến thành màu đen như mực mới biết gã trúng phải chất kịch độc.

Cuộc đại hội chưởng môn các phái lần này, bọn vệ sĩ trong Phúc phủ ban đầu hùng tâm bồng bột, lăm le cùng cao thủ các phái tranh đua hơn kém để mọi người biết rằng những kẻ anh hùng trong chốn quan trường ở kinh sư cũng có chân tài thực học, quyết chẳng chịu thua bọn hào kiệt thảo mãng trong thiên hạ. Nhưng những diễn biến này làm chúng không khỏi tiêu tán hùng tâm.

Tên vệ sĩ bị gãy ngón tay này thuộc quyền cai quản của Chu Thiết Tiêu. Lão thấy gã khiếp nhược như vậy, chau mày tiến lại quát:

– Đứng lên! Đứng lên! Đau một chút mà không chịu nổi, thật chẳng ra thể thống gì!

Tên vệ sĩ tỏ ra khiếp sợ Chu Thiết Tiêu, vội đáp:

– Dạ, dạ!

Gã lồm cồm gắng gượng đứng lên, nhưng người gã loạng choạng rồi lại ngã xuống ngất đi. Chu Thiết Tiêu cầm đôi đũa trên bàn gắp hạt thiết bồ đề lên coi thấy khắc chữ “Kha” liền biến sắc, lớn giọng nói:

– Kha Tử Dung tam gia ở Lan Châu! Tam gia mỗi ngày một tiến bộ. Chất độc bôi trên hạt thiết bồ đề này cực kỳ lợi hại.

Bỗng thấy một đại hán mặt rỗ đứng dậy đáp:

– Chu lão gia đừng có ngậm máu phun người. Hạt thiết bồ đề này là của Kha mỗ phát ra, điều đó không sai. Kha mỗ chỉ vì thấy người ta cuồng vọng tự đại, định đánh bể chung rượu trong tay y. Ám khí của nhà họ Kha tối kỵ là bôi chất độc vào, đời đời tương truyền đã thành lệ cấm. Kha Tử Dung này dù là kẻ bất tiếu cũng không dám phá hoại gia quy của tổ tông.

Chu Thiết Tiêu là người biết nhiều hiểu rộng. Lão đã rõ Kha gia chuyên dùng bảy loại ám khí nhưng trước nay nghiêm cấm việc dùng chất độc. Lão trầm ngâm không nói nữa tự nhủ:

– Thế này thì lạ thật!

Kha Tử Dung nói:

– Hãy để Kha mỗ coi thử!

Gã chạy vào giữa sảnh đường cầm hạt thiết bồ đề lên coi rồi nói:

– Đúng là Thiết bồ đề của tại hạ, nhưng sao lại có chất độc? …Úi chao!

Đột nhiên gã rú lên một tiếng, ném vội hạt thiết bồ đề xuống đất. Tay mặt vẩy lia lịa tựa hồ dường như sờ phải lửa bỏng. Sắc mặt gã tái nhợt như tờ giấy, gã toan đưa ngón tay vào miệng mút thì Chu Thiết Tiêu liền phóng ra một chưởng đánh trúng đầu vai gã, miệng hô lớn:

– Không mút được!

Lão ngăn cản không để Kha Tử Dung đưa ngón tay vào miệng, Khi ngó tới thì ngón trỏ và ngón cái y đã sưng vù lên, sắc da đen xạm. Kha Tử Dung toàn thân run bần bật. Trán toát những giọt mồ hôi lớn bằng hạt đậu.

Lão thầy lang dạo kia nhìn Mộ Dung Cảnh Nhạc, nói:

– Hãy chữa trị cho hai người này?

Mộ Dung Cảnh Nhạc “dạ” một tiếng rồi lấy trong bọc ra một hộp thuốc cao bôi vào tay tên vệ sĩ và Kha Tử Dung. Kha Tử Dung liền bớt run và tên vệ sĩ cũng dần dần tỉnh lại.

Quần hào bấy giờ mới tỉnh ngộ. Nguyên Kha Tử Dung dùng thiết bồ đề định đánh bể chung rượu của Điền Quy Nông, Điền Quy Nông thuận tay đẩy ra rồi lại bị thầy lang búng ngược trở lại. Nhưng khi búng hạt thiết bồ đề, lão thầy lang đã bôi vào hạt ám khí đó một chất độc cực kỳ lợi hại. Bản lãnh hạ độc này trên giang hồ e rằng chỉ biết có nổi một người. Quần hào trong sảnh đường không thiếu người len lén thì thầm:

– Độc Thủ Dược Vương! Phải chăng lão là Độc Thủ Dược Vương?

Chu Thiết Tiêu tiến đến gần nhìn thầy lang chắp tay hỏi:

– Xin các hạ cho biết tôn tính đại danh?

Người kia mỉm cười không đáp.

Mô Dụng Cảnh Nhạc tự giới thiệu:

– Tại hạ là Mộ Dung Cảnh Nhạc. Còn đây là chuyết kinh tên gọi là Tiết Thước.

Hắn dừng lại một chút rồi nói tiếp:

– Vị này là Thạch tiên sinh, sư phụ của vợ chồng tại hạ. Người giang hồ tặng lão nhân gia ngoại hiệu Độc Thủ Dược Vương.

Bốn chữ “Độc Thủ Dược Vương” vừa thốt ra, quần hào ai nấy đều chấn động. Nên biết những nhân vật đến tham dự đại hội bữa nay nếu không phải chưởng môn một phái thì cũng là trưởng lão kỳ cựu trong một bang hội. Ai cũng biết Độc Thủ Dược Vương là hảo thủ dùng độc đệ nhất đương thời. Dù Mộ Dung Cảnh Nhạc không nói ra, mọi người cũng sớm nhận ra lão là ai rồi.

Thế nhưng bốn chữ “Độc Thủ Dược Vương” lọt vào tại Trình Linh Tố cùng Hồ Phỉ càng khiến hai người càng lấy làm quái dị. Trình Linh Tố căm tức vì người kia không những mạo nhận danh hiệu của tiên sư, mà tại do miệng đại sư huynh thốt ra, càng khiến cho cô không dằn nổi mối bi phẫn. Một điểm nữa khiến cô càng lấy làm kỳ quái là tam sư tỷ Tiết Thước nguyên là vợ của nhị sư ca Khương Thiết Sơn. Hai người này đã sanh con trưởng thành, sao bây giờ đại sư huynh lại gọi mụ là “chuyết kinh”? Trình Linh Tố biết trong vụ này tất đã xảy ra một biến cố cực kỳ quan trọng, khó lòng tra cứu ngay được nên vẫn lẳng lặng để coi diễn biến.

Chu Thiết Tiêu tuy là tay kiêu dũng, nhưng nghe đến bốn chữ “Độc Thủ Dược Vương” phải biến sắc, lão chắp tay nói:

– Tại hạ ngưỡng mộ đại danh từ lâu!

Thạch tiên sinh xòe tay ra cười nói:

– Các hạ cũng cho biết tôn tính đại danh để chúng ta cùng làm quen!

Chu Thiết Tiêu bỗng lùi lại một bước, chắp tay đáp:

– Tại hạ là Chu Thiết Tiêu, xin chúc Thạch tiền bối bình an mạnh khỏe.

Lão dù lớn mật đến đâu cùng không dám chạm vào tay Độc Thủ Dược Vương.

Thạch tiên sinh cười khà khà, tiến lại trước mặt Phúc Khung An vái chào, khom lưng nói:

– Kẻ thảo dân vùng sơn dã xin tham kiến đại soái!

Lúc này tên thị vệ đứng bên đã cho Phúc Khang An biết lai lịch của Độc Thủ Dược Vương. Hắn lại mắt thấy lão chỉ khẽ đưa móng tay búng hạt thiết bồ đề đã đả thương người, nên biết đây là tay cực kỳ lợi hại, bèn nghiêng mình đáp:

– Xin mời tiên sinh an tọa!

Thạch tiên sinh cùng vợ chồng Mộ Dụng Cảnh Nhạc ngồi xuống một bên. Quần hào đứng gần đó đều tới tấp tránh xa, chẳng ai dám đứng gần ba người này. Chỉ trong chớp mắt, bên cạnh ba thầy trò Thạch tiên sinh đã lộ ra một khoảng trống lớn.

Một tên võ quan bước tới, còn cách Thạch Tiên Sinh năm thước thì lập tức dừng lại để nói cho lão biết quy củ tranh đoạt ngự bôi giữa các chưởng môn nhân các phái. Gã vừa nói xong là lập tức lùi xa như sợ bị nhiễm độc khí trên người lão.

Thạch tiên sinh mỉm cười hỏi:

– Quý tính tôn giá là gì?

Võ quan đáp:

– Tại hạ họ Ba!

Thạch tiên sinh hỏi:

– Ba lão gia! Hà tất lão gia phải sợ lão phu như vậy. Ngoại hiệu của lão phu tuy là “Độc Thủ Dược Vương”, nhưng ngoài việc hạ độc, lão phu còn dùng độc dược để chữa bệnh nữa. Ba lão gia trên mặt có ẩn khí xanh, dường như trong bụng có rết độc. Nếu không điều trị gấp thì chỉ trong vòng mười ngày, tính mạng e khó bảo toàn.

Tên võ quan giật mình kinh hãi, trong lòng bán tín bán nghi hỏi:

– Trong bụng tại hạ sao lại có rết độc được?

Thạch trên sinh hỏi lại:

– Gần đây Ba lão gia có gây lộn với ai không?

Trong thành Bắc Kinh chuyện võ quan gây lộn với người là điều xảy ra như cơm bữa, nên dĩ nhiên điều lão hỏi là có. Võ quan họ Ba kinh hãi vội hỏi:

– Có! Chăng lẽ… chẳng lẻ tên cẩu tặc đó đã hạ độc thủ tại hạ ư?

Thạch tiên sinh lấy trong bọc ra hai viên thuốc màu xanh, nói:

– Nếu Ba lão gia tin lão phu thì cứ dùng rượu uống ba viên thuốc này, đừng ngại.

Tên võ quan nghe lão nói sởn cả da gà và cảm thấy trong bụng tựa hồ có rắn rết đang bò. Hắn không nghĩ ngợi gì nữa, cầm thuốc đổ vào miệng rồi cầm chung rượu uống ừng ực. Chẳng bao lâu hắn thấy bụng đau, trong dạ buôn nôn, liền ọe một tiếng, mửa ra rất nhiều thức ăn.

Thạch tiên sinh tiến lại ba bước, lấy tay vuốt ngực võ quan, hô lớn:

– Mửa ra hết đừng để độc vật lại trong bụng!

Tên võ quan cố sức mửa ra. Hắn cúi đầu xuống thấy trong số uế vật quả có ba con sâu dài hai tấc, đầu đỏ mình đen đang ngọ nguậy, đúng là ba con rết.

Tên võ quan lắp bắp la hoảng:

– Ba con… ba con rết độc!

Đang lúc kinh hãi, đầu óc choáng váng, gã vội quỳ xuống sụp lạy Thạch Tiên Sinh ra tay cứu mạng. Bọn bộc dịch ra lau dọn sạch sẽ, còn đám quần hùng chẳng ai là không xuýt xoa khen ngợi.

Hồ Phỉ không tin rằng trong bụng người ta lại có rết độc, nhưng chàng lại tận mắt trông thấy nên không tin cũng không được.

Trình Linh Tố kề vai Hồ Phỉ, khẽ nói:

– Đừng nói là ba con rết, chứ đến ba con thanh xà tiểu muội cũng khiến gã nôn ra như thường.

Hồ Phỉ hỏi:

– Bằng cách nào?

Trình Linh Tố đáp:

– Khi đưa cho gã uống hai viên thuốc nôn thì trong tay áo tiểu muội đã giấu sắn độc trùng rồi.

Hồ Phỉ khẽ nói:

– Phải rồi, nhân lúc độc dược phát tán, giữa lúc gã đang đau quặn ruột thì bỏ độc trùng vào đám uế vật, đố ai mà biết được?

Trình Linh Tố mỉm cười, bảo:

– Lão sấn tới vuốt ngực tên võ quan, nếu để nhìn thấy thì màn kịch hết linh ngay.

Hồ Phỉ bèn hạ thấp giạng, nói:

– Kể ra võ công của lão cũng cao minh, cần gì phải giở những trò hý lộng huyền hư như vậy.

Trình Linh Tố rỉ nhỏ vào tai Hồ Phỉ:

– Đại ca, trong tất cả những người ở trong sảnh đường này, tiểu muội chỉ khiếp sợ một mình lão mà thôi. Đại ca phải ngàn vạn lần cẩn thận mới được.

Từ ngày Hồ Phỉ quen biết Trình Linh Tố đến nay, thấy bất cứ việc gì cô cũng sắp sẵn kế sách để đối phó, chưa từng nghe cô nói đến hai chữ “khiếp sợ” bao giờ. Giờ đây cô nói đều này một cách trịnh trọng thì chàng biết ngay Thạch tiên sinh là tay lợi hại không nên dây vào. Nhưng nghĩ hắn đã mạo xưng danh hiệu của sư phụ cô, làm bại hoại thanh danh của Độc Thủ Dược Vương khiến chàng chẳng thể tụ thủ bàng quan.

Lại nghe Thạch tiên sinh cười nói:

– Lão phu tuy đã thu nạp mấy tên đệ tử những chưa lập môn phái chi cả. Bữa nay muốn học đòi theo các vị tiền bối để khai tông, lập phái, gọi là “Dược Vương môn”. Nếu may mà đoạt được chiếc Ngân Lý bôi về nhà thì cũng thêm phần vẻ vang cho bọn đệ tử.

Dứt lời, lão từ từ bước tới chiếc ghế thái sư bên cạnh Điền Quy Nông rồi khệnh khạng ngồi xuống. Dù miệng lão nói khách khí chỉ cần một chiếc Ngân Lý bôi là đủ, nhưng hiển nhiên lão muốn chiếm địa vị một trong tám đại môn phái.

Lão đã ngồi vào ghế. Dựa vào danh tiếng lừng lẫy mấy chục năm của Độc Thủ Dược Vương, lại thêm công lực búng hạt thiết bồ đề và thủ pháp hạ độc đả thương người trong nháy mắt, xem như lão đã nắm chắc một chiếc Ngọc Long bôi rồi. Chẳng còn ai nghĩ tới chuyện khiêu chiến, mà cũng không ai dám dị nghị gì lão nữa.

Trong một lúc, cả sảnh đường yên lặng như tờ, chưởng môn phái Thiếu Lâm là Đại Trí thiền sư bỗng cất tiếng hỏi:

– Thạch tiên sinh! Tiên sinh xưng hô thế nào với Vô Sân đại sư?

Thạch tiên sinh đáp với vẻ mặt rất thản nhiên:

– Vô Sân ư? Lão phu không biết!

Đại Trí thiền sư chắp tay niệm:

– A Di Đà Phật!

Thạch tiên sinh hỏi:

– Vậy là sao?

Đại Trí thiên sư lại tuyên Phật hiệu:

– A Di Đà Phật!

Thạch tiên sinh không hỏi nữa.

Từ lúc ba thầy trò lão vào đại sảnh, mục quang của Trình Linh Tố không lúc nào rời khỏi ba người. Bỗng thấy Thạch tiên sinh từ từ quay đầu nhìn Điền Quy Nông. Hai người vẻ mặt trơ như gỗ, tuyệt không lộ vẻ gì. Nhưng Trình Linh Tố lại động tâm tỉnh ngộ:

– Hai người này đã quen nhau từ trước. Điền Quy Nông đã biết danh tự sư phụ ta, biết Vô Sân đại sư mới đúng là Độc Thủ Dược Vương. Cả vị cao tăng chùa Thiếu Lâm kia cũng biết thế.

Bỗng cô lại nghĩ:

– Cỏ độc Đoạn trường thảo mà Điền Quy Nông dùng để hạ độc Miêu Nhân Phụng, té ra là do lão này đưa cho.

Điền Quy Nông thì có bảo đao sắc bén, Thạch Tiên sinh thì có độc dược lợi hại, xem ra đã ngồi yên trong hai ghế thái sư. Trong tám chiếc Ngọc Long bôi chỉ còn một chiếc chưa có chủ. Quần hào đều tự nhủ:

– Được dự vào tám đại môn phái hay không là ở nơi chiếc Ngọc Long bôi tối hậu này.

Nhiều người nghĩ vậy nên trong chớp mắt đã bảy tám người nhảy lên định ngồi vào chỗ ghế thái sư còn để trống. Họ nói với nhau một vài câu rồi chia thành bốn đôi khai cuộc tỷ đấu.

Người thua phải lui xuống, người thắng lại tiếp tục tỷ đấu với nhau hoặc ứng chiến với người mới đến. Kịch đấu một hồi lâu, bỗng nghe từ ngoài cửa tiếng trống đã điểm canh tư. Trong bốn người tỷ đấu đã có hai người phải rút lui, chỉ còn lại hai người thắng đấu với nhau.

Hai người này đều dùng chưởng lực hùng hậu để tỷ thí nội công, một hồi lâu vẫn ở vào thế giằng co. Tuy là cuộc tỷ đấu bằng võ công cao thâm nhưng bề ngoài lại có vẻ tầm thường chẳng có chi kỳ lạ. Phúc Khang An lại chán kiểu này, ngáp dài mấy cái rồi nói:

– Coi chán chết!

Tuy hắn nói rất khẽ, nhưng hai người tỷ nội công đều nghe rõ mồn một. Cả hai cùng biến sắc rút tay về, thối lui ba bước.

Một người nói:

– Chúng ta có phải làm khỉ diễn trò đâu mà vung múa chân tay để quan lão gia các người reo hò?

Người kia đáp:

– Đúng vậy! Về nhà bồng con còn hơn.

Nói xong hai người cùng cười ha hả rồi dắt tay nhau ra khỏi đại sảnh.

Hồ Phỉ thầm gật đầu nghĩ bụng:

– Hai người võ công rất cao thâm, quả nhiên kiến thức cũng cao hơn người một bậc. Đáng tiếc là trong cuộc tỷ đấu nhốn nháo, không biết được danh tính của họ.

Chàng quay hỏi Quách Ngọc Đường thì lão cùng không biết hai người có dáng vẻ quê mùa đó. Lão nói:

– Lúc họ lên tỷ đấu, An đề đốc có hỏi danh tính cùng môn phái thì họ chỉ cười chứ không đáp.

Hồ Phỉ nghĩ bụng:

– Hai vị này như con thần long, thấy đầu mà chẳng thấy đuôi. Đến cả tên tuổi cũng không lưu lại.

Đang lúc chàng thì thầm trò chuyện với Quách Ngọc Đường thì đột nhiên Trình Linh Tố khẽ đụng vào khuỷu tay một cái. Chàng ngửng đầu lên nhìn, bỗng nghe võ quan hô:

– Vị này là Phụng Thiên Nam lão sư, chưởng môn phái Ngũ Hổ!

Bỗng thấy Phụng Thiên Nam cầm cây thục đồng côn lên ngồi ghế thái sư còn để trống, cất tiếng hỏi:

– Xin mời vị nào lên chỉ giáo cho.

Hồ Phỉ cả mừng tự nhủ:

– Võ công thằng cha này chưa được đến trình độ nhất lưu cao thủ mà cũng dám mơ tưởng đến Ngọc Long bôi. Cứ để hắn phô cái kém cỏi ra trước đã, rồi ta thu thập hắn sau. Cái đó mới tuyệt diệu.

Chàng thấy Phụng Thiên Nam liên tiếp đánh bại hai người, đang nhơn nhơn đắc chí thì có một hán tử cầm đơn đao tiến lên khiêu chiến. Người này võ nghệ rất cao thâm. Y mới đánh ba chiêu, Hồ Phỉ đã nói thầm:

– Tên ác tặc kia quyết không phải là đối thủ của y!

Quả nhiên Phụng Thiên Nam gầm thét luôn miệng vì gặp hiểm chiêu. Người sử đơn đao dường như không muốn làm khó dễ hắn, chỉ mong hắn tự ý rút lui. Y định không cố ý hạ sát thủ, vì thế có mấy cơ hội để thủ thắng mà y đều ra chiêu thong thả.

Song Phụng Thiên Nam kém thế cũng chỉ lùi lại chứ không chịu thua. Đột nhiên hắn quét ngang cây đồng côn. Người sử đơn đao lún mình thấp xuống, cây đồng côn lướt qua đỉnh đầu. Y muốn thừa thế tiến chiêu, bỗng rú lên “Úi chao!” rồi ngã lăn dưới đất. Y lại nhảy tung người lên, nhưng khi vừa chạm thì chân bước loạng choạng, lại té xuống. Y tức giận quát:

– Ngươi dùng ám khí? Thực là quân mặt dày!

Phụng Thiên Nam chống cây côn, mỉm cười đáp:

– Phúc đại soái không có quy định cấm dùng ám khí. Ai lên tỷ đấu thì sử binh khí quyền cước hay dùng độc dược, ám khí đều được cả.

Người sử đơn đao vén quần lên, quả nhiên một mũi ngân châm hai tấc cắm vào huyệt “Độc tỵ” nơi đầu gối. Huyệt “Độc tỵ” nằm ở dưới đầu gối, tục gọi là “Tất nhãn” hình dạng như lỗ mũi trâu, do đó mà thành tên. Đây chính là huyệt đạo nằm ở chỗ giáp đùi và cẳng chân, nếu trúng châm thì cái chân trở thành vô dụng. Quần hào đều lấy làm lạ vì thấy hai người đang tỷ đấu rất ráo riết, Phụng Thiên Nam tuyệt không lúc nào rảnh tay để phóng ám khí, lại không thấy hắn giơ tay lên thì chưa hiểu mũi ngân châm kia từ đâu phóng tới?

Người sử đơn đao rút mũi ngân châm ra, hằn học lùi lại, thì một người sử tiên nhảy vọt ra. Tiên pháp của người này ào ạt như cuồng phong sậu vũ. Hai bên trao đổi ngoài hai chục chiêu, tiên pháp người kia đánh mỗi lúc một ráo riết hơn, khiến cho Phụng Thiên Nam không còn cơ hội để thở nữa.

Người sử tiên đã biết côn pháp của Phụng Thiên Nam chẳng lấy gì làm cao thâm lắm. Nhưng hắn sử ngân châm vô ảnh vô tung khó nỗi đề phòng, nên y tung ra những sát chiêu liên miên bất tuyệt, quyết chẳng để hắn rảnh tay phóng ám khí. Không ngờ tỷ đấu đến chiêu thứ ba mươi, Phụng Thiên Nam côn pháp đã có dấu hiệu rối loạn thì người sử tiên bỗng rú lên một tiếng “úi chao” rồi vội nhảy lùi lại, rút ở bụng ra một mũi ngân châm. Máu tươi ở miệng vết thương chảy ra như suối, thương thế cực kỳ trầm trọng.

Quần hào trong sảnh đuờng đều kinh dị cho là bản lĩnh phát xạ ám khí của Phụng Thiên Nam quả là điều bình sinh chưa từng nghe thấy. Nếu nói rằng có người ngoài ngấm ngầm tương trợ, thì trước bao nhiêu con mắt theo dõi tất phải có người phát giác.

Cả hai phen kịch đấu, Phụng Thiên Nam đang lâm vào tình thế nguy cấp đột nhiên đối thủ trúng phải ám khí. Chẳng lẽ Phụng Thiên Nam biết sử dụng tà pháp, hễ động tâm là tự nhiên có ngân châm từ trên trời rơi xuống?

Mấy người không phục, bước ra tỷ đấu với hắn. Một người để hết tinh thần phòng bị ngân châm liền bị cây đồng côn của Phụng Thiên Nam đánh trúng đầu vai, thương thế rất trầm trọng. Còn ba người khác đều bị thương về mũi vô ảnh ngân châm. Trong lúc nhất thời, quần hùng trong sảnh đường bàn tán xôn xao.

Hồ Phỉ và Trình Linh Tố thấy Phụng Thiên Nam dùng vô ảnh ngân châm đả thương người liền ngưng thần theo dõi, nhưng vẫn không phát giác ra được mảy may sơ hở nào.

Hồ Phỉ đã định nhân lúc Phụng Thiên Nam đang cao hứng, đột ngột xông ra hạ sát thủ, một là để trả thù cho toàn gia Chung A Tứ ở Trấn Phật Sơn, hai là làm rạng rỡ danh tiếng cho Hoa Quyền Môn, nhưng chàng không nhận ra được ám khí từ đâu phóng tới, nên đành phải tạm thời tụ thủ bàng quan. Nếu mạo muội xông ra tranh phong mà trở tay không kịp thì chẳng những tự rước nhục vào mình, mà không chừng còn mất mạng nữa.

Trình Linh Tố đoán được tâm ý chàng, bèn từ từ lắc đầu nói:

– Chiếc Ngọc Long bôi bên kia, chúng ta không cần tới có được không?

Hồ Phỉ nhìn Thái Uy và Cơ Hiểu Phong nói:

– Bản lãnh Phụng lão sư kia không đáng kể, có điều…

Cơ Hiểu Phong gật đầu đáp:

– Phải rồi! Hắn phóng ngân châm đúng là tà môn, đã vô thanh vô tức lại vô ảnh vô tung, cũng chẳng có dấu hiệu gì báo trước, chỉ nghe đối phương rú lên một tiếng thê thảm mới biết là bị trúng ám khí của hắn.

Thái Uy nói:

– Trừ phi đầu đội mũ trụ, mình mặc giáp sắt thì mới đấu với hắn được.

Thái Uy nói câu này tưởng là chuyện đùa, không ngờ trong đám võ quan ở nhà đại sảnh quả có người không chịu, sai thuộc hạ đi lấy khôi giáp đánh trận để mặc vào mình, tay cầm Khai sơn đại phủ, bước ra khiếu chiến.

Vị võ quan này tên gọi là Mộc Văn Sát. Ngày trước y đã theo Phúc Khang An viễn chinh miền Thanh Hải, đoạt cờ chém tướng, lập nhiều công lao hãn mã. Y là một viên dũng tướng nổi tiếng trong quân đội Mãn Thanh.

Mộc Văn Sát nai nịt gọn gàng, tay cầm đại phủ ra đứng giữa sảnh đường trông oai phong lẫm liệt, sát khí đằng đằng. Bạn đồng liêu đều cất tiếng hoan hô. Phúc Khang An cũng ban cho một chung rượu để úy lạo trước.

Hai người giao đấu, côn phủ đụng nhau choang choảng làm chấn động, điếc cả tai quần hào. Hai loại binh khí này đều nặng nề, khi công thủ cầm cự đều rít lên tiếng gió ào ào khiến ánh lửa chập chờn, khi tỏ khi mờ. Mộc Văn Sát mình mang giáp trụ thành ra chuyển động kém bề linh hoạt, nhưng nhờ tý lực cực mạnh nên gã vung múa cây Khai sơn đại phủ uy mãnh khôn lường.

Bọn Chu Thiết Tiêu, Tăng Thiết Âu, Vương Kiếm Anh và Vương Kiếm Kiệt đứng trước Phúc Khang An, tay cầm bính khí, chỉ sợ cây đại phủ lớn hoặc đồng côn tuột ra khỏi tay làm tổn thương đến đại soái. Hai bên chiến đấu hơn hai chục hiệp, Phụng Thiên Nam cầm côn quét ngang một cái. Mộc Văn Sát cúi đầu xuống, thuận đà vung búa chém vào chân phải đối phương.

Bỗng nghe đánh “cách” một tiếng khe khẽ, quần hào đứng xem đồng thanh kêu “ối” lên một tiếng. Hai bên đều nhảy lùi lại mấy bước, bỗng thấy một trái nhung cầu màu đỏ rớt dưới đất, chính là cái gù ở trên chóp mũ của Mộc Văn Sát. Trên trái cầu còn cắm một mũi ngân châm sáng lấp loáng.

Đây chắc là lúc Mộc Văn Sát cúi đầu xuống vung búa chém chân đối phương, Phụng Thiên Nam đã phóng vô ảnh ngân châm ra. Vì hắn hiềm Mộc Văn Sát là ái tướng của Phúc Khang An, nên không dám đả thương đến thân thể của gã.

Trái nhung cầu được buộc vào chóp mũ bằng dây chì, phải bắn đứt dây chì, trái cầu mới rớt xuống được. Dù hai người đứng gần nhau nhưng trong lúc thảng thốt mà bắn chuẩn đích không sai một ly như vậy, thực là công phu phóng ám khí cùng cực cao minh.

Mộc Văn Sát đứng ngẩn người ra. Y biết đối phương đã thủ hạ lưu tình, nếu để mũi châm lệch xuống dưới mấy tấc thì nó đâm qua khoảng giữa hai chân mày mà xuyên vào óc thì còn gì là tính mạng. Toàn thân mũ giáp sắt phỏng có ích gì?

Y khâm phục vô cùng, liền chắp tay nói:

– Cảm ơn Phụng lão sư đã thủ hạ lưu tình.

Phụng Thiên Nam kính cẩn thỉnh an rồi đáp:

– Bản lãnh tiểu nhân còn kém đại nhân xa lắm. Chút công phu nhỏ nhặt phóng ám khí đó ở chốn sa trường cũng chỉ là vô dụng. Giả sử chúng ta đều cỡi ngựa tỷ thí thì tiểu nhân đã bị chém cho một búa ngã ngựa rồi.

Mộc Văn Sát cười nói:

– Nói hay lắm! Nói hay lắm!

Phúc Khang An nghe Phụng Thiên Nam ăn nói khiêm tốn, không dám ỷ mình tài cao mà kiêu ngạo với bộ thuộc mình, nên trong lòng rất vui, liền lên tiếng:

– Phụng lão sư này là người chơi được đây!

Phúc Khang An nói rồi cầm cái dọc tẩu bằng ngọc bích trên tay cho Chu Thiết Tiêu và bảo:

– Thưởng cái này cho y!

Phụng Thiên Nam liền tới trước mặt Phúc Khang An tạ ơn ban thưởng.

Mộc Văn Sát toàn thân giáp trụ vác búa đi ra, áo giáp của y bật lên những tiếng leng keng. Còn quần hào thì nhao nhao nghị luận. Trong đám đông bỗng có người đứng dậy dõng dạc lên tiếng:

– Công phu phóng ám khí của Phụng lão sư quả nhiên rất cao minh Tại hạ xin đến lãnh giáo.

Quần hào quay đầu nhìn lại thì chính là Kha Tử Dung mặt rỗ chằng rỗ chịt. Lúc nãy lão đã ném hạt thiết bồ đề và trúng độc bị thương. Tay gã đã bó thuốc cao, hiện giờ độc tính đã giải trừ.

Nhà họ Kha ở Lan Châu nhờ vào bảy món ám khí mà khai tông lập phái gọi là “Kha thị thất thanh môn”. Bảy loại ám khí đó là: tụ tiễn, phi hoành thạch, thiết bồ đề, thiết lê tật, phì đao, cương tiêu, táng môn đinh, gọi là “Tiễn, hoàng, đề, lê, đao, tiêu, đinh thất tuyệt”. Bảy món ám khí này đều là những vật thông thường, nhưng thủ pháp phát xạ của họ Kha không giống mọi người. Trong đao kèm thạch, trong đinh kèm tiêu, mà mấy thứ ám khí có thể chạm nhau trên không, lúc bắn ra có thể đi thẳng hoặc đi chênh chếch khiến người ta khó biết đường chống đỡ hay né tránh. Nếu tỷ đâu ở những nơi rộng rãi thông thoáng thì còn có thể tránh ra vài trượng để xác định đường đi của ám khí mà đánh rớt hoặc né tránh, chứ ở trong đại sảnh chật hẹp thì khó lòng đối phó.

Phụng Thiên Nam cầm dọc tẩu trịnh trọng gói lại đút vào bọc, tỏ lòng cực kỳ tôn kính với Phúc Khang An. Đoạn hắn dõng dạc lên tiếng:

– Kha lão sư muốn tỷ thí ám khí với tại hạ, nhưng ở trong sảnh mà ném ám khí qua lại, nếu lỡ làm tổn thương đến các vị đại nhân thì chịu tội sao cho nổi?

Chu Thiết Tiêu cười nói:

– Phụng lão sư bất tất phải quan tâm, cứ việc tận lực thi triển. Chẳng lẽ bọn vệ sĩ của tại hạ đã ăn hết cơm chủ mà lại vô tích sự ư?

Phụng Thiên Nam mỉm cười vòng tay xin lỗi:

– Tại hạ cam bề đắc tội!

Hồ Phỉ bụng bảo dạ:

– Thảo nào tên ác tặc này độc bá nhất phương, lâu nay chẳng chịu thua ai. Hắn kết giao với bọn quan phủ, quả là tâm tư chu mật, thủ đoạn rất đỗi cao minh.

Lúc này Kha Tử Dung đã cởi áo trường bào để lộ toàn thân mặc áo chẽn màu đen. Bộ quần áo của gã rất kỳ lạ. Chỗ nào cũng có miệng túi, dây đai. Túi này đựng một bao kim tiêu, đai kia cài ba mũi phi đao. Từ đầu xuống đến chân chẳng có chỗ nào lại không trang bị ám khí. Trước ngực cố nhiên có túi, mà sau lưng cũng rất nhiều túi nhỏ.

Phúc Khamg An cười ha hả, nói:

– Nhìn gã mặc thứ áo cổ quái này toàn thân giống như con nhím.

Bỗng thấy Kha Tử Dung xoay tay trái một cái, móc bên hông ra một thứ binh khí giống như cái gáo múc nước, nhưng miệng gáo sắc bén như lưỡi đao. Đây là thứ binh khí độc môn gia truyền của gã tên gọi rất là lạ “Thạch Trầm đại hải”. Món “Thạch trầm đại hải” có hai công dụng. Bản thân nó có ba mươi sáu lộ chiêu số, cách sử dụng tựa hồ đơn đao, lại giống bản phủ. Nó còn có chỗ diệu dụng khác nữa là có thể dùng để đón ám khí. Bất luận địch nhân dùng ám khí gì phóng ra, gã vung chày gáo lên là đón được như đá chìm vào biển lớn, không thấy tăm tích đâu nữa. Ngược lại, lão có thể lấy ám khí của địch nhân trong gáo ra để phản kích. “Thạch trầm đại hải” không được xếp vào hàng thập bát ban binh khí nên được xem là binh khí của bàng môn. Người giang hồ gọi là “Tá tiễn thược”, ý nói mượn tên của địch nhân mà sử dụng

Kha Tử Dung lấy cây binh khí này ra, phân nửa quần hào trong sảnh đường chưa biết được nó là vật gì.

Phụng Thiên Nam cười nói:

– Bữa nay Kha lão sư khiến bọn tại hạ được mở rộng tầm mắt.

Hồ Phỉ thầm nghĩ:

– Cùng là danh gia ám khí mà Triệu tam ca tỏ ra rất ung dung đường bệ, trên người chẳng thấy một mũi ám khí nào, nhưng lúc cần dùng, y vẫn lấy ra sử dụng liên miên bất tuyệt. Gã Kha Tử Dung này hiển nhiên khí độ tầm thường.

Bỗng thấy Kha Tử Dung xoay cái gáo sắt đập chênh chếch vào bả vai Phụng Thiên Nam. Phụng Thiên Nam nghiêng mình tránh khỏi, đánh trả một côn. Hai người khai diễn cuộc tỷ đấu. Kha Tử Dung tuy miệng nói là tỷ thí ám khí với Phụng Thiên Nam, nhưng thược pháp của lão rất tinh diệu, uy hiếp địch nhân từng bước một, chứ không phát ám khí.

Giao đấu được một lúc rồi, Kha Tử Dung bỗng hô to:

– Coi tiêu đây!

Vèo một tiếng, một mũi cương tiêu bắn ra. Phụng Thiên Nam tuy tuổi đã khá cao, nhiều năm ăn sung mặc sướng, thân lão mập ú, song công phu vẫn còn linh hoạt như thời tuổi trẻ. Hắn khẽ nghiêng mình một chút đã tránh khỏi mũi cương tiêu.

Kha Tử Dung lại hô:

– Phi hoàng thạch! Tụ tiễn!

Lần này hai thứ ám khí bắn ra cùng một lúc. Phụng Thiên Nam cúi đầu tránh khỏi một mũi, rồi dùng đồng côn gạt được mũi kia.

Kha Tử Dung lại hô lớn:

– Thiết lê tật bắn vai trái! Phi đao cắt chân phải!

Quả nhiên một mũi thiết lê tật nhằm vai trái Phụng Thiên Nam bắn tới còn một lưỡi phi đao nhằm đâm vào chân phải hắn. Phụng Thiên Nam được đối phương hô cho biết trước, nên đều lẹ làng tránh khỏi.

Quần hào tự hỏi:

–  Gã Kha Tử Dung sao lại quá đỗi thật thà. Sao gã lại hô cho hắn biết trước chủng loại và đường phóng ám khí làm chi?

Ngờ đâu sau khi ném ra tám, chín thứ ám khí liền, miệng gã hô mỗi lúc một mau, còn ám khí phóng ra mỗi lúc một nhiều. Tiếng hô không phải lúc nào cũng trúng. Có lúc miệng gã hô phóng tụ tiễn vào mắt bên trái, mà lại ném phi hoàng thạch đánh vào ngực phải. Bây giờ mọi người mới hiểu lão hô hoán cốt để nhiễu loạn tâm thần địch. Gã hô đúng bảy tám lần liền, rồi đột nhiên gạt người một lần, đối phương chỉ sơ ý một chút là lập tức bị mắc bẫy. Nếu hô lần nào cũng sai trật thì đối phương sẽ không lý gì đến. Ác một nỗi là đúng nhiều mà trật ít, cứ bẩy tám lần đúng, thỉnh thoảng mới có một lần giả trá, khiến địch nhân không biết đường nào mà lần.

Quách Ngọc Đường nói:

– Công phu phóng ám Khí của “Kha thị thất thanh môn” quả nhiên có chỗ khác người. Cả tiếng hô của gã cũng rèn luyện từ nhỏ, lợi hại chẳng kém gì cương tiêu hay phi đao. “Thất thanh môn” của y nên đổi thành “Bát thanh môn” mới đúng.

Thái Uy nói:

– Lão dùng ngụy kế đa đoan như vậy, đâu phải là bản lĩnh của danh môn chính phải.

Trình Linh Tố mân mê cái dọc tẩu của Yên Hà Tản Nhân mà lúc nãy cô đoạt được nhân lúc khói mù nhốn nháo, miệng hỏi:

– Sao Phụng lão sư chưa phóng ngân châm ra? Nếu cứ tiếp diễn thế này, hắn tất mắc bẫy họ Kha mất.

Cơ Hiểu Phong đáp:

– Tại hạ xem chừng dường như họ Phụng đã sắp sẵn kế hoạch, hắn phóng ám khí chỉ cần tinh diệu chứ không phóng nhiều. Chỉ bắn ra một mũi mà trúng địch là đủ thắng rồi.

Trình Linh Tố “ồ” một tiếng rồi nói:

– Tỷ ám khí thì cứ tỷ ám khí, việc gì Kha Tử Dung phải toe toe cái miệng?

Lúc này trên đại sảnh, mười mấy thứ ám khí cứ bay qua bắn lại nguy hiểm ghê người. Bọn Chu Thiết Tiêu gia tăng phòng bị thêm phần nghiêm mật để bảo vệ đại soái. Bọn quan lớn như An đề đốc cũng có những cao thủ phòng vệ bên mình. Bọn vệ sĩ chẳng những đề phòng tụ tiễn, phi tiêu do Kha Tử Dung phát xạ lạc đường làm tổn thương, mà còn sợ thích khách trà trộn vào đám quần hào thừa cơ phóng ám khí loạn xạ để hạ thủ Phúc Khang An.

Bỗng nhiên Trình Linh Tố khẽ nói:

– Gã họ Kha làm cho mình chán ngấy, phải đùa gã một phen để làm trò cười mới được.

Bỗng nghe Kha Tử Dung hô:

– Thiết lê tật đánh vai trái!

Trình Linh Tố bắt chước giọng nói của gã, hô lớn:

– Nhân bánh bao đánh vào miệng!

Tay mặt cô cầm dọc tẩu rút một hơi, rồi thuận đà vung tay lên, quả nhiên có một món ám khí nho nhỏ nhằm miệng Kha Tử Dung bắn tới. Món ám khí này phân lạng rất nhẹ bay lướt đi không gây tiếng động, nhưng trên đầu có một tia hỏa tinh. Tục ngữ có câu: “Nhân bánh bao đánh chó, có đi không về”.

Quần hào nghe câu: “Nhân bánh bao đánh vào miệng” đã tức cười, huống hồ cô lại bắt chước y hệt giọng nói của Kha Tử Dung, khiến mấy chục người bật cười ồ lên ra tiếng.

Kha Tử Dung thấy ám khí lạ vội giơ Tá tiễn thược lên đón cho chui vào gáo. Tay trái lão thò vào lượm lên toan phóng trả, đột nhiên nghe nổ đánh “đùng” một tiếng. Quản hào cả kinh thất sắc, còn Kha Tử Dung thì nhảy vọt người lên, bỗng thấy những mẩu giấy vụn bay tứ tung, mũi ngửi mùi tiêu hoàng khét lẹt. Món ám khí đó chính là viên pháo chuột của trẻ con đốt chơi ngày tết. Quần hào ngẩn người ra một chút rồi cả sảnh đường phá lên cười.

Kha Tử Dung để hết tinh thần vào Phụng Thiên Nam vì sợ hắn lén phóng vô ảnh ngân châm. Tuy bị chơi khăm vố này, lão cũng không dám nhìn ngang nhìn ngửa để tìm kẻ ném pháo, mà chỉ cất tiếng thóa mạ:

– Có giỏi thì ra mặt tỷ đấu, ai hoài công mà chơi trò trẻ nít với ngươi?

Trình Linh Tố đứng lên cười hì hì, chạy qua phía đông lấy một cây pháo châm ngòi, miệng hô:

– Đại thạch đầu, đả nễ đích thất thốn.

Người ta có câu “đả xà đả thất thốn”. Nguyên đối với loại rắn thì cách đầu bảy tấc là chỗ trí mạng, cô nói câu này có ý so sánh gã với loài rắn độc.

Mọi người đang cười lên hô hố thì thêm một viên pháo lại được ném ra. Nhưng lần này Kha Tử Dung không mắc bẫy nữa, mà Trình Linh Tố lại ném hơi sớm một chút, Kha Tử Dung búng một mũi táng môn đinh ra, đẩy cây pháo ngược lại cho nó “đùng” khoảng giữa không.

Trình Linh Tố lại ném một viên pháo nữa, miệng hô:

– Thách thanh bản, đả nễ đích ngạnh xác.

Cô có ý bảo gã là con rùa.

Kha Tử Dung nghĩ thầm:

– Ngươi muốn chọc giận ta để lão họ Phụng thừa cơ hạ thủ, nhưng đời nào ta lại mắc lừa ngươi?

Lão lại búng ra một cây táng môn đinh đẩy ngược viên pháo trở lại, để cho nó nổ ở giữa khoảng không.

An đề đốc vừa cười vừa la lên:

– Hai bên tỷ đấu, người ngoài không được phá rối.

Hắn thấy Kha Tử Dung phóng hai cây táng môn đinh, rớt sát vào cái kỷ trà đặt Ngọc Long bôi, liền bảo tên vệ sĩ đứng cạnh:

– Ngươi lại canh giữ ngự bôi, đừng để ám khí đánh bể.

Hai tên vệ sĩ “dạ” một tiếng rồi chạy lại đứng trước kỷ trà để giữ ngự bôi.

Trình Linh Tố cười hì hì quay về chỗ ngồi. Cô nói:

– Lão này rất cơ cảnh, mắc bẫy một lần rồi, lần thứ hai lão không chịu giơ tay đón pháo nữa.

Hồ Phỉ ngấm ngầm lấy làm lạ tự hỏi:

– Nhị muội đã biết rõ Phụng Thiên Nam là đối đầu với ta, sao còn đùa bỡn họ Kha, chẳng hiểu có dụng ý gì?

Kha Tử Dung thấy vẻ mặt mọi người đều đang cười thầm, nóng lòng vãn hồi thể diện, nên ném ám khí ra mỗi lúc một nhiều. Phụng Thiên Nam chân tay luống cuống thấy khó bề chống chọi, đột nhiên hắn vươn tay kéo mạnh đầu côn một cái. Kha Tử Dung tưởng hắn sắp phát ám khí liền tung người nhảy tránh. Chỉ thấy hắn kéo ra một vật gì đó, rồi thuận đà vung một cái. Vật kia bung ra như một cái dù, biến thành tấm thuẫn. Tấm thuẫn đó cực nhẹ lại cực mỏng, tựa hồ như tấm giấy. Mặt thuẫn đen sì, không hiểu dùng tóc người hay chất liệu gì khác để kết thành. Trên mặt thuẫn vẽ năm cái đầu hổ nhe nanh, dáng vẻ rất uy mãnh.

Quần hào nhìn thấy tấm thuẫn đều nghĩ:

– Y là chưởng môn nhân của Ngũ Hổ môn. Té ra tên gọi Ngũ Hổ môn là do tấm thuẫn bài này mà ra.

Phụng Thiên Nam một tay vung côn, một tay cầm lá thuẫn khiến cho bao nhiêu ám khí của Kha Tử Dung bắn tới đều bị ngăn lại. Những mũi cương tiêu, tụ tiễn, phi đao hay phi hoàng thạch tuy thế ném rất mạnh mà không sao đâm xuyên được tấm thuẫn mềm và nhẹ kia. Xem ra lá thuẫn được chế bằng một chất liệu rất kiên cố.

Hồ Phỉ thấy Phụng Thiên Nam rút lá thuẫn nhẹ nhàng ở trong cây côn ra liền tỉnh ngộ, tự mắng mình:

– Hắn ngầm giấu cơ quan trong cây đồng côn, việc đó rất rõ ràng mà sao lúc trước mình không đoán ra được? Những mũi ngân châm dĩ nhiên hắn để trong cây đồng côn. Lúc kịch đấu, hắn chỉ cần bấm nút cơ quan, ngân châm tự động bắn thì còn ai tránh kịp? Mọi người đều cho rằng muốn phát xạ ám khí nhất định phải động vai hoặc giơ tay lên, nhưng hắn chỉ cần bấm vào một vị trí nhất định ở cây côn là ngâm châm bắn ra, nên thần không hay, quỷ không biết.

Chàng hiểu rõ điểm này liền phần khởi tính thần, không còn úy kỵ nữa. Phụng Thiên Nam vừa đánh vừa lùi dần đến một cỗ ghế thái sư, bỗng nhiên Kha Tử Dung rú lên một tiếng thê thảm, còn Phụng Thiên Nam liền nổi tràng cười rộ. Kha Tử Dung lùi lại mấy bước đưa tay ôm bụng từ từ ngồi xuống không đứng lên được nữa. Phụng Thiên Nam cười hà hà, bước lại ngồi vào cỗ ghế thái sư.

Hai tên vệ sĩ tiến lại đỡ Kha Tử Dung, thấy lão nghiến răng rút mũi ngân châm ở bụng ra. Đầu châm nhuộm đầy máu tươi. Mũi ngân châm này tuy nhỏ, nhưng đâm trúng vào yếu huyệt làm cho lão bị thương khá nặng. Lão không đi được, phải do hai tên vệ sĩ nâng đỡ, lão lảo đảo người lui xuống.

Thang Bái đột nhiên khịt mũi cười lạt, nói:

– Dùng ám tiễn hại người, đâu phải là hảo hán!

Phụng Thiên Nam quay lại hỏi:

– Phải chăng Thang đại hiệp nói tại hạ?

Thang Bái đáp:

– Lão phu bảo những ai dùng ám tiễn hại người đều không phải hảo hán. Bậc đại trượng phu phải quang minh lỗi lạc, sao lại dở trò giăng bẫy?

Phụng Thiên Nam đứng phắt dậy, lớn tiếng nói:

– Bọn tại hạ đã nói rõ là tỷ đấu ám khí. Đã gọi là ám khí mà còn quang minh nữa ư?

Thang Bái hỏi:

– Phải chăng Phụng lão sư muốn tỷ đấu với lão phu?

Phụng Thiên Nam đáp:

– Thang đại hiệp uy danh chấn động khắp thiên hạ, đời nào tiểu nhân lại dám mạo phạm. Phải chăng họ Kha là chỗ thâm giao với Thang đại hiệp?

Thang Bái sa sầm nét mặt nói:

– Đúng vậy! Kha gia ở Lan Châu quả có chút giao tình với lão phu.

Phụng Thiên Nam nói:

– Đã vậy tiểu nhân đành xả thân bồi tiếp bậc quân tử. Xin đại hiệp vạch đường cho.

Hai người càng nói càng găng, xem chừng sắp động thủ đến nơi.

Hồ Phỉ bụng bảo dạ:

– Thang Bái tuy giao kết với bọn quan phủ nhưng còn biết lẽ thiện ác, đúng sai.

An đề đốc liền cười nói:

– Thang đại hiệp đang duy trì công đạo cho cuộc tỷ thí, bữa nay không nên phô trương thân thủ. Vài hôm nữa, tiểu đệ làm chủ sẽ mời Thang đại hiệp biểu diễn thần công cho anh em được đại khai nhãn giới.

Thang Bái cười đáp:

– Thang mỗ xin đa tạ rượu thưởng của đề đốc đại nhân trước.

Lão quay lại lườm Phụng Thiên Nam một cái, xách chiếc ghế của mình lên đập xuống đất rồi lùi cách xa Phụng Thiên Nam hơn, tựa hồ không muốn ngồi gần hắn. Mấy chỗ ghế dời đi để lộ ra bốn lỗ sâu hoắm in trên nền gạch xanh. Dưới ánh đèn sáng như ban ngày, những người đứng gần đều trông thấy rõ. Công phu này tựa hồ như không khó lắm, nhưng thực ra đó là nội công uẩn súc của mấy mươi năm tu vi. Trong nháy mắt, cả sảnh đường nổi lên tiếng hoan hô vang đội. Những người đứng phía sau không thấy, liền hỏi cơ sự rồi chen lên trước để xem.

Phụng Thiên Nam lạnh lùng nói:

– Công phu của Thang đại hiệp quả là ghê gớm, tại hạ có luyện hai chục năm cũng không bằng. Nhưng ngoài vòm trời này còn có vòm trời khác, trên người này còn có người khác. Đối với những tay cao thủ võ học chân chính thì cái đó cũng tầm thường, chẳng có chi kỳ lạ.

Thang Bái cười nhạt:

– Phụng lão sư nói không sai. Những bậc cao thủ võ học coi cái đó không đáng một xu. Có điều lão phu chỉ cần thắng được Phụng lão sư cũng là mãn nguyện lắm rồi.

An đề đốc cười nói:

– Hai vị còn đấu khẩu nhau làm chi? Trời sắp sáng rồi. Trong bảy chiếc ngự bôi thì sáu chiếc đã có chủ. Đêm nay chúng ta nhất quyết phân định danh phận cho những chiếc Ngọc Long bôi, còn Kim Phụng bôi và Ngân Lý bôi đành để đến tối mai. Bây giờ có vị anh hùng nào muốn lên tỷ thí với Phụng lão sư không?

Hắn hô liên ba lần mà trong đại sảnh vẫn yên lặng, không có ai trả lời.

An đề đốc quay lại nhìn Phụng Thiên Nam nói:

– Cung hỷ Phụng lão sư! Chiếc Ngọc Long bôi này thuộc về lão sư!

Comments

comments


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.