Thiên Long Bát Bộ

Lời tựa

trước
tiếp

THIÊN LONG BÁT BỘ

MỘT KIỆT TÁC CỦA KIM DUNG

Trong năm “đại gia” tiểu thuyết võ hiệp tân phái, Kim Dung là người có số lượng tác phẩm ít nhất. Từ tác phẩm đầu tay Thư kiếm ân cừu lục đến tác phẩm “phong bút” Lộc đỉnh ký, Kim Dung “chỉ” viết 15 bộ tiểu thuyết võ hiệp. Con số ấy là rất khiêm tốn so với tác phẩm của bốn “đại gia” khác: Lương Vũ Sinh, Cổ Long, Ngọa Long Sinh và Ôn Thụy An.

Nhưng “đại hiệp” Kim Dung lại được giới hâm mộ và các nhà nghiên cứu phê bình công nhận là “võ lâm minh chủ”. Nguyên nhân chủ yếu của sự nhất trí này là do tiểu thuyết Kim Dung đều là những “tinh phẩm thượng thừa” của tiểu thuyết võ hiệp tân phái. Trong những “tinh phẩm thượng thừa” đó, Thiên Long bát bộ luôn được đánh giá là một trong những kiệt tác của Kim Dung.

Do thị hiếu khác nhau, có người thích Lộc đỉnh ký, có người thích Tiếu ngạo giang hồ, có người lại “thiên ái” Xạ điêu anh hùng truyện, Ỷ Thiên Đồ Long ký hoặc Thần điêu hiệp lữ, nhưng ai cũng thừa nhận Thiên Long bát bộ là một “kỳ thư”.

***

Ngày 3 tháng 9 năm 1963, Thiên Long bát bộ bắt đầu được đăng trên Minh báo ở Hồng Kông và Nam Dương thương báo ở Singapore, liên tục trong bốn năm. Đây là tác phẩm được viết với thời gian lâu nhất và cũng là tác phẩm dài nhất của Kim Dung (gần hai triệu chữ). Đành rằng độ dài cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nên thế giới nghệ thuật phong phú của “hoằng thiên cự trứ” này, nhưng điều chủ yếu làm nên giá trị của tác phẩm là ở lập ý cao minh, kết cấu hoằng vĩ, hệ thống nhân vật phong phú và tinh thần nhân đạo sâu sắc mà Kim Dung đã dành cho kỳ thư Thiên Long bát bộ.

Tiểu thuyết của Kim Dung thường có bối cảnh lịch sử xác định. Cũng vậy, bối cảnh lịch sử của Thiên Long bát bộ là thời Tống Triết Tông (1086 – 1101), cuối đời Bắc Tống. Đây là thời kỳ đánh dấu chế độ phong kiến ở Trung Quốc từ thịnh sang suy, các mâu thuẫn xã hội rất phức tạp và sâu sắc. Chọn thời điểm lịch sử “có vấn đề” này làm bối cảnh, Kim Dung đã có điều kiện để thể hiện cảm hứng lịch sử, ước vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc và tinh thần nhân đạo của mình.

Nhà nghiên cứu Trần Mặc cho rằng: có thể coi Thiên Long bát bộ là một bộ Lục quốc diễn nghĩa kể về các mối quan hệ phức tạp của sáu nước gồm Đại Lý ở phương Nam, Đại Tống ở Trung nguyên, Đại Liêu Ở phương Bắc cùng với Tây Hạ, Đại Kim và còn một “Đại Yên” đã bị xóa số đang nuôi chí phục quốc. Đành rằng Thiên Long bát bộ là tiểu thuyết võ hiệp chứ không phải tiểu thuyết lịch sử.

Trong cái mớ bòng bong mâu thuẫn ấy nổi bật lên xung đột Tống – Liêu. Với tầm nhìn bao quát cục diện bao la vạn trượng, tác giả đã tạo dựng nên một thế giới nhân vật “giang hồ” khác nhau về dân tộc, quốc tịch, cảnh ngộ, tính cách… ai cũng gửi thân giang hồ mà trù liệu việc “giang sơn”. Nhưng cái cao minh của tác giả là ở chỗ tập trung đỉnh điểm của mọi xung đột vào một nhân vật Tiêu Phong với số phận tận cùng bất hạnh và nhân cách tuyệt vời cao thượng. Thân phụ của chàng, Tiêu Viễn Sơn, từ một nạn nhân đã trở thành một kẻ đại ác, tắm máu trả thù. Nhưng Tiêu Phong, từ một nạn nhân bất hạnh đã vượt lên khổ nạn. Trên Nhạn Môn quan, chàng đã đem sự hy sinh lẫm liệt, bi tráng của mình để hóa giải hận thù giữa các dân tộc. Hành vi tuẫn nạn của chàng được nhà sư vô danh của chùa Thiếu Lâm tôn xưng là “tấm lòng Bồ Tát”.

Có thể nói, với hình tượng Tiêu Phong và sự hy sinh cao cả của chàng trên Nhạn Môn quan, Thiên Long bát bộ đã có phần vượt qua giới hạn của tiểu thuyết lịch sử trong truyền thống, đồng thời cũng vượt qua giới hạn của tiểu thuyết võ hiệp.

***

Nhìn bên ngoài, kết cấu của Thiên Long bát bộ có vẻ lỏng lẻo. Chính Kim Dung cũng thừa nhận điều này khi có người phê bình kết cấu tiểu thuyết của ông không chặt chẽ. Nhưng cái “diệu” của kết cấu Thiên Long bát bộ là ở các mối quan hệ bên trong. Chính những mối liên hệ có vẻ như ngẫu nhiên, bất ngờ nhưng lại hợp lý và tất yếu này làm nên cái “khuông giá” đủ sức bền để nhà văn dựng nên một thế giới nghệ thuật lập thể với đỉnh điểm là hình tượng Tiêu Phong (chữ “Phong” trong tên nhân vật này có nghĩa là đỉnh núi). Không gian lưu lạc giang hồ của tiểu thuyết võ hiệp là môi trường cho Đoàn Dự thi triển khinh công “Lăng ba vi bộ”, đóng vai trò con thoi đan dệt, nối kết các nhân vật, các sự kiện. Chàng vương tử đa tình dễ thương này đã rời bỏ cung đình Đại Lý (nay thuộc tỉnh Vân Nam), lỡ bước giang hồ, để rồi với hai người anh kết nghĩa – Tiêu Phong, Hư Trúc – và cả với cô em gái “cùng hai cha khác mẹ” là “bông hoa ác” A Tử làm nên các đường “Kinh, Lạc” liên kết các nhân vật ở những miền không gian khác nhau thành một chỉnh thể nghệ thuật phức tạp và phong phú. Có thể nói, hầu hết các nhân vật trong tác phẩm đều “kiêm nhiệm” nhiều chức năng: vừa là bản thân “con người này”, vừa là đường dây liên lạc nối kết các nhân vật khác. Ở đây Kim Dung đã kế thừa hầu hết những thủ pháp kết cấu truyền thống của tiểu thuyết Trung Quốc, đồng thời tiếp thu cả nghệ thuật kết cấu của tiểu thuyết phương Tây hiện đại.

Rất nhiều điều có thể và cần phải tìm hiểu về kết cấu của “bài toán rời rạc” Thiên Long bát bộ, nhưng đó là điều mà Kim Dung muốn dành cho bạn đọc khi tiếp xúc với thế giới nghệ thuật của ông.

***

Tựa đề Thiên Long bát bộ của tác phẩm là một cái tên có tính chất tượng trưng. Cái tên này mượn từ thuật ngữ Phật học chỉ tám loại “chúng sinh” không phải là người (phi nhân). Thế giới nhân vật trong Thiên Long bát bộ không hề có thần tiên ma quỷ mà là con người với đủ “thất tình lục dục”.

Nhưng do sự khắc nghiệt của lịch sử, do số phận trớ trêu, do những dục vọng và tội ác dấy lên từ ba ngọn lửa độc “tham, sân, si” mà người ta đã gây nên bất hạnh cho người khác và cho cả chính mình, đã biến thế giới nhân sinh thành thế giới “phi nhân”; đúng như lời của giáo sư Trần Thế Tương đã nhận xét: Vô nhân bất oan, hữu tình giai nghiệt (ai cũng mắc oan khiên, có tình đều nghiệt chướng).

Thiên Long bát bộ thấm đượm tinh thần Phật giáo mà Kim Dung vốn ngưỡng mộ. Tiếng nói của Phật giáo trong tác phẩm vừa dịu dàng sâu lắng vừa thật hiển minh, quán xuyến từ đầu chí cuối tác phẩm. Điều này được thể hiện ở thế giới nhân vật và số phận có tính chất “nhân quả báo ứng” của họ. Điểm xuất phát và nơi trở về của bộ ba nhân vật chính Đoàn Dự, Tiêu Phong, Hư Trúc đều ít nhiều mang tinh thần Phật giáo. Tác phẩm được khởi từ cung đình nước Đại Lý, một nước ở thời ấy Phật giáo được xem là quốc giáo, Vương tử Đoàn Đự là một tín đồ Phật giáo thuần thành. Tiêu Phong được Huyền Khổ đại sư dạy dỗ; chàng học võ công chứ không học Phật pháp, nhưng “Phật tinh” tiềm ẩn trong chàng đã tỏa sáng khi chàng “sát thân thành nhân” trên ải Nhạn Môn quan. Còn tiểu hòa thượng Hư Trúc tuy bất đắc dĩ phải lần lượt phạm giới nhưng thủy chung chàng vẫn là một “tăng hiệp” đem chính tâm của một tiểu hòa thượng nhân từ, lương thiện mà dung nạp và hóa giải những “tà công” để hành thiện. Đó cũng là chỗ cao minh của nhà văn: chính nghĩa và lương thiện cũng cần có sức mạnh.

Tinh thần Phật giáo cũng được thể hiện ở kết thúc về cơ bản là “có hậu” của tác phẩm. Không những người ta được chứng kiến qui luật nhân quả “ở hiền gặp lành” nơi những con người như Hư Trúc, Đoàn Dự mà ngay cả những kẻ đã trở thành “phi nhân” cũng không đến nỗi tuyệt lộ. Kim Dung đã đưa “Quan âm tóc dài” trở về nối lại sợi tơ nhân tính mỏng manh trong con người “đệ nhất ác nhân” Đoàn Diên Khánh. Kim Dung còn để cho nhà sư vô danh ở Tàng kinh các của chùa Thiếu Lâm hiện thân “chuyên nghiệt hóa si” cho hai ác nhân cừu địch Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác. Đặc biệt, chính nhà sư vô danh này lại hiện thân lần nữa để khẳng định “tấm lòng Bồ Tát” của Tiêu Phong.

Nhưng, về thực chất, những “oan” cùng “nghiệt” biến thế giới nhân sinh thành thế giới “phi nhân” không phải do một lực lượng thần bí nào mà do chính con người tạo nên. Và sức mạnh “siêu độ” khiến những kẻ đã trở thành “phi nhân” có thể “hồi đầu thị ngạn”, trở lại làm người cũng là do nhân tính được thức tỉnh. Còn như muốn gọi nhân tính là Phật tính thì cũng phải. Có thể nội hàm của khái niệm “Phật tính” rộng hơn tinh thần nhân đạo, nhưng tinh thần nhân đạo là hạt nhân của Phật tính. Chính Đức Phật cũng giác ngộ chân đế từ trong bể khổ nhân sinh. Có thể nói tinh thần nhân đạo hay “Phật tính” là những tên gọi khác nhau để chỉ lòng yêu thương, sự trân trọng đối với giá trị tôn nghiêm của con người.

Đi vào thế giới đầy những “oan”, “nghiệt” ngỡ như là “phi nhân” của Thiên Long bát bộ, ta lại gặp Con Người.

Huế, Trung Thu Nhâm Ngọ 2002

Nguyễn Thị Bích Hải

Comments

comments


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.