Tiếu Ngạo Giang Hồ

Hồi 9: Phái Thanh Thành cũng luyện Tịch tà

trước
tiếp

Gã cầm bàn tính nói:

– Nhị sư ca, nghe nói chưởng môn phái Thái Sơn là Thiên Môn chân nhân đã thân hành đến Lưu phủ rồi.

Lão già nói:

– Thiên Môn chân nhân thân hành đến sao? Lưu tam gia hân hạnh lắm! Thiên Môn chân nhân đã nghỉ chân ở Lưu phủ, nếu như hai sư huynh sư đệ Mạc, Lưu của phái Hành Sơn thực sự có chuyện tranh chấp nội bộ mà Thiên Môn chân nhân ủng hộ Lưu tam gia thì Mạc Đại tiên sinh khó có thể làm gì được.

Thiếu nữ nói:

– Nhị sư ca, theo sư ca thì Dư quán chủ phái Thanh Thành sẽ ủng hộ ai?

Lâm Bình Chi nghe được sáu chữ “Dư quán chủ phái Thanh Thành” thì tinh thần chấn động, giống như bị ai đấm mạnh vào ngực một cái.

Bọn Lục hầu nhi nhốn nháo nói:

– Dư quán chủ cũng đến rồi ư?

– Mời được lão xuống núi Thanh Thành thật không phải là chuyện dễ!

– Trong thành Hành Sơn này thật là náo nhiệt, các vị cao thủ tập trung về chỉ sợ xảy ra một cuộc long tranh hổ đấu.

– Tiểu sư muội, sư muội nghe ai nói Dư quán chủ đã đến rồi?

Thiếu nữ nói:

– Cần gì phải nghe ai nói. Chính tiểu muội thấy lão đến!

Lục hầu nhi hỏi:

– Tiểu sư muội thấy Dư quán chủ đến rồi ư? Tại thành Hành Sơn à?

Thiếu nữ đáp:

– Chẳng những tiểu muội đến thành Hành Sơn mới thấy lão mà ngay lúc còn Phúc Kiến đã gặp lão rồi, đến Giang Tây lại gặp lão một lần nữa.

Gã cầm bàn tính nói:

– Dư quán chủ đi Phúc Kiến làm gì? Tiểu sư muội, sư muội không biết ư?

Thiếu nữ đáp:

– Ngũ sư ca, sư ca không cần nói khích tiểu muội. Tiểu muội tính nói rồi nhưng sư ca nói khích thì tiểu muội không thèm nói nữa.

Lục hầu nhi nói:

– Đây là chuyện của phái Thanh Thành, dù có nói cho người khác nghe cũng chẳng sao cả. Nhị sư ca, Dư quán chủ đến Phúc Kiến để làm gì vậy? Sư ca với sư muội gặp lão trong trường hợp nào?

Lão già đáp:

– Đại sư ca còn chưa đến, mà mưa vẫn không ngớt, các vị lại nhàn rỗi, để ta kể lại đầu đuôi cho mà nghe. Mọi người biết nguyên nhân và hậu quả rồi đấy. Sau ngày gặp người phái Thanh Thành, ta mới rõ ngọn ngành. Tháng chạp năm ngoái, đại sư ca ở Hán Trung đã đá Hầu Nhân Anh, Hồng Nhân Hùng của phái Thanh Thành.

Lục hầu nhi bỗng nhiên cười hề hề. Thiếu nữ nguýt anh ta một cái, nói:

– Cười cái gì vậy?

Lục hầu nhi vừa cười vừa nói:

– Ta cười hai gã đó quá tự cao tự đại, cái gì Nhân Anh với Nhân Hùng, làm cho bạn hữu giang hồ nhầm lẫn gọi là “Anh, Hùng, Hào, Kiệt; Thanh Thành tứ tú”. Cũng chẳng khác gì tên gọi của ta là Lục Đại Hữu mà ta chẳng có cái gì ráo!

Thiếu nữ nói:

– Sao lại nói cái gì cũng không có? Nếu sư ca không phải họ Lục, không gọi là Lục Đại Hữu, thì trong đồng môn sao lại xứng đáng đứng hàng thứ sáu, ngoại hiệu sao lại gọi là Lục hầu nhi?

Lục Đại Hữu cười đáp:

– Được, từ nay về sau, ta sẽ đổi danh là “Lục Đại Vô”.

Một người khác nói:

– Sư đệ đừng làm gián đoạn câu chuyện đang nói dở của nhị sư ca!

Lục Đại Hữu đáp:

– Không gián đoạn thì không gián đoạn chứ sao.

Gã lại tiếp tục cười hề hề.

Thiếu nữ chau mày nói:

– Còn cười cái gì nữa? Sư ca lộn xộn quá!

Lục Đại Hữu cười nói:

– Ta nhớ đến hai gã Hầu Nhân Anh và Hồng Nhân Hùng bị đại sư ca đá cho lộn nhào bảy tám vòng mà không biết bị ai đá, lại càng không biết tại sao bị đá. Thì ra, đại sư ca chỉ nghe đến cái tên của chúng đã phát giận, vừa uống rượu vừa chửi to: “Cẩu, Hùng, Dã, Trư; Thanh Thành tứ thú” (Chó, Gấu, Khỉ, Heo; Thanh Thành tứ thú)”. Hai gã Hầu, Hồng cả giận, tiến lên động thủ, liền bị đại sư ca đá từ trên lầu rớt xuống đất. Ha ha!

Lâm Bình Chi nghe vậy, cảm thấy lòng được an ủi, đâm ra có thiện cảm với gã đại sư ca này. Tuy chàng chưa hề gặp Hầu Nhân Anh và Hồng Nhân Hùng nhưng hai tên này là sư huynh sư đệ của Phương Nhân Trí và Vu Nhân Hào. Chúng bị vị đại sư ca kia đá rớt xuống lầu quả là mất mặt.

Lão già nói:

– Đại sư ca đá hai gã Hầu, Hồng nhưng chúng không biết đại sư ca là ai. Sau đó chúng mới hiểu cớ sự, về bẩm lại sư phụ. Dư quán chủ viết thư gửi cho sư phụ chúng ta. Lão dùng lời lẽ rất khách khí, nói rằng lão quản giáo đệ tử không nghiêm, đã để đệ tử đắc tội với các vị cao đồ của quý phái nên mau viết thư xin lỗi!

Lục Đại Hữu nói:

– Lão họ Dư này thật xảo quyệt. Lão viết thư đến xin lỗi nhưng kỳ thực là đưa cáo trạng cho sư phụ, báo hại đại sư ca phải bị phạt quỳ ở ngoài cổng một ngày một đêm; các vị sư huynh sư đệ đến gặp sư phụ cầu xin mãi sư phụ mới tha cho.

Thiếu nữ nói:

– Tha đâu mà tha? Đại sư ca còn bị đánh thêm ba mươi roi nữa!

Lục Đại Hữu đáp:

– Ta hoan hô đại sư ca cũng bị ăn theo mười roi. Ha ha. Nhưng nhìn hai gã tiểu tử Hầu Nhân Anh, Hồng Nhân Hùng lăn lông lốc từ trên lầu xuống, bộ dạng thảm hại, thì ta bị đánh mười roi cũng đáng. Ha ha!

Gã cao người nói:

– Sau đó ngươi vẫn chứng nào tật ấy. Mười roi này kể như bị uổng phí rồi.

Lục Đại Hữu nói:

– Tiểu đệ làm sao mà hối cải được? Đại sư ca muốn đá người ta rớt xuống lầu, tiểu đệ làm sao có đủ bản lĩnh để ngăn cản được đại sư ca?

Gã cao người nói:

– Nhưng sư đệ đến bên cạnh khuyên đại sư ca mấy câu có tốt hơn không? Sư phụ nói không sai tí nào: “Lục Đại Hữu chẳng bao giờ chịu khuyên giải ai, chỉ chờ lửa cháy để đổ thêm dầu. Đánh mười roi!”

Nói xong gã cười ha hả. Mọi người cũng cười ầm cả lên.

Lục Đại Hữu nói:

– Tiểu đệ bị sư phụ phạt thật là oan uổng. Sư ca nghĩ xem, đại sư ca xuất cước nhanh đến cỡ nào, hai vị “đại anh hùng” từ hai bên xồng xộc chạy tới, đại sư ca vẫn đưa bát rượu lên uống ừng ực. Tiểu đệ la lên: “Đại sư ca, cẩn thận!” Liền nghe bốp bốp hai tiếng tiếp theo là hai tiếng bụp bụp! Hai vị “đại anh hùng” đã từ cầu thang trên lầu lăn một mạch xuống đất. Đệ nhìn chăm chú để học đường Báo vĩ cước tuyệt chiêu của đại sư ca, nhưng tiểu đệ xem còn không kịp, thì làm sao mà nói đến chuyện học cho được? Nói tiểu đệ chuyên môn đổ dầu vào lửa, thiệt là oan cho tiểu đệ!

Gã cao người nói:

– Lục hầu nhi, ta hỏi sư đệ: lúc đại sư ca quát “Cẩu, Hùng, Dã, Trư; Thanh Thành tứ thú”, sư đệ có quát đệm theo không? Hãy nói thật ta nghe xem.

Lục Đại Hữu cười hì hì đáp:

– Đại sư ca đã quát như vậy, chúng ta là sư đệ có lý do gì mà không phụ họa để trợ thêm oai phong? Chẳng lẽ sư ca bảo tiểu đệ giúp mấy gã phái Thanh Thành chửi lại đại sư ca ư?

Gã cao người cười nói:

– Xem ra sư phụ chẳng phạt oan sư đệ chút nào.

Lâm Bình Chi nghĩ bụng: Gã Lục hầu nhi này tóm lại cũng là người tốt. Không biết họ là người phái nào?

Lão già nói:

– Lời của sư phụ giáo huấn đại sư ca đáng để mọi người ghi nhớ trong lòng. Sư phụ nói: “Người học võ trên giang hồ ngoại hiệu rất nhiều, mà ngoại hiệu nào cũng đều thậm xưng quá đáng. Nào là Oai chấn giang hồ, nào là Truy phong hiệp, Thảo thượng phi… Ngươi can dự làm chi cho lắm vậy? Người ta muốn xưng “Anh, Hùng, Hào, Kiệt” thì ngươi cứ gọi như vậy. Hành vi của họ nếu đúng là hành vi của anh hùng hào kiệt thì chúng ta khâm phục, kết giao với họ còn không được, tại sao lại đem lòng thù ghét? Nhưng nếu họ không phải là anh hùng hào kiệt thì sẽ có công luận võ lâm, mọi người sẽ chê cười. Chúng ta hà tất phải bận tâm?

Mọi người nghe nhị sư ca nói xong đều gật đầu khen ngợi.

Lục Đại Hữu nói khẽ:

– Ngoại hiệu nổi danh của ta là Lục hầu nhi, không ai nghe xong mà không nổi nóng.

Lão già mỉm cười nói:

– Việc đại sư ca đá hai gã Hầu Nhân Anh, Hồng Nhân Hùng từ trên lầu rớt xuống là điều đại sỉ nhục cho phái Thanh Thành. Tất nhiên chúng phải giấu kín, ngay cả đệ tử bổn phái cũng ít ai biết. Sư phụ đã dặn đi dặn lại cấm chúng ta không được đem chuyện đó nói ra bên ngoài để khỏi gây mối bất hòa. Từ nay về sau, chúng ta không bàn đến chuyện này nữa, đề phòng có kẻ nghe được mà truyền rộng ra.

Lục Đại Hữu nói:

– Kỳ thực võ công của phái Thanh Thành chẳng qua chỉ là hư danh. Ta đắc tội với họ thì cũng chẳng làm gì được nhau…

Gã chưa dứt lời thì lão già quát lên:

– Lục sư đệ, sư đệ đừng nói năng xằng bậy! Liệu hồn đấy, nếu không khi về ta bẩm sư phụ, sư đệ lại bị thêm mười roi nữa. Đại sư ca sử Báo vĩ cước đá người ta rớt xuống lầu, một là vì đại sư ca nhân lúc chúng không kịp phòng bị mà xuất chiêu, hai là đại sư ca là một người xuất chúng trong môn phái ta, người khác không thể bì kịp. Liệu sư đệ có bản lãnh đá người ta rớt xuống lầu không?

Lục Đại Hữu lè lưỡi, xua tay nói:

– Nhị sư ca đừng đem tiểu đệ so với đại sư ca!

Lão già nghiêm nghị nói:

– Dư quán chủ, chưởng môn phái Thanh Thành thực sự là kỳ tài quái kiệt trong võ lâm ngày nay. Ai dám coi thường lão thì người đó thật là xui xẻo. Tiểu sư muội, sư muội gặp Dư quán chủ rồi ư? Sư muội cảm thấy lão thế nào?

Thiếu nữ đáp:

– Dư quán chủ ư? Lão ra tay rất nham hiểm. Tiểu… Tiểu muội thấy lão rất đáng sợ, từ đây về sau tiểu… tiểu muội không muốn gặp lão nữa.

Giọng nói của cô run run, dường như chưa hết sợ.

Lục Đại Hữu nói:

– Dư quán chủ ra tay nham hiểm ư? Tiểu sư muội có thấy lão giết người không?

Thiếu nữ sợ đến nỗi người nàng co rúm lại, không trả lời được.

Lão già nói:

– Hôm nhận được thư của Dư quán chủ, sư phụ tức giận đùng đùng, trách phạt đại sư ca và Lục sư đệ. Ngày hôm sau, người viết một phong thư sai ta đến núi Thanh Thành…

Mấy người sư đệ cùng la lên:

– Thì ra hôm ấy nhị sư ca vội vàng xuống núi, để đi Thanh Thành ư?

Lão già trả lời:

– Đúng vậy! Hôm đó, sư phụ dặn ta không được nói với các vị sư huynh sư đệ để khỏi sinh thêm rắc rối.

Lục Đại Hữu hỏi:

– Sao lại có thể sinh thêm rắc rối? Sư phụ chỉ xem chuyện này là chuyện vặt mà thôi. Việc sư phụ dặn dò, tất nhiên là có đạo lý, không ai có thể cãi lệnh được.

Gã cao nghệu nói:

– Sư đệ thì biết cái gì? Nếu như nhị sư ca nói cho sư đệ nghe, sư đệ nhất định sẽ đi mách lẻo với đại sư ca. Tuy đại sư ca không dám kháng lệnh sư phụ nhưng đại sư ca cũng sẽ nghĩ ra một vài chuyện kỳ quặc để gây sự với phái Thanh Thành. Có thể lắm chứ!

Lão già nói:

– Tam đệ nói phải đấy. Bạn bè giang hồ của đại sư ca rất nhiều, đại sư ca muốn làm chuyện gì thì nhất định không chịu một mình ra tay. Sư phụ nói với ta rằng trong thư đều là những lời xin lỗi Dư quán chủ, rằng là đệ tử càn quấy, người rất tức giận muốn trục xuất ra khỏi sư môn nhưng sợ làm như vậy thì giang hồ sẽ cho rằng hai phái chúng ta phát sinh chuyện hiềm khích không hay nên bây giờ đã đem hai tên càn quấy…

Nói đến đây, lão đưa mắt nhìn Lục Đại Hữu một cái.

Lục Đại Hữu vẻ mặt hầm hầm, giận dữ nói:

– Đệ cũng là kẻ càn quấy ư?

Thiếu nữ nói:

– Sư phụ đưa Lục sư ca lên ngang hàng với đại sư ca mà sư ca lấy làm nhục lắm sao?

Lục Đại Hữu nghe vậy khoái chí bèn kêu to:

– Phải! Phải! Đem rượu lại! Đem rượu lại!

Nhưng quán chỉ bán trà chứ không bán rượu. Chủ quán vội chạy đến nói:

– Ha lão gia, tiểu điếm chỉ có những loại trà Động Đình Xuân, Thủy Tiên, Long Tĩnh, Kỳ Môn, Phổ Nhị, Thiết Quan Âm. Ha lão gia, không có bán rượu. Ha lão gia!

Người ở Hành Dương, Hành Sơn đầu câu nói thường đệm chữ “ha”. Lão chủ quán rõ ràng là người vùng này.

Lục Đại Hữu nói:

– Ha lão gia, ha quý điếm của lão không bán rượu, ha ta uống trà thay cho uống rượu vậy, ha lão gia!

Chủ quán trà nói:

– Dạ, dạ! Ha lão gia!

Nói xong lão chủ quán rót nước sôi vào bình trà.

Lão già lại nói:

– Trong thư sư phụ nói bây giờ đã đem hai tên càn quấy đánh đòn, đáng lẽ bảo chúng đích thân đến núi Thanh Thành để ăn năn tạ tội nhưng sau khi ăn đòn, hai tên đã bị thương tích nặng, không thể đi được nên phái nhị đệ tử Lao Đức Nặc đến để lãnh trách nhiệm. Chuyện này hoàn toàn do hai tên càn quấy mà ra, mong rằng Dư quán chủ nghĩ đến sự giao hảo của hai phái Thanh Thành và Hoa Sơn trước nay mà bỏ qua cho. Sau này gặp nhau, sư phụ sẽ đích thân tạ tội với Dư quán chủ!

Lâm Bình Chi nghĩ bụng: Thì ra người này là Lao Đức Nặc. Bọn các người là phái Hoa Sơn, một trong Ngũ Nhạc kiếm phái. Chàng biết rõ nội dung bức thư, nghĩ bụng: Thì ra hai phái này có mối giao hảo sâu xa. Bất giác chàng run sợ thầm nghĩ: Lao Đức Nặc và cô nương xấu xí này đã gặp ta hai lần, không thể để bọn họ nhận ra mình!

Lao Đức Nặc lại nói:

– Khi ta đến phái Thanh Thành, gã Hầu Nhân Anh không thèm nói gì nhưng gã Hồng Nhân Hùng thì còn căm tức, đã buông lời chế giễu, lại còn muốn cùng ta động thủ.

Lục Đại Hữu chửi:

– Mẹ nó! Cái đồ điếc không sợ súng! Nhị sư ca, giao đấu thì giao đấu, sợ gì gã? Cái gã họ Hồng này không xứng đáng là đối thủ của sư ca.

Lao Đức Nặc nói:

– Sư phụ bảo ta đến núi Thanh Thành tạ tội để khỏi sinh thêm chuyện. Ta phải nhẫn nại lưu lại núi Thanh Thành sáu ngày, đến ngày thứ bảy mới được Dư quán chủ tiếp kiến.

Lục Đại Hữu nói:

– Hừ, bày đặt làm bộ làm tịch dữ! Nhị sư ca, trong sáu ngày sáu đêm đó, e rằng sư ca bực bội lắm?

Lao Đức Nặc đáp:

– Bọn đệ tử phái Thanh Thành chế giễu ta rất sâu cay, tất nhiên ta phải ráng chịu. Ta biết rằng sở dĩ sư phụ phái ta đi làm việc này không phải vì võ công của ta hơn người mà vì tuổi ta đã cao nên trầm tĩnh, nhẫn nại hơn các vị sư huynh sư đệ. Ta càng có thể nhẫn nại bao nhiêu thì càng hoàn thành sứ mệnh tốt hơn bấy nhiêu. Chúng không thể ngờ lưu ta lại trong Tùng Phong quán núi Thanh Thành hơn sáu ngày, cuối cùng cũng chẳng ích gì cho chúng. Ở Tùng Phong quán, ta vẫn chưa gặp được Dư quán chủ, vô cùng buồn chán. Đến sáng thứ ba, ta dậy sớm đi tản bộ, ngấm ngầm luyện công điều tức để khỏi xao lãng công phu. Đi đến luyện võ sảnh phía sau Tùng Phong quán, ta chợt thấy mười mấy gã đệ tử phái Thanh Thành đang luyện võ. Trong võ lâm, chuyện xem người ta luyện công là điều đại kỵ. Ta không dám đứng lâu, liền lập tức quay về phòng. Nhưng việc nhìn thấy đó đã gây cho ta mối hoài nghi. Mười mấy tên đệ tử đều sử một loại kiếm pháp, nhìn thoáng qua kiếm pháp chúng luyện đều giống nhau, và chúng đều là những người mới học nên xuất chiêu rất vụng về. Còn đó là kiếm pháp gì thì trong lúc vội vàng, ta nhìn không rõ. Sau khi ta về phòng, càng nghĩ càng thấy kỳ quặc. Phái Thanh Thành nổi danh đã lâu, rất nhiều đệ tử đã nhập môn một hai chục năm, huống hồ bọn đệ tử nhập môn có kẻ trước người sau mà sao mười mấy gã lại học một loại kiếm pháp cùng một lúc? Đặc biệt trong số mười mấy người này có cả Hầu Nhân Anh, Hồng Nhân Hùng, Vu Nhân Hào và La Nhân Kiệt, bốn người trong “Thanh Thành tứ tú”. Các vị sư đệ, các vị gặp tình huống như vậy thì suy đoán thế nào?

Gã cầm bàn tính nói:

– Theo tiểu đệ, phái Thanh Thành hoặc giả mới có được một bí cấp, hoặc giả Dư quán chủ mới sáng chế một đường kiếm pháp đem truyền thụ cho các đệ tử.

Lao Đức Nặc nói:

– Lúc đó ta cũng nghĩ như vậy nhưng ngẫm kỹ, lại cảm thấy không phải vậy. Dư quán chủ là một tay lão luyện về kiếm pháp, nếu lão sáng chế ra kiếm pháp mới thì kiếm pháp này không thể tầm thường. Nếu là bí cấp kiếm pháp do người xưa để lại, thì kiếm pháp được truyền dạy nhất định phải rất cao thâm, nếu không thì lão đâu để mắt đến và muốn đệ tử tập luyện làm gì. Còn kiếm pháp của bổn phái sao không luyện tập? Còn nếu là chiêu thức cao siêu thì mấy gã đệ tử tầm thường không thể lĩnh hội được. Lão chỉ cần chọn ba bốn tên đệ tử võ công giỏi nhất để truyền thụ, không lý nào lại cùng lúc truyền thụ cho hơn bốn mươi người. Đây khác nào một vị võ sư mở trường dạy quyền để kiếm tiền, vậy thì hành vi đại tôn sư của danh môn chính phái ở đâu? Sáng sớm hôm sau, ta lại đi từ trước chùa vòng ra sau, khi đi qua bên luyện võ sảnh, thấy chúng vẫn đang luyện kiếm. Ta không dám dừng lại, chỉ liếc mắt nhìn qua, nhớ được hai chiêu, thầm nghĩ khi về sẽ xin sư phụ chỉ điểm cho. Lúc đó, Dư quán chủ vẫn chưa tiếp kiến ta, ta không dám dự đoán phái Thanh Thành đối với phái Hoa Sơn chúng ta có lòng thù oán hay không. Nhưng chúng luyện kiếm pháp mới không chừng là để đối phó với phái chúng ta, vậy thì không thể không đề phòng.

Gã cao nghệu nói:

– Nhị sư ca, hay là họ đang luyện một kiếm trận nào đó?

Lao Đức Nặc nói:

– Đương nhiên cũng có thể như vậy. Lúc đó, ta thấy chúng chia ra từng đôi chiết giải chiêu thức, nào công nào thủ, chỉ toàn sử một số chiêu thức chứ không giống luyện kiếm trận. Đến sáng sớm ngày thứ tư, khi ta tản bộ qua luyện võ sảnh thì trên sân vắng lặng, không có ai cả. Ta biết chúng có ý tránh ta, lòng càng thêm hoài nghi. Ta cứ như thế mà đi qua, chốc chốc lại đưa mắt nhìn. Xem ra chúng quả có ý muốn đối phó với bổn phái mà luyện tập môn kiếm pháp lợi hại, nếu không thì hà tất chúng phải e dè như vậy? Tối hôm đó, ta nằm trên giường suy đi nghĩ lại không cách nào ngủ được, bỗng nghe tiếng đao kiếm chạm nhau vọng lại. Ta giật mình kinh sợ, lẽ nào trong chùa lại có cường địch đến? Ta nghĩ trong đầu: “Phải chăng đại sư ca vì bị sư phụ trách phạt nên tức giận xông vào Tùng Phong quán mà đánh nhau?” Đại sư ca chỉ có một mình không địch nổi chúng, ta không biết làm sao để tương trợ. Lần này đến núi Thanh Thành, ta không đem theo kiếm, trong lúc vội vàng không tìm được kiếm, chỉ đành đi ra tay không.

Lục Đại Hữu lên tiếng khen ngợi:

– Tuyệt diệu. Nhị sư ca, sư ca gan dạ lắm! Nếu là đệ thì đệ không dám đi tay không ra nghênh chiến với chưởng môn phái Thanh Thành Dư Thương Hải, quán chủ Tùng Phong quán!

Lao Đức Nặc cả giận, nói:

– Lục hầu nhi, ngươi nói bậy bạ gì đó? Ta đâu có nói là đi tay không ra nghênh chiến với Dư quán chủ. Chỉ vì sợ đại sư ca gặp nguy hiểm, ta biết là gay go nhưng cũng phải đi ra. Lẽ nào sư đệ bảo ta cứ trốn trong chăn làm quân rùa đen?

Các sư đệ nghe vậy cười ồ lên. Lục Đại Hữu mặt méo xẹo nhưng cũng cười nói:

– Tiểu đệ khâm phục, tán dương nhị sư ca. Nhị sư ca hà tất phải nổi nóng?

Lao Đức Nặc nói:

– Cảm ơn! Những lời tán dương của hiền đệ, ta nuốt không trôi đâu.

Mấy tên sư đệ cùng nói:

– Nhị sư ca kể tiếp đi, đừng tốn lời với Lục hầu nhi nữa.

Lao Đức Nặc kể tiếp:

– Lúc đó, ta lặng lẽ ngồi dậy, theo hướng tiếng đao kiếm mà tới. Tiếng đao kiếm va chạm nhau càng lúc càng dữ dội. Trống ngực đập thình thịch, ta thầm nghĩ: “Hai chúng ta đang ở nơi đầm rồng hang cọp, đại sư ca võ công cao siêu may ra có thể thoát thân được chứ ta thì chắc tiêu!” Tiếng đao kiếm va chạm nhau phát ra từ phía hậu điện, trong hậu điện đèn đuốc sáng trưng. Ta khom người xuống rón rén đến gần, nhìn qua song cửa sổ mới thở phào nhẹ nhõm, suýt bật cười. Thì ra ta đa nghi quá đáng. Mấy ngày nay, Dư quán chủ vẫn chưa tiếp kiến ta, ta suy quanh tính quẩn, mà toàn là những chuyện tào lao. Đại sư ca đâu có tìm đến đây sinh sự. Ta chỉ thấy trong điện có hai cặp đang tỉ kiếm, một cặp là Hầu Nhân Anh và Hồng Nhân Hùng, cặp kia là Phương Nhân Trí và Vu Nhân Hào.

Lục Đại Hữu nói:

– Ấy chà, bọn đệ tử phái Thanh Thành dụng công quá cỡ, ban đêm cũng không nghỉ ngơi. Đây mới gọi là đụng trận mới mài thương, khi bình thường chẳng chịu thắp hương, lúc cần kíp ôm chân Đức Phật!

Lao Đức Nặc nguýt gã một cái, tủm tỉm cười rồi nói tiếp:

– Ta thấy chính giữa hậu điện có một đạo nhân vừa nhỏ con vừa lùn tịt, mình mặc đạo bào màu xanh đang ngồi. Lão ước chừng khoảng năm mươi tuổi, mặt gầy đét. Coi bộ dạng lão như vậy, nặng lắm cũng khoảng bảy tám chục cân là cùng. Võ lâm thường nói chưởng môn của phái Thanh Thành là một đạo nhân lùn béo. Nhưng nếu chưa tận mắt nhìn thấy thì làm sao có thể tưởng tượng nổi lão nhỏ bé nầy lại là Dư quán chủ nổi danh khắp thiên hạ? Xung quanh lão có mấy chục đệ tử đứng theo dõi không chớp mắt bốn tên đệ tử đang chiết kiếm. Ta mới xem mấy chiêu thì biết ngay là bốn tên đệ tử này đang chiết giải mấy chiêu mới mà chúng vừa học được từ mấy hôm trước. Ta biết lúc đó rất nguy hiểm, nếu bị phái Thanh Thành phát hiện, không những thân ta phải chịu nhục nhã mà chuyện vỡ lở ra ngoài thì thanh danh của bổn phái cũng bị liên lụy. Đại sư ca chỉ đá có một cước mà làm cho hai tên đứng đầu “Thanh Thành tứ tú” Hầu Nhân Anh và Hồng Nhân Hùng rơi xuống lầu; sư phụ tuy trách phạt, rầy la đại sư ca không biết giữ môn quy, đi gây gổ cho sinh chuyện đắc tội với bằng hữu nhưng thực ra, biết đâu sư phụ cũng lấy đó làm hoan hỷ. Xét cho cùng, đại sư ca đã làm rạng danh bổn phái. Thanh Thành tứ tú con mẹ gì mà không tránh khỏi một cước của đại đệ tử bổn phái. Còn bây giờ ta lén lút nhìn trộm chuyện bí mật của họ, họ cho người bắt giữ thì so với chuyện trộm tiền còn tệ hại hơn nhiều, lúc trở về núi sư phụ sẽ nổi giận mà đuổi cổ ta ra khỏi môn tường. Nhưng ta thấy chúng luyện đấu nhộn nhịp như vậy thì không chừng chuyện này có quan hệ đến phái ta, ta không thể quay lưng bỏ mặc được. Lúc đó ta nghĩ mình chỉ xem vài chiêu rồi lập tức đi liền. Nhưng xem xong mấy chiêu đó, ta lại xem thêm mấy chiêu nữa. Cách sử kiếm của bốn gã thật là cổ quái, bình sinh ta chưa bao giờ thấy qua, những chiêu kiếm này chẳng có oai lực gì cả khiến ta không hình dung nổi. Ta lấy làm lạ là kiếm pháp này chẳng có gì để người ta kính phục, tại sao phái Thanh Thành phải ngày đêm tập luyện? Lẽ nào kiếm pháp này lại là khắc tinh của Hoa Sơn kiếm pháp nhà ta? Xem ra cũng chưa chắc vậy. Ta lại xem thêm mấy chiêu nữa, rồi không dám đứng lâu, nhân lúc bốn gã đấu với nhau đến chỗ gay cấn, lập tức ta rón rén về phòng vì chờ xem bốn gã đấu xong thì e rằng ta khó bề thoát thân. Dư quán chủ võ công cao cường; ta ở ngoài điện chỉ cần bước một bước thôi cũng có thể bị lão phát hiện ngay.

Hai hôm sau cũng vào nửa đêm, ta lại nghe tiếng kiếm va chạm nhau nhưng không dám đi xem nữa. Kỳ thực nếu như ta sớm biết chúng đang luyện kiếm trước mặt Dư quán chủ thì ta không dám đi xem trộm. Có lẽ do số trời nên ta mới nhìn được một lần mà thôi. Lục sư đệ còn thơm thảo khen ta gan dạ khiến cho ta thêm hổ thẹn. Tối hôm đó, nếu lục sư đệ thấy ta mặt cắt không còn chút máu mà không chửi nhị sư ca là bậc đệ nhất nhát gan trong thiên hạ thì ta đã đa tạ sư đệ rồi.

Lục Đại Hữu nói:

– Không dám, không dám! Nhị sư ca giỏi lắm cũng chỉ là đệ nhị trong thiên hạ. Nhưng nếu là tiểu đệ, tiểu đệ cũng không sợ bị Dư quán chủ phát hiện vì lúc đó đệ đã toàn thân lạnh cứng, hơi thở không thông, chẳng bước được một bước, khác nào thây ma. Bản lĩnh của Dư quán chủ có cao thâm đến đâu cũng không thể biết bên ngoài cửa sổ có Lục Đại Hữu này là một “anh hùng bậc nhất”.

Mọi người cười bò cả ra.

Lao Đức Nặc kể tiếp:

– Cuối cùng, Dư quán chủ cũng tiếp kiến ta. Lão nói rất khách khí rằng sư phụ phạt nặng đại sư ca như vậy là hơi quá đáng. Hai phái Hoa Sơn và Thanh Thành vốn có mối giao hảo từ lâu; các đệ tử nhất thời nóng nảy nên mới xảy ra đánh nhau thì cũng coi như trẻ con đánh lộn, người lớn hà tất phải quá bận tâm. Tối hôm đó, lão còn mời ta ăn tiệc. Sáng sớm hôm sau, khi ta cáo từ, Dư quán chủ còn tiễn ta ra tận cổng Tùng Phong quán. Ta nghĩ mình là tiểu bối, lúc từ biệt cũng nên quỳ xuống dập đầu. Ta mới co đầu gối trái thì tay phải của Dư quán chủ đã nhẹ nhàng đỡ ta dậy. Luồng kình lực của lão thật đáng sợ; ta cảm thấy toàn thân như bị bốc lên khỏi mặt đất, một chút khí lực cũng không vận dụng được. Nếu lão muốn ném ta ra xa mươi trượng hay làm cho ta lộn nhào bảy tám vòng thì ta cũng không chống cự được chút nào. Lão tủm tỉm cười hỏi: “Đại sư ca của ngươi nhập môn trước ngươi mấy năm? Ngươi có tài nghệ rồi mới đầu sư phái Hoa Sơn phải không?” Ta bị lão nhấc lên không thở nổi, một hồi lâu mới trả lời: “Dạ, đệ tử có tài nghệ rồi mới bái sư, lúc đệ tử bái tổ thì đại sư ca đã là môn hạ phái Hoa Sơn mười hai năm rồi”. Dư quán chủ vừa cười vừa nói: “Hơn mười hai năm, hừ, hơn mười hai năm”.

Thiếu nữ hỏi:

– Lão nói “hơn mười hai năm” là có ý gì?

Lao Đức Nặc đáp:

– Lúc đó thần sắc của lão rất kỳ quặc. Theo ta đoán, lão nghĩ võ công của ta bình thường, đại sư ca tập luyện hơn ta mười hai năm, võ công cũng chưa chắc đã giỏi hơn bao nhiêu.

Lao Đức Nặc kể tiếp:

– Ta về đến núi, trình sư phụ bức thư của Dư quán chủ. Bức thư đó viết với lời lẽ rất nhã nhặn chu đáo, lại vô cùng khiêm nhường. Xem thư xong, sư phụ rất vui mừng, hỏi ta tình hình trong Tùng Phong quán. Ta liền đem chuyện bọn đệ tử phái Thanh Thành ngày đêm luyện kiếm, sư phụ bảo ta diễn lại. Ta chỉ nhớ được bảy, tám chiêu liền lập tức diễn lại. Sư phụ xem xong nói: “Đây là Tịch tà kiếm pháp của nhà họ Lâm ở Phước Oai tiêu cục!”

Lâm Bình Chi nghe đến đây không kìm nén được nữa, run lên bần bật.

Comments

comments


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.