Tuyết Sơn Phi Hồ

Hồi 01

trước
tiếp

“Vút” một tiếng, mũi tên gắn lông chim bắn lên từ phía sau hẻm núi phía đông, xé gió vạch một đường ngang bầu trời, xuyên vào cổ con nhan đang bay. Nhạn bị trúng tên lộn mấy vòng trên không rồi rơi xuống mặt đất đầy tuyết phủ.

Cách mấy chục trường về phía tây, bốn tay kỵ mã giẫm trên tuyết trắng đang phi nhanh tới. Vừa nghe tiếng tên bắn, họ không hẹn nhau liền dừng ngựa. Bốn con ngựa đều là loại thần câu vạm vỡ, vừa ghìm cương là lập tức dừng vó. Người cưỡi giỏi, ngựa lại đều đã được huấn luyện lâu ngày, nên vừa ghìm cương là họ từ trên yên nhảy xuống ngay, rất nhịp nhàng. Bốn người thấy con nhạn bị trúng tên rơi xuống, bụng đã khen thầm, đang muốn xem người bắn mũi tên đó là ai.

Chờ một lúc, vẫn không thấy ai từ hẻm núi đi ra, chỉ nghe thấy tiếng vó ngựa. Người bắn mũi tên đó đã bỏ đi rồi. Trong số bốn người cưỡi ngựa, có một lão nhân cao gầy, thần sắc lanh lẹ, lão hơi nhíu đôi là mày, rồi nhảy lên mình ngựa phi nhanh vào hẻm núi. Ba người kia cũng phóng theo. Rẽ qua rìa núi, chỉ thấy phía trước mặt khoảng một dặm có năm tay kỵ mã đang phi nhanh, vó ngựa làm tuyết bắn tung tóe, bờm ánh màu bạc tung theo gió, thấy khó mà truy đuổi cho kịp. Lão hán kia phất tay, nói:

– Ân sư huynh, bọn này dường như là tà môn!

Người được gọi là “Ân sư huynh” cũng là một lão hán, người hơi mập, để ria mép, mình khoác chiếc áo da báo, bộ dạng trông giống phú thương, nghe lão già gầy kia nói thế liền gật gật đầu. Lão ghìm ngựa quay lại bên chỗ con nhạn, vung roi ngựa đánh bộp một tiếng, đập xuống mặt tuyết dưới đất. Khi cây roi vung lên, đầu roi đã cuốn luôn con nhạn theo. Lão dùng tay trái cầm lấy cán mũi tên đưa lên xem, rồi thất thanh la lên:

– A!

Ba người kia nghe tiếng la, đồng loạt phóng ngựa lại gần. Người được gọi là “Ân sư huynh” ném con nhạn mang mũi tên sang cho lão gầy kia, nói:

– Nguyễn sư huynh, mời xem!

Lão gầy vung tay trái ra tiếp, vừa nhìn thấy mũi tên liền nói lớn:

– Ở đây rồi, mau đuổi theo!

Rồi quay đầu ngựa, đuổi theo trước.

Dốc Tuyết sơn mịt mù một dải trắng xoá, bốn bề không một bóng người, nên rất dễ lần theo dấu vết. Hai người còn lại đều đang tuổi tráng niên, một người tướng khôi vĩ, lại ngồi trên một con ngựa to cao trông càng oai phong; còn hán tử thì dáng người tầm thước, sắc mặt trắng bệch, mũi bị lạnh đỏ ửng. Bốn người cùng huýt sáo, bốn con ngựa đang thở phì phò ra khói, chợt cất vó rầm rập đuổi theo.

Hôm đó là ngày rằm tháng ba năm Càn Long thứ bốn mươi lăm triều nhà Thanh. Ngày này ở Giang Nam thì đèn hoa đã sớm tấp nập lắm rồi. Nhưng ở vùng đất lạnh lẽo dưới chân núi Trường Bạch nơi quan ngoại thì tuyết mới bắt đầu tan, chưa thấy không khí xuân đâu. Mặt trời ở phía đông nhô lên sau núi, ánh mặt trời vàng nhạt chiếu xuống người chẳng thấy ấm áp gì.

Trong núi tuy lạnh, nhưng bốn người kia phóng ngựa phi nhanh, nên chẳng bao lâu đã toát mồ hôi trán.

Hán tử to cao cởi áo khoác ngoài đặt trên yên ngựa. Mình gã mặc một cái áo dài bằng lụa xanh lót da, lưng đeo trường kiếm, lông mày nhíu lại, mặt đầy vẻ tức giận, mắt như muốn tóe lửa, không ngừng giục ngựa phóng như điên.

Hán tử này tên là Tào Vân Kỳ, hiệu là Đằng Long Kiếm, tân chưởng môn chi phái Bắc tông của Thiên Long môn ở Liêu Đông. Thiên Long môn nổi tiếng cả chưởng lẫn kiếm, công phu của hán tử này đều đã tới mức thành tựu. Hán tử mặt trắng là Chu Vân Dương, hiệu là Hồi Long Kiếm, là sự đệ của hán tử to cao. Lão hán cao gầy là Nguyễn Sĩ Trung, hiệu là Thất Tinh Thủ, sư thúc của bọn họ, có thể coi là đệ nhất cao thủ của Bắc tông Thiên Long môn. Còn lão hán có bộ dạng như phú thương là Ân Cát, hiệu là Uy Chấn Thiên Nam, chưởng môn chi phái Nam tông của Thiên Long môn. Việc lần này có quan hệ rất trọng đại với cả hai tông Nam Bắc của Thiên Long môn, nên lão mới lặn lội đường xa nghìn dặm đến tận vùng quan ngoại này.

Ngựa bốn người cưỡi đều là loại ngựa tốt ở vùng quan ngoại, cước lực cực nhanh. Sau khi chúng phóng một mạch bảy, tám dặm thì năm người cưỡi ngựa phía trước đã cách họ không còn xa.

Tào Vân Kỳ cao giọng kêu:

– Này, chư huynh đệ xin dừng bước!

Năm người kia cứ phớt lờ, còn thúc ngựa phóng nhanh hơn. Tào Vân Kỳ nghiệm giong quát:

– Nếu không dừng bước, chớ trách bọn ta vô lễ!

Chỉ nghe người chạy phía trước tặc lưỡi một cái, ghìm ngựa quay mình lại, còn bốn người kia vẫn tiếp tục phóng ngựa đi. Tào Vân Kỳ một mình phóng ngựa lên phía trước, thấy người kia giương cung bắn, mũi tên nhằm vào ngực mình. Tào Vân Kỳ võ nghệ cao cường lại gan dạ, chẳng thèm để ý gì mũi tên đó, vẫn vùng roi hô lớn:

– Này, có phải Đào thế huynh đó không?

Người nọ trông rất khôi ngô tuấn tú, lông mày xếch ngược, khoảng hai ba, hai bốn tuổi, trang phục gọn gàng. Nghe tiếng Tào Vân Kỳ gọi thì cười lớn, nói:

– Xem mũi tên này!

Vút, vút, vút, ba mũi tên chia thành ba ngả trên, giữa, dưới liên tiếp bắn ra.

Tào Vân Kỳ không ngờ ba mũi tên của hắn lại bắn nhanh ra như vậy, trong lòng hơi kinh ngạc, vội vung roi ra đánh rớt hai mũi tên bắn theo hướng trên và dưới, tiếp liền đó giật cương cho ngựa nhảy lên, để mũi tên thứ ba bay sát qua phía dưới, chỉ cách bụng ngựa có mấy phân.

Gã thanh niên kia cười ha hả, quay đầu ngựa, chạy tiếp về phía trước.

Tào Vân Kỳ đanh mặt lại, định phóng ngựa đuổi theo. Nguyễn Sĩ Trung nói:

– Vân Kỳ, bình tĩnh lại, gã không bay lên trời được đâu!

Nói rồi nhảy xuống ngựa, nhặt ba mũi tên rơi trên tuyết, quả nhiên hoàn toàn giống mũi tên vừa bắn trúng con nhạn.

Ân Cát hầm hầm nét mặt, hừ một tiếng rồi nói:

– Quả nhiên là tên tiểu tử đó!

Tào Vân Kỳ nói:

– Đợi sư muội một lát, xem nàng còn gì để nói nữa không?

Bốn người đợi chừng khoảng ăn xong bữa cơm, thì nghe thấy tiếng vó ngựa trên đường. Tào Vân Kỳ sốt ruột, nói:

– Để điệt nhi đi xem sao!

Rồi y vỗ ngựa cho quay đầu lại.

Nguyễn Sĩ Trung nhìn theo, thở dài một tiếng, nói:

– Cũng khó mà trách nó.

Ân Cát nói:

– Nguyễn sư huynh, huynh nói gì vậy?

Nguyễn Sĩ Trung lắc đầu, không đáp.

Tào Vân Kỳ phóng ngựa được vài dặm thì thấy một con ngựa xám không người cưỡi đang đứng trên tuyết.

Một nữ lang áo trắng quỳ một chân trên tuyết, tựa như đang tìm vật gì. Tào Vân Kỳ gọi:

– Sư muội, có chuyện gì vậy?

Nữ lang nọ không trả lời, đột nhiên đứng thẳng dậy, trong tay cầm một vật màu vàng óng, lấp lánh dưới ánh mặt trời.

Tào Vân Kỳ cưỡi ngựa lại gần, đưa tay nhận lấy, thấy là một cây bút nhỏ cán bằng vàng, dài chừng ba phân, đầu bút nhọn bén, được chế tạo rất tinh xảo, trên cán bút có khắc một chữ “An” bé xíu. Cây bút bằng vàng này bề ngoài giống như đồ chơi, nhưng cũng có thể dùng làm ám khí. Tào Vân Kỳ bất giác hơi cau mày, hỏi:

– Ở đâu ra vậy?

Nữ lang nọ đáp:

– Sau khi mọi người đi rồi, muội liền theo ngay, chạy đến đây, bỗng có một kẻ phi ngựa đuổi theo sau. Con ngựa đó chạy rất nhanh, chỉ chốc lát đã lướt qua người muội. Người phi ngựa vung tay một cái, ném cây bút này về phía… về phía muội…

Nói đến đây khuôn mặt của nữ lang bỗng nhiên ửng đỏ, ấp úng không nói tiếp được.

Tào Vân Kỳ chăm chú nhìn nàng, thấy trên làn da trắng mỡn của nàng thấp thoáng có màu phấn hồng, đôi mắt hơi nhìn xuống như thiếu nữ đang thẹn thùng, thật là diễm kiều khôn xiết. Tào Vân Kỳ bất giác giật thót người, sinh nghi hỏi:

– Muội có biết người chúng ta đuổi theo là ai không?

Nữ lang nọ nói:

– Ai vậy?

Tào Vân Kỳ lạnh lùng xẵng giọng:

– Hừ, muội không biết thật à?

Nữ lang ngẩng đầu lên đáp:

– Muội sao biết được?

Tào Vân Kỳ nói:

– Là người trong lòng muội đó!

Nữ lang buột miệng nói:

– Đào Tử An?

Nữ lang đáp:

– Ai bảo là y cho muội? Muội có gặp y đâu?

Tào Vân Kỳ nói:

– Hừ, một vật đáng giá như vậy mà có người làm ám khí à? Trên cán bút rõ ràng là khắc y, nếu không phải y thì ai cho muội?

Nữ lang hờn dỗi nói:

– Sự ca đã thích đoán mò thì đừng nói chuyện với muội nữa.

Nói xong, nàng tung người đến bên con ngựa xám, nhảy phắt lên yên rồi giật dây cương, con ngựa xám cất vó phóng đi ngay.

Tào Vân Kỳ vội vàng lên ngựa đuổi theo, thúc mạnh giày vào bụng ngựa, chẳng mấy chốc thì đuổi kịp. Hắn nhoài người ra dùng tay phải tóm lấy dây cương con ngựa xám, nói:

– Sư muội, hãy nghe huynh nói đã.

Nữ lang vung roi ngựa, quất vào tay Tào Vân Kỳ, quát:

– Buông ra! Để người khác trông thấy thì còn ra thể thống gì nữa?

Tào Vân Kỳ không chịu buông tay, “đét” một tiếng, trên mu bàn tay của hán tử hằn một vệt máu.

Nữ lang cảm thấy bất nhẫn, nói:

– Sao sư ca cứ chọc muội mãi thế? Việc gì phải khổ như vậy!

Tào Vân Kỳ đáp:

– Lỗi tại huynh, muội cứ đánh nữa đi!

Nữ lang cười thật yêu kiều, nói:

– Muội mỏi tay rồi, không đánh nổi đâu.

Tào Vân Kỳ cười, nói:

– Để huynh xoa bóp cho.

Rồi giơ tay nắm lấy cánh tay nàng. Nữ lang quật một roi vào đầu, Tào Vân Kỳ nghiêng đầu tránh, cười nói:

– Sao tay muội hết mỏi rồi à?

Nữ lang nghiêm mặt, nói:

– Đã bảo sự ca đừng động vào muội nữa mà!

Tào Vân Kỳ cười, nói:

– Được, vậy muội nói đi, cây bút vàng đó ở đâu ra vậy?

Nữ lang cười nói:

– Là người trong lòng muội cho đấy. Không phải huynh ấy thì còn ai nữa? Chẳng lẽ lại là của sư ca cho à?

Tào Vân Kỳ chợt thấy nhói trong lòng, máu nóng bốc lên, lại muốn nổi cáu, nhưng thấy nữ lang cười tươi như hoa, đôi môi hồng hơi hé mở, để lộ hàm răng trắng như ngọc, thì cơn giận dữ vụt tan biến ngay.

Nữ lang trừng mắt nhìn hán tử một cái, rồi khẽ thở dài, dịu giọng nói:

– Sư ca, từ nhỏ muội đã được sư ca hết lòng chăm sóc, sư ca đối với muội còn tốt hơn cả thân huynh. Muội đâu phải là người vô tâm vô tình, sao lại không nghĩ đến chuyện báo đáp chứ? Huống hồ chúng ta… Nhưng quả thực là muội rất khó xử. Sư ca luôn quan tâm, bảo vệ muội, bây giờ tiên phụ không may bị chết thảm, Thiên Long môn chúng ta đang phải đối mặt với sự thành bại, hưng vong. Sao sư ca lại không chịu thông cảm cho muội chứ?

Tào Vân Kỳ ngẩn người ra một lúc, chẳng nói năng được gì, rồi phất tay trái một cái, nói:

– Lúc nào mà muội chẳng đúng, tóm lại chỉ có huynh là sai! Đi thôi!

Nữ lang nhoẻn miệng cười thật xinh, nói:

– Khoan đã!

Rồi lấy ra chiếc khăn tay lau mồ hôi trán cho Tào Vân Kỳ, nói:

– Tuyết lớn thế này, ra mồ hôi mà không lau ngay sẽ bị cảm lạnh đấy.

Một cảm giác ngọt ngào trào dâng trong lòng, Tào Vân Kỳ nói không nên lời, mọi nỗi bực dọc phút chốc đều tan biến. Hắn giơ roi quất nhẹ vào mông con ngựa xám của nữ lang, hai người sánh vai nhau phóng ngựa đi.

Nữ lang tên là Điền Thanh Văn, tuổi tuy còn trẻ, nhưng đã rất nổi tiếng trong giới võ lâm ở quan ngoại. Vì có dung mạo xinh đẹp, lại thông minh lanh lợi, nên mọi người trong giới võ lâm ở Liêu Đông tặng cho nàng ngoại hiệu “Cẩm Mao Điêu”. Loại điêu thử này chạy trên mặt tuyết như bay, lại rất thông minh lanh lẹ, hai chữ “Cẩm Điêu” đương nhiên là để hình dung vẻ đẹp của nàng. Phụ thân của nàng là Điền Quy Nông, mới qua đời không lâu, cho nên nàng đang mặc trang phục đại tang. .

Hai người phóng nhanh một hồi mới đuổi kịp bọn Ân Cát, Nguyễn Sĩ Trung, Chu Vân Dương. Nguyễn Sĩ Trung nhướng mắt nhìn Tào Vân Kỳ, hỏi:

– Sư điệt đi lâu vậy, có thấy gì không?

Tào Vân Kỳ mặt đỏ bừng, đáp:

– Dạ không thấy gì.

Nói đoạn kẹp hai đùi vào mình ngựa, phóng thẳng.

Đi thêm vài dặm nữa, thế núi dốc dần, tuyết phủ khá dầy, ngựa dễ bị trượt chân, bốn người không dám thúc giục, cứ thả lỏng cương cho ngựa đi từ từ. Vòng qua hai hẻm núi, sơn đạo càng hiểm trở hơn. Bỗng nghe mé bên trái có tiếng ngựa hí, Tào Vân Kỳ chân phải nhấn vào bàn đạp, nghiêng người bay ra, nhảy xuống phía sau một gốc tùng lớn; giấu mình xong, hắn mới đưa mắt nhìn ra phía trước. Thấy mấy gốc cây bên dốc núi có buộc năm con ngựa, trên tuyết có một hàng dấu chân đi thẳng lên núi, Tào Vân Kỳ kêu lên:

– Hai vị sư thúc, tiểu tặc đã lên núi rồi. Chúng ta mau đuổi theo.

Ân Cát xưa nay là người cẩn thận, nói:

– Nếu đối phương cố ý dụ chúng ta đến đây chắc là trong núi có mai phục.

Tào Vân Kỳ nói:

– Dù là long đàm hổ huyệt, hôm nay cũng phải xông vào.

Ân Cát thấy hắn nói lỗ mãng, có phần không bằng lòng, quay sang nói với Nguyễn Sĩ Trung:

– Nguyễn sư huynh, huynh thấy thế nào?

Nguyễn Sĩ Trung chưa kịp đáp thì Điền Thanh Văn đã cướp lời nói:

– Đã có Uy Chấn Thiên Nam Ân sư thúc ở đây, dù chúng có mai phục lợi hại đến đâu cũng chẳng sợ.

Ân Cát mỉm cười nói:

– Nhìn điệu bộ của chúng, chắc là đi rất vội vàng, lại có vẻ như không có mai phục. Thế này vậy!

Nói rồi chỉ tay sang phải, lão nói tiếp:

– Chúng ta hãy theo lối này vòng lên núi, rồi bất ngờ quay sang tấn công bọn chúng.

Tào Vân Kỳ reo lên:

– Hay, kế này hay lắm!

Bọn Ân Cát xuống ngựa, dắt ngựa buộc vào gốc cây tùng lớn, vén vạt áo dài quấn vào lưng, rồi triển khai thuật “Đề Túng Khinh Công”, theo sườn núi bên phải đi lên. Chỗ đó cây cối rậm rạp, đá lởm chởm, rất khó đi, nhưng nhờ vậy mà địch nhân khó phát hiện được. Lúc đầu năm người đi theo hàng dọc, người nọ tiếp nối người kia, nhưng một lúc sau, dần dần đã phân định công phu ai cao ai thấp.

Ân Cát và Nguyễn Sĩ Trung sánh vai đi trước. Tào Vân Kỳ tụt phía sau chừng hơn một trượng, còn Điền Thanh Văn và Chu Vân Dương thì lại tụt phía sau vài trượng. Tào Vân Kỳ nghĩ thầm: “Ân sư thúc là chưởng môn Nam tông, hiệu xưng là Uy Chấn Thiên Nam, không biết là công phu cánh Nam tông của sư thúc so với cánh Bắc tông của mình ai cao ai thấp? Hôm nay phải lĩnh giáo thử xem sao”. Nghĩ đoạn, hắn bèn đề khí, tăng kính lực vào đôi chân, chạy vượt lên trước hai người.

Bỗng nghe tiếng Ân Cát cất tiếng khen :

– Tào thế huynh thân thủ khá lắm, đúng là anh hùng xuất thiếu niên.

Tào Vân Kỳ sợ y đuổi kịp, không dám quay đầu lại, chỉ nói:

– Xin Ân sư thúc chỉ bảo nhiều thêm!

Miệng tuy nói thế, nhưng hắn vẫn không hề dừng chân, chạy một hồi thì dường như nghe thấy tiếng chân, mới quay đầu nhìn, bất giác giật mình. Thì ra Ân Cát và Nguyễn Sĩ Trung đã ở phía sau cách không xa, hắn vội tăng tốc chạy nhanh hơn thêm vài trượng nữa.

Ân Cát hơi mỉm cười, ung dung bám theo sau. Trên Tuyết sơn, tuyết phủ càng dày hơn, đường núi hiểm trở nên đương nhiên chạy rất mất sức. Chỉ sau khoảng thời gian thắp chừng nửa nén nhang, Tào Vân Kỳ đã dần dần chạy chậm lại, chợt cảm thấy có hơi ấm phía sau gáy, tựa hồ như hơi thở của người khác. Đang định quay đầu lại thì có người vỗ nhẹ vào vai phải và nghe tiếng Ân Cát cười nói:

– Tiểu huynh đệ, cố lên!

Tào Vân Kỳ giật mình, đề khí vọt mạnh lên phía trước. Lần vọt này tuy đã bỏ xa hai người họ Ân và họ Nguyễn được hơn mười trượng, nhưng đã thấy tim đập mạnh, hơi thở hổn hển, đầu toát mồ hôi. Hắn đưa tay áo lau mồ hôi trán, nhớ lại tình cảnh Điền Thanh Văn lau mồ hôi cho mình vừa rồi, bất giác mỉm cười. Lại nghe tiếng chân đạp tuyết ở phía sau, thì ra hai người họ Ân và họ Nguyễn đã đuổi tới nơi rồi.

Ân Cát thấy Tào Vân Kỳ vọt đi lúc nhanh lúc chậm, biết ngay khinh công của hắn còn lâu lắm mới là đối thủ của mình. Còn Thất Tinh Thủ Nguyễn Sĩ Trung thì chẳng nói chẳng rằng, lặng lẽ theo sát bên mình lão, khi lão chạy nhanh, thì gã cũng chạy nhanh, khi lão chạy chậm thì gã cũng chạy chậm, xem ra sức lực còn dư, chưa dùng hết. Ân Cát thầm nghĩ: “Hôm nay hai sư thúc điệt họ thử sức lão già này đây”. Nghĩ đoạn, lão hít mạnh một hơi, rồi thi triển khinh công đã khổ luyện mấy chục năm trời, chân hầu như không chạm đất, lướt nhanh trên sườn núi đầy tuyết trắng.

Thiên Long môn được sáng lập từ đầu đời Thanh, vốn chỉ có một chi. Đến những năm Khang Hy, hai đại đệ tử của chưởng môn bất hòa, nên khi chương môn chết mới chia thành hai chi Nam tông, Bắc tông.

Võ công của Nam tông chú trọng linh hoạt lanh le, còn Bắc tông thì lại chú trọng trầm ổn hiếm hóc. Võ công của hai tông vốn hoàn toàn giống nhau, nhưng khi sử dụng lại có nhiều chỗ khác nhau. Môn khinh công leo núi vốn là sở trường của Nam tông. Ân Cát tuy béo, nhưng một khi thi triển tâm pháp bản môn thì lanh lẹ hơn cả loài khỉ vượn. Trong khoảnh khắc lão đã vượt xa Tào Vân Kỳ hơn một dặm. Nguyễn Sĩ Trung thì vẫn tiếp tục sánh vai kề bên. Đã mấy lần Ân Cát gia tăng cước lực muốn bỏ Nguyễn Sĩ Trung rớt lại phía sau, nhưng lần nào cũng vậy, mới chỉ vượt qua được vài trượng thì Nguyễn Sĩ Trung lại đuổi kịp một cách dễ dàng.

Chỉ còn cách đỉnh núi vài ba dặm, Ân Cát cười, nói:

– Nguyễn sư huynh! Hai ta thử so cước lực xem ai lên tới đỉnh núi trước?

Nguyễn Sĩ Trung nói:

– Đệ theo Ân sư huynh sao nỗi!

Ân Cát nói:

– Đừng có khách sáo làm chi?

Vừa dứt lời, lão bèn lao người đi nhanh như mũi tên bật khỏi dây cung, chớp mắt, đã chỉ cách đỉnh núi có vài trường. Ngoái đầu nhìn lại thì thấy Nguyễn Sĩ Trung chỉ cách mình chừng một trượng, liền đề khí định phóng lên luôn thì Nguyễn Sĩ Trung đột nhiên lướt tới, sát bên người Ân Cát, khẽ nói:

– Bên kia có người!

Đồng thời chỉ tay về phía lùm cây bên trái đỉnh núi. Ân Cát giật thót người, thầm nghĩ: “Khinh công của y quả thực hơn hẳn ta”. Thấy Nguyễn Sĩ Trung khom người cúi đầu rón rén tiến về phía lùm cây, Ân Cát bèn đi theo.

Đến sau lùm cây, hai người nấp vào một khối đá lớn, thò đầu ra quan sát, thấy phía dưới cốc lấp loáng ánh đao kiếm, có năm người đang tụ tập tại đáy cốc. Ba người cầm binh khí chia nhau đứng gác ở ba con đường, dường như sợ có người lạ xông vào. Còn hai người kia, một người cầm cuốc, một người cầm xẻng, đang hì hục đào bới bên một gốc đại thụ.

Rõ ràng là hai người này biết có kẻ địch đang đuổi theo, cơ hội để đào bới rất ngắn ngủi, nên họ luôn tay, kẻ cuốc người xúc gấp gáp lạ thường.

Ân Cát nói nhỏ:

– Quả nhiên là cha con họ Đào ở Ẩm Mã Xuyên. Còn ba tên kia là ai thế?

Nguyễn Sĩ Trung khẽ đáp:

– Đó là ba chủ trại ở Ẩm Mã Xuyên, đều là cao thủ đấy.

Ân Cát nói:

– Thế thì vừa khéo năm người chọi năm người.

Nguyễn Sĩ Trung nói:

– Ân sư huynh! Huynh, đệ, với Vân Kỳ, ba người chúng ta đương nhiên là không lo, nhưng Vân Dương và Thanh Văn thì còn yếu. Nên bất ngờ hạ thủ trước hai tên, còn lại dễ xử lý hơn!

Ân Cát cau mày:

– Nếu trên giang hồ đồn đại Thiên Long môn chúng ta rình mò đánh trộm, há chẳng phải làm cho anh hùng thiên hạ cười nhạo chúng ta ư?

Nguyễn Sĩ Trung lạnh lùng đáp:

– Để báo thù cho Điền sư huynh, nhổ cỏ nhổ tận gốc, không chừa tên nào. Chúng ta không nói ra thì ai biết mà ngại?

Ân Cát nói:

– Liệu cha con họ Đào có thật khó đối phó không?

Nguyễn Sĩ Trung gật đầu, ngừng giây lát, nói tiếp:

– Nếu đơn đả độc đấu thì tiểu đệ không dám nắm chắc phần thắng.

Ân Cát biết từ khi chưởng môn Bắc tông Điền Quy Nông qua đời, chỉ còn có Nguyễn Sĩ Trung là đệ nhất cao thủ trong chi phái Bắc tông. Nghe nói khi Điền Quy Nông còn sống, cũng phải nể lão vài phần. Vừa nãy, khi so tài khinh công lên núi, dường như lão ta có ý nhường nhịn nên mới thành cuộc thế không thắng không bại như vậy. Nếu lão dốc toàn lực thì e rằng mình thua mất. Ân Cát nghĩ vậy, bèn gật đầu, nói:

– Tiểu đệ chỉ là khách, đương nhiên do Nguyễn sư huynh chủ trì đại cuộc.

Nguyễn Sĩ Trung nghĩ thầm: “Hừ, vậy là ngươi muốn làm anh hùng, còn để ta làm tiểu nhân đây”. Rồi yên lặng, không nói thêm lời nào. Lúc này Tào Vân Kỳ mới đến. Lát sau, Chu Vân Dương, Điền Thanh Văn cũng lần lượt tới nơi. Nguyễn Sĩ Trung khẽ nói:

– Ân sư huynh, Tào Vân Kỳ và tiểu đệ sẽ cùng phóng độc chùy hạ ba tên đứng gác trước đã, rồi hãy vây đánh cha con họ Đào. Vân Dương và Thanh Văn đợi khi chúng ta ra tay rồi thì cùng xông lên!

Bốn người nghe dặn dò xong, lập tức khom người nhẹ bước sau những tảng đá, từ từ tiền xuống cốc.

Điền Thanh Văn theo sau Nguyễn Sĩ Trung, khẽ gọi:

– Nguyễn sư thúc!

Nguyễn Sĩ Trung dừng lại, hỏi:

– Chuyện gì?

Điền Thanh Văn nói:

– Nên bắt sống cha con họ Đào.

Nguyễn Sĩ Trung trừng mắt, đôi mắt lộ đầy tròng trắng, giọng trầm hẳn xuống:

– Ngươi lại còn định bênh vực cho tên tiếu tặc Đào Tử An à?

Điền Thanh Văn nói:

– Điệt nhi vẫn có cảm giác không phải là Đào huynh.

Nguyễn Sĩ Trung đanh nét mặt, rút từ trong thắt lưng ra mũi tên buộc lông chim đưa cho Thanh Vân, nói:

– Ngươi hãy tự so xem! Đây là mũi tên mà tên tiểu tặc vừa nãy đã bắn con nhạn đấy.

Điền Thanh Văn cầm mũi tên, mới nhìn thoáng qua, bất giác hai tay run run. Tào Vân Kỳ đứng bên chỉ mải lo nhìn cô gái, không mấy để ý kẻ địch, thấy thái độ nàng như vậy bất giác vừa mừng vừa giận. Mừng là vì Đào Tử An phen này khó mà giữ được tính mạng, giận là vì thấy Điền Thanh Văn rõ ràng có tình ý sâu nặng với tên tiểu tặc ấy. Tào Vân Kỳ tính tình nóng nảy, càng nghĩ càng tức, đang định đay nghiến mấy lời thì Nguyễn Sĩ Trung đã vỗ vào vai, chỉ tay về phía lưng người đang đứng gác ở mé Đông.

Lúc này, Điền Thanh Văn và Chu Vân Dương đã rạp người xuống rồi dừng lại. Nguyễn Sĩ Trung, Ân Cát, Tào Vân Kỳ mỗi người phân công nhau nhằm vào một địch thủ, ai nấy đều cầm độc chùy, nhẹ bước tiến gần mục tiêu. Độc chùy là tuyệt kỹ của Thiên Long môn lưu truyền từ nhiều thế hệ, khi phóng đi vừa chuẩn lại vừa nhanh, hơn nữa độc tính rất mạnh, ai bị ném trúng chỉ ba canh giờ là chết, lợi hại vô cùng, nên trên giang hồ đặt tên nó là “Truy mệnh độc long chùy”.

Tào Vân Kỳ nghĩ thầm:

– Sư thúc bảo mình hạ tên đứng phía đông, nhưng mình sẽ kết liễu tên tiểu tặc Đào Tử An trước, vừa là báo thù cho sự môn, vừa là nhổ được cái gai trong mắt. Nếu để sư thúc bắt sống nó, đêm dài lắm mộng, cứ lần lữa không giết thì không biết sư muội sẽ còn gây thêm chuyện gì nữa đây?

Tính kế xong, hắn tiến lại gần, cách địch nhân chừng không tới năm chục bước chân thì nằm rạp xuống, nhìn chăm chăm theo tấm lưng đang di động lên xuống của Đào Tử An. Chỉ đợi Nguyễn Sĩ Trung vẫy tay ra hiệu là cả ba quả chùy sẽ lập tức cùng ném ra.

Bỗng nghe “choảng” một tiếng, lưỡi cuốc trong tay Đào Tử An bổ trúng một vật bằng sắt trong hố đất. Nguyễn Sĩ Trung đã giơ tay trái lên, sắp sửa phát lệnh thì bỗng nghe liên tiếp mấy tiếng “véo… véo”, từ trong đống tuyết bên cạnh đột nhiên bay ra bảy, tám mũi ám khí chia ra nhằm về phía năm người bọn Đào Tử An.

Những mũi ám khí này như đột nhiên từ lòng đất bắn ra, không hề có một dấu hiệu khả nghi gì báo trước, thật là rất lạ lùng ngoài sức tưởng tượng. Võ công cha con họ Đào quả là phi thường. Tuy ám khí được phóng ra ở khoảng cách rất gần và vô cùng bất ngờ, nhưng họ nhanh tay lẹ mắt, giơ cuốc xẻng lên gạt rơi được hết. Một trong ba người đứng canh lộn ngửa người ra lăn xuống rãnh tránh, hai mũi tụ tiễn chia ra bay sạt qua đầu và cổ, may mắn thoát chết. Còn hai người kia, một cương tiêu, một phi đao, đều trúng ngay phía sau tim, gục liền trên mặt tuyết không kịp kêu lấy một tiếng.

Sự việc diễn ra quá nhanh, cha con họ Đào tất nhiên hoàn toàn bất ngờ, mà bọn Nguyễn Sĩ Trung cũng vô cùng kinh ngạc.

Phụ thân của Đào Tử An, tức Trấn Quan Đông Đào Bách Tuế, mắng lớn:

– Lũ chuột nhắt, dám giở trò ám toán ư?

Giọng lão vang rền như sấm, uy mãnh vô cùng. Từ trong đám tuyết bên cạnh có bốn người nhảy ra, đao kiếm lấp loáng.

Thì ra bốn người này vốn sớm biết cha con họ Đào thế nào cũng đến đây, nên đã đào hố để nấp và chờ đợi mấy ngày nay rồi. Bốn người ngồi rình trong hố, trên dùng cành cây che có tuyết phủ kín, chỉ để hở vài lỗ nhỏ để thở, nên ai mà biết được?

Cha con họ Đào buông ngay cuốc xẻng xuống, vội lấy binh khí giắt bên mình ra. Đào Bách Tuế sử dụng cây roi sắt nặng mười sáu cân, Đào Tử An thì dùng đơn đao. Còn người lăn xuống khe núi là Mã trại chủ. Y vì sợ địch đuổi theo tập kích nên tiếp tục lăn thêm mấy vòng nữa mới nhổm dậy, tay cầm một đôi liên tử chùy.

Mã trại chủ nhìn phía địch nhân, thấy người người nhảy ra trước thân hình gầy gò đen thui. Đó là Hùng Nguyên Hiến, tổng tiêu đầu của tiêu cục Bình Thông ở Bắc Kinh, người này tinh thông môn Địa Đường đao. Sơn trại Ẩm Mã Xuyên đã từng cướp mất của y một chuyến hàng lớn. Hùng Nguyên Hiến đã dùng hết cách mà vẫn không sao đòi lại được, vì vậy hai bên kết thành thù oán.

Người tiếp theo là một nữ nhân chừng ba mươi hai, ba mươi ba tuổi. Mã trại chủ nhận ra đó là Song Đao Trịnh Tam Nương. Chồng bà ta vốn là một tiêu đầu của tiêu cục Bình Thông, đã bỏ mạng vì trúng đao khi bị trại chủ Ấm Mã Xuyên cướp hàng thuở trước.

Người thứ ba là một hòa thượng to béo, tay cầm giới đao. Một người nữa sắc mặt đỏ tía sử dụng đôi thiết quái (nạng sắt), không rõ hai người này ai. Có lẽ họ đều là các cao thủ mà tiêu cục Bình Thông mời đến mai phục ở đây để báo thù xưa.

Đào Bách Tuế quát lớn:

– Tưởng là ai, té ra là bại tướng dưới tay lão phu! Ngoài lũ chuột nhắt họ Hùng, có ai trong giới võ lâm lại giở trò bẩn thỉu này chứ?

Tuy đây chỉ là lời mắng Hùng Nguyên Hiến nhưng Ân Cát nghe xong bất giác cũng đỏ mặt liếc nhìn Nguyễn Sĩ Trung, thấy lão đang chăm chú quan sát cả hai bên đối địch, dường như không nghe thấy mấy câu này.

Hùng Nguyên Hiến nói giọng nhỏ nhẹ:

– Đào trại chủ! Tại hạ xin giới thiệu vị này là Tịnh Trí đại sư ở chùa Bách Hội, tỉnh Sơn Đông. Còn vị này là Lưu Nguyên Hạc đại nhân, là thị vệ nhất đẳng trong kinh, sư huynh đồng môn với tại ha. Mong hai bên sẽ làm quen với nhau.

Đào Bách Tuế thân hình cao lớn, giọng nói như sấm rền, còn Hùng Nguyên Hiến thì ngược lại, một người thì dương cương, một người thì âm nhu, cứ như là trời sinh ra để đối đầu nhau.

Đào Bách Tuế mắng luôn:

– Được lắm, tiểu tử! Lên một lượt đi! Chúng ta sẽ làm quen bằng binh khí!

Thế là lão vung roi sắt quật dứ vào khoảng không, tiếng gió rít vù vù, đủ thấy thần lực kinh người. Hùng Nguyên Hiến vẫn thản nhiên nói nhỏ nhẹ:

– Tại hạ là bại tướng dưới tay của Đào Trại Chủ, đâu dám đọ sức. Chỉ thỉnh cầu ban cho một thứ thôi!

Đào Bách Tuế gằn giọng, nói:

– Thứ gì?

Hùng Nguyên Hiến chỉ vào cái hố đang đào, nói:

– Chính là cái thứ ở trong đấy!

Đào Bách Tuế đưa tay vuốt chòm râu rậm màu xám bạc, không nói không rằng, vụt thẳng một roi. Hùng Nguyên Hiến né người tránh được, kêu lên:

– Xin hãy khoan động thủ!

Đào Bách Tuế quát:

– Ngươi còn định nói gì nữa?

Hùng Nguyên Hiến trả lời:

– Tại hạ đã đợi ở đây ba ngày ba đêm, để chờ Đào trại chủ đến. Nếu không nể mặt Đào trại chủ và công tử, thì tại hạ đã sớm lấy nó đi rồi. Những đồ vật ở đây vốn không phải là của Âm Mã Xuyên, mà xưa nay vẫn do Thiên Long môn cai quản. Nay dẫu có đổi chủ cũng chẳng có chi là không ổn.

Đào Tử An nói:

– Hùng tiêu đầu nói năng hay lắm. Mênh mông ngàn dặm băng tuyết ở vùng núi này, nếu các ngươi đã biết chỗ chôn giấu, sao không lấy trước đi?

Trịnh Tam Nương nóng lòng báo thù cho chồng, la lên:

– Dài dòng làm gì? Động thủ đi!

Chưa dứt lời, ba mũi phi đao liên tiếp nhắm vào Mã trại chủ bắn tới. Mã trại chủ liền vung đôi chùy xích lên gạt rơi được hai mũi. Y nhìn thấy mũi thứ ba bay tới cực kỳ mau lẹ, sắp cắm vào ngực, vội gằn hai tay làm sợi xích nối đôi chùy chắn ngang trước ngực, vừa khéo cản rơi phi đao, rồi thu chùy trái lại, chùy phải đã vung ra. Trịnh Tam nương nhanh nhẹn hạ thấp người cúi đầu né tránh, song đao múa tít xuất chiêu “Toàn phong thế”, đâm thẳng vào bụng họ Mã. Mã trại chủ vung chùy trải ra phá chiêu đao đó.

Thấy hai người động thủ, Tịnh Trí hòa thượng liền vung giới đao bổ thẳng tới Đào Bách Tuế. Trấn Quan Đông không hế né tránh mà vung ngang roi đánh luôn; roi sắt chạm vào giới đao tóe lửa. Hòa thượng cảm thấy cánh tay tê dại, lưỡi đao bị đánh mẻ mất một miếng. Đào Tử An múa đao xông vào Hùng Nguyên Hiến, thế là sáu người chia thành ba đôi quyết lấy mạng nhau trên vùng đất đầy tuyết phủ.

Lưu Nguyên Hạc cầm đôi thiết quải, đứng ngoài quan sát thấy hòa thượng không phải là đối thủ của Đào Bách Tuế, bèn gọi to:

– Đại sư hãy lui ra, nhường cho tại hạ tiếp Trấn Quan Đông!

Hòa thượng nọ vẫn còn ham đánh, Lưu Nguyên Hạc bèn bước vội lên bên phải, vỗ mạnh vào vai hòa thượng khiến lão loạng choạng ngã nhoài ra khoảng ba bước chân. Chợt hòa thượng nghe tiếng gió rít của lưỡi đao chém xuống phía sau đầu, vội rụt đầu tránh. Thì ra Đào Tử An thấy hòa thượng ngã ra liền tiện tay chém ngay một nhát. Tịnh Trí hòa thượng một phen hú vía, toàn thân toát mồ hôi lạnh, hầm hầm nổi giận vác giới đao trợ chiến cho Hùng Nguyên Hiến đánh Đào Tử An.

Lưu Nguyên Hạc võ công hơn hẳn sư đệ, roi sắt của Đào Bách Tuế quét ngang đánh tới, hắn vận kình lực tiếp chiêu, một thiết quái dựng thẳng đứng, roi sắt đánh vào vang lên một tiếng “choang” thật lớn. Nguyên Hạc điềm nhiên hạ thấp cây thiết quải bên phải, đầu thiết quải đè roi sắt xuống, rồi vung thiết quải trái quật vào đầu địch nhân. Đào Bách Tuế mới độ có vài chiêu với Lưu Nguyên Hạc đã biết hôm nay mình gặp phải kình địch, bèn dốc hết tinh thần, giở tuyệt kỹ Lục Hợp Tiên pháp, đơn tiên đấu song quái cực kỳ hung hãn.

Sau một hồi nữa, Lưu Nguyên Hạc dần dần chiếm thượng phong, Đào Bách Tuế chỉ còn nặng về chống đỡ, rất ít khi đánh trả được. Riêng Đào Tử An phải một mình đối địch hai người nên bị dồn vào thế yếu, trước mắt chỉ trông chờ vào một điều là Mã trại chủ mau hạ được Trịnh Tam Nương để sang đánh Hùng Nguyên Hiến thì bản thân mới có cơ hạ được hòa thượng.

Nhưng Trịnh Tam Nương cũng đã nhận rõ tình thế cuộc chiến, thấy rằng chỉ cần mình gắng sức chống đỡ thì chắc chắn cha con họ Đào sẽ lần lượt bỏ mạng phen này. Thế là mụ chỉ thủ chứ không công, song đao phòng thủ nghiêm mật dị thường, Mã trại chủ tuy sử dụng đôi chùy như bão táp mưa sa liên hoàn tấn công, nhưng trước sau vẫn không đả thương được Trịnh Tam Nương. Đánh tiếp được vài chục chiêu nữa, dẫu sao Trịnh Tam Nương vẫn chỉ là phái nữ, sức đuối dần, nên cứ vừa lùi vừa tránh đòn. Mã trại chủ dấn bước lên truy kích, bỗng thấy tay trái của Trịnh Tam Nương huơ đao để lộ một khoảng trống, không kềm được cả mừng, dấn thêm một bước dài rồi vung chùy đánh xuống. Nhưng chân phải của Mỹ trại chủ bỗng bị hẫng, đạp trúng vào cái hố mà bọn Hùng Nguyên Hiến đã đào để nấp khi nãy. Quá nửa bề mặt của hố vẫn còn bị tuyết phủ, trong lúc mải mê đánh y không để ý. Thì ra Trịnh Tam Nương cố ý dụ đối phương đến chỗ đó. Mã trại chủ chân bước hẫng, người ngã tới trước, thầm la: “Không xong rồi!”. Đang lúc muốn nhảy lên thì Trịnh Tam Nương chém nhanh một đao, xả đứt vai trái của họ Mã.

Mã trại chủ rú lên một tiếng thảm thiết rồi bất tỉnh. Trịnh Tam Nương tay phải bồi thêm một đao, chém chết Mã trại chủ ngay trong hố. Đào Tử An nghe tiếng thét của họ Mã, biết là nguy rồi, nhưng vì bị Hùng Nguyên Hiến và Tịnh Trí hòa thượng vây chặt, chống đỡ đã khó còn nói gì đến chuyện cứu người?

Trịnh Tam Nương thở phào, sửa lại mái tóc, lấy ra một mảnh khăn tang trắng buộc lên đầu, rồi múa song đao xông tới hỗ trợ Lưu Nguyên Hạc đánh Đào Bách Tuế. Nếu Đào Bách Tuế trẻ lại hai mươi tuổi, thì hẳn Lưu Nguyên Hạc không xứng là địch thủ. Xưa nay lão thường ỷ vào sức mạnh mà xuất chiêu dũng mãnh, nhưng nay tuổi đã cao, tinh lực đã suy thoái, đấu với một mình Lưu Nguyên Hạc đã thấy đuối sức, giờ lại thêm Trịnh Tam Nương đứng một bên lén tập kích thì lại càng nguy hơn.

Đánh đến lúc hăng nhất, Lưu Nguyên Hạc bỗng hô lên một tiếng:

– Trúng!

Lão xuất chiêu “Long tường phượng vũ”, hai cây thiết quái cùng vung ra. Đào Bách Tuế huơ roi chặn lại, thì thấy song đao của Trịnh Tam Nương cuộn tới tấn công. Đào Bách Tuế một roi không thể cùng lúc chống đỡ bốn binh khí, bèn thét lớn một tiếng, phóng cước trái đá Trịnh Tam Nương một cái thật mạnh, nhưng rốt cuộc sườn trái của lão cũng bị bà ta đâm một đao. Vết thương khá lớn, máu lập tức tuôn xối xả, nhuộm đỏ cả một khoảnh tuyết trắng. Nhưng lão vẫn dũng mãnh lạ thường, tiếp tục vung roi đánh rất hăng, không chút sợ hãi.

Đào Tử An thấy tình thế nguy ngập, biết hôm nay đã cầm chắc thất bại, nên chém vội ba đao, nhân lúc Tinh Trí lùi lại hai bước, bèn nhảy về phía sau, hô lên:

– Thôi được! Cha con ta chịu thua vậy. Các ngươi cần bảo vật hay muốn lấy mạng cha con ta?

Trịnh Tam Nương huơ vung đao tấn công Đào Bách Tuế, vừa nói:

– Bảo vật cũng cần, mà mạng các ngươi cũng muốn!

Hùng Nguyên Hiến lại có toan tính khác. Năm ngoái hắn đã mất một món hàng bảo tiêu lớn, phải bồi thường đến nỗi khuynh gia bại sản, thầm nghĩ rằng giết cha con họ Đào chi bằng bảo bọn Ẩm Mã Xuyên bỏ vàng bạc ra chuộc mạng thì có lợi hơn. Thế là hắn liền gọi to:

– Mọi người hãy dừng tay, để tại hạ nói đã.

Lưu Nguyên Hạc là người tinh tế, còn Trịnh Tam Nương xưa nay vẫn nghe lời sai khiến của tống tiêu đầu, nghe thấy thế cả hai đều nhảy sang một bên.

Riêng Tịnh Trí hòa thượng là con người thô lỗ, lại đang đánh hăng, nên dễ gì chịu thôi. Thanh giới đao vẫn múa vù vù như gió cuốn, nhằm thẳng Đào Tử An xông tới. Hùng Nguyên Hiến vội gọi:

– Tịnh Trí đại sư, Tịnh Trí đại sư!

Đại sư vẫn như không hề nghe thấy. Đào Tứ An cười nhạt một tiếng, ném thanh đao xuống đất, ưỡn ngực nói:

– Ngươi dám giết ta?

Tinh Trí đại sư vung giới đao toan chém bỗng thấy hắn làm như vậy thì sững người, tay vẫn còn giữ giới đao nhưng không chém xuống. Đào Tử An mắng:

– Tên giặc trọc đầu!

Đồng thời giáng một quyền trúng mũi hòa thượng. Bị bất ngờ, Tinh Trí lảo đảo ngã bệt xuống đất, sờ lên mũi, tay dính đầy máu. Tinh Trí không sao nén nối cơn giận, hét lên một tiếng, vùng đứng lên xông vào Đào Tử An.

Hùng Nguyên Hiến giơ tay ngắn lại, nói:

– Hãy khoan!

Bỗng thấy Đào Tử An nhảy luôn xuống hố, vơ lấy cuốc xẻng bới thêm vài nhát rồi buông cuốc xẻng ra, hai tay bưng một cái hộp sắt hình chữ nhật dài chừng hai mấy tấc nhảy lên.

Cả bọn Lưu Nguyên Hạc tỏ ra mừng rỡ, cùng bước tới gần Đào Tử An.

Nguyễn Sĩ Trung khẽ nói với Ân Cát:

– Ân sư huynh! Huynh và Vân Kỳ phóng chùy vào chúng, còn tiểu đệ sẽ xông xuống cướp lấy bảo vật.

Ân Cát khẽ hỏi:

– Giết bọn bên nào?

Nguyễn Sĩ Trung xòe bàn tay trái, cụp ba ngón giữa, giơ ngón cái và út ra, làm thành dấu hiệu “sáu”, ý nói giết cả sáu người. Ân Cát thầm nghĩ:

– Thật là ác độc!

Lão gật đầu, tay nắm chặt độc chùy, mắt liếc nhìn Tào Vân Kỳ, thấy hắn vẫn chằm chằm nhìn Đào Tử An. Xem ra, ánh mắt của Tào Vân Kỳ từ đầu đến giờ không hề rời người này một khoảnh khắc nào.

Đào Tử An bưng hộp sắt lên, dõng dạc nói:

– Hôm nay, cha con tại hạ trúng phải ngụy kế. Đây là bảo vật trong võ lâm, hừ, đành hai tay dâng các vị. Có điều tại hạ chưa rõ, dám xin các vị chỉ bảo cho!

Hùng Nguyên Hiến híp đôi mắt nhỏ, nói:

– Thiếu trại chủ có gì muốn nói?

Đào Tử An nói:

– Xin hỏi tại sao các vị biết chỗ chôn hộp này? Và tại sao lại biết bữa nay bọn tại hạ sẽ đến đào lấy?

Hùng Nguyên Hiến nói:

– Thiếu trai chủ đã muốn biết, tại hạ cũng không ngại nói cho các ha biết. Hôm Điền lão chưởng môn phái Thiên Long môn làm lễ gác kiếm, có mở tiệc đãi khách khứa bè bạn. Thiếu trại chủ là nữ tế của Điền chưởng môn chắc cũng có tới dự?

Đào Tử An gật đầu. Hùng Nguyên Hiến chỉ vào Lưu Nguyên Hạc nói tiếp:

– Hôm đó, sư huynh tại hạ cũng là khách được mời. Có điều thiếu trại chủ là trang thiếu niên anh hùng nên chẳng buồn để mắt tới y.

Đào Tử An cười nhạt, nói:

– Ha ha, hóa ra nhạc phụ mời bằng hữu đã mời phải gian tế!

Hùng Nguyên Hiến không chút tức giận, vẫn nhỏ nhẹ nói:

– Quá nặng lời rồi! Lưu sư huynh của tại hạ từ lâu vẫn ngưỡng mộ anh danh nên không tránh khỏi đã để ý nhiều đến thiếu trại chủ. Việc này chẳng qua cũng vì uy danh của Ẩm Mã Xuyên đã lan truyền xa mà thôi. Hôm đó, nhất cử nhất động của thiếu trại chủ đều được tệ sư huynh lưu ý.

Đào Tử An nói:

– Rất hay! Rất hay! Vậy cái hộp sắt này phải dâng cho Lưu đại nhân rồi!

Đào Tử An đưa hai tay ra, dâng chiếc hộp.

Lưu Nguyên Hạc thản nhiên giơ tay ra đón. Đào Tử An bất thình lình mở một hộp sắt, “véo véo” ba tiếng, ba mũi tên ngắn phóng ra từ cái hộp nhắm vào ngực Lưu Nguyên Hạc bắn tới. Khoảng cách giữa hai người quá gần, trong lúc cấp bách đó tưởng chừng Lưu Nguyên Hạc không sao tránh kịp. Nhưng Lưu Nguyên Hạc thân thủ quả thực bất phàm, trong lúc nguy cấp đã thuận tay kéo Tịnh Trí hòa thượng chắn ngay trước người. Chỉ nghe một tiếng rú thảm thiết, hai mũi tên ngắn đã cắm vào yết hầu của hòa thượng, chết ngay lập tức. Mũi tên thứ ba chếch một bên, cắm vào vai trái của Hùng Nguyên Hiến, ngập sâu đến tận chuối, bị thương cũng không phải là nhẹ.

Biến cố này còn đáng ngạc nhiên hơn việc bọn Hùng Nguyên Hiến bất ngờ tấn công cha con họ Đào lúc đầu. Điền Thanh Văn không nhịn nổi kêu “Á” lên một tiếng.

Lưu Nguyên Hạc nghe phía sau có người nên không chống trả cha con họ Đào, mà nhảy lên một tảng đá để che kín phía sau người rồi mới ngoái lại quan sát.

Nguyễn Sĩ Trung hô to:

– Động thủ!

Vừa tung người xông tới. Tào Vân Kỳ vung tay, ba quả độc chùy nhắm Đào Tử An bắn tới. Điền Thanh Văn đã sớm biết ý đồ của Vân Kỳ, nên vừa thấy hắn vung tay ném chùy liền lập tức dùng vai hích vào hắn. Tào Vân Kỳ loạng choạng, quay sang quát:

– Làm gì thế?

Cả ba quả chùy bị chệch hướng, rơi xuống mặt tuyết.

Còn Ân Cát vốn định phóng chày nhắm vào Lưu Nguyên Hạc, nhưng vì tiếng kêu “Á” của Điền Thanh Văn đánh động, người này ứng biến cực nhanh, liền tận dụng ngay được cơ hội đó để phòng thủ.

Nguyễn Sĩ Trung la lớn:

– Vật phải về với chủ!

Nói rồi, lão cong năm ngón tay trái như móc sắt bổ vào cặp mắt Đào Tử An, năm ngón tay phải chộp lấy mép hộp sắt.

Lưu Nguyên Hạc dựng đứng thiết quải đọ với thanh trường kiếm của Ân Cát. Hai người đã từng gặp nhau tại buổi tiệc của Điền Quy Nông, nên đều biết rõ đối phương là cao thủ danh gia. Mới chỉ giao đấu vài chiêu hai bên đều phải thầm khâm phục nhau.

Chu Vân Dương giờ kiếm lao vào Hùng Nguyên Hiến. Điền Thanh Văn vung đơn kiếm đọ với song đao của Trịnh Tam Nương. Tào Vân Kỳ huơ thanh trường kiếm không tấn công Đào Bách Tuế đang đứng rảnh một bên, mà dùng chiêu “Bạch hồng quán nhật” nhắm vào ngực Đào Tử An đâm tới, toàn thân cùng lao theo kiếm. Đây là lối đánh liều mạng, vô cùng hung hãn.

Đào Tử An tay không có binh khí, đành buông hộp sắt, nhảy phắt về phía sau né tránh. Hắn cúi xuống nhặt vội thanh đao, quay lại toan cướp chiếc hộp. Nguyễn Sĩ Trung tay trái ôm cái hộp sắt, nét mặt hầm hầm, mắng:

– Tiểu tử giỏi thật, dám phóng ám tiễn giết chết nhạc phụ. Thì ra ngươi đã có ý dòm ngó vật chí bảo của Thiên Long môn!

Đào Tử An la to:

– Ai nói ta hại nhạc phụ?

Rồi vung đao xông vào, nóng lòng muốn cướp lại cái hộp sắt.

Nhưng cái hộp sắt đã lọt vào tay Thất Tinh Thủ Nguyễn Sĩ Trung, chỉ hai bàn tay không của Nguyễn Sĩ Trung thôi, Đào Tử An cũng đã khó bề đoạt lại được rồi, chưa kể có thêm Tào Vân Kỳ đứng bên chống kiếm tương trợ, Đào Bách Tuế la to:

– Họ Nguyễn kia! Cái hộp sắt này do chính tay thân gia của ta giao cho con ta. Ngươi không chịu nghe là sao?

Đào Bách Tuế vừa gào to, vừa vung roi sắt giáng xuống đầu Nguyễn Sĩ Trung. Nguyễn Sĩ Trung nhảy ra xa ngoài một trường, đứng bên Điền Thanh Văn, giơ cái hộp lên hướng vào mặt Trịnh Tam Nương. Trịnh Tam Nương hồi nãy thấy ám khí trong hộp bắn ra, sợ rằng lại có đoản tiễn bắn ra nữa, vội hụp người xuống tránh. Đó chẳng qua chỉ là động tác hư trương thanh thế của Nguyễn Sĩ Trung để cho Điền Thanh Văn rảnh tay, rồi mới đưa cho nàng cái hộp, nói:

– Hãy giữ lấy nó, để ta đối phó địch nhân.

Nguyễn Sĩ Trung tay không binh khí, lập tức quay lại đấu với Đào Bách Tuế. Cao thủ đệ nhất Bắc tông Thiên Long môn quả nhiên võ công không phải tầm thường. Đào Bách Tuế tuy có ngọn roi sắt hung hãn mạnh mẽ, nhưng vẫn bị hai bàn tay không của Nguyễn Sĩ Trung ép đến nỗi phải lùi liên tục. Hùng Nguyên Hiến vai đã trúng tên, lại bị Chu Vân Dương vung trường kiếm xáp tới tấn công liên tục, khiến y không sao rảnh tay để tự rút mũi tên ra. Mũi tên vẫn còn cắm trong vai, hễ cử động mạnh là nửa người đau buốt không sao chịu nổi. Chỉ có Lưu Nguyên Hạc đấu với Ân Cát là ngang tài cân sức.

Điền Thanh Văn ôm chặt cái hộp sắt, thi triển khinh công chạy nhanh về hướng tây bắc. Đào Tử An vung đao toan chém mạnh Tào Vân Kỳ, nhưng thấy Vân Kỳ nâng kiểm nghênh đón bèn không chém, mà đột ngột xoay người đuổi theo Điên Thanh Văn.

Tào Vân Kỳ nổi giận, cũng gấp rút đuổi theo ngay. Mới chạy được vài bước đã thấy song đao chém xéo tới, thì ra Trịnh Tam Nương đã xông tới một bên chặn lại. Tào Vân Kỳ sốt ruột, liên tiếp tung liền mấy chiêu hiểm. Chẳng ngờ Trịnh Tam Nương võ nghệ tuy không giỏi cho lắm, nhưng đã luyện xong bộ đao pháp chuyên dùng để phòng ngự, chỉ cần sử dụng ba mươi sáu chiêu trong pho đao pháp “Thiết môn soan”, thì dù đối phương có là cao thủ đến mấy cũng không dễ gì thắng ngay được. Tào Vân Kỳ đã liên tục thay đổi ba lộ kiếm pháp, nhưng nhất thời vẫn không làm gì được mụ.

Điền Thanh Văn chạy chừng một dăm, thấy Đào Tử An đuổi theo sau chính là đúng với ý mình, bèn rẽ qua một sườn núi thì dừng lại, nửa như trách móc nửa như vui mừng nói:

– Huynh đuổi theo muội để làm gì?

Đào Tử An nói:

– Tiểu muội! Chúng ta hợp sức đối phó lũ gian tặc đi! Việc riêng tư của chúng ta dễ nói chuyện thôi mà!

Điền Thanh Văn nói:

– Ai là tiểu muội của huynh chứ? Sao huynh lại hại gia phụ?

Đào Tử An bỗng quỳ hai gối ngay xuống mặt tuyết trắng, tay chỉ lên trời thề thốt:

– Có trời cao chứng giám, nếu Đào Tử An này sát hại Điền lão chưởng môn của Thiên Long môn thì ngày sau vạn tên xuyên thây, ngàn đao băm xác!

Điền Thanh Văn mặt mày rạng rỡ hẳn lên, kéo tay Tử An, dịu giọng nói:

– Không phải huynh thì tốt rồi. Muội đã sớm biết không phải là huynh mà. Bọn họ… bọn họ…

Đào Tử An nhảy bật dậy, nắm chặt tay trái nàng, nói:

– Tiểu muội…

Vừa nói được một tiếng, bỗng thấy Điển Thanh Văn mặt biến sắc, biết sau lưng có người đang tới bèn vội quay lại. Chỉ nghe thấy tiếng quát:

– Hai người lén lén lút lút làm gì ở đây?

Điền Thanh Văn nổi nóng:

– Cái gì mà lén lén lút lút? Huynh nói năng cho đường hoàng một chút!

Đào Tử Ân quay lại thấy Tào Vân Kỳ chạy tới, la to:

– Tào sư huynh, huynh chớ có hiểu lầm.

Tào Vân Kỳ trợn tròn đôi mắt, quát:

– Hiểu lầm cái con mẹ ngươi!

Rồi nâng kiếm đâm luôn, Đào Tử An đành giơ đao lên đỡ. Hai người mới đấu được vài hiệp, thì nghe thấy tiếng chân chạy trên tuyết, Trịnh Tam Nương đang lao tới nhanh như gió. Tào Vân Kỳ mắng luôn:

– Con mụ thối tha, sao cứ bám ta mãi thế?

Rồi lật tay chém luôn một kiếm. Trịnh Tam Nương dùng đao trái đỡ đòn, tay phải chém trả một đao.

Đào Tử An hét to:

– Trịnh Tam Nương! Hai chúng ta hợp sức hạ thằng khốn này trước rồi hãy tính!

Nói vừa dứt, liền tung chiêu “Thâu lương hoán trụ”, tay trái vờ dứ lên, tay phải thọc thẳng mũi đao vào Tào Vân Kỳ. Tào Vân Kỳ một mình chọi hai, không hề nao núng. Hắn có ý trổ tài trước mặt giai nhân, đường kiếm lúc đâm thẳng, lúc chém nghiêng rất linh động, liên tục tấn công.

Đào Tử An khen, nói:

– Kiếm pháp hay lắm!

Rồi rún người xuống, xuất chiêu “Thượng bộ liêu âm”, lướt đao vào hạ bộ Tào Vân Kỳ. Trịnh Tam Nương thoáng nghĩ thế nào gã cũng đưa kiếm xuống đỡ, khi ấy thượng bàn ắt phải sơ hở, nên vung song đao chém xuống đầu và vai Vân Kỳ. Nào ngờ đường đao của Đào Tử An dừng lại giữa chừng, đột ngột chuyển sang chiêu “Thoái bộ trảm mã đao”, xoay cổ tay lượn mũi đao chém vào đùi Trịnh Tam Nương, vừa hét to:

– Ngã này!

Chiêu đạo này hiểm độc dị thường! Cho dù cao thủ tài nghệ gấp mấy lần Trịnh Tam Nương cũng khó mà phòng bị, nên Trịnh Tam Nương làm sao tránh nổi? Chân đau kịch liệt, mụ ngã vật ra phía sau. Đào Tử An sấn tới một bước, giơ đao chém xuống cổ Tam Nương. “Choang” một tiếng, Tào Vân Kỳ đã vung kiếm ra chặn được, gạt đạo của Tử An ra, quát:

– Ngươi có còn liêm sỉ không?

Đào Tử An cười, nói:

– Lâm trận đối địch không cấm dối trá mà. Đệ có ý giúp huynh đấy thôi!

Tào Vân Kỳ toan mắng lại, thì thấy Lưu Nguyên Hạc, Ân Cát, Đào Bách Tuế, Nguyễn Sĩ Trung lần lượt chạy tới. Thì ra bọn họ cứ chăm chăm nghĩ đến cái hộp sắt mà thôi. Thấy Điền Thanh Văn ôm cái hộp chạy đi thì bọn họ chẳng thiết đánh nhau nữa, đều chờ lúc đối phương hơi lỏng tay tấn công là bỏ chạy để đuổi theo. Đào Tử An la to:

– Phụ thân! Thiên Long môn là hảo bằng hữu. Phụ thân đừng đấu với Nguyễn sư thúc nữa!

Đào Bách Tuế chưa kịp trả lời thì Tào Vân Kỳ cao giọng nói to:

– Người đã giết hại ân sư của ta, ai là bằng hữu với ngươi chứ?

Nói rồi giờ kiếm đâm nhanh vèo vèo ba nhát. Đào Tử An đỡ được hai nhát kiếm, đường kiếm thứ ba điểm nhanh tới quá hiểm ác, hắn không còn cách nào vội nghiêng người sang trái tránh né, mũi kiếm bay sạt qua má phải, chỉ cách có hai phân là vỡ đầu. Đào Tử An kinh hoàng, mặt mày tái mét, bỗng nghe Điền Thanh Văn gọi to:

– Cẩn thận!

Tiếng kêu chưa dứt, ám khí bay sạt qua bên người, tiếp liền theo là tiếng gió rít, mông của Đào Tử An đã trúng một nhát đao.

Thì ra Trịnh Tam Nương bị thương, ngã ra sau không đứng dậy nổi, trong lòng vừa tức giận vừa hối hận, thầm nghĩ:

– Bọn Ẩm Mã Xuyên là kẻ thù giết chồng ta, tên tiểu tặc này lại quỷ kế đa đoan, sao ta lại tin nó mà không đề phòng?

Chợt thấy Đào Tử An lùi lại để tránh đường kiếm của Tào Vân Kỳ, đúng là dịp may để đánh lén. Thế là Trịnh Tam Nương vùng đứng lên, vung đao chém xuống đầu Đào Tử An. Nhưng Điền Thanh Vân nhanh mắt lanh tay bèn phóng vội một chùy trúng ngay vai phải của Trịnh Tam Nương. May nhờ một chùy đó mà tính mạng của Đào Tử An được cứu, nhát đao của Trịnh Tam Nương vì thế mà bị trầm xuống, chỉ trúng mông của Đào Tử An.

Trịnh Tam Nương bị trúng độc chùy, lại ngã vật ra sau. Đào Tử An quát:

– Đồ đê tiện!

Rồi phóng đao nhắm ngay vào ngực Trịnh Tam Nương. Thế đao lao gấp và mạnh, cự li lại quá gần, tưởng chừng thanh đao sẽ găm người mụ xuống đất. Bỗng nghe tiếng gió rít nhanh trong không trung, một mũi ám khí từ xa phóng tới, vừa vặn trúng lưỡi đao đánh “keng” một tiếng, làm lưỡi đao chao đi, cắm chếch xuống mặt tuyết bên cạnh Trịnh Tam Nương.

Bọn Lưu Nguyên Hạc, Nguyễn Sĩ Trung đang dồn mắt vào cái hộp sắt, kẻ thì muốn cướp ngay, người thì muốn canh chừng. Chợt nghe tiếng rít xé gió kỳ lạ của ám khí, cả bọn đều kinh ngạc. Ám khí phóng từ xa mà rất chuẩn xác, lực đạo đi tới lại rất mạnh làm lưỡi đao chệch văng sang một bên. Mọi người kinh ngạc, cùng nhìn về hướng ám khí phóng tới thì thấy một lão tăng râu bạc trắng, tay phải cầm chuỗi tràng hạt, miệng niệm:

– Thiện tại, thiện tại!

Đang bước nhanh đi tới, vị tăng nọ cúi xuống nhặt một vật gì đó xâu vào chuỗi hạt. Thì ra thứ ám khí vừa ném tới chỉ là một hạt chuỗi trong tràng hạt.

Chuỗi tràng hạt xem ra không nhẹ, đen bóng tựa như bằng sắt, tuy nhiên, hạt nhỏ như thế mà hòa thượng búng từ xa ngoài mấy trượng đánh bạt lưỡi đao thép nặng tám, chín cân, thì chỉ lực quả thực không thể xem thường. Mọi người đều kinh ngạc, mắt nhìn hòa thượng trân trân.

Lão hòa thượng có đôi mắt hình tam giác, mũi cụp xuống, miệng méo, đôi lông mày bạc nghiêng nghiêng rũ xuống, dung mạo cực kỳ quái dị, lại thêm đôi mắt đầy những tia máu. Nếu chỉ căn cứ vào tướng mạo thì giống như một tên vô lại ở thị thành, nào ngờ lại là người có võ công cao cường như thế.

Tăng nhân nọ đưa tay đỡ Trịnh Tam Nương dậy, rút độc chùy ra khỏi vai bà ta, thấy máu đen phun ra từ miệng vết thương. Trịnh Tam Nương lớn tiếng kêu rên. Tăng nhân nọ lấy trong người ra một viên thuốc màu đỏ bỏ vào miệng Tam Nương, rồi quay lại nhìn mọi người một vòng, miệng lẩm bẩm:

– Viên thuốc này chỉ tạm thời giảm đau thôi. Độc Long chùy là ám khí độc môn của Thiên Long môn, lão nạp không cứu nổi thiếu phụ này đâu.

Ánh mắt của tăng nhân nọ dừng trên khuôn mặt của Nguyễn Sĩ Trung, nói tiếp:

– Vị thí chủ này là cao thủ Thiên Long môn phải không? Dẫu không nể mặt lão nạp thì xin hãy nể đức Phật, dám mong thí chủ mở lượng từ bi!

Nói rồi chắp tay vái.

Nguyễn Sĩ Trung vốn không hề quen biết Trịnh Tam Nương, vốn cũng không có oán thù gì, lại thấy tăng nhân nọ bản lãnh cao cường như vậy, nếu không chịu đưa thuốc giải độc ra thì e rằng hôm nay bỏ đi chưa chắc đã êm. Nguyễn Sĩ Trung là người từng trải trong giang hồ, biết tùy người mà ứng xử, nên khi thay lão tăng chắp tay vái, thì cũng lập tức đáp lễ, nói:

– Đại sư đã có lời dạy, tại hạ đương nhiên xin nghe theo.

Nguyễn Sĩ Trung lấy trong người ra hai cái lọ nhỏ, dốc mười hạt thuốc đen trong một lọ ra, cho Trịnh Tam Nương uống, còn lọ kia Nguyễn Sĩ Trung đưa cho Điền Thanh Văn, nói:

– Hãy rịt thuốc cho bà ta!

Điền Thanh Văn giao cho sư thúc cái hộp sắt, rồi cầm lọ thuốc bước ra rịt vết thương cho Trịnh Tam Nương.

Tăng nhân nọ nói:

– Thí chủ thật có lòng từ bi.

Ông lại chắp tay vái lần nữa, nói tiếp:

– Xin hỏi các vị vì duyên cớ gì mà đánh nhau vậy? Trên đời này, không khúc mắc nào mà không thể gỡ nổi, lão hòa thượng mặt dày này muốn xin làm người hòa giải. Hà hà… .

Mọi người nhìn nhau, có người trầm ngâm không nói gì, có người mặt lộ vẻ tức giận. Tào Vân Kỳ chỉ Đào Tử An mắng: .

– Tên tiểu tặc này đã sát hại sư phụ của vãn bối, lại còn trộm bảo vật trấn môn của Thiên Long môn tại hạ nữa. Đại sư thử nghĩ xem có đáng lấy mạng y không?

Vân Kỳ nói xong, rút trường kiếm ra chém vào khoảng không, lưỡi kiếm chấn động rít thành tiếng.

Lão tăng nọ hỏi:

– Tôn sư là vị nào vậy?

Tào Vân kỳ đáp:.

– Sư phụ vãn bối họ Điền, là chưởng môn tệ môn, phái Bắc tông!

Lão tăng “Ôi chao!” một tiếng, rồi nói:

– Hóa ra là Quy Nông đã tạ thế rồi ư? Đáng tiếc! Thật đáng tiếc!

Qua kiểu cách nói, hình như lão tăng nọ có quen biết Điền Quy Nông, lại còn gọi trống “Quy Nông” rõ ràng có ý cho mình là bậc bề trên. Điền Thanh Văn vừa rịt thuốc cho Trịnh Tam Nương xong, nghe lão tăng nọ nói vậy, bèn tiến lại gần sụp xuống lạy, khóc nói:

– Mong đại sư báo thù cho tiên phụ, tìm ra hung thủ thật sự.

Lão tăng nọ chưa kịp trả lời, thì Tào Vân Kỳ đã la lên:

– Hung thủ thật giả cái gì nữa? Ở đây có đủ tang chứng cả rồi. Tên tiểu tặc kia chẳng lẽ còn không phải là hung thủ thật sự hay sao?

Đào Tử An chỉ cười nhạt, không thèm trả lời. Đào Bách Tuế không nén được giận, quát:

– Điền thân gia có giao tình với ta mấy chục năm. Hai nhà còn là chỗ chí thân với nhau, sao bọn tại hạ lại sát hại y chứ?

Tào Vân Kỳ nói:

– Tại vì muốn trộm cái hộp báu này chứ còn gì!

Đào Bách Tuế cả giận, sấn tới vụt luôn một roi sắt. Tào Vân Kỳ toan đánh trả, bỗng thấy lão tăng nọ huơ tay trái ra móc nhẹ vào cổ tay phải của Đào Bách Tuế, cây roi sắt đột ngột giật ngược trở lại. Đào Bách Tuế thấy lòng bàn tay chấn động, hổ khẩu đau dữ dội, không sao nắm được nữa, vội buông ngay roi sắt ra, nhảy vọt sang bên cạnh. “Phập” một tiếng, roi sắt cắm ngập một nửa vào lòng đất tuyết.

Mọi người đang xúm lại chung quanh tăng nhân, chợt thấy roi sắt bật ngược trở lại cắm xuống, bèn đều giạt ra, ai nấy đều tròn xoe mắt nhìn lão vô cùng kinh ngạc, thầm nghĩ:

– Trấn Quan Đông xưa nay vẫn ỷ vào sức cương mãnh mà xưng hùng trong giới võ lâm, sao lại đế một hòa thường chỉ móc sơ một cái đã phải buông vũ khí ra vậy?

Đào Bách Tuế mặt mũi đỏ gay, la lên:

– Hòa thượng gớm thật! Hóa ra hòa thượng được phái Thiên Long môn mời đến giúp?

Lão tăng nọ tủm tỉm cười, nói:

– Thí chủ tuổi tác đã cao, sao lại còn nóng giận như vậy? Đúng là lão nạp nhận lời mời một người, nên mới đến núi Trường Bạch này. Nhưng người mời lão nạp không phải là Thiên Long môn.

Cả hai bên Thiên Long môn và cha con họ Đào đều ngạc nhiên, thầm nghĩ:

-Thảo nào lão lại cứu Trịnh Tam Nương. Nếu lão là trợ thủ cho Bình Thông tiêu cực, thì có lẽ khó mà giữ nổi cái hộp sắt này.

Nguyễn Sĩ Trung lùi lại một bước. Ân Cát và Tào Vân Kỳ cầm kiếm tiến lên phía trước đứng hai bên hộ vệ cho lão.

Tăng nhân nọ dường như chẳng để ý gì, nói tiếp:

– Ở đây không củi lửa, không cơm rượu, giá lạnh không chịu nổi. Sơn trang của người mời lão nạp đến cách đây không xa. Các vị coi như đều là bạn của lão nạp, chi bằng cùng đến đấy nghỉ chân. Vị chủ nhân ấy thấy nhiều anh hùng hảo hán đến thăm, chắc hẳn sẽ vui mừng lắm! Con mẹ nó! Bọn ta cùng kéo đến quấy quả y một phen cho đã đi!

Nói rồi, tăng nhân nọ cười ha hả, dường như chẳng còn nhớ gì đến cuộc huyết chiến vừa rồi của mọi người.

Mọi người thấy hòa thượng mặt mũi tuy xấu xí, nhưng nói năng có hòa khí, là người xuất gia mà lại văng tục “con mẹ nó”, kể ra cũng hơi lạ. Nhưng đối với số khách võ lâm này lời tục tằn ấy nghe đã quen tai, ngược lại họ còn thấy thân mật tự nhiên, nên tâm lý đề phòng cũng vơi đi quá nửa.

Ân Cát hỏi:

– Không biết vị chủ nhân mà đại sư nói là bậc tiền bối nào vậy?

Lão tăng đó đáp:

– Vị chủ nhân này không cho phép lão nạp nói tên họ của y. Lão nạp vốn hiếu khách, đã có lời mời rồi, nếu vị nào không chịu nể mặt thì lão nạp thực sự cảm thấy bẽ bàng.

Lưu Nguyên Hạc thấy lão tăng mười phần cổ quái nên trong lòng ngần ngại, bền chắp tay, nói:

– Đại sư xin chớ trách, hạ quan không thể bồi tiếp được.

Nói rồi quay người phóng đi. Lão tăng nọ cười, nói:

– Ở chốn núi sâu hoang dã mà lại gặp được quan gia, phúc lớn a! Con mẹ nó, phúc lớn a!

Lão tăng nọ để cho Lưu Nguyên Hạc phi hành được một quãng, chậm rãi nói xong mấy câu đó, rồi mới lắc người đuổi theo. Chỉ thấy lão tung người chạy nhanh trên tuyết, thân pháp rất khó coi, vừa vụng về, vừa cổ quái, khiến mọi người phải bật cười.

Tuy dáng điệu của lão vừa tựa như vịt bầu, lại vừa tựa như ếch nhái, nhưng trong khoảnh khắc lão đã đứng trước mặt Lưu Nguyên Hạc, cười nói:

– Lão nạp phải xin lỗi quan lão gia rồi.

Không đợi Nguyên Hạc trả lời, lão tăng vung tay trái thành một vòng tròn, bất ngờ đảo lại chộp lấy cổ tay phải của Nguyên Hạc.

Lưu Nguyên Hạc cảm thấy nửa người tê bại, biết mình đã hồ đồ để lão chộp trúng mạch môn rồi. Trong lúc nguy cấp, Nguyên Hạc xuất chưởng tay trái nhằm vào lão tăng đánh tới. Lúc này lão tăng nắm cổ tay phải Nguyên Hạc bằng ngón cái và ngón trỏ tay trái của mình, đợi chưởng trái Nguyên Hạc đánh tới, liền nâng tay phải Nguyên Hạc lên, dùng ba ngón tay trái còn lại là ngón giữa, ngón áp út và ngón út chộp luôn vào cổ tay trái của Nguyên Hạc. Thế là chỉ cần một tay trái mà lão tăng đã chộp dính cả hai tay của Nguyên Hạc, tay phải vẫn cầm chuỗi tràng hạt, nhảy tưng tưng lôi về.

Mọi người thấy hai tay của Nguyên Hạc giống như bị một cái còng sắt khóa chặt, để cho lão tăng lôi trở lại, thì vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ. Kinh ngạc vì công phu cao cường của lão tăng, thật hiếm thấy; mừng rỡ vì lão không phải là người đến trợ giúp cho Bình Thông tiêu cục. Lão tăng nọ lôi Nguyên Hạc đến trước mặt mọi người, nói:

– Lưu đại nhân đã nể mặt lão nạp, nhận lời rồi. Nào, xin mời các vị!

Chứng kiến cảnh tượng vừa rồi, tuy trong lòng e ngại nhưng mọi người cũng không dám nói từ chối. Lão tăng nắm cổ tay Nguyên Hạc, chậm rãi đi trước. Đi được vài bước chợt quay lại nói:

– Có tiếng động gì thế?

Mọi người dừng lại lắng tai, thì nghe văng vẳng trên đường phía sau có tiếng thở hổn hển giống như có ai đang vật lộn nhau.

Nguyễn Sĩ Trung sực nhớ điều gì, la lên:

– Vân Kỳ, hãy mau đi giúp Vân Dương!

Tào Vân Kỳ cũng la lên:

– Chết rồi! Thế mà điệt nhi quên bẵng.

Rồi cầm kiếm chạy ngược trở lại.

Lão tăng nọ vẫn không chịu buông Lưu Nguyên Hạc ra, cứ lôi đi cùng. Đi chừng hơn mười trượng Lưu Nguyên Hạc thấy rã rời đôi chân, tuy đã đề khí chạy theo mà vẫn không nhanh bằng lão tăng. Hai tay bị nắm chặt, Nguyên Hạc vận kình cố giằng thoát ra, nhưng năm ngón tay gầy guộc dài thuỗn của lão tăng vẫn không hề nới lỏng chút nào. Chạy thêm vài bước nữa, thì lão tăng vượt lên nửa bước, thế là Nguyên Hạc chao người, ngã chúi ra phía trước, hai cánh tay ép sát hai bên tai duỗi thẳng qua đầu, tiếp tục bị lão lôi lết trên mặt tuyết. Hắn vừa tức vừa cuống, muốn co chân lên đá lão tăng, nhưng bị lão lôi đi mỗi lúc một nhanh, tự mình không đứng lên được thì nói gì đến co chân đá địch?

Chốc lát mọi người đã quay lại chỗ cũ, thấy Chu Vân Dương và Hùng Nguyên Hiến đang ôm nhau vật lộn trên mặt tuyết.

Hai người đều văng mất khí giới, ôm nhau vật, ngay cả quyền cước cũng không dùng được, chỉ huých chỏ, thúc đầu gối, hoặc húc bằng đầu, cắn bằng răng như hai con thú, thật chẳng giống cao thủ võ lâm giao đấu chút nào, đúng là giống như mấy mụ đàn bà đáo để đánh nhau ngoài chợ!

Tào Vân Kỳ giờ kiếm bước tới, muốn đâm lén Hùng Nguyên Hiến, nhưng hai người lăn qua lộn lại, chỉ sợ đâm nhầm sư đệ nên hắn không dám ra tay.

Lão tăng nọ bước tới vài bước, dùng tay phải túm lấy lưng Chu Văn Dương nhấc bổng lên. Vì hai người đang gì chặt nhau, nên nhấc Vân Dương thì kéo theo cả Nguyễn Hiến. Hai người đang hăng máu, nên tuy người treo lơ lửng vẫn tiếp tục ẩu đả không thôi. Lão tăng cười ha hả, rung tay phải một cái làm cả hai thấy chân tay tê dại, rồi bịch một tiếng. Hùng Nguyên Hiến ngã văng ra xa năm thước. Lão tăng nọ thả Chu Vân Dương xuống đất, đến lúc này lão tăng mới chịu buông tay thả Lưu Nguyên Hạc ra.

Nguyên Hạc bị khóa hai tay quá lâu, nên hai cánh tay không co lại được, phải giơ cao một hồi lâu mới từ từ hạ xuống. Hai cổ tay hằn sâu dấu các đầu ngón tay, trong lòng không khỏi kinh hãi.

Lão tăng nọ nói:

– Con mẹ nó! Chúng ta mau đi thôi để còn kịp quấy quả chủ nhân một bữa chứ.

Mọi người đưa mắt nhìn nhau, cùng đi theo sau lão tăng. Riêng Trịnh Tam Nương bị thương nặng ở đùi, Hùng Nguyên Hiến không nề hà chuyện nam nữ bèn cõng đi luôn.

Cha con họ Đào, Chu Vân Dương cũng đều bị thương. Trên mặt tuyết, những vệt máu nhỏ thành hàng hướng lên phía Bắc.

Đi được vài dặm, những người bị thương rên rỉ ư ử, xem chừng khó có thể đi tiếp được nữa. Điền Thanh Văn lấy từ cái túi đeo trên lưng ra một chiếc áo vải, xé ra từng mảnh để bó cho Chu Vân Dương, rồi đến cha con họ Đào. Tào Vân Kỳ “hừ “ một tiếng, định nói câu gì đó. Điền Thanh Văn liếc mắt ra hiệu. Tuy không hiểu ý, nhưng Tào Vân Kỳ cũng ráng nhịn được câu nói sắp phun ra cửa miệng.

Đi thêm chừng một dặm nữa, thì rẽ lên một dốc núi. Lớp tuyết dưới chân càng dày thêm, ngập tới đầu gối, đi rất khó khăn. Mọi người tuy có võ công, nhưng cũng thấy không dễ rút chân lên. Ai cũng đều nghĩ thầm:

– Không rõ nhà của vị chủ nhân này còn bao xa?

Lão tăng dường như hiểu được ý nghĩ trong lòng mọi người, chỉ tay về phía ngọn núi cao vút phía bên trái:

– Sắp đến rồi! Ở trên đó.

Comments

comments


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.