Ỷ Thiên Đồ Long ký

Hồi 7: Ai đẩy núi băng tới đảo tiên

trước
tiếp

Trương Thúy Sơn tay trái vung ngân câu móc vào núi băng, mượn thế nhảy lên, ngỡ rằng Ân Tố Tố đã rơi vào tay Tạ Tốn nhưng không ngờ dưới ánh trăng suông chỉ thấy Tạ Tốn hai tay ôm mắt, rên rỉ đau đớn, còn Ân Tố Tố nằm trên mặt băng.

Trương Thúy Sơn vội vọt tới đỡ nàng dậy. Ân Tố Tố nói nhỏ:

– Muội… muội phóng trúng mắt lão ta rồi…

Lời chưa dứt, Tạ Tốn gầm lên, xông tới. Trương Thúy Sơn ôm lấy Ân Tố Tố lăn liền mấy vòng, tránh ra chỗ khác thật lẹ, chỉ nghe “bình bình” nhiều tiếng, Tạ Tốn đang vung cây lang nha bổng đánh vào núi băng. Đoạn lão vứt lang nha bổng xuống, hai tay nhấc một tảng băng lớn nặng hơn trăm cân, ném về phía Trương Ân hai người.

Ân Tố Tố định bật dậy chạy trốn, Trương Thúy Sơn lấy tay ấn lưng nàng xuống, hai người nấp trong hốc lõm của núi băng, không dám thở mạnh. Tạ Tốn ném tảng băng rồi, đứng im bất động, hiển nhiên đang nghe ngóng tìm chỗ ẩn núp của hai người. Trương Thúy Sơn thấy hai mắt lão chảy hai dòng máu tươi, biết là Ân Tố Tố trong cơn nguy cấp rốt cuộc đã phóng ngân châm, Tạ Tốn lúc ấy thần trí hôn mê không hề đề phòng, cả hai mắt đều trúng kim trở thành người mù. Nhưng thính giác của lão cực kỳ linh mẫn, chỉ cần một tiếng động nhỏ, lão cũng sẽ chồm tới, hậu quả ra sao thật khó lường. Cũng may trên biển còn có tiếng sóng ì ầm, tiếng gió ù ù, tiếng các khối băng đụng nhau át đi tiếng thở của hai người, chứ không thì khó bề thoát khỏi độc thủ của Tạ Tốn.

Tạ Tốn nghe ngóng một hồi, trong tiếng sóng, tiếng gió, tiếng băng đụng nhau, lão không thể phát hiện nổi hai người kia đang núp ở đâu, hai mắt lại đau nhức, trước mắt toàn một màu tối đen, lão vừa cuồng nộ vừa hoảng sợ, kêu rống lên, tay đấm chân đá loạn xạ vào núi băng, nhặt các cục băng ném tứ phía, nghe cứ rầm rầm liên hồi. Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố nép sát vào nhau, sợ hãi mặt cắt không còn hột máu, có vô số cục băng bay vèo vèo qua đầu, lỡ trúng một cục thôi cũng đủ táng mạng.

Trận ném băng của Tạ Tốn kéo dài nửa canh giờ mà Trương Ân hai người tưởng chừng phải đến mấy năm.

Tạ Tốn ném băng chán chê, không thấy hiệu quả, bèn dừng tay, nói:

– Trương tướng công, Ân cô nương, vừa rồi Tạ mỗ nhất thời hồ đồ, nổi điên phá phách, chắc là mạo phạm, những mong hai vị đừng trách.

Lời lẽ Tạ Tốn ôn tồn, khiêm hòa, thần thái trở lại bình thường. Lão nói xong, ngồi xuống tảng băng, im lặng chờ hai người lên tiếng trả lời.

Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố đâu dám lên tiếng trong tình cảnh này. Tạ Tốn nhắc lại vài lần, không thấy hai người hồi đáp, thì đứng dậy thở dài, nói:

– Hai vị không chịu lượng thứ, thì ta cũng chả có cách gì khác.

Đoạn lão hít một hơi thật dài. Trương Thúy Sơn giật mình, nhớ lại hôm Tạ Tốn cất tiếng hú tại Vương Bàn sơn đảo khiến mọi người gục ngã, lão cũng đã hít mạnh một hơi như thế này. Lão tuy mù hai mắt, nhưng tiếng hú chế ngự địch thủ thì đâu có gì khác trước. Lúc này nguy cơ sẽ ập tới liền, muốn xé áo nhét kín lỗ tai đã muộn, chàng không kịp nghĩ ngợi gì nữa, bèn ôm Ân Tố Tố nhảy ùm xuống biển.

Ân Tố Tố chưa rõ chuyện gì thì tiếng hú của Tạ Tốn đã cất lên. Trương Thúy Sơn ôm nàng hụp xuống, nước lạnh thấu xương ngập lút đầu, cũng che lấp luôn hai tai. Tay trái chàng cầm ngân câu móc vào núi băng, tay phải ôm Ân Tố Tố, trừ bàn tay trái ở trên mặt nước, còn toàn thân hai người đều chìm dưới nước, vậy mà vẫn nghe văng vẳng và cảm thấy uy lực của tiếng hú kia. Núi băng không ngừng trôi về phương bắc mang theo hai người ở dưới nước. Trương Thúy Sơn thấy vẫn còn may, giả sử vừa rồi bị mất không phải thiết bút mà là ngân câu, thì dẫu có thoát khỏi tiếng hú của Tạ Tốn cũng chết đuối dưới biển.

Lâu lâu hai người lại trồi mũi lên trên mặt nước, hít một hơi, hai tai vẫn chìm trong nước; sáu bảy phen như thế tiếng hú của Tạ Tốn mới ngừng. Đợt hú này quá dài, tiêu hao rất nhiều nội lực nên lão cảm thấy mệt mỏi, không còn hơi sức dò tìm hai người sống chết ra sao, đành phải ngồi xuống băng điều tức. Trương Thúy Sơn giơ tay làm hiệu, hai người lẳng lặng leo lên núi băng, vặt một ít lông hải cẩu trên mảnh da thú, nhét kín vào lỗ tai, coi như tạm qua cơn kiếp nạn.

Nếu cứ ở chung với Tạ Tốn trên một núi băng, chỉ cần phát ra một tiếng động nhỏ, đại họa sẽ tức thời giáng xuống. Hai người buồn bã nhìn nhau, rồi nhìn về phía tây, nơi mặt trời đỏ như máu mãi vẫn chưa lặn xuống mặt biển. Họ không biết ở gần Bắc Cực ngày giờ khác hẳn, có chỗ sáu tháng là ngày liên tiếp, sáu tháng còn lại là đêm vô tận, họ chỉ ngạc nhiên thấy bao điều quái dị, ngỡ đã tới nơi tận cùng của thế gian.

Ân Tố Tố toàn thân ướt sũng, rét buốt thấu xương, người cứ run cầm cập, răng đánh vào nhau canh cách. Thế là Tạ Tốn nghe thấy. Lão rống lên, cầm lang nha bổng lao tới đánh ngay xuống. Trương Ân hai người đã có phòng bị, liền nhảy tránh, chỉ nghe rầm một tiếng, lang nha bổng đánh vào băng. Cú đánh này lực đạo phải tới bảy tám trăm cân, làm cho bảy, tám tảng băng lớn bay văng xuống biển. Hai người kinh hãi nhìn nhau, thấy Tạ Tốn múa vung lang nha bổng, phát ra ngàn đạo ngân quang, ép thẳng tới. Cây lang nha bổng đó dài đã hơn một trượng, khi múa lên thì uy lực bao trùm đến dăm trượng xung quanh, hai người nhảy tránh lẹ mấy cũng không thoát nổi, chỉ còn cách liên tiếp lùi về phía sau, lùi một hồi đã tới mép núi băng.

Ân Tố Tố hoảng hốt kêu “Ối chà!” Trương Thúy Sơn nắm cánh tay nàng, hai chân nhún một cái, nhảy luôn xuống biển. Hai người còn đang lơ lửng trên không, chỉ nghe tiếng băng rơi rào rào sau lưng, có cục văng trúng người khá đau. Lúc nhảy, Trương Thúy Sơn đã nhắm một tảng băng to bằng cái bàn, tay trái chàng vung ngân câu móc luôn vào đó. Tạ Tốn nghe tiếng hai người nhảy xuống biển, lão dùng lang nha bổng đập băng vỡ thành cục mà ném theo. Nhưng hai mắt lão đã mù, Trương Ân hai người ở dưới biển liên tục di động theo tảng băng trôi, cục băng đầu không trúng, các cục băng sau cũng rơi lạc cả.

Núi băng trôi trên biển, phần nổi trên mặt nước chỉ là phần nhỏ của toàn khối, phần chìm bên dưới mới thật lớn. Tảng băng mà Trương Ân hai người đang nằm phục trên đó là một khối băng do Tạ Tốn đánh vỡ ra, nhỏ chưa đến một phần ngàn của núi băng, cho nên nó theo dòng thủy lưu trôi rất nhanh, càng lúc càng xa núi băng nơi Tạ Tốn đang đứng. Đến chiều tối, ngoảnh nhìn lại, thân hình Tạ Tốn chỉ còn là một chấm đen trên cái núi băng đang lấp lóa phát quang.

Hai người bám vào tảng băng này, chỉ cốt nó không chìm, thân mình còn một nửa ngâm dưới nước, làm sao chịu được lâu? May sao trên đường trôi lên phương bắc, không lâu sau gặp được một núi băng nhỏ, chờ tới gần họ liền bám vào leo lên.

Trương Thúy Sơn nói:

– Bảo rằng trời không đẩy người vào tuyệt lộ. Thế mà hai ta cứ phải chịu bao nhiêu là khổ sở? Nàng nghĩ sao?

Ân Tố Tố nói:

– Tiếc là mình không đem theo được chút thịt hải cẩu. Chàng không bị thương đấy chứ?

Hai người nói mà như cho mình nghe, không hiểu bên kia nói gì, sau chợt hiểu, vội móc lông hải cẩu trong tai ra. Vì cố đào thoát, họ quên biến rằng hai tai còn bị nút chặt.

Hai người thoát đại nạn, sóng tình trong lòng càng dâng lên mạnh. Trương Thúy Sơn nói:

– Tố Tố, hai ta dẫu chết trên núi băng thì cũng là vĩnh viễn bên nhau đó.

Ân Tố Tố nói:

– Ngũ ca, muội có câu muốn hỏi, chàng phải nói thật nhé. Giả dụ hai ta còn ở trên đất liền, không trải qua mọi nguy nan như vừa rồi, nếu muội quyết một lòng kết duyên với chàng thì chàng có muốn lấy muội hay không?

Trương Thúy Sơn ngẩn người, đưa tay gãi gáy, nói:

– Ta nghĩ rằng mình sẽ chưa thân nhau sớm đến thế, hơn nữa… hơn nữa… nhất định sẽ có nhiều trở ngại, gian lao, hai ta môn phái khác nhau…

Ân Tố Tố thở dài, nói:

– Muội cũng nghĩ vậy, nên hôm chàng đấu chưởng với Tạ Tốn, mấy lần muội tính phóng ngân châm hiệp trợ chàng, cuối cùng vẫn không phóng.

Trương Thúy Sơn ngạc nhiên nói:

– Vậy ư, vì sao thế? Ta cứ ngỡ là trong đêm tối nàng nhìn không rõ, sợ trúng phải ta kia đấy.

Ân Tố Tố nói nhỏ:

– Không phải vậy, giả dụ lúc đó muội đả thương lão, hai ta trở về đất liền, chàng sẽ không ở bên muội nữa.

Trương Thúy Sơn lòng dạ bồi hồi, thốt lên:

– Tố Tố!

Ân Tố Tố nói tiếp:

– Chàng có lẽ sẽ trách muội, nhưng lúc ấy muội chỉ mong được ở bên chàng, hai ta đến một hoang đảo không người, sống mãi với nhau ở đó. Tạ Tốn ép hai ta đi theo lão, chính hợp với tâm nguyện của muội.

Trương Thúy Sơn không ngờ nàng lại yêu thương mình sâu đậm đến thế, cảm động lắm, dịu dàng nói:

– Ta không trách nàng đâu, mà phải đa tạ nàng là đằng khác.

Ân Tố Tố ngả đầu vào lòng Trương Thúy Sơn, ngước lên nhìn vào mắt chàng, nói:

– Ông Trời đưa muội tới địa ngục băng giá này, muội không hề oán hận, chỉ vui sướng. Muội mong sao núi băng đừng trôi về phương nam, ôi, nếu có ngày hai ta trở về Trung nguyên, sư phụ của chàng hẳn sẽ căm ghét muội, còn phụ thân muội không chừng sẽ giết chàng…

Trương Thúy Sơn nói:

– Phụ thân nàng ư?

Ân Tố Tố nói:

– Phụ thân muội là Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính, giáo chủ sáng lập Thiên Ưng giáo.

Trương Thúy Sơn nói:

– Thì ra vậy. Nàng đừng lo, ta sẽ luôn ở bên cạnh nàng, thân phụ nàng dữ cách mấy cũng không nỡ giết con rể của mình.

Ân Tố Tố đôi mắt sáng ngời, hai má đỏ bừng, nói:

– Chàng nói thật lòng đấy chứ?

Trương Thúy Sơn nói:

– Hai đứa mình kết thành vợ chồng luôn nhé.

Hai người tức thời quỳ ngay xuống mặt băng.

Trương Thúy Sơn cao giọng nói:

– Có hoàng thiên chứng giám, hôm nay đệ tử Trương Thúy Sơn cùng Ân Tố Tố kết thành phu phụ, họa phúc bên nhau, trước sau không phụ bạc.

Ân Tố Tố kính cẩn khấn:

– Xin hoàng thiên phù hộ độ trì, cho hai chúng con đời đời kiếp kiếp là phu phụ.

Ngừng một lát, nàng khấn tiếp:

– Nếu sau này trở về Trung nguyên, tiểu nữ quyết cải tà quy chính, sám hối tội lỗi đã qua, theo phu quân làm việc thiện, không bao giờ giết ai nữa. Nếu phạm lời thề, xin trời và người trừng phạt.

Trương Thúy Sơn cả mừng, không ngờ Ân Tố Tố lập thệ như vậy, vòng tay ôm lấy nàng. Hai người tuy toàn thân ướt sũng nước biển, nhưng trong lòng ấm áp, phơi phới gió xuân.

Rất lâu sau, cả hai mới nhớ ra là cả một ngày chưa ăn gì. Trương Thúy Sơn cầm ngân câu đứng rình bên mép núi băng, đợi cá bơi đến gần thì móc lên. Cá biển ở vùng này vì phải chống lạnh nên thịt dày và nhiều mỡ, ăn sống rất tanh, nhưng ăn vào sẽ tăng khí lực rất nhiều.

Hai người ở trên núi băng, biết rõ không có hi vọng quay về Trung nguyên, nhưng cũng chẳng lo buồn. Dạo này ngày rất dài mà đêm thì ngắn, hết sức khác thường, không có cách gì tính toán thời gian, cũng chẳng biết mặt trời mọc hay lặn trên biển đã bao nhiêu lần.

Một hôm, Ân Tố Tố chợt trông thấy ở chính phía bắc có một cột khói bốc lên, nàng sợ mất vía, gọi to:

– Ngũ ca!

Nàng giơ tay chỉ cột khói đen. Trương Thúy Sơn nửa mừng nửa lo, nói:

– Chẳng lẽ vùng này cũng có người?

Cột khói kia tuy nhìn thấy đó, song vẫn còn xa lắm, núi băng trôi suốt một ngày vẫn chưa tới gần nó, nhưng khói đen bốc càng lúc càng cao, rồi thấy trong khói thấp thoáng có ánh lửa.

Ân Tố Tố hỏi:

– Đó là cái gì nhỉ?

Trương Thúy Sơn lắc đầu không đáp. Ân Tố Tố run run nói:

– Hai ta chắc sắp hết kiếp rồi! Đó là… là cửa địa ngục đấy.

Trương Thúy Sơn cũng rất lo sợ, nhưng chàng vẫn an ủi, nói:

– Không chừng chỗ ấy có người ở, người ta đang đốt lửa trên núi.

Ân Tố Tố nói:

– Lửa gì mà bốc cao như thế?

Trương Thúy Sơn thở dài, nói:

– Đã tới miền quỷ quái này, mọi sự đều do ông Trời sắp đặt. Trời đã không để chúng mình chết rét, lại muốn chúng mình chết thiêu, là tùy ý trời thôi.

Kể ra thật lạ, núi băng hai người đang ở cứ từ từ trôi thẳng về phía có ánh lửa. Trương Ân hai người không hiểu nguyên do, chỉ nghĩ là do ông Trời sắp đặt, là họa hay phúc cũng đành phó mặc cho số mệnh. Họ đâu biết rằng cột lửa kia là một hỏa diệm sơn ở gần Bắc Cực đang hoạt động, khi phun lửa sẽ làm cho nước biển xung quanh ấm lên. Nước nóng chảy về phía nam, tự nhiên cuốn dòng nước băng từ phía nam đến thế chỗ, do vậy mà núi băng trôi tới càng lúc càng gần.

Núi băng này trôi một ngày đêm nữa thì tới chân hỏa diệm sơn, chỉ thấy xung quanh nó là một vùng xanh tươi, hóa ra là một hòn đảo cực lớn. Phía tây hòn đảo là núi đá lởm chởm, hình thù quái dị, Trương Thúy Sơn đã đi quá nửa Trung nguyên mà chưa thấy thế này bao giờ. Hai người chưa từng thấy hỏa diệm sơn, không hề biết các mỏm núi kia là do phún thạch hàng ngàn hàng vạn năm của hỏa diệm sơn kết thành. Phía đông hòn đảo là một bình nguyên mênh mông vô bờ, do tro của hỏa diệm sơn rơi xuống biển dần tạo nên. Vùng này tuy gần kề Bắc Cực, nhưng nhờ có lửa của hỏa diệm sơn hoạt động hàng vạn năm không tắt, nên khí hậu tương tự như dãy núi Trường Bạch, vùng Hắc Long Giang, trên núi cao có băng tuyết, dưới bình nguyên thảo mộc xanh tươi, tùng xanh bách biếc, cao to dị thường, lại có nhiều loài kỳ hoa dị thảo mà vùng Trung thổ không hề gặp.

Ân Tố Tố đứng ngắm hồi lâu, đột nhiên nhảy lên, hai tay ôm cổ Trương Thúy Sơn, nói:

– Ngũ ca, hai ta đến núi tiên rồi!

Trương Thúy Sơn trong lòng cũng hết sức vui sướng, mơ mơ màng màng không nói nên lời. Nhìn trên bình nguyên, thấy một bầy mai hoa lộc đang cúi đầu gặm cỏ, đưa mắt ngó tứ bề, ngoài tòa hỏa diệm sơn đáng sợ kia thì, tất thảy đều thanh bình.

Thế nhưng núi băng trôi đến gần đảo, bị nước ấm đẩy ra, nên lại trôi ra xa. Ân Tố Tố vội kêu lên:

– Chao ôi, chao ôi, đảo tiên lại cách xa mất rồi!

Trương Thúy Sơn thấy tình thế không ổn, nếu không lên đảo, núi băng này sẽ trôi tiếp đi nơi khác, chưa biết khi nào mới dừng. Tình thế cấp bách, chàng dùng chưởng và ngân câu cùng đánh, “bộp, bộp bộp”, vỡ ra một tảng băng lớn. Hai người ôm lấy tảng băng, lăn xuống nước, tay chân quạt mạnh, cuối cùng cập vào đất liền.

Bầy mai hoa lộc thấy có người đến, giương mắt tròn xoe mà nhìn, đầy vẻ hiếu kỳ, không một chút hoảng sợ. Ân Tố Tố thong thả lại gần một con, đưa tay vuốt ve lưng nó, nói:

– Giá có thêm vài con hạc tiên, muội nghĩ đây chính là Nam Cực tiên cảnh.

Bỗng mặt đất rung rinh chao đảo, nàng ngã lăn ra. Trương Thúy Sơn cả kinh, gọi:

– Tố Tố!

Chàng chạy tới đỡ nàng dậy, nhưng hai chân cũng loạng choạng đứng không vững.

Chỉ nghe mặt đất rùng rùng chuyển động, thì ra hỏa diệm sơn lại phun lửa. Hai người ở trên biển trôi nổi mấy chục ngày, phong ba nhồi lên dìm xuống suốt ngày đêm, nay vừa lên bờ, dưới chân vẫn còn cảm giác bồng bềnh, nên mặt đất vừa chao động một cái đã ngã lăn ra.

Hai người hoảng sợ, nhưng chẳng thấy gì xảy ra, mới cười hà hà đứng dậy. Hôm ấy cả hai đã mệt lả, họ nằm ngay trên bãi cỏ ngủ một giấc hơn bốn canh giờ liền.

Lúc thức dậy, mặt trời vẫn chưa gác núi, Trương Thúy Sơn nói:

– Hai ta đi một vòng xem xung quanh thế nào, có người ở hay không, có độc trùng mãnh thú gì không?

Ân Tố Tố nói:

– Cứ nhìn bầy mai hoa lộc hiền thuận như thế, đủ biết đảo tiên này hết sức thanh bình.

Trương Thúy Sơn cười nói:

– Ước gì như thế! Vậy hai ta cũng phải đi bái yết các vị tiên chứ.

Ân Tố Tố lúc còn ở trên núi băng cũng đã cố giữ gìn dung nhan, y phục chỉnh tề, bây giờ đến đảo này, nàng càng chú ý chăm chút hơn; nàng chải đầu cho Trương Thúy Sơn, rồi mới cùng chàng đi thám thính. Tay nàng cầm trường kiếm. Trương Thúy Sơn đã mất phán quan bút, liền bẻ một cành cây thật chắc thay thế. Hai người thi triển khinh công, chạy từ nam lên bắc đến mươi dặm. Lâu lắm rồi mới có một vùng đất rộng để vẫy vùng, thực là sung sướng hết chỗ nói. Khắp nơi họ chạy qua, ngoài gò thấp và cây cao, toàn là kỳ hoa dị thảo; thi thoảng từ trong cỏ xuất hiện những loại muông thú nhỏ không biết tên, hiền thuận không làm hại người.

Hai người đi qua một cánh rừng rộng, thấy phía tây bắc có một ngọn núi đá, ở chân núi có một cái hang. Ân Tố Tố nói:

– Chỗ này thích quá!

Đoạn chạy lên trước. Trương Thúy Sơn nói:

– Cẩn thận!

Lời chưa dứt, có tiếng “gừm”, rồi từ trong hang lao ra một con gấu trắng.

Con gấu này lông dài, to như con bò mộng. Ân Tố Tố hốt hoảng vội nhảy lùi. Con gấu chồm tới, giơ cái chân trước to bè đập xuống đầu Ân Tố Tố. Ân Tố Tố vung trường kiếm chém vào vai con gấu. Ai ngờ nàng trôi giạt trên biển lâu ngày, thân thể suy nhược, xuất thủ kém lực, kiếm tuy chém trúng vai con gấu nhưng chỉ làm nó bị thương nhẹ, chiêu thứ hai vừa tới, con gấu chồm lên gạt phắt ra, “cạch” một tiếng, thanh kiếm đã văng xuống đất. Trương Thúy Sơn vội kêu:

– Tố Tố lui ra!

Chàng nhảy tới, vung cành cây quật ngang, trúng vào khuỷu chân trước của con gấu, nghe “rắc” một tiếng, cành cây gãy đôi, con gấu cũng bị gãy chân trái, nó đau quá liền rống lên vang động cả sơn cốc, hung hăng chồm tới tấn công Trương Thúy Sơn.

Trương Thúy Sơn hai chân nhún một cái, sử dụng khinh công “Thê vân túng” nhảy vọt lên cao hơn trượng, sử cái móc trong tự quyết chữ “tranh”, giáng mạnh cái ngân câu từ trên cao xuống trúng ngay huyệt Thái Dương của con gấu. Chiêu này kình lực quá mạnh, ngân câu móc sâu vào đến mấy tấc. Con gấu rống lên một tiếng kinh thiên động địa, hất văng cả ngân câu khỏi tay Trương Thúy Sơn, lăn ra giãy giụa mấy vòng, rồi chổng bốn vó lên trời mà chết.

Ân Tố Tố vỗ tay reo:

– Khinh công hay quá, câu pháp hay quá!

Lời chưa dứt, bỗng nghe Trương Thúy Sơn gọi giật giọng:

– Nhảy lại đây mau!

Nghe tiếng gọi có vẻ kinh hoàng của chàng, Ân Tố Tố không kịp hỏi han, vội nhào vào lòng chàng, quay nhìn lại, giật mình kêu lên ôi chao!” Thì ra ngay sau lưng nàng lại xuất hiện một con gấu trắng khác, nó nhe răng giơ vuốt, trông hung dữ đáng sợ.

Trương Thúy Sơn không có thứ vũ khí gì trong tay, vội kéo Ân Tố Tố nhảy lên một cây tùng lớn. Con gấu cứ đi loanh quanh dưới gốc, chốc chốc ngẩng đầu gầm một tiếng. Trương Thúy Sơn bẻ một cành tùng, nhắm mắt phải của nó phóng xuống, nghe phập một tiếng, đầu nhọn của cành tùng đã cắm trúng mắt nó. Con gấu đau quá, rống ầm ỹ, toan leo lên cây. Trương Thúy Sơn tiếp lấy thanh kiếm từ tay Ân Tố Tố, nhắm đầu con gấu, vận kình phóng xuống, nghe “bụp” một tiếng, lưỡi kiếm cắm ngập đến quá nửa, con gấu ngã vật xuống, chết dưới gốc cây.

Trương Thúy Sơn nói:

– Không biết trong hang còn con gấu nào hay chăng?

Chàng kiếm mấy cục đá ném vào hang, lát sau không thấy động tĩnh gì, mới tiến vào trước, Ân Tố Tố bám sát theo sau. Chỉ thấy cái hang này rất rộng, sâu bảy tám trượng, trên nóc lại có một cái khe có ánh sáng chiếu xuống, chẳng khác gì cửa sổ tự nhiên. Trong hang có nhiều thức ăn còn dư của cặp gấu trắng, mình cá, xương cá, hết sức tanh tưởi. Ân Tố Tố bịt mũi, nói:

– Hang này tốt thì tốt thật, nhưng hôi thối quá!

Trương Thúy Sơn nói:

– Chỉ cần ngày ngày quét dọn, rửa ráy, thì mươi bữa nửa tháng sẽ hết hôi.

Ân Tố Tố nghĩ đến việc từ nay sẽ cùng chàng chung sống mãi mãi trên hòn đảo này đến khi đầu bạc răng long, thì cảm thấy vừa sung sướng, vừa thê lương.

Trương Thúy Sơn ra ngoài hang, bẻ cành cây, làm thành một cái chổi lớn, cầm vào quét dọn rác rưởi trong hang. Ân Tố Tố cũng giúp chàng dọn dẹp. Rác đã quét sạch, nhưng mùi tanh hôi vẫn còn nguyên. Ân Tố Tố nói:

– Gần đây có suối nước mang về rửa thì hay quá. Nước biển quá nhiều mà mình không có thùng để gánh.

Trương Thúy Sơn nói:

– Huynh đã có cách.

Chàng ra chỗ lạnh giá ở khe núi, bưng về mấy tảng băng to, đặt ở chỗ cao trong hang. Ân Tố Tố vỗ tay reo lên:

– Hay quá!

Các tảng băng tan dần thành nước, chảy ra bên ngoài hang, nhưng như thế quá chậm.

Trong khi Trương Thúy Sơn chùi rửa trong hang, Ân Tố Tố ở bên ngoài dùng trường kiếm xẻ thịt hai con gấu, cắt thành nhiều miếng. Vùng này tuy có hỏa diệm sơn, nhưng gần Bắc Cực, khí hậu rất lạnh, các miếng thịt gấu có thể để nhiều tháng không hư. Ân Tố Tố thở dài, nói:

– Lòng người thật khó chiều, được voi đòi tiên, giá bây giờ có lửa, nướng bàn tay gấu mà ăn hẳn ngon biết mấy! Chỉ e tảng băng để trong hang không tan thì không hết mùi hôi.

Trương Thúy Sơn nhìn về phía miệng hỏa diệm sơn đang phun lửa, nói:

– Lửa thì khối ra kia, có điều lại quá lớn, để thư thả huynh nghĩ xem có cách gì lấy lửa mang về đây.

Tối hôm ấy, hai người ăn một bữa não gấu, rồi leo lên cây ngủ. Trong giấc ngủ, họ thấy mình vẫn đang ở trên núi băng trôi dạt trên biển cả, với tiếng sóng ì ầm nhấp nhô lên xuống, thực ra chỉ là gió thổi lay động cành lá.

Hôm sau Ân Tố Tố chưa mở mắt đã nói:

– Thơm quá! Thơm quá!

Nàng nhảy xuống đất, ngửi thấy một mùi hương dễ chịu của nhiều đóa hoa không tên thoang thoảng đưa tới. Nàng vui sướng nói:

– Trước cửa hang có nhiều hoa thơm thế này thì tuyệt trần!

Trương Thúy Sơn nói:

– Tố Tố này, việc mừng để sau, có việc cần làm trước đây.

Ân Tố Tố nhìn vẻ mặt trịnh trọng của chàng, lo lắng hỏi:

– Việc gì vậy?

Trương Thúy Sơn nói:

– Huynh đã nghĩ ra cách lấy lửa.

Ân Tố Tố cười:

– Ồ, thế mà chàng cứ làm như có chuyện không hay vậy, cách gì đâu, chàng nói mau đi!

Trương Thúy Sơn nói:

– Lửa ở miệng hỏa diệm sơn quá lớn, không thể tới gần, chỉ sợ đến cách vài chục trượng thì đã chết cháy rồi. Mình phải lấy vỏ cây tết thành một sợi dây thừng, đem phơi khô, sau đó…

Ân Tố Tố vỗ tay reo:

– Hay lắm! Cách đó hay lắm! Sau đó mình buộc cục đá vào một đầu dây, ném tới miệng hỏa diệm sơn, lửa bén vào dây, mình kéo về.

Hai người ăn thịt sống đã lâu nên muốn có lửa ngay, nói xong làm liền, mất hơn hai ngày mới tết được một sợi dây dài trăm trượng, phơi một ngày gần khô, ngày thứ tư thì nhắm hướng miệng hỏa diệm sơn đi tới.

Miệng hỏa diệm sơn nhìn tưởng gần, vậy mà đi suốt hơn bốn chục dặm mới tới. Càng tới gần hai người càng thấy nóng, thoạt tiên cởi áo lông hải cẩu, rồi chỉ còn mảnh áo đơn cũng nóng không chịu nổi; đi một dặm nữa thì miệng khô lưỡi háo, mồ hôi vã ra như tắm, xung quanh không còn thảo mộc, chỉ toàn nham thạch màu vàng trơ trụi.

Trương Thúy Sơn vai vác cuộn dây, nhìn mấy sợi tóc dài của Ân Tố Tố bị nóng quá đã xoăn cả lại, lòng trào dậy niềm thương, nói:

– Nàng ở lại đây chờ huynh, để mình huynh đi được rồi.

Ân Tố Tố nói dỗi:

– Chàng còn nói thế nữa, muội sẽ mặc kệ chàng đấy. Cùng lắm mình không có lửa, suốt đời ăn thịt sống cũng chẳng sao!

Trương Thúy Sơn mỉm cười.

Đi chừng một dặm nữa, hai người đã thở phì phò như kéo bễ. Trương Thúy Sơn tuy nội công thâm hậu mà cũng bị hun tới mức nổ đom đóm mắt, đầu óc cứ ong ong. Chàng nói:

– Thôi, mình dừng ở đây, quẳng dây mà không tới chỗ bén lửa, thì… thì…

Ân Tố Tố cười, tiếp lời:

– Thì tức là trời bắt chúng mình làm một đôi phu thê ăn lông ở lỗ vậy.

Nói đến đó thì thân hình lảo đảo, mắt hoa lên, phải níu vào vai Trương Thúy Sơn mới đứng được. Trương Thúy Sơn nhặt một hòn đá, buộc vào đầu sợi dây, đề khí chạy lên phía trước vài trượng, quát một tiếng “Đi này!” rồi ném hòn đá đi.

Hòn đá bay như tên bắn, mang theo sợi dây thẳng băng, rơi xuống rất xa. Hơn chục trượng cách chỗ hai người đứng tuy có nóng hơn thật, nhưng so với miệng hỏa diệm sơn thì còn quá xa, làm sao sợi dây có thể bén lửa? Hai người đợi hồi lâu, cơ thể nóng ran, mắt muốn đổ lửa mà sợi dây vẫn thế, không thấy chút khói nào bốc lên cả. Trương Thúy Sơn thở dài, nói:

– Cổ nhân xiết gỗ, đánh đá lấy lửa, cũng đều được cả; thôi hai ta về, thong thả tìm cách khác vậy! Cách ném dây lấy lửa này không xong rồi.

Ân Tố Tố nói:

– Cách ném không xong, nhưng sợi dây thì khô lắm rồi. Mình đi tìm vài cục đá lửa, dùng kiếm đánh lửa xem sao.

Trương Thúy Sơn nói:

– Đúng đấy!

Chàng cuộn sợi dây vào, xé tưa một đầu thành nhiều sợi nhỏ, làm bùi nhùi. Xung quanh có rất nhiều đá lửa, nhặt mấy hòn, dùng kiếm đập vào tức thời tóe ra mấy tia lửa, bắn vào bùi nhùi, thử mươi lần thì được lửa.

Hai người mừng rỡ ôm lấy nhau reo to. Sợi dây giữ lửa rất đượm, hai người hớn hở mang về hang. Ân Tố Tố gom củi nhóm thành một đống lửa lớn.

Có lửa, mọi việc đều xong, nào làm cho băng tan, nào nướng thịt, sấy thịt. Từ ngày đắm thuyền đến nay, họ chưa được ăn nóng, bây giờ lần đầu có miếng thịt nướng thơm nức, họ ăn một cách thèm khát, tựa hồ nuốt luôn cả lưỡi xuống bụng.

Đêm ấy trong hang hương hoa thoang thoảng, ánh lửa chập chờn. Từ hôm kết thành phu thê, đêm nay hai người mới hưởng cái thú động phòng thanh xuân.

Sáng hôm sau, Trương Thúy Sơn ra khỏi hang, đưa mắt nhìn ra xa, trong lòng đang khoan khoái, bỗng thấy trên một tảng đá ven biển xa xa nổi lên một bóng người sừng sững.

Người đó không phải Tạ Tốn thì là ai? Trương Thúy Sơn vô cùng hoảng sợ, những tưởng sau khi cùng Ân Tố Tố trải qua một phen đại nạn, hai người sẽ được an cư trên hòn đảo này, nào ngờ gã ma đầu kia cũng mò tới đây. Trong giây lát chàng như hóa đá, đứng ngây ra không dám cử động, nhìn Tạ Tốn lảo đảo sờ soạng tiến vào sâu trong đất liền. Hẳn là từ hôm bị mù, lão không thể bắt cá hoặc săn hải cẩu, phải nhịn đói tới giờ. Đi được vài trượng, lão bị vấp, ngã chúi về phía trước, cứ thế nằm phục dưới đất.

Trương Thúy Sơn trở vào hang, Ân Tố Tố thấy chàng, nũng nịu gọi:

– Ngũ ca, chàng…

Thấy sắc diện nghiêm trọng của chàng, nàng không nói nữa. Trương Thúy Sơn nói:

– Lão họ Tạ cũng tới rồi!

Ân Tố Tố giật mình, bật dậy hỏi nhỏ:

– Lão có nhìn thấy chàng không?

Chợt nhớ Tạ Tốn đã mù, nên nàng bớt sợ hẳn, nói:

– Hai ta mắt sáng, chẳng lẽ không đối phó nổi một lão mù?

Trương Thúy Sơn gật đầu, nói:

– Lão đói quá, nằm ngất xỉu rồi.

Ân Tố Tố nói:

– Thử ra xem.

Nàng xé tay áo ra bốn mảnh vải nhỏ, nhét hai mảnh vào tai Trương Thúy Sơn, hai mảnh vào tai mình, tay phải nàng lăm lăm trường kiếm, tay trái thủ sẵn mấy cái ngân châm, cùng chàng ra ngoài hang.

Hai người đến cách Tạ Tốn bảy tám trượng, Trương Thúy Sơn nói to:

– Tạ tiền bối, có đói không?

Tạ Tốn bỗng dưng nghe thấy tiếng người, vừa kinh ngạc, vừa vui mừng, nhưng nhận ra giọng của Trương Thúy Sơn, liền sa sầm mặt, hồi lâu mới gật đầu. Trương Thúy Sơn vào hang mang ra một tảng thịt gấu đã nướng chín từ tối qua, đứng xa xa ném tới, nói:

– Hãy đón lấy này!

Tạ Tốn nhỏm dậy, nghe gió nhận biết sự vật, giơ tay đón tảng thịt rồi thong thả nhai từng miếng nhỏ.

Trương Thúy Sơn nghĩ lão là một đại hán oai hùng như rồng như cọp, nay bị cái đói cái khát làm cho suy nhược thảm hại thì bất giác cảm thấy thương hại. Ân Tố Tố thì nghĩ thầm: “Ngũ ca thật quá nhân từ, cứ mặc lão ta chết quách đi, có phải đỡ rắc rối không? Lần này cứu sống lão ta, chỉ e rồi đây phiền não vô cùng, không chừng hai ta còn mất mạng bởi lão ta”. Song nghĩ nàng đã lập trọng thệ, quyết ý theo Trương Thúy Sơn làm người tốt, nên tuy trong bụng có ý không muốn cứu người, cũng chẳng dám nói ra.

Tạ Tốn ăn hết nửa tảng thịt thì nằm xuống ngủ, ngáy khò khò. Trương Thúy Sơn nhóm cho lão một đống lửa ở bên cạnh.

Tạ Tốn ngủ hơn một canh giờ thì tỉnh dậy, hỏi:

– Đây là đâu vậy?

Trương Ân hai người đang canh gần đó, thấy lão nhỏm dậy, mở miệng hỏi, bèn móc vải ở tai bên phải ra để nghe cho rõ, nhưng tay phải vẫn giữ cách tai chỉ vài tấc, đề phòng khi cần sẽ bịt tai lại tức thì mảnh vải bên tai trái vẫn để nguyên. Trương Thúy Sơn nói:

– Đây là một hoang đảo ở Bắc Cực.

Tạ Tốn “ừm” một tiếng, trong lòng nổi lên vô số ý nghĩ, lão thừ người hồi lâu, rồi nói:

– Như thế chúng ta không trở về được nữa!

Trương Thúy Sơn nói:

– Cái đó còn tùy ý ông Trời.

Tạ Tốn chửi liền:

– Ông Trời cái gì, đồ tặc thiên, đồ cẩu thiên, cường đạo lão thiên thì có!

Đoạn lão sờ soạng đến ngồi trên một phiến đá, ăn nốt miếng thịt gấu, hỏi:

– Các ngươi định đối xử với ta thế nào?

Trương Thúy Sơn đưa mắt nhìn Ân Tố Tố, chờ nàng lên tiếng. Ân Tố Tố đưa tay làm hiệu, ý nói mọi việc tùy chàng quyết định.

Trương Thúy Sơn trầm ngâm giây lát, rồi nói to:

– Tạ tiền bối, phu thê vãn bối…

Tạ Tốn gật đầu:

– Ừm, thành phu thê rồi đấy.

Ân Tố Tố đỏ mặt, nhưng có vẻ đắc ý, nói:

– Cũng có thể coi tiền bối là người làm mai, vậy xin đa tạ tiền bối đã tác thành.

Tạ Tốn hừ một tiếng, hỏi:

– Thế phu thê nhà ngươi định đối với ta sao đây?

Trương Thúy Sơn nói:

– Chúng tôi làm cho tiền bối bị mù, quả thật khó nghĩ, nhưng sự đã rồi, có nói muôn ngàn lời cũng vô ích. Ý trời đã muốn chúng ta sống chung với nhau trên hoang đảo này, xem chừng cả đời cũng không còn dịp trở về Trung thổ, vậy hai chúng tôi sẽ phụng dưỡng tiền bối suốt đời.

Tạ Tốn gật đầu, thở dài:

– Thì đành thế vậy.

Trương Thúy Sơn nói:

– Phu thê chúng tôi nghĩa trọng tình thâm, sống chết có nhau, tiền bối nếu bệnh điên tái phát, hại một trong hai chúng tôi thì người kia quyết không sống làm gì nữa.

Tạ Tốn nói:

– Nghĩa là ngươi muốn nói với ta rằng nếu hai ngươi chết, ta mù lòa thế này thì cũng chẳng thể sống nổi trên hoang đảo chứ gì?

Trương Thúy Sơn nói:

– Đúng vậy!

Tạ Tốn nói:

– Đã thế, các ngươi hà tất còn phải đút nút tai trái?

Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố nhìn nhau cười, moi giẻ trong tai ra, cùng kinh hãi nghĩ thầm: “Lão ta tuy mù lòa, song tai quá thính, tựa hồ có thể dùng tai thay mắt, hơn nữa lại thông minh cơ trí, liệu sự như thần, nếu không phải đang ở trên hoang đảo kỳ quái vùng Bắc Cực này, vị tất lão đã cần đến mình phụng dưỡng”.

Trương Thúy Sơn mời Tạ Tốn đặt tên cho hòn đảo này. Tạ Tốn nói:

– Đảo này đã có băng giá vạn niên, lại có hỏa diệm sơn muôn đời chưa tắt, vậy hãy gọi nó là Băng Hỏa đảo.

Từ đó ba người sống trên Băng Hỏa đảo khá bình yên vô sự. Cách hang gấu nửa dặm có một cái hang nhỏ hơn, vợ chồng Trương Thúy Sơn sắp xếp thành nơi ở rồi đưa Tạ Tốn tới đó. Ngoài thời gian bắt cá săn thú, phu thê họ còn nung đất làm chén bát, đắp đất làm lò, các vật dụng tuy thô sơ nhưng khá đầy đủ.

Tạ Tốn cũng không trò chuyện với hai người, chỉ ngồi ôm thanh đao Đồ Long, cúi đầu suy tư. Trương Ân hai người có lần thấy lão đáng thương, khuyên lão khỏi cần suy nghĩ về bí mật của thanh đao làm gì nữa cho khổ. Tạ Tốn nói:

– Ta thừa hiểu dù có tìm ra bí mật của thanh đao này, thì ở hoang đảo cũng hoàn toàn vô dụng, thế nhưng biết làm gì cho qua ngày đoạn tháng đây?

Hai người thấy lão nói có lý, cũng không khuyên can nữa.

Thấm thoắt đã mấy tháng, một hôm Trương Ân hai người nắm tay nhau đi du ngoạn về phía bắc của hòn đảo, hóa ra đảo này chu vi quá lớn, cứ trải dài lên phía bắc mãi, chưa biết đâu là tận cùng. Đi hơn hai mươi dặm, họ gặp một khu rừng rậm, cây cổ thụ cao vút che phủ bầu trời. Trương Thúy Sơn muốn đi sâu vào rừng thám hiểm, Ân Tố Tố lo sợ, nói:

– Đừng, lỡ trong rừng có gì cổ quái, thôi mình đi về là hơn.

Trương Thúy Sơn thấy hơi lạ, nghĩ thầm: “Tố Tố lâu nay vốn hiếu kỳ, sao gần đây có vẻ uể oải, khởi xướng việc gì nàng cũng gạt đi thế nhỉ?” Nghĩ đến đây, chàng hơi lo, bèn hỏi:

– Nàng có gì không được khỏe thì phải?

Ân Tố Tố bỗng đỏ mặt, nói nhỏ:

– Đâu có sao.

Trương Thúy Sơn thấy thần sắc nàng rất lạ, cứ gặng hỏi. Ân Tố Tố nửa cười nửa không, nói:

– Ông Trời thấy chúng mình tịch mịch quá, nên phái một người xuống làm trò vui nhộn đấy mà.

Trương Thúy Sơn ngẩn người, cả mừng, hỏi:

– Mình có con phải không?

Ân Tố Tố vội nói:

– Nói nhỏ thôi, kẻo người ta nghe thấy bây giờ.

Rồi nàng bật cười; giữa chốn hoang sơn tịch mịch này, làm gì có người thứ ba.

Khí hậu biến đổi, ngày ngắn dần mà đêm dài ra, sau đó ngày chỉ còn hai canh giờ là trời sáng, thời tiết cũng mỗi lúc một thêm lạnh giá. Ân Tố Tố từ khi mang thai cũng lười biếng hơn, nhưng các việc nấu nướng, khâu vá thì vẫn siêng năng.

Hôm đó, mười tháng mang thai sắp mãn, hai vợ chồng đốt lửa trong hang, ngồi tựa vào nhau trò chuyện. Ân Tố Tố nói:

– Chàng thử đoán xem mình sẽ sinh con trai hay con gái nào?

Trương Thúy Sơn nói:

– Con trai giống ta, con gái giống nàng, con trai hay con gái đều được cả.

Ân Tố Tố nói:

– Không, thiếp muốn con trai kia. Chàng hãy chọn cho con một cái tên đi.

Trương Thúy Sơn ậm ừ, hồi lâu không nói gì. Ân Tố Tố hỏi:

– Mấy bữa nay chàng có tâm sự gì vậy? Muội thấy chàng dường như đang lo lắng thì phải.

Trương Thúy Sơn nói:

– Có gì đâu, chắc là sắp được làm cha nên ta sướng quá hóa ra hồ đồ một chút.

Câu này vốn là nói đùa cho vui nhưng vẻ mặt chàng không giấu nổi vẻ ưu tư. Ân Tố Tố dịu dàng nói:

– Chàng đừng giấu thiếp nữa, thiếp chỉ thêm lo. Chàng thấy có điều gì không ổn phải không?

Trương Thúy Sơn thở dài, nói:

– Chỉ mong là ta đa nghi. Ta thấy mấy bữa rày, thần sắc lão Tạ có vẻ bất thường.

Ân Tố Tố kêu “ôi” một tiếng, nói:

– Thiếp cũng thấy thế! Sắc diện lão ta càng lúc càng hung dữ, hình như lại sắp nổi điên.

Trương Thúy Sơn gật đầu, nói:

– Chắc lão nghĩ không ra bí mật của thanh đao Đồ Long, nên hóa buồn bực mà thế.

Ân Tố Tố nước mắt lưng tròng, nói:

– Vợ chồng mình có cùng chết với lão một lượt cũng chẳng sao, có điều… đằng này…

Trương Thúy Sơn nắm vai nàng, an ủi:

– Nàng nói đúng, chúng mình có con rồi, không thể liều chết với lão được. Lão tử tế thì thôi. Nếu hành hung tác ác, mình chỉ còn cách đành phải giết lão. Dẫu sao lão cũng mù lòa, không làm gì nổi chúng mình đâu.

Ân Tố Tố từ ngày mang thai không hiểu sao tự nhiên trở nên nhân từ. Hồi còn là thiếu nữ, một lúc giết cả chục mạng người nàng cũng không coi vào đâu, giờ đây làm thịt một con thú nàng cũng không nỡ. Có lần Trương Thúy Sơn bắt được một con hươu mẹ, con hươu con chạy theo về tận hang này, Ân Tố Tố đòi thả con mẹ ra, dù sau đó ba người phải ăn trái cây dại mấy ngày. Lúc này nghe Trương Thúy Sơn nói phải giết Tạ Tốn, nàng bất giác run lên.

Ân Tố Tố đang tựa vào người Trương Thúy Sơn, nên lúc run, chàng nhận biết ngay. Chàng nhìn vẻ hiền dịu của nàng, cười nói:

– Chỉ mong lão ta không nổi điên. Mình không rắp tâm hại người, song phải đề phòng mới được.

Ân Tố Tố nói:

– Đúng thế. Nếu lão ta lại phát điên, mình có cách gì chế ngự không? Hay là khi chuẩn bị thức ăn cho lão, mình bỏ độc dược vào… không, không, có lẽ lão không phát điên đâu, chúng mình đa nghi quá đấy thôi.

Trương Thúy Sơn nói:

– Ta có cách này. Từ mai trở đi, mình dời vào sâu trong hang, bên ngoài đào một cái hào sâu, trên trải da và đất mềm.

Ân Tố Tố nói:

– Cách ấy kể cũng hay, nhưng ngày ngày chàng ra ngoài săn bắt, lỡ bị lão ta hành hung…

Trương Thúy Sơn nói:

– Ta một mình bỏ chạy dễ dàng, hễ thấy tình huống nguy nan, ta chạy lên mấy mỏm đá tai mèo, lão bị mù đuổi sao nổi?

Sáng sớm hôm sau, Trương Thúy Sơn bắt tay đào một cái hố sâu trước hang. Không có cuốc xẻng, phải bẻ cành cây làm dụng cụ, tốn sức mà kết quả chẳng là bao. May nhờ nội lực thâm hậu, bảy ngày sau chàng cũng vất vả đào xong một cái hố sâu ba trượng.

Thấy Tạ Tốn thần sắc ngày càng có vẻ bất thường, chốc chốc lại múa thanh đao Đồ Long như điên, Trương Thúy Sơn càng gắng đào sâu thêm, dự tính đến độ sâu năm trượng, sẽ cắm chông dưới đáy. Hố này trên rộng dưới hẹp, Tạ Tốn không tiến vào hang xâm phạm Ân Tố Tố thì thôi, nếu tiến vào ắt sẽ sa xuống hố. Cạnh hố chất sẵn không ít hòn đá lớn, khi lão sa xuống hố, sẽ dùng đá mà ném.

Xế trưa hôm đó, thấy Tạ Tốn cứ đi đi lại lại ở bên ngoài, cách cửa hang dăm trượng. Trương Thúy Sơn không dám tiếp tục đào, sợ lão nghe tiếng động sinh nghi ngờ. Chàng cũng không dám đi xa săn thú, chỉ thủ ở bên cạnh, theo dõi động tĩnh. Chỉ nghe Tạ Tốn luôn mồm thoá mạ, từ ông Trời đến Phật tổ tây phương, Quan Âm Đông Hải, Ngọc hoàng trên trời đến Diêm vương dưới đất, tiếp đó lão chửi rủa từ Tam hoàng Ngũ đế đến Nghiêu Thuấn Vũ Thang, Tần hoàng Đường tông, văn thì Khổng Mạnh, võ thì Quan Nhạc[34], bất kể đại thánh hiền, đại anh hùng đều bị lão chửi rủa thậm tệ. Tạ Tốn là người có học, nên khi nghe lão ta chửi bới, Trương Thúy Sơn thấy có nhiều câu khá thú vị.

Bỗng Tạ Tốn chửi tới các nhân vật võ lâm, từ Hoa Đà sáng tạo Ngũ Cầm Hí, tới Đạt Ma tổ sư của phái Thiếu Lâm, Thần quyền tán thủ của Nhạc Vũ Mục, ai và thứ gì cũng bị lão chửi tuốt. Có điều là lão không chửi suông, mà mỗi môn phái lão đều vạch rõ khuyết điểm, thiếu sót đâu ra đấy, hễ chửi là đúng. Nghe lão chửi từ đời Đường đời Tống, đến Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, Trung Thần Thông cuối thời Nam Tống, đến Quách Tĩnh, Dương Quá, sau cùng chửi thậm tệ tổ sư phái Võ Đang Trương Tam Phong.

Lão chửi ai cũng mặc, đằng này lão nhục mạ Trương Tam Phong, bảo Trương Thúy Sơn làm sao nhịn nổi? Chàng toan lên tiếng đốp lại, đột nhiên Tạ Tốn thét lớn:

– Trương Tam Phong không ra gì, đệ tử Trương Thúy Sơn của hắn càng chẳng ra gì, ta phải bóp chết con vợ nó cái đã!

Đoạn lão xông tới, vượt qua bên cạnh Trương Thúy Sơn, xông vào hang.

Trương Thúy Sơn vội đuổi theo, chỉ nghe “hịch” một tiếng, Tạ Tốn đã sa xuống hố. Thế nhưng đáy hố chưa cắm chông, lão chưa bị thương, chỉ vì bất ngờ mà kinh hoảng thôi. Trương Thúy Sơn dùng ngay cành cây đang cầm, thấy Tạ Tốn từ dưới hố leo lên, chàng giáng mạnh xuống đầu lão ta. Tạ Tốn nghe tiếng gió, quơ tay trái chộp được cành cây, giật mạnh một cái. Trương Thúy Sơn cầm không chắc, cành cây tuột khỏi tay. Cú giật của Tạ Tốn rất mạnh, khiến hổ khẩu Trương Thúy Sơn bị rách, lòng bàn tay bị xước tóe máu. Tạ Tốn thì theo thế giật lại tụt xuống đáy hố.

Lúc này Ân Tố Tố đang trở dạ, nàng đau bụng đã nửa ngày, thoạt tiên thấy Tạ Tốn đi lại bên ngoài hang, nàng không dám nói cho phu quân biết việc mình trở dạ, sợ Tạ Tốn nghe được sẽ tìm cách gây sự sớm hơn. Bây giờ thấy tình thế nguy cấp, nàng cố nén cơn đau xé ruột, nhấc thanh trường kiếm đặt bên cạnh ném cho Trương Thúy Sơn.

Trương Thúy Sơn chụp lấy cán kiếm, nghĩ thầm: “Tạ Tốn võ công cao hơn ta quá nhiều, lão nhảy lên mà ta chém xuống, thì thể nào thanh kiếm cũng bị lão đoạt mất ngay”. Trong lúc nguy cấp, chàng bèn nghĩ cách: “Lão mù lòa, sở dĩ đoạt được vũ khí của ta là nhờ nghe tiếng gió mà vũ khí phát ra”.

Vừa lúc ấy, Tạ Tốn cười ha hả, lại tung mình nhảy lên. Trương Thúy Sơn nhắm chính xác đường lên của lão, chĩa mũi kiếm đúng đầu lão, giữ nguyên bất động. Tạ Tốn phóng người lên, thế phóng cực mạnh, đâm đầu vào đúng mũi kiếm chờ sẵn, vì thanh kiếm bất động, vô thanh vô tức, nên dẫu võ công cao siêu đến mấy, lão cũng không thể biết. Chỉ nghe “phập” một tiếng, Tạ Tốn rú lên, mũi kiếm đã đâm vào trán lão, sâu hơn một tấc. Phải nói lão ứng biến cực nhanh, mũi kiếm vừa chạm vào đầu, lão liền ngả đầu ra phía sau, đồng thời sử gấp công phu “Thiên cân trụy” rơi xuống hố. Giả dụ lão biến chiêu chậm một chút, mũi kiếm đâm thẳng vào óc thì lão đã chết tươi. Tuy thoát chết, song lão cũng đã bị trọng thương, máu chảy ròng ròng trên mặt, thanh kiếm cắm ở trán vẫn còn rung động.

Tạ Tốn rút bật thanh kiếm ra, xé vạt áo buộc vết thương, thấy choáng váng đầu óc, mắt hoa, tự biết bị thương không nhẹ, bệnh điên nổi lên, lão rút thanh đao Đồ Long bên thắt lưng ra, múa vù vù bảo vệ đỉnh đầu, lại nhảy lên lần thứ ba. Trương Thúy Sơn vác các hòn đá ném xuống, đều bị thanh đao gạt ra, chỉ thấy đao hoa như tuyết, hàn quang loang loáng. Tạ Tốn nhảy được lên khỏi hố, tiến thẳng vào hang. Trương Thúy Sơn lùi dần từng bước, đau đớn nghĩ rằng hôm nay chàng và Ân Tố Tố sẽ táng mạng mà không được nhìn thấy đứa con chào đời.

Tạ Tốn sợ Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố lẻn qua chỗ lão mà ra khỏi hang thì lão không thể đuổi kịp, bèn tay phải cầm thanh đao, tay trái cầm trường kiếm, sử dụng những chiêu số khống chế một phạm vi thật rộng, bao trùm hơn hai trượng vuông, tin chắc hai người không tài gì thoát ra.

Bỗng “oa, oa!” từ trong hang truyền ra tiếng khóc hài nhi, Tạ Tốn sửng sốt, tức thời dừng bước, tiếng hài nhi chào đời cứ oa oa liên tiếp.

Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố biết đại nạn lâm đầu, nhưng họ bất chấp, không thèm để ý đến Tạ Tốn mà chỉ chăm chú ngắm hài nhi vừa lọt lòng, đó là một bé trai cứ liên tục vùng vẫy tay chân, tiếng khóc rất to. Trương Ân hai người thừa biết Tạ Tốn chỉ cần một đao chém tới thì phu thê họ và hài nhi cùng bỏ mạng tức thời. Họ không nói nửa lời, mắt cũng không nhìn ngang, trong lòng thầm đa tạ ông Trời đã cho phu thê họ có dịp nhìn thấy hài nhi sơ sinh, được ngắm nó thêm giây lát nào là hưởng diễm phúc giây lát ấy. Phu thê họ đã mãn nguyện, không nghĩ gì đến số phận của mình, nếu giữ được mạng sống cho hài nhi thì tốt nhất, nhưng họ biết chẳng có hi vọng nên cũng chẳng trông mong.

Hài nhi sơ sinh vẫn khóc oa oa rất to. Đột nhiên lương tri của Tạ Tốn trỗi dậy, cuồng tính dịu hẳn đi, đầu óc trở nên tỉnh táo sáng suốt, nhớ lại hôm cả gia đình mình bị sát hại, vợ lão mới sinh hài nhi được ít ngày, rốt cuộc cả đứa bé sơ sinh cũng không thoát khỏi độc thủ của địch. Tiếng khóc oa oa lúc này gợi lão nhớ tới bao nhiêu chuyện cũ: sự ân ái của phu thê, sự hung tàn của kẻ địch, cảnh hài nhi vô tội bị quật chết thành một đám thịt bầy nhầy, sự lênh đênh cô khổ của lão, sự khổ công luyện võ mà vẫn chưa cách gì báo hận, nay tuy đã có thanh đao Đồ Long nhưng chưa tìm ra bí mật của nó… Lão đứng ngẩn ngơ xuất thần, vẻ mặt lúc thì hiền dịu vui tươi, lúc lại nghiến răng trợn mắt.

Trong giây lát trước đó, cả ba người lâm vào tình thế một mất một còn, nhưng ngay từ tiếng khóc oa oa đầu tiên của hài nhi, cả ba bỗng dưng cùng toàn thần chú tâm vào đứa bé.

Tạ Tốn đột nhiên hỏi:

– Con trai hay con gái?

Trương Thúy Sơn nói:

– Là con trai.

Tạ Tốn nói:

– Tốt lắm. Thế đã cắt rốn chưa?

Trương Thúy Sơn nói:

– Phải cắt rốn ư? À, phải rồi, phải rồi, quên biến đi mất.

Tạ Tốn quay ngược thanh kiếm, đưa phía cán ra. Trương Thúy Sơn nhận kiếm, cắt rốn cho đứa bé, bấy giờ mới nghĩ đến việc Tạ Tốn đang ở ngay bên cạnh, song lão ta không hề động thủ nên chàng lấy làm lạ, ngoảnh nhìn lão, thấy vẻ mặt của lão đầy vẻ quan hoài, tựa hồ lão sẵn sàng giúp một tay không bằng.

Ân Tố Tố nói, giọng yếu ớt:

– Để thiếp bế con.

Trương Thúy Sơn trao đứa bé vào lòng Ân Tố Tố. Tạ Tốn lại nói:

– Ngươi đã đun nước để tắm cho bé chưa?

Trương Thúy Sơn bật cười, nói:

– Tại hạ thật hồ đồ, chẳng chuẩn bị gì cả, làm cha thế này thật vô dụng.

Nói xong định chạy đi đun nước, nhưng vừa dợm bước, thấy thân hình cao lớn của Tạ Tốn sừng sững trước đứa bé, chàng sợ run lên. Tạ Tốn nói:

– Thôi ngươi ở lại săn sóc phu nhân và hài nhi, để ta đi đun nước cho.

Lão giắt thanh đao vào thắt lưng, đi ra khỏi hang, lúc tới bên cái hố thì nhẹ nhàng nhảy qua.

Lát sau quả nhiên Tạ Tốn đã bưng một chậu nước nóng vào, Trương Thúy Sơn tắm cho đứa bé. Tạ Tốn nghe tiếng khóc to của nó, hỏi:

– Bé giống cha hay giống mẹ?

Trương Thúy Sơn mỉm cười nói:

– Có vẻ giống mẹ nhiều hơn, không mập, mặt trái xoan.

Tạ Tốn thở dài, thấp giọng nói:

– Chỉ mong sau này khôn lớn, đa phúc đa thọ, ít gặp khổ nạn.

Ân Tố Tố nói:

– Tạ tiền bối thấy tướng mạo cháu bé không được tốt hay sao?

Tạ Tốn nói:

– Không phải thế. Có điều là nếu nó giống phu nhân thì sẽ quá tuấn mỹ, e rằng phúc trạch sẽ không nhiều, sau này bước vào đời dễ gặp nhiều tai ách.

Trương Thúy Sơn cười nói:

– Tạ tiền bối nghĩ quá xa, bốn chúng ta ở hòn đảo Bắc Cực này, sống đến già ở đây, làm gì còn có chuyện bước vào đời nữa?

Ân Tố Tố vội nói:

– Không, không! Chúng ta người lớn có thể không về, nhưng thằng bé này chẳng lẽ để nó lênh đênh cô khổ suốt đời trên hoang đảo? Vài chục năm nữa, ba chúng ta chết rồi, nó làm bạn với ai? Khi nó trưởng thành, làm sao lấy vợ sinh con?

Nàng từ nhỏ nhiễm tính cha, trong Thiên Ưng giáo toàn chứng kiến những sự độc ác, tàn bạo, cho nên bước vào đời hành sự cũng theo cách đó, coi là sự thường. Từ khi kết thành phu thê với Trương Thúy Sơn, nàng dần dà hướng thiện, hôm nay lại được làm mẹ, lòng nhân ái nảy sinh, nên toàn tâm toàn ý nghĩ đến con.

Trương Thúy Sơn buồn bã nhìn Ân Tố Tố, đưa tay vuốt tóc nàng, nghĩ thầm: “Hoang đảo này cách xa Trung thổ hàng vạn dặm, làm sao về được?” Nhưng chẳng nỡ làm cho nàng đau lòng, nên không nói ý nghĩ đó ra.

Tạ Tốn bỗng nói:

– Trương phu nhân nói đúng lắm. Ba chúng ta coi như xong đời, nhưng sao lại để đứa bé chết già trên hoang đảo, không được hưởng niềm hoan lạc của thế gian? Trương phu nhân, ba người mình phải dốc hết trí lực, thể lực, làm sao đưa cháu bé về Trung thổ.

Ân Tố Tố cả mừng, run rẩy đứng lên. Trương Thúy Sơn vội giơ tay đỡ nàng, lo lắng nói:

– Tố Tố, nàng làm gì vậy, cứ nằm nghỉ đã.

Ân Tố Tố nói:

– Không, ngũ ca, vợ chồng mình phải khấu đầu lạy tạ đại ân đại đức của Tạ tiền bối.

Tạ Tốn xua tay, nói:

– Đừng, đừng làm thế, cháu bé đã được đặt tên chưa?

Trương Thúy Sơn nói:

– Chưa, tiền bối học vấn uyên bác, xin hãy cho hài nhi một cái tên.

Tạ Tốn trầm ngâm nói:

– Ừm, phải đặt một cái tên thật hay, để ta nghĩ xem đã…

Ân Tố Tố chợt nghĩ thầm: “Chẳng lẽ quái nhân này lại yêu trẻ đến thế, nếu lão coi đứa bé như con mình, thì đứa bé sống trên đảo này sẽ không sợ lão sát hại, dù lão có nổi cơn điên, chắc cũng sẽ không hạ độc thủ”, bèn nói:

– Tạ tiền bối, tiểu nữ vì hài nhi này mà khẩn khoản cầu xin tiền bối một việc.

Tạ Tốn hỏi:

– Việc gì?

Ân Tố Tố nói:

– Xin tiền bối nhận hài nhi làm nghĩa tử! Lớn lên, nó sẽ phụng dưỡng tiền bối như thân sinh phụ thân. Có tiền bối che chở, nó sẽ không sợ bị ai ăn hiếp. Ngũ ca, chàng thấy có được chăng?

Trương Thúy Sơn hiểu ngay mối lo của nàng, nói:

– Hay lắm! Hay lắm! Tạ tiền bối, xin hãy chấp nhận lời cầu khẩn của chúng tôi.

Tạ Tốn buồn rầu nói:

– Thân sinh hài tử của ta bị người ta đập chết, thành một đống máu thịt bầy nhầy, các ngươi biết không?

Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố nhìn nhau, cảm thấy điều lão vừa nói lại có vẻ điên khùng, nhưng nghĩ cái cảnh thảm khốc mà lão phải chịu đựng thì cũng không khỏi se lòng. Tạ Tốn nói tiếp:

– Con ta không chết thì năm nay nó mười tám tuổi, ta đem võ công một đời truyền thụ cho nó, hà hà, thì nó cũng chẳng kém gì Võ Đang thất hiệp.

Câu nói đó vừa có vẻ thê lương, vừa có phần cuồng ngạo, trong cái tự phụ lại chứa chất nỗi thương tâm vô hạn. Ân Tố Tố và Trương Thúy Sơn bất giác cảm thấy ân hận: “Giá hôm trước trên núi băng mình không hủy hoại cặp mắt của lão ta, bốn người chung sống ở hoang đảo này, không lo nghĩ gì, chẳng hay lắm ru?”

Ba người im lặng giây lát. Trương Thúy Sơn nói:

– Tạ tiền bối, nếu tiền bối nhận hài nhi này làm nghĩa tử, chúng tôi sẽ cho nó đổi sang họ Tạ.

Tạ Tốn thoáng lộ vẻ vui mừng, nói:

– Ngươi chịu để nó mang họ Tạ ư? Đứa con của ta bị chết, tên nó là Tạ Vô Kỵ đó.

Trương Thúy Sơn nói:

– Nếu tiền bối muốn, thì thằng bé này cũng lấy tên là Tạ Vô Kỵ đi.

Tạ Tốn cả mừng, chỉ lo Trương Thúy Sơn nói rồi sau lại hối hận, bèn hỏi:

– Các ngươi đem con cho ta, còn chính mình thì sao?

Trương Thúy Sơn nói:

– Hài nhi dù họ Trương hay họ Tạ, chúng tôi cũng yêu thương nó. Sau này nó hiếu thuận với song thân, kính ái nghĩa phụ, không phân biệt thân sơ, há chẳng hay lắm sao? Tố Tố, nàng thấy thế nào?

Ân Tố Tố ngần ngại một chút, rồi nói:

– Chàng bảo sao thì là vậy. Hài nhi có thêm một người yêu thương thì càng may cho nó.

Tạ Tốn vái hai người một cái thật dài, nói:

– Vậy Tạ mỗ đa tạ hai vị, cái hận mù mắt, từ nay xóa bỏ. Tạ mỗ tuy mất con, nay lại có con, tương lai Tạ Vô Kỵ dương danh thiên hạ, người đời sẽ biết phụ mẫu của nó là Trương Thúy Sơn, Ân Tố Tố, còn nghĩa phụ của nó là Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn.

Ân Tố Tố ban nãy hơi ngần ngại, vì nàng nghĩ Tạ Vô Kỵ, con của Tạ Tốn, đã bị người ta quật chết thảm khốc, nay con mình lấy tên đó e chẳng lành; nhưng khi thấy Tạ Tốn quá ư sung sướng, hẳn rồi đây lão sẽ cưng chiều thằng bé hết mực, thằng bé sẽ được hưởng rất nhiều may mắn, cái tình mẫu tử nó thế, việc dù nhỏ nhưng miễn có lợi cho con, thì đều hi sinh cả, bèn nói:

– Tiền bối có muốn bế nó một chút không?

Tạ Tốn chìa hai tay ra, bồng đứa bé bằng hai cánh tay, sung sướng quá chảy cả nước mắt, hai tay run run, nói:

– Trương phu nhân… ẵm nó đi, hình dạng ta thế này, nó sợ chết khiếp mất.

Thực ra trẻ sơ sinh đâu biết gì, nhưng lời nói của Tạ Tốn đã chứng tỏ lão yêu thương thằng bé lắm lắm. Ân Tố Tố mỉm cười, nói:

– Tiền bối thích thì cứ bồng nó một lát; sau này tiền bối còn dắt nó đi chơi.

Tạ Tốn nói:

– Hay lắm, hay lắm!

Nghe thằng bé khóc to, lão nói:

– Thằng bé đói rồi, cho nó bú thôi! Ta ra bên ngoài đây.

Thực ra lão mù lòa, Ân Tố Tố có vạch vú cho con bú cũng không sao, nhưng khi lão nổi điên thô bạo bao nhiêu đến khi tỉnh táo lại thành bậc quân tử nho nhã bấy nhiêu.

Trương Thúy Sơn nói:

– Tạ tiền bối…

Tạ Tốn ngắt lời, nói:

– Này, giờ chúng ta đã thành người một nhà, đừng có xưng hô tiền bối hậu bối gì nữa, nghe xa cách lắm. Để ta nói mà nghe, ba chúng ta hãy kết thành kim lan huynh đệ, lợi cả cho thằng bé sau này.

Trương Thúy Sơn nói:

– Các hạ là cao nhân tiền bối, vợ chồng chúng tôi thân phận thua kém quá xa so với tiền bối, sao dám với cao?

Tạ Tốn nói:

– Ồ, là con nhà võ, sao còn cổ hủ thế? Này ngũ đệ, ngũ muội, hai người gọi ta là đại ca, được hay không thì bảo?

Ân Tố Tố cười đáp:

– Để muội gọi đại ca trước cho, hai ta kết thành huynh muội. Nếu ngũ ca còn gọi đại ca là tiền bối thì muội cũng thành tiền bối của ngũ ca!

Trương Thúy Sơn nói:

– Đã thế, tiểu đệ đành phải tuân lệnh đại ca vậy.

Ân Tố Tố nói:

– Ba chúng ta cứ định trước như thế đã. Vài hôm nữa muội khỏe lại, mình sẽ làm lễ cáo tế thiên địa, bái kết nghĩa phụ, nghĩa huynh.

Tạ Tốn cười ha hả, nói:

– Đại trượng phu một lời đã nói, suốt đời không đổi, hà tất phải tế thiên cáo địa? Tặc lão thiên không lo nổi cho chính mình, Tạ Tốn này hận tặc lão thiên vô cùng.

Nói xong hiên ngang đi ra khỏi hang, chỉ nghe vọng vào tiếng cười ha hả đắc ý của lão. Trương Ân hai người từ dạo biết Tạ Tốn đến nay chưa bao giờ thấy lão hoan hỉ như thế.

Từ đó ba người toàn tâm toàn ý nuôi dưỡng thằng bé. Tạ Tốn thời trẻ vốn làm thợ săn, hiệu xưng Kim Mao Sư Vương, kỹ năng săn bắt và thuần dưỡng muông thú là vô song trong thiên hạ. Trương Thúy Sơn miêu tả tỉ mỉ địa hình trên đảo, đưa Tạ Tốn đi một lượt là Tạ Tốn nhớ hết. Từ đó việc săn bắt gấu, hươu do một mình Tạ Tốn lo liệu.

Thấm thoắt mấy năm trôi qua, ba người sống trên đảo bình yên vô sự. Thằng bé không bệnh tật gì, càng lớn càng khỏe mạnh. Trong ba người, hóa ra Tạ Tốn lại cưng chiều nó nhất, mỗi khi nó quá ương ngạnh, Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố định trách phạt nó, Tạ Tốn lại can ngăn. Mấy lần như thế, nó biết có nghĩa phụ che chở nên hễ thấy phụ mẫu nổi giận là lập tức chạy sang cầu cứu Tạ Tốn. Trương Ân hai người chỉ còn còn cách lắc đầu cười nụ, nói đại ca nuông nó quá hóa hư.

Năm Tạ Vô Kỵ lên bốn, Ân Tố Tố dạy nó học chữ. Sinh nhật năm tuổi, Trương Thúy Sơn nói:

– Đại ca, thằng bé học võ được rồi đấy, từ hôm nay đại ca dạy cho nó được chưa?

Tạ Tốn lắc đầu:

– Chưa được, võ công của huynh quá sâu, trẻ con không thể lĩnh hội nổi. Đệ hãy truyền tâm pháp Võ Đang cho nó trước đi, đến năm nó lên tám, huynh sẽ dạy nó. Dạy hai năm thì các ngươi có thể trở về được rồi!

Ân Tố Tố ngạc nhiên hỏi:

– Đại ca nói trở về là về đâu? Về Trung thổ ư?

Tạ Tốn nói:

– Mấy năm nay huynh ngày đêm lưu tâm nghe ngóng hướng gió và thủy lưu, hàng năm, đến thời gian đêm tối dài nhất đều có gió bắc thổi liên tiếp mấy chục ngày đêm. Mình có thể đóng một cái bè gỗ lớn, giương buồm lên, thuận theo gió bắc xuôi bè về nam, nếu tặc lão thiên không phá đám thì các người có thể về đến Trung thổ.

Ân Tố Tố nói:

– Chỉ vợ chồng muội thôi ư? Còn đại ca sao không đi cùng?

Tạ Tốn nói:

– Ta mù lòa, về Trung thổ mà làm gì?

Ân Tố Tố nói:

– Dù đại ca không đi cùng, chúng tôi cũng quyết không bỏ đại ca ở lại một mình. Thằng bé chắc cũng không chịu, thiếu nghĩa phụ, ai cưng chiều nó đây?

Tạ Tốn thở dài:

– Huynh cưng chiều nó mười năm là đủ rồi. Tặc lão thiên vốn hay sinh sự với huynh, nếu thằng bé ở bên huynh quá lâu, chỉ e tặc lão thiên giận nó, giáng họa cho nó mất thôi.

Ân Tố Tố run sợ, mong rằng Tạ Tốn chỉ thuận miệng nói thế thôi, nên cũng không để tâm.

Trương Thúy Sơn truyền thụ cho thằng bé nội công thật căn cơ, nghĩ rằng nó còn nhỏ, chỉ cốt sao khỏe mạnh là đủ, chứ ở trên hoang đảo này thì đánh nhau với ai. Tạ Tốn tuy có nhắc đến việc trở về Trung thổ, nhưng sau đó cũng không lần nào đề cập nữa, xem ra chỉ là cái hứng nhất thời, không thể theo đó mà làm.

Đến năm thứ tám, Tạ Tốn quả nhiên muốn Vô Kỵ theo lão học võ. Khi truyền thụ, lão không gọi Trương Ân hai người đứng bên cạnh xem, mà vợ chồng họ cũng tuân thủ quy củ võ lâm, tránh ra một chỗ thật xa, về sự tiến triển võ công của thằng bé, họ cũng không dò hỏi, tin rằng những gì Tạ Tốn truyền cho đều là tuyệt học cao minh dị thường.

Trên đảo không có gì đáng nhớ, tháng ngày trôi như nước chảy, thắm thoắt lại hơn một năm nữa qua mau.

Từ khi Vô Kỵ ra đời, Tạ Tốn trong lòng đã có chốn ký thác nên không để tâm đến thanh đao Đồ Long nữa. Một đêm nọ Trương Thúy Sơn mất ngủ, nửa đêm ra ngoài tản bộ, dưới ánh trăng thấy Tạ Tốn ngồi xếp bằng trên một tảng đá, tay nắm thanh đao Đồ Long, đang cúi đầu trầm tư. Trương Thúy Sơn giật mình, định tránh đi, nhưng Tạ Tốn đã nghe thấy tiếng chân của chàng, nói:

– Ngũ đệ này, tám chữ “Võ lâm chí tôn, bảo đao Đồ Long” xem ra chỉ là hư vọng.

Trương Thúy Sơn tới gần, nói:

– Trong võ lâm có rất nhiều chuyện hoang đường, người thông minh tài trí như đại ca sao lại quá tin vào mấy truyền thuyết về một thanh đao kia chứ?

Tạ Tốn nói:

– Ngũ đệ có điều chưa biết đấy, huynh từng nghe một vị cao tăng của phái Thiếu Lâm là Không Kiến đại sư nói về việc này rồi.

Trương Thúy Sơn nói:

– Ồ, Không Kiến đại sư ư? Nghe nói đó là sư huynh của chưởng môn phái Thiếu Lâm Không Văn đại sư, viên tịch đã lâu.

Tạ Tốn gật đầu nói:

– Phải, Không Kiến đại sư chết rồi, là do huynh đánh chết đó.

Trương Thúy Sơn cả kinh, nghĩ trong giang hồ có câu “Thiếu Lâm thần tăng, Kiến, Văn, Trí, Tính” là chỉ bốn vị hòa thượng võ công tối cao của phái Thiếu Lâm đương thời Không Kiến, Không Văn, Không Trí, Không Tính; sau nghe tin Không Kiến đại sư viên tịch vì bệnh, không ngờ là bị Tạ Tốn đánh chết.

Tạ Tốn thở dài, nói:

– Không Kiến đại sư quá ư cố chấp, toàn để ta đánh, trước sau không chịu đánh trả, huynh đánh Không Kiến đại sư được mười ba quyền thì đại sư chết.

Trương Thúy Sơn càng thêm kinh hãi, nghĩ thầm: “Người nào chịu nổi một quyền một cước của đại ca mà chưa chết, đã được xếp vào loại đệ nhất cao thủ võ lâm, vậy mà vị thần tăng của phái Thiếu Lâm chịu được tới quyền thứ mười ba, thân thể có lẽ còn hơn thiết thạch”.

Chỉ thấy Tạ Tốn thần sắc thê lương, có vẻ hối hận, hẳn trong vụ này ẩn giấu điều gì rất hệ trọng. Từ dạo chàng kết nghĩa huynh đệ với Tạ Tốn đến nay đã tám năm cùng sống trên hoang đảo, tình như cốt nhục, song đối với vị nghĩa huynh này, dù kính trọng bảy phần vẫn còn ba phần kinh hãi, không dám hỏi nhiều, chỉ lo khơi lại hận cũ của lão.

Tạ Tốn nói tiếp:

– Huynh bình sinh chỉ khâm phục có vài người. Tôn sư Trương chân nhân, huynh ngưỡng mộ đã lâu, nhưng chưa có duyên diện kiến. Còn Không Kiến đại sư quả là một vị cao tăng. Tuy về võ công Không Kiến đại sư chẳng nổi danh như hai sư đệ Không Trí, Không Tính, nhưng dưới mắt huynh thì hai vị sư đệ kia không thể nào sánh kịp Không Kiến đại sư.

Trương Thúy Sơn cũng từng nghe Tạ Tốn bình phẩm về các nhân vật đương thời, phần đông đều bị lão chê bai, ai được lão chửi bới vài câu, đã được coi là nhân vật hạng nhất, được y tán thưởng một lời lại càng hiếm có; nào ngờ nhắc đến Không Kiến đại sư, lão lại tỏ ý khâm phục như vậy, quả thật bất ngờ, chàng nói:

– Có lẽ vì người ẩn cư thanh tu, ít hành tẩu giang hồ, nên tuy võ học cao siêu mà ít ai biết đến.

Tạ Tốn ngẩng mặt lên trời, lẩm bẩm một mình:

– Tiếc thay một vị kỳ sĩ cái thế trong võ lâm như thế, cuối cùng lại để cho ta đánh chết! Không Kiến đại sư tuy võ công cao siêu, song không lợi hại. Nếu dạo đó Không Kiến đại sư xuất thủ trả đòn thì Tạ Tốn này đâu còn mạng sống đến hôm nay?

Trương Thúy Sơn nói:

– Không lẽ võ công của vị cao tăng ấy còn thâm hậu hơn cả đại ca?

Tạ Tốn nói:

– Huynh làm sao bì kịp Không Kiến đại sư? Huynh còn thua xa, thua xa lắm! Đúng là cách nhau một trời một vực!

Lúc nói câu này, sắc diện và giọng nói Tạ Tốn đầy vẻ kính ngưỡng khâm phục.

Trương Thúy Sơn lấy làm lạ, thâm tâm không tin lắm, tự nghĩ ân sư Trương Tam Phong võ công hiếm có trên thế gian, so với Tạ Tốn chỉ e cao hơn nửa bậc, nếu Không Kiến đại sư quả thật so với Tạ Tốn là “một trời một vực”, vậy chẳng lẽ còn cao siêu hơn ân sư hay sao? Chàng cũng biết tuy trong danh tính của Tạ Tốn có chữ “Tốn” là khiêm tốn, song tính cách lão cực kỳ kiêu ngạo, nếu võ công của Không Kiến đại sư không thật sự cao siêu chắc chắn Tạ Tốn không khi nào chịu khâm phục như vậy.

Tạ Tốn tựa hồ đoán biết ý nghĩ của chàng, nói:

– Đệ không tin chứ gì? Được, hãy đi gọi Vô Kỵ lại đây, huynh kể chuyện cũ cho nghe.

Trương Thúy Sơn thầm nghĩ lúc tam canh bán dạ này, Vô Kỵ hẳn đã ngủ say, lay nó dậy để nghe chuyện cũ, đối với thằng bé thật vô ích, nhưng đại ca đã ra lệnh, chàng không thể chối từ, bèn đi vào hang lay gọi con dậy. Vô Kỵ nghe nói nghĩa phụ kể chuyện cũ thì reo lên mừng rỡ khiến Ân Tố Tố cũng dậy theo. Ba người cùng đi ra, ngồi xuống bên Tạ Tốn.

Tạ Tốn nói:

– Hài tử, không lâu nữa ngươi sẽ trở về Trung thổ…

Vô Kỵ ngơ ngác:

– Trở về Trung thổ nghĩa là sao ạ?

Tạ Tốn xua xua tay, ngụ ý đừng ngắt lời lão, rồi nói tiếp:

– Nếu chiếc bè chúng ta làm bị chìm dưới biển khơi, hoặc trôi đi mất tăm thì khỏi nói, coi như hết. Nhưng nếu về được Trung thổ, ta dặn ngươi thế này: tâm địa người đời rất hiểm ác, không được tin bất cứ ai. Trừ phụ mẫu, còn hết thảy mọi người đều rắp tâm hại ngươi. Tiếc rằng thời ta còn nhỏ, không ai nói cho ta biết điều đó. Ôi, mà dù có nói, chắc dạo ấy ta cũng chẳng tin.

“Năm ta lên mười, vì một cơ duyên bất ngờ, ta trở thành môn đệ của một người có võ công cao siêu. Sư phụ của ta thấy ta tư chất cũng khá, nên đem hết tuyệt nghệ truyền thụ cho. Sư đồ ta tình như phụ tử, này ngũ đệ, dạo ấy ta đối với sư phụ cũng ngưỡng mộ kính ái chẳng khác gì ngũ đệ đối với ân sư Trương chân nhân đâu. Năm hai mươi ba tuổi, ta rời sư môn, đi mãi Tây Vực, kết giao với một số bằng hữu rất có danh vọng, được họ quý trọng, coi ta như huynh đệ. Này ngũ muội, lệnh tôn Bạch Mi Ưng Vương thời gian ấy cũng đã kết giao với huynh đó. Rồi ta lấy vợ sinh con, một nhà sum họp hết sức vui vầy.

“Năm ta hai mươi tám tuổi, sư phụ đến thăm gia đình ta mấy ngày, ta rất đỗi vui mừng, toàn gia thành tâm khoản đãi; khi rảnh rỗi, sư phụ lại chỉ giáo thêm cho ta về võ nghệ. Ai ngờ vị cao thủ thành danh trong võ lâm ấy rốt cuộc lại mặt người dạ thú, rằm tháng Bảy năm đó, uống rượu xong, bỗng giở trò cường bạo với thê tử ta…”

Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố cùng kêu “ôi” một tiếng, việc sư phụ cưỡng gian thê thiếp của đệ tử là điều chưa từng xảy ra trong võ lâm, có thể coi là đại ác sự mà cả trời lẫn người đều căm phẫn.

Tạ Tốn kể tiếp:

– Thê tử ta kêu cứu, phụ thân ta nghe tiếng chạy vào buồng, sư phụ ta thấy sự tình bại lộ liền một quyền đánh chết phụ thân ta, sau đó đánh chết luôn mẫu thân ta, đem đứa con ta chưa đầy năm là Tạ Vô Kỵ…

Vô Kỵ nghe nhắc đến tên mình, lấy làm lạ, hỏi:

– Tạ Vô Kỵ à?

Trương Thúy Sơn mắng nó:

– Không được hỏi, để nghĩa phụ kể.

Tạ Tốn nói:

– Phải, con trai ta trùng tên với ngươi, cũng gọi là Tạ Vô Kỵ. Sư phụ ta túm chân nó lên, quật xuống thành một đống máu thịt bầy nhầy.

Vô Kỵ không nhịn được, lại hỏi:

– Nghĩa phụ, thế y… y có sống được không?

Tạ Tốn rầu rĩ lắc đầu:

– Không sống được! Sống sao được!

Ân Tố Tố quay qua phía con, xua xua tay, bảo nó đừng hỏi nữa.

Tạ Tốn lặng người hồi lâu, mới kể tiếp:

– Lúc ấy ta thấy tình cảnh đó, sợ hết hồn, ngây ra chưa biết đối phó thế nào với vị ân sư bình sinh ta kính ái bậc nhất, thì đột nhiên sư phụ đã giáng một quyền vào ngực ta. Ta bàng hoàng đến mức không nghĩ đến việc chống đỡ, trúng một quyền liền ngã lăn bất tỉnh. Lúc tỉnh lại, sư phụ ta đã đi mất, chỉ thấy trong nhà ngổn ngang tử thi, phụ mẫu, thê tử, đệ muội, nô bộc, toàn gia mười ba người, đều chết dưới tay sư phụ. Có lẽ y tưởng rằng một quyền đã đánh chết ta nên không hạ độc thủ nữa.

“Ta bị một trận ốm nặng, sau đó ta khổ luyện võ công, ba năm sau đi tìm sư phụ báo cừu. Nhưng công phu của ta còn thua kém y quá xa, gọi là báo cừu, nào ngờ chỉ chuốc thêm nhục, nhưng món nợ máu mười ba nhân mạng kia, làm sao có thể bỏ qua? Thế là ta tìm kiếm mọi danh sư, luyện tập quên ăn quên ngủ, sự khổ công ấy cũng thành tựu phần nào. Năm năm sau, ta tự cảm thấy công phu đại tiến, lại đi tìm sư phụ. Ai ngờ công phu của ta tuy cao, song tài nghệ của lão ta còn cao hơn nhiều, chuyến báo cừu lần thứ hai, ta bị đánh trọng thương.

“Sau khi hồi phục không lâu, ta có được pho quyền phổ Thất Thương Quyền, đường quyền pháp này uy lực quả không tầm thường. Thế là ta chuyên luyện nội kình theo Thất Thương Quyền, hai năm sau thì quyền kỹ đại thành, tự cho mình đã ngang ngửa với các cao thủ đệ nhất trong thiên hạ. Sư phụ ta nếu không có sự kỳ ngộ nào khác, chắc chắn quyết không thể là địch thủ của ta. Ai ngờ lần thứ ba đi tìm lão ta, thì không thấy y ở chốn cũ nữa. Ta nghe ngóng khắp nơi trong giang hồ, vẫn không tìm ra tung tích lão ta, có lẽ lão ta đã lẩn tránh vào một nơi thâm sơn cùng cốc nào đó, đất trời bao la biết đằng nào mà tìm?

Ta vô cùng tức giận, liền đi gây án khắp nơi, giết người phóng hỏa, việc gì cũng làm. Mỗi vụ án, ta đều lưu lại danh tính của sư phụ ta trên tường!”

Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố cùng kêu “à” một tiếng. Tạ Tốn nói:

– Các ngươi đã biết sư phụ ta là ai rồi chứ?

Ân Tố Tố gật đầu, nói:

– Ồ, hóa ra đại ca là đệ tử của Hỗn Nguyên Tích Lịch Thủ Thành Côn.

Hơn hai năm trước, trong võ lâm đột nhiên xảy ra nhiều sóng gió, từ Liêu Đông đến Lĩnh Nam, trong vòng nửa năm xảy ra hơn ba chục vụ đại án, nhiều hào kiệt nổi danh bỗng dưng bị giết một cách mờ ám, hung thủ lần nào cũng lưu lại trên tường cái tên Hỗn Nguyên Tích Lịch Thủ Thành Côn. Người bị hại nếu không phải là chưởng môn phái, thì cũng là một lão anh hùng quảng giao. Mỗi vụ án đều liên quan đến nhiều người. Chỉ cần một vụ cũng đủ chấn động võ lâm, huống hồ liên tiếp hơn ba chục vụ. Dạo đó Võ Đang thất hiệp cũng được lệnh sư phụ xuống núi xác minh, song không lần ra manh mối. Mọi người đều biết rằng có kẻ cố ý giá họa cho Thành Côn. Hỗn Nguyên Tích Lịch Thủ Thành Côn võ công rất cao, trước nay thanh danh rất tốt, trong số nạn nhân lại có mấy vị bằng hữu thâm giao của Thành Côn, nên các vụ án kia tất nhiên không phải do lão gây ra. Song muốn biết hung thủ là ai, trước tiên cần tìm gặp Thành Côn đã, thế nhưng lão lại bỗng dưng biến mất, không chút tung tích, tăm hơi gì cả. Sau một thời gian náo loạn, hơn ba chục vụ án rồi cũng lắng dần. Tuy có hàng trăm hàng ngàn người muốn báo cừu rửa hận, song không biết hung thủ là kẻ nào, ai nấy đành ghi nhớ trong lòng. Nếu hôm nay Tạ Tốn không thổ lộ chân tướng, hẳn Trương Thúy Sơn cũng không bao giờ biết được nguyên ủy sự việc.

Tạ Tốn nói:

– Ta mạo danh Thành Côn gây án, là nhằm bức lão phải ra mặt, dù lão có rụt cổ rụt đầu như con rùa để trốn tránh, thì cũng có hàng ngàn người trong võ lâm đi tìm lão hỏi chuyện, dĩ nhiên phải hơn là một mình ta tìm kiếm.

Ân Tố Tố nói:

– Kế đó cũng hay, có điều là rất nhiều người vô tội phải chết dưới tay đại ca, thành các oan hồn dưới âm phủ, thật tội nghiệp.

Tạ Tốn nói:

– Thế phụ mẫu thê nhi của ta bị Thành Côn sát hại không phải là những người vô tội cả sao? Không tội nghiệp sao? Huynh thấy trước kia tính muội rất sảng khoái, sống chín năm với ngũ đệ, nay nhiễm phải cái tính ủy mị của hắn mất rồi.

Ân Tố Tố nhìn phu quân một cái, mỉm cười, nói:

– Đại ca, các vụ án kia bất ngờ xảy ra, rồi lẳng lặng chìm đi, sau đó đại ca có tìm thấy Thành Côn hay không?

Tạ Tốn nói:

– Không tìm thấy, không tìm thấy! Sau đó ở Lạc Dương ta gặp Tống Viễn Kiều.

Trương Thúy Sơn kinh ngạc, hỏi:

– Gặp đại sư ca Tống Viễn Kiều của tiểu đệ ư?

Tạ Tốn nói:

– Phải, chính là Tống Viễn Kiều, kẻ đứng đầu Võ Đang thất hiệp. Ta đã gây ra nhiều đại án, làm náo loạn đảo điên cả giới giang hồ, sư phụ ta Hỗn Nguyên Tích Lịch Thủ Thành Côn.

Vô Kỵ nói:

– Nghĩa phụ, lão ta xấu xa như thế, sao nghĩa phụ còn gọi lão ta là sư phụ?

Tạ Tốn cười buồn, nói:

– Ta từ nhỏ gọi thế quen miệng rồi. Vả lại, quá nửa võ công của nghĩa phụ là do lão ta truyền thụ. Tuy lão ta cực kỳ xấu xa tệ hại, nghĩa phụ cũng chả phải người tốt, không chừng mọi cái hay, cái dở của nghĩa phụ đều do lão ta dạy cả, cho nên ta vẫn gọi lão là sư phụ.

Trương Thúy Sơn nghĩ thầm: “Đại ca một đời bị thảm họa, quá căm phẫn, nên hành sự không phân biệt phải trái. Vô Kỵ nghe các chuyện đó, ghi nhớ trong lòng, thì sau này lập thân sẽ rất có hại, vài bữa nữa mình phải giải thích rõ cho nó mới được”.

Tạ Tốn nói tiếp:

– Ta thấy sư phụ nín nhịn, nhất quyết không lộ diện như thế, bèn nghĩ rằng nếu không gây một vụ đại án kinh thiên động địa, thì khó lòng bức lão ta xuất hiện. Hiện nay trong võ lâm có hai phái Thiếu Lâm và Võ Đang được đề cao hơn cả, xem chừng phải giết một đệ nhất cao thủ của phái Thiếu Lâm hoặc phái Võ Đang, may ra mới kiến hiệu. Hôm đó ở Mẫu Đơn viên, bên ngoài quán Thanh Hư ở Lạc Dương, ta thấy Tống Viễn Kiều ra tay trừng trị một tên ác bá, võ công rất cao cường, ta quyết định đêm ấy sẽ giết hắn.

Trương Thúy Sơn nghe vậy thì sợ quá, chàng biết đại sư ca không hề bị Tạ Tốn sát hại, nhưng hình dung tình thế hung hiểm lúc đó, tâm tư không khỏi ghê sợ. Tạ Tốn võ công cao hơn hẳn Tống sư ca, huống hồ một người ở ngoài sáng, một kẻ trong bóng tối, nếu thực sự ra tay, đại sư ca khó bề toàn mạng. Ân Tố Tố cũng biết là Tống Viễn Kiều chưa chết, nói:

– Đại ca, chắc là tự dưng đại ca không nỡ giết người vô tội, chứ nếu đại ca giết Tống đại hiệp, thì Trương ngũ hiệp đây sớm đã liều mạng với đại ca, chứ đâu có kết thành huynh đệ.

Tạ Tốn hừ một tiếng, nói:

– Làm gì có chuyện nỡ hay không nỡ? Nếu là hôm nay, ta nể mặt ngũ đệ, sẽ không gây sự với phái Võ Đang; chứ dạo đó, ta chưa biết ngũ đệ, đừng nói Tống Viễn Kiều, có chính là ngũ đệ bị ta gặp chăng nữa, ta cũng giết đã rồi tính sau.

Vô Kỵ lấy làm lạ, hỏi:

– Nghĩa phụ, tại sao nghĩa phụ lại muốn giết phụ thân con?

Tạ Tốn mỉm cười:

– Là nói giả dụ, chứ không phải muốn giết thật.

Vô Kỵ nói:

– Thì ra vậy.

Thằng bé lúc ấy mới hết lo. Tạ Tốn vuốt tóc nó, nói:

– Tặc lão thiên tuy có nhiều trò tệ hại, nhưng rốt cuộc không để ta giết Tống Viễn Kiều, nếu không, ta và thân phụ ngươi đâu có kết thành huynh đệ.

Ngừng giây lát, Tạ Tốn nói tiếp:

– Tối hôm đó, dùng bữa xong, ta ngồi dưỡng thần. Ta biết Tống Viễn Kiều là kẻ đứng đầu Võ Đang thất hiệp, võ công ắt cao siêu hơn người; nếu giáng một đòn không trúng, để hắn chạy thoát, hoặc hắn chỉ bị trọng thương chứ không chết, thì hành tung của ta sẽ bại lộ, mưu kế bức sư phụ xuất đầu lộ diện hóa thành xôi hỏng bỏng không, hào kiệt khắp thiên hạ sẽ dồn vào đánh ta, dù Tạ Tốn này có ba đầu sáu tay cũng chẳng địch nổi. Ta có chết cũng không sao, nhưng mối huyết hải thâm cừu kia làm sao báo được.

Trương Thúy Sơn nói:

– Thế đại ca tỷ thí với đại sư ca của tiểu đệ, sau đó thế nào? Lạ thật, đại sư ca chẳng kể gì với các sư đệ về vụ đó.

Tạ Tốn nói:

– Tống Viễn Kiều trước sau đâu hay biết chút gì, cả đến sáu chữ Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn e rằng hắn cũng chưa nghe bao giờ, bởi lẽ sau đấy ta không đi tìm hắn nữa.

Trương Thúy Sơn thở phào, nói:

– Đa tạ thiên địa!

Ân Tố Tố cười, nói:

– Sao lại đa tạ tặc lão thiên, tặc lão địa, phải đa tạ Tạ đại ca ngay trước mặt mới đúng chứ!

Trương Thúy Sơn và Vô Kỵ cùng cười.

Comments

comments


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.