Kim Dung, Tạ Tốn và Ỷ Thiên Đồ Long
Nếu con người, với thân phận bé mọn và hữu hạn của mình, đã có lần mơ ước một không gian dàn trải mênh mông, một thời gian không chỉ dừng ở hiện tại mà mang đầy hứa hẹn, thì nó sẽ tìm thấy thỏa thích trong loại truyện võ hiệp Trung Hoa ngày nay. Một đứa bé mười tuổi như Vô Kỵ (truyện Ỷ Thiên Đồ Long ký của Kim Dung) một thân một mình dắt một đứa bé gái nhỏ tuổi hơn mình băng qua vô vàn hiểm nguy rừng núi, ruổi dong vạn dặm chẳng sờn lòng. Một phế nhân vò võ trên gác cổ lâu (truyện Vô Danh Tiêu của Ngọa Long Sinh), tự giam mình hai mươi năm trường để luyện võ công… là những nhân vật đã tự ý bỏ quên ý niệm thời gian, không gian để tự thành; những ý niệm đó vốn giam hãm con người trong cái hữu hạn của mình; quên chúng đi, con người mới tự do khai triển khả năng của mình đến mức cuối cùng.
Hiểu như thế rồi, những tình tiết phần nào thần kỳ hay hoang đường trong loại tiểu thuyết võ hiệp không đáng làm ta bận tâm: tất cả là những mức đến cao xa nhất – khả năng của con người một khi được khuếch sung phải đạt tới – hay ít ra đó là những giấc mơ mà con người đang trên đường quyết tâm thực hiện. Ngàn hải lý có nghĩa gì đâu đối với Kim Hoa bà bà, những ngọn núi cao là cứ điểm của các đại môn phái Thiếu Lâm, Võ Đang, Côn Luân, Minh giáo hay Cái Bang đều là những võ phái giang hồ khắp cùng châu thổ Trung Hoa. Bạch Mi giáo thích lênh đênh trên bể cả. Nếu kinh kỳ là nơi trú đóng của kim vương Mông Cổ để dễ kiểm soát nhân tình, thì nơi cùng cốc thâm sơn là nơi trú thân của những danh tài như Hồ Thanh Ngưu với biệt danh Y tiên hay của những tên bịp bợm chờ thời như Võ Liệt, trong khi đó, ở xa tít mù khơi, tận Bắc cực, Tạ Tốn – đại vương sư tử tóc vàng – ngày ngày nhìn ngắm bể cả và Hỏa Diệm sơn để ôn kinh luyện võ, và trên một hòn đảo khuất tịch, Kim Hoa bà bà, đệ nhất mỹ nhân của võ lâm, cải dạng giấu tên sống một mình. Vô Kỵ sống khắp cùng mọi nơi: sinh ra ở Băng Hỏa đảo, về Trung thổ bị đả thương trầm trọng, muốn chữa bệnh phải lên chùa Thiếu Lâm, kế đó len lỏi đến Hồ Điệp cốc, bị rơi xuống vực sâu sống bốn năm năm, lên núi Võ Đang, xuống đảo Linh Xà, bị nhốt trong đường hầm trên ngọn Quang Minh… Sống chết mất cái vẻ tự nhiên, thiên định mà được quy định bằng những giá trị do con người đặt ra, chính những giá trị này được con người coi nặng hơn chuyện sống, chết. Sự sống không còn là sự trôi chảy đều đặn của thời gian hay thói quen. Trong sự thể hiện bản sắc cá nhân, con người chấp nhận tất cả, sẵn sàng đối phó với tất cả. Chỉ cần sống một khoảng thời gian nào đó là đủ, hay sống không phải để sống mà để chờ đợi. Cái chết cũng không gây nên sự buồn bã bình thường, nên mới có cái chết hùng tráng, có cái chết đẹp, có cái chết ngoài sức tưởng tượng. Trong một mớ nhân vật đông đảo, không nhân vật nào giống nhân vật nào. Một điểm chung cho tất cả nhân vật là ý chí, ai cũng đi hết con đường đã chọn, dù là đường chính hay tà. Ý chí ở đây được hun đúc nhờ sức mạnh. Sức mạnh thay thế luôn cho tư tưởng. Trong một không gian hỗn mang, ô tạp, tư tưởng khó lòng đóng vai trò dàn hòa, thiết lập.
Nhưng không chỉ có sức mạnh trong truyện võ hiệp, bằng không nó chỉ có thể thay thế hỗn mang này bằng hỗn mang khác.
Sứ mạng tái thiết trật tự, khai trừ những phần tử quá khích, hoàn thành những tổng hợp lẻ tẻ trước khi đạt tới tổng hợp tối hậu và tối đại vào hồi chung cục, được đặt vào tay những người thành tâm và hùng tâm. Vô Kỵ là một gương mặt tiêu biểu và xứng đáng hơn cả về phương diện này. Thanh niên này sinh ra ở vùng hoang đảo; mẹ chàng, Ân Tố Tố, được coi như người của một tà phái; cha đẻ của chàng, Trương Thúy Sơn, một con người hành hiệp lỗi lạc của một danh môn chính phái; cha nuôi của chàng, Tạ Tốn, rừng rú hung bạo. Vô Kỵ sẽ mang đủ ấn tích của huyết thống, tính tình của ba người ấy. Suốt đời chàng tâm niệm một điều: trả thù cho cha mẹ đẻ và cho nghĩa phụ. Trên con đường tìm thù, Vô Kỵ gặp phải vô số nhân vật và biến cố trong giới giang hồ. Vô Kỵ thông minh, dũng cảm, cao thâm cả võ thuật lẫn y lý, trọng nghĩa, vị tha, tình cảm, tốt bụng. Bấy nhiêu đức tính, Vô Kỵ bảo toàn dù trải qua muôn ngàn thử thách, hiểm nguy. Về phía bên nội, Vô Kỵ mang dòng máu của chính phái Võ Đang; về phía bên ngoại, Vô Kỵ là người của Bạch Mi giáo, tức là của Minh giáo mà người đời gọi là tà giáo. Cha mẹ chàng đã lấy nhau vì tình, công việc đầu tiên của chàng là hàn gắn những tị hiềm tất hữu giữa chính phái và tà phái. Trên bước đường lưu lạc từ còn tấm bé, Vô Kỵ bắt trí óc non nớt của mình suy nghĩ nhiều về hai chữ chính – tà, để cuối cùng nhận thấy rằng sự phân biệt của người đời chỉ có giá trị lý thuyết xây dựng trên mặc cảm và thành kiến. Đời cho chàng gặp một con người của Minh giáo tên là Thường Ngộ Xuân, một con người chí khí, hào hiệp làm Vô Kỵ xúc động quyết định kết nghĩa kim bằng với y. Với Vô Kỵ vấn đề không phải là tà hay chính. Chỉ có những con người xấu tốt có mặt ở bất cứ nơi nào. Chàng tin tưởng lạc quan vào con người, kể từ bản thân kể đi. Chàng sống trung thực và đem lòng cảm hóa những kẻ lạc đường. Chỉ có Vô Kỵ mới có đủ thẩm quyền đứng ra làm trọng tài cho quần hào và tìm cách hòa giải những dị biệt giữa bọn họ. Trong mục đích này, chàng dẹp tâm sự riêng tư của mình, tạm thời đảm trách chức vụ giáo chủ của Minh giáo. Khi Minh giáo đã tìm được một giáo chủ xuất chúng như Vô Kỵ, không những các thành phần ly khai của Minh giáo trở về quy tập dưới giáo kỳ, mà các đại môn phái khác cũng không dám miệt thị Minh giáo nữa. Do đó, ít lâu sau, tất cả đồng thanh nâng Vô Kỵ lên tột đỉnh danh vọng: đệ nhất cao thủ võ lâm. Từ đây mọi người, bất phân giáo phái, sẽ vâng lệnh Trương Vô Kỵ trong mưu đồ giành lại đất đai của Trung Hoa đang lọt vào tay quân Mông Cổ. Vô Kỵ, trên con đường thực hiện ước nguyện của mình là trả thù cho cha mẹ, đã hoàn thành một tổng hợp vĩ đại nhất mà tư tưởng gia hay chiến lược gia lớn nhất cũng phải bái phục.
Minh giáo quy tụ đủ thành phần của dân gian: nam, nữ, nhà tu, người có tài y học, người giỏi thổ công hay hỏa công, người học binh pháp, kẻ điên khùng, đứa nuôi lòng phản trắc… Không một môn phái nào có thể ô hợp và đông đảo hơn Minh giáo.
Minh giáo phát nguyên từ Ba Tư, nhưng khi truyền vào Trung thổ, tạo cho nó cái uy danh riêng về phương diện nhân tài, võ công cũng như tôn chỉ. Trong hàng ngũ Minh giáo, dưới giáo chủ, mấy người vai vế cao hơn cả là Tả Hữu sứ (hai người) và Tứ Đại pháp vương (bốn người).
Tạ Tốn là một trong bốn vị pháp vương, danh hiệu Kim Mao Sư Vương (chúa sư tử bờm vàng), một nhân vật vô cùng đặc thù, một cuộc sống thể hiện tột độ cái bi đát thống thiết của kiếp người. Vốn là một nhân vật cao vời trong Minh giáo, Tạ Tốn nổi tiếng là con người cổ quái hoang dại, nhưng ân oán tình nghĩa phân minh cho đến ngày đại họa xảy đến cho gia đình, vợ bị hãm hiếp rồi bị giết cùng với gia đình, thủ phạm lại chính là sư phụ của Tạ Tốn.
Đại họa thảm khốc và thương luân bại lý kia làm choáng váng kẻ anh hùng: Tạ Tốn đau đớn quá độ đến nổi điên, đổi thay tâm tính hoàn toàn. Tình sư đệ, nghĩa phu thê đảo lộn, tan nát. Đây chính là ngọn “thất thương quyền” tinh thần mà hoàn cảnh bắt Tạ Tốn chịu đựng.
Từ đây, con người họ Tạ bay chạy khắp cùng, chân tay loạn xạ, gào rú như sư tử rống. Vì nội lực của đại hiệp thâm hậu vô lường, một tiếng rú cất lên, một cánh tay dang ra, là thương tích phải gieo rắc cho người cùng cây cỏ xung quanh. Biết bao nhiêu cây rừng nát thân, bao nhiêu lớp lá rụng lả tả, bao nhiêu người bật máu tai, loạn trí, chỉ vì một tiếng rú của Kim Mao Sư Vương. Tiếng rú bao hàm nội lực kinh thiên động địa, một tiếng thống thiết u uất đến lạnh người. Nỗi bi thương tới độ không diễn tả bằng lời, Tạ Tốn trở thành con sư tử điên tàn sát không nương tay. Hành động điên loạn của Tạ trong thâm căn chỉ nhằm một mục đích duy nhất: đổ tất cả tội lỗi lên đầu Thành Khôn – sư phụ của y – buộc Thành Khôn xuất đầu lộ diện mới mong rửa được đại hận. Thành Khôn càng chậm ra mặt, Tạ Tốn càng ra tay sát hại những người vô tội, đến nỗi cuối cùng không có môn phái nào là không có người bị Tạ Tốn giết hay đả thương. Tạ Tốn là một nhân vật võ lâm phi thường, cách hành sự cũng phi thường. Đến khi cơn điên bộc phát, tất cả dã tính bừng bừng sống dậy. Cái điên của Tạ Tốn vốn có nguyên nhân phức tạp nên hoành hành bừa bãi. Cái điên của Tạ Tốn như cuồng phong nước lũ, ngoài sự gây nên chết chóc còn bắt kẻ bàng quan ngột ngạt, không quan niệm nổi, không chịu đựng nổi. Hành động hỗn loạn của Tạ Tốn là một cách giải tỏa cơn điên, nhưng hỗn loạn chồng chất vỡ bờ lại càng làm cơn điên gia tăng. Hành động giết người và cơn điên của Tạ Tốn trói buộc nhau, vừa tương xung vừa tương liên, vừa đưa Tạ xa quần chúng và lún sâu vào đổ vỡ. Đối với bao nhiêu tội ác do Tạ gây ra, sẽ không thể có cách gì cho phép Tạ trở lại sống cuộc đời bình lặng nổi. Chỉ có cái chết của Tạ Tốn mới lấp được bể thù oán của quần hào. Quần hào tự nhiên liên kết đòi mạng kẻ thù chung. Tạ Tốn điên, nhưng điên phi thường, ý thức hậu quả việc làm của mình chẳng có cái gì làm Tạ kiêng sợ. Chỉ có một sự việc làm chuẩn đích cho đời Tạ Tốn: trả thù. Cũng là trả thù! Những cuộc trả thù vĩ đại nối tiếp nhau, nuôi dưỡng nhau. Bề ngoài những cuộc tàn sát liên miên làm cho ta ngao ngán, thất vọng. Tàn sát là hứa hẹn hỗn mang, thê lương tang tóc. Nhưng trong truyện võ hiệp, sự việc trình bày không tất nhiên như thế. Giữa đấu trường vẫn có trật tự. Đường kiếm, thế đao nào cũng muốn làm rạng rỡ sư môn. Thù hay bạn đều được trọng nếu quả là nhà võ hiệp. Trên tất cả, cái thiên lý sẽ an bài mọi sự. Người đọc có thể ngạt thở, sa sầm trước diễn biến gay cấn của câu chuyện, nhưng an tâm chờ đợi nước cờ phân minh tối hậu.
Vậy ta có thể trông mong một sự trở về trật tự tối thiểu nào ở một Tạ Tốn điên loạn không?
Sau trận giương oai và tàn sát ở Vương Bàn sơn, Tạ Tốn một mình với bảo đao Đồ Long đi tách biệt, trốn giang hồ, luyện thêm võ thuật mưu đồ phục hận. Thời gian này là thời gian tĩnh tâm của họ Tạ, phần nào nhờ đối diện ngày ngày với cảnh bao la vắng ngắt của Bắc cực. Biển gợi lên hình ảnh vô thủy vô chung của trời đất, cái nhỏ bé vô nghĩa của nhân sinh… Hỏa Diệm sơn sôi sục trước mắt Tạ Tốn không khỏi nhắc nhở y bao nhiêu mạng người đã ngã gục, bao nhiêu máu đã đổ vì một tay y. Cái điên của Tạ Tốn bây giờ được ý thức, tổ chức lại. Y sẽ nhờ thanh đao Đồ Long mà luyện võ thâm hậu hơn nữa để đương đầu với kẻ thù độc nhất: Thành Khôn.
Ở Băng Hỏa đảo, Tạ Tốn không hoàn toàn cô độc. Hoàn cảnh bắt buộc y phải đem theo một đôi vợ chồng: Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố, sau này là cha mẹ của Vô Kỵ. Tính tình Tạ Tốn thuần phục dần dà, bắt đầu có những xúc động khi chứng kiến những cảnh bộc lộ tình cảm vợ chồng, cha con giữa ba người kia. Tạ Tốn nhận làm nghĩa phụ của Vô Kỵ. Từ nay Vô Kỵ sẽ là mối ràng buộc thâm thiết nhất của Kim Mao Sư Vương. Sự tỉnh trí của người điên là bắt đầu một cái khổ khác của người điên. Điên trọn đời không khổ cho bằng người điên nửa chừng phản tỉnh. Cho nên Tạ Tốn suốt đời không ngớt dằn vặt: kẻ thù ghê gớm nhất của y chính là y vậy. Tạ Tốn là một kẻ rừng rú tình cảm. Y là nạn nhân của tình cảm. Tình cảm nào của y cũng được đẩy đến chỗ cực đoan. Và nếu có một tình cảm mới lạ nào len lỏi vào con người y, tức thì gây nên sự xúc động nội tâm kịch liệt. Những cơn điên chan hòa nước mắt, những tiếng cười hồn nhiên xen lẫn tràng gào rú thanh thoát của Tạ Tốn ở Băng Hỏa đảo chứa đủ nỗi niềm của một con người khó sống. Trong cơn xung đột giữa ý chí phục thù và tình cảm phụ tử hồi sinh mãnh liệt, Tạ Tốn chọn một thái độ tạm thời khả dĩ chấm dứt xung đột đó: dứt khoát với người thân để sống xa lánh mọi người.
Đó là thời gian dài mười năm trường một mình làm bạn với con hỏa hầu ở Bắc Cực của Tạ Tốn. Xa Vô Kỵ, Tạ Tốn dần dần hóa thân. Tạ Tốn ở Băng Hỏa đảo khác hẳn Tạ Tốn ở Vương Bàn sơn. Tình cảm trong con người của lão anh hùng trong một lúc vượt lên mức độ cuối cùng. Tạ Tốn yêu Trương Vô Kỵ hơn con đẻ. Bao nhiêu năm xa Vô Kỵ càng làm sôi sục tình phụ tử. Rời Băng Hỏa đảo để xuôi về Trung thổ cũng chỉ để dò hỏi tin tức của nghĩa tử yêu quý. Tạ Tốn bây giờ chỉ là một người cha. Một người cha mù hai mắt. Đôi mắt bây giờ là hai trũng bóng tối, mất hết cả oai linh. Chúng nói lên cái hết thời của một con sư tử tàn tật về già. Về tới Trung thổ, Tạ Tốn được ngay cái tin sai lầm báo Vô Kỵ qua đời. Tạ Tốn chỉ kịp rú lên một tiếng, đôi mắt vô hồn tuôn trào nước mắt. Phút thảm sầu thống thiết của Sư Vương làm lạnh buốt Linh Xà đảo. Bao nhiêu tình cảm, ân oán, hơn thua, thị phi, trong nháy mắt thành hư vô tất cả. Trong buổi yếu lòng, cái quá khứ đầy tội lỗi đổ xô về giày vò chút sinh khí còn sót lại trong con người anh hùng lỡ vận.
Tạ Tốn buông thả mình cho quần hào hạch tội. Tạ không buồn chống cự, không phân giải, không van xin. Cái hư vô trong lòng không còn làm con người hụt hẫng, choáng váng. Nó đã tịnh yên, lan tràn khắp nẻo chung quanh. Tạ Tốn chân như được lòng mình, chỉ còn lắng nghe tiếng kinh xóa tan mọi thiên hạ sự. “Tạ Tốn hay đống phân bò cũng thế thôi”, lời cuối cùng của Kim Mao Sư Vương.
Đời Tạ Tốn không còn bế tắc nào. Mọi ranh giới đều bị xô ngã. Người gần gũi với thần linh. Trong con người Tạ Tốn có cơn thịnh nộ của Zeus, có hồi nhập định của Thích Ca.
BỬU Ý