Bích Huyết kiếm

Hồi 01: Đường loạn đầy nguy hiểm - Vua tự hủy trường thành

trước
tiếp

Vào tháng tám Ất Mùi, năm Vĩnh Lạc thứ sáu đời Minh Thành Tổ, quốc vương Ma Na Nhã Gia Na Nại của nước Bột Nê ở vùng biển Tây Nam xa xôi đến Trung thổ triều cống. Y dẫn theo cả phi tần, em trai, em gái, thế tử và một số triều thần, tiến cống đủ thứ: long não, mào chim hạc, đồi mồi, tê giác và kim ngân châu báu. Thành Tổ rất vui mừng, ủy lạo một phen rồi ban yến tiệc ở Phụng Thiên Môn.

Nước Bột Nê này chính là Brunei ở phía Bắc quần đảo Indonesia, cũng gọi là Văn Lai. Tuy họ ở xa Trung thổ tới hơn vạn dặm đường biển, nhưng đã ngưỡng mộ Trung Hoa từ rất lâu. Vào năm Thái Bình thứ hai đời Tống, vua nước đó là Hướng Đả đã từng sai sứ giả đến tiến cống long não, ngà voi, đàn hương… rồi từ đó về sau thỉnh thoảng lại triều cống.

Quốc vương Ma Na Nhã Gia Na Nại thấy thiên triều đất đai sung túc, sản vật dồi dào, dùng văn để trị nước dạy dân, dụng cụ y phục thứ nào cũng đáng ngưỡng mộ. Y lại được hoàng đế nhà Minh tiếp đãi hậu hĩ, nên lưu luyến không chịu trở về. Mãi đến tháng mười một năm đó, một là do tuổi già sức yếu, hai là do thủy thổ không hợp, nên y bị bệnh không trị được, bỏ xác lại Trung thổ.

Minh Thành Tổ thương tiếc, vì chuyện này mà bãi triều ba ngày, cho an táng tại cửa An Đức thành Nam Kinh. (Hiện nay di tích ngôi mộ đó vẫn còn trên đồi Tụy Bảo Sơn, ngoài cửa Trung Hoa thành phố Nam Kinh. Dân chúng quanh đó gọi là mộ Mã Hồi Hồi.) Sau đó, Thành Tổ hạ chiếu tấn phong thế tử Hà Vương Tập làm Quốc vương nước Bột Nê, sai sứ giả hộ tống về nước, đồng thời ban thưởng rất nhiều kim ngân châu báu, đồ sành sứ, vải vóc, thổ cẩm.

Những năm Chính Đức, Gia Tĩnh sau đó, quốc vương nước Bột Nê đều có triều cống. Một số người Trung Quốc đến Bột Nê được phong làm Na đốc, là một chức quan lớn.

Đến giữa năm Vạn Lịch thì nước Bột Nê có nội loạn. Bột Nê truyện trong Minh Sử có chép: “Quốc vương băng hà, không người kế vị, người trong nước tranh ngôi vua, chém giết lẫn nhau rất nhiều. Sau này họ tôn con gái của cựu vương lên làm vua. Có người họ Trương, quê quán ở Trương Châu, Trung Quốc, đang làm Na đốc ở nước đó, vì loạn lạc nên bỏ đi, sau đó được nữ vương đón trở về. Con gái của họ Trương thường ra vào cung điện, có lần nổi điên nói cha mình mưu phản. Nữ vương Bột Nê kinh hãi, liền sai người đến nhà tra xét. Trương Na đốc sợ tội tự tử, rồi được nhiều người Bột Nê minh oan cho. Nữ vương hối hận, giết đứa con gái kia, rồi phong cho một người con của họ Trương tiếp tục làm quan Na đốc.

Vì sao mà ái nữ của Trương Na đốc phát bệnh thần kinh, tố cáo cha mình tạo phản, gây ra tấn bi kịch đó? Chắc chắn bên trong có nhiều tình tiết ly kỳ, nhưng vì sử sách không chép lại nên người đời sau không cách nào biết được. Dù sao thì nhà họ Trương gốc ở Trương Châu tỉnh Phúc Kiến cũng nhiều đời được phong làm Na đốc tại nước Bột Nê, sống rất đàng hoàng, có quyền có thế, được dân chúng kính ngưỡng.

Không ít người Trung Hoa đi xứ khác làm ăn, dù làm ruộng hay buôn bán đều có công khai phá, mở mang đất đai, cư xử tương thân tương ái với dân chúng địa phương.

Trong sách Tinh Xà Thánh Lãm của Phí Tín có ghi: “Dân chúng nước Bột Nê tôn sùng đạo Phật, thường ăn chay. Họ rất thương mến những người Đường đến nước mình, thấy ai say rượu cũng dìu về nhà nghỉ ngơi, đối đãi hậu hĩ như hàng xóm quen biết lâu năm vậy. Có bài thơ làm chứng:

Bột Nê ở hải ngoại,

Dựng nước đã từ lâu.

Hè mát, đông ấm áp,

Đất bằng phẳng phì nhiêu.

Một lòng sùng Phật giáo,

Người say cũng đãi chiều.

Thuyền đi khắp thiên hạ,

Tiếng tốt mãi truyền lưu.”

Chức Na đốc của nhà họ Trương ở nước Bột Nê truyền được mấy đời thì đến Trương Tín. Trương Tín chỉ có một đứa con trai, đặt tên là Triều Đường để tỏ lòng không quên cố quốc. Năm Triều Đường được mười hai tuổi, có một nhân sĩ ở Phúc Kiến đến xứ Bột Nê. Ông này thi cử nhiều lần không đậu nên bỏ học đi buôn, kinh doanh cũng dở nốt nên mất sạch cả vốn, không còn tiền để về quê, vì đó phải lưu lạc xứ người. Có người giới thiệu ông ta đến nhà họ Trương, không chừng sẽ tìm được kế sinh nhai. Hai bên nói chuyện xong, Trương Tín hoan hỉ mời ông ta làm gia sư, dạy dỗ con trai mình.

Việc học của Trương Triều Đường bắt đầu tuy muộn, nhưng nhờ tư chất thông minh nên trong vòng mười năm đã thuộc làu Tứ Thư, Ngũ Kinh. Gia sư bèn khuyên Trương Tín cho con trai về Trung thổ mà thi cử, may ra đậu tú tài hay cử nhân ở Trung Hoa thì trở về nước Bột Nê chắc chắn sẽ vinh dự hơn nhiều.

Trương Tín cũng muốn cho con trai về thăm lại phong thổ nhân tình ở quê cha đất tổ, nên ban thưởng hậu hĩ cho gia sư, rồi thu xếp tiền bạc, sai thêm một đứa thư đồng là Trương Khang đi theo con trai về Trung Nguyên ứng thí. Dĩ nhiên gia sư cũng được về theo.

Đó là năm Sùng Trinh thứ sáu. Tên nghịch tặc Ngụy Trung Hiền đã bị xử tử, nhưng những chuyện hắn bán nước hại dân, tàn sát trung lương vào năm Thiên Khải thứ bảy đã làm nguyên khí của triều Minh thương tổn nặng nề. Lại còn thiên tai hạn hán mấy năm liên tiếp, dân nghèo nổi lên làm giặc, loạn lạc khắp nơi.

Ba người Trương Triều Đường lên bờ ở Hạ Môn, rồi lại thuê thuyền đi về hướng Tây để đến Trương Châu. Không ngờ mới đi được mấy dặm, đến vùng Tứ Hương thì gặp phải đại họa. Một bọn cường đạo xông thẳng lên thuyền, không nói không rằng, giết ngay ông gia sư. May mà chủ tớ Trương Triều Đường là dân biển giỏi bơi lội nên nhảy xuống nước trốn thoát, tránh được họa sát thân.

Hai người trốn ở vùng quê được ba ngày, nghe toàn những chuyện dân chúng đói khổ ở khắp bốn phương kéo đến tấn công Trương Châu, Hạ Môn. Tin tức này khiến Trương Triều Đường hoảng sợ đến mất hết hùng tâm thi cử, thấy nơi này bất an không ở được, chỉ muốn về nhà cho lẹ.

Nhưng lúc này không thể trở về Hạ Môn được nữa. Hai chủ tớ bàn nhau, quyết định đi theo hướng Tây đến Quảng Châu, rồi từ Quảng Châu sẽ mướn thuyền vượt biển. Thế là hai người mua hai con ngựa, dọc đường luôn miệng hỏi thăm đường về Quảng Đông, lòng nơm nớp hoảng sợ không lúc nào nguôi.

May mà dọc đường vô sự. Họ đi qua Tam Tịnh, Bình Hòa đến Nam Hòa Bá, đã là địa giới tỉnh Quảng Đông rồi. Từ lâu Trương Triều Đường đã nghe Quảng Đông là nơi trù phú, nhưng nhìn thấy dọc đường toàn là dân chúng đói khổ. Chàng nghĩ bụng: “Đất đai Trung Hoa sản vật phong phú, thế mà bá tính người nào cũng mạng treo đầu sợi tóc. Bột Nê chỉ là một nước nhỏ ở hải ngoại, thế mà già trẻ trai gái đều được an cư lạc nghiệp, không phải lo lắng ưu phiền gì hết”. Chàng chợt thở dài, lại nghĩ: “Nghe nói Trung thổ núi sông hùng vĩ, mình đến đây chưa thấy được một phần trăm, mà sinh mạng không biết sẽ mất lúc nào. Chi bằng trở về Bột Nê, ngồi hóng mát dưới bóng dừa mà ca hát, an lạc hơn nhiều.”

Hôm đó, khi họ vượt qua một ngọn đèo dài, đường núi khúc khuỷu hết lên lại xuống, thì trời đã gần tối. Hai chủ tớ lo lắng thúc ngựa chạy một hơi mười mấy dặm, đến một thị trấn nhỏ. Họ cả mừng, định tìm khách sạn mà tá túc, nào ngờ thị trấn vắng lặng không một bóng người.

Trương Khang xuống ngựa, tới trước một khách điếm nhỏ vẫn còn treo bảng Việt Đông Khách Sạn, lớn tiếng kêu: “Này! Chủ quán! Chủ quán!”

Khách sạn này được xây tựa vào vách núi. Chỉ nghe từ thung lũng tiếng vọng về “Chủ quán… án… án”, còn bên trong hoàn toàn không có động tĩnh gì. Ngay lúc đó một cơn gió thổi tới, những tiếng xào xạc nổi lên, hai người đều bất giác dựng tóc gáy.

Trương Triều Đường rút kiếm ra chạy vào trong tiệm. Bên trong có hai thi thể, một đàn ruồi bay quanh những vũng máu đen, mùi hôi thối xộc vào mũi. Xem ra hai người này chết đã nhiều ngày rồi. Trương Khang kinh hãi la lớn một tiếng, quay đầu chạy ra ngoài.

Trương Triều Đường nhìn quanh tứ phía, thấy chỗ nào cũng lộn xộn. Rương hòm quăng vãi tứ tung, cửa sổ xiêu vẹo, hình như đã bị cường đạo lục soát. Lúc này Trương Khang thấy chủ nhân lâu quá không ra ngoài, bèn từng bước một rón rén đi vào trong quán. Trương Triều Đường bảo: “Đi chỗ khác xem thử!”

Họ đi vào ba căn khách điếm khác, thấy căn nào cũng vậy. Có những thi hài nữ nhân thân thể lõa lồ, hiển nhiên bị hiếp trước khi giết. Không khí trong thị trấn cực kỳ thê thảm, gió thổi âm u rờn rợn, mùi hôi thối của xác chết từng cơn ập tới. Hai người không dám ở lại lâu, liền lên ngựa chạy tiếp về hướng Tây.

Đi thêm được mười mấy dặm thì trời đã tối hẳn. Trong lúc bối rối, vừa đói meo vừa sợ sệt, Trương Khang bỗng lên tiếng: “Công tử xem kìa!”

Trương Triều Đường nhìn theo hướng nó chỉ, thấy xa xa có một đốm lửa nhỏ, liền mừng rỡ nói: “Chúng ta tới đó tìm nơi tá túc đi.”

Hai người rời khỏi đường cái, đi về hướng ngọn lửa. Đường đi càng lúc càng hẹp. Trương Triều Đường bỗng nói: “Nếu đó là sào huyệt của bọn cướp, há chẳng phải chúng ta tự chuốc lấy cái chết?”

Trương Khang kinh hoảng nhảy dựng lên, vội nói: “Thế thì đừng đi nữa!”

Trương Triều Đường thấy mây đen kéo đến, hình như trời sắp mưa, bèn nói: “Cứ từ từ, tới đó xem sao đã.”

Hai người xuống ngựa, cột ngựa vào một gốc cây bên vệ đường, nhẹ nhàng đi về hướng có ánh lửa. Gần tới thì thấy đó là hai căn nhà tranh. Trương Triều Đường định đến cửa sổ nhìn vào, đột nhiên có một con chó lớn sủa vang lên, chồm chồm toan phóng tới.

Trương Triều Đường chĩa thanh kiếm ra, con chó kia mới không dám đến gần, nhưng vẫn đứng sủa không ngớt. Từ gian nhà chứa củi phía sau có một bà lão bước ra, tay cầm ngọn đèn dầu, run rẩy cất tiếng hỏi. Trương Triều Đường nói: “Bọn vãn bối là người qua đường, muốn xin tá túc ở quý phủ một đêm.”

Bà lão chần chừ một lát rồi đáp: “Xin mời vào.”

Trương Triều Đường đi vào gian nhà tranh, thấy trong nhà chỉ có một chiếc giường đắp bằng đất, hoàn toàn không có bàn ghế gì cả. Trên giường còn có một ông lão đang nằm, không ngớt ho hắng.

Trương Triều Đường bảo Trương Khang ra tháo cương dắt ngựa tới đây. Nhưng Trương Khang nhớ đến cảnh tượng người chết thê thảm vừa rồi, run rẩy co rúm lại, không dám bước ra ngoài. Ông lão phải gắng gượng xuống giường, cùng đi với nó ra dẫn ngựa về, cột lại bên hè nhà. Bà lão vào trong lấy ra một ít bánh làm bằng bột bắp, rồi đun một ấm nước sôi, mời khách ăn uống.

Trương Triều Đường ráng nuốt xong một miếng bánh bắp rồi hỏi: “Ở thị trấn phía trước có nhiều người bị giết. Đó là bọn thổ phỉ nào vậy?”

Ông lão thở dài nói: “Thổ phỉ nào ư? Thổ phỉ đâu có tàn ác như vậy? Đó là bọn quan binh!”

Trương Triều Đường giật mình hỏi: “Quan binh ư? Quan binh sao lại vô pháp vô thiên như vậy, cướp bóc hãm hiếp dân lành? Chẳng lẽ quan tướng chỉ huy không được hay sao?”

Ông lão cười buồn rồi nói: “Nhất định đây là lần đầu tiểu tướng công ra ngoài, không hiểu thế thái nhân tình gì cả. Chỉ huy tất nhiên là được nhiều, đồ quý được lấy trước, đàn bà đẹp được cưỡng bức trước.”

Trương Triều Đường hỏi: “Thế sao bá tính không tố cáo lên quan phủ?”

Ông lão đáp: “Tố cáo thì ích gì? Ai dám đi tố cáo thì tám chín phần là mất luôn cả mạng.”

Trương Triều Đường hỏi: “Thế là thế nào?”

Ông lão đáp: “Dĩ nhiên người làm quan phải tương trợ lẫn nhau. Chẳng những quan huyện lão gia không nhận đơn tố cáo, lại còn đánh cho mấy hèo rồi nhốt lại. Nếu không có tiền để kính biếu thì đừng hòng thoát thân.”

Trương Triều Đường lắc đầu quầy quậy, lại hỏi: “Thế thì quan binh đến vùng núi này để làm gì?”

Ông lão nói: “Trên danh nghĩa thì chúng đến đây để tiêu diệt thổ phỉ. Thật ra, kẻ cướp trên núi thì mười người có đến tám là bị quan phủ ép cho không còn đường sống, phải đi ăn cướp. Quan binh tới đây không lo bắt cướp mà chỉ lo cướp bóc một phen, rồi giết chết một mớ dân chúng, xách thủ cấp nộp lên mà báo công. Thế là vừa phát tài vừa thăng quan tiến chức.”

Ông lão nghiến răng nghiến lợi, lại ho hắng một chập. Bà lão không ngừng ra hiệu bảo chồng dừng nói, sợ Trương Triều Đường quen biết bọn nhà quan, sẽ gây thêm tai họa cho mình.

Trương Triều Đường nghe xong buồn bã, không ngờ thế cuộc bại hoại đến mức như thế. Chàng nghĩ: “Gia gia từng nói Trung Hoa là xứ văn vật lễ nghĩa, giáo dục bằng vương đạo, dọc đường không lượm của rơi, đêm ngủ không cần đóng cửa, người nào cũng giữ tín nghĩa, hòa mục yêu thương lẫn nhau. Hôm nay nhìn thấy thì không phải vậy, thua xa cái nước Bột Nê mang tiếng man di của mình”. Chàng than thở một hồi rồi nằm xuống đất mà ngủ.

Mới mơ màng chợp mắt, đột nhiên ngoài cửa có tiếng chó sủa vang dội. Sau đó có tiếng quát mắng, rồi tiếng đập cửa bình bình. Bà lão bước xuống giường định ra mở cửa, nhưng ông lão nắm tay kéo lại, rồi khẽ bảo Trương Triều Đường: “Tướng công! Tướng công ra sau mà ẩn nấp một lát.”

Trương Triều Đường và Trương Khang ra sau nhà, ngửi thấy mùi rơm mới, đoán rằng đây là kho chứa củi. Hai chủ tớ chui vào trong đống rơm mà trốn. Nghe tiếng lách cách, răng rắc, cửa nhà đã bị đẩy ngã. Có tiếng quát rất thô bạo: “Sao không chịu mở cửa?”

Chưa có tiếng đáp, đã nghe “bốp”, rõ ràng có người bị tát tai.

Bà lão khúm núm lên tiếng: “Quan sai lão gia! Vợ chồng già chúng tôi tuổi tác hồ đồ, nên không nghe gọi cửa.”

Lại nghe một tiếng “bốp” nữa, rồi tên kia chửi mắng: “Không nghe thì phải ăn đòn! Mau mau giết gà, làm cơm cho ba người ăn.”

Ông lão nói: “Vợ chồng lão sắp chết đói rồi, còn gà vịt gì nữa.”

Nghe một tiếng “bịch”, hình như ông lão đã bị xô ngã nhào xuống đất. Bà lão khóc òa lên. Một giọng khác nói: “Lão Vương, thôi đi! Hôm nay chạy suốt ngày thu thuế, chỉ thu được ba lạng bảy tiền, chẳng ai vui vẻ gì được. Ngươi có đánh lão già này cũng không hả dạ nổi đâu.”

Tên họ Vương kia đáp: “Đối với cái loại này thì không mạnh tay không được. Phải đòi mấy lạng bạc, nếu không đánh què chân lão thì lão đâu có chịu lòi tiền ra?”

Một giọng khàn khàn cất lên: “Bọn nhà quê này thật là nghèo mạt rệp. Trút lu gạo ra, đếm tới đếm lui cũng chỉ có mười mấy hạt gạo; ép thế nào cũng không ra được cái gì đâu. Dù sao thì anh em chúng ta cũng sắp bị quan lớn lão gia chửi mắng là đồ vô dụng rồi…”

Đang nói chuyện rôm rả, đột nhiên con ngựa của Trương Triều Đường hí lên. Bọn công sai kinh ngạc, vội chạy ra ngoài cửa xem xét. Chúng nhìn thấy hai con ngựa, bèn bàn nhau: “Nhất định là người cưỡi ngựa đang tá túc trong nhà. Thế nào cũng kiếm được chút ít!”

Bọn chúng cả mừng, kéo nhau xông vào nhà trong lục lọi. Trương Triều Đường kinh hãi, vội kéo tay Trương Khang tông cửa sau mà chạy. Hai người chân thấp chân cao chạy loạn xạ trong vùng núi, không thấy ai đuổi theo mới yên tâm. May mà tiền bạc đều giấu trong người Trương Khang hết.

Hai chủ tớ chui vào lùm cây trốn suốt một đêm, đợi trời mờ sáng mới dám ra đường cái. Họ đi bộ được mười mấy dặm, chỉ mong mau mau đến thị trấn để mua ngựa đi tiếp. Trương Khang mỏi chân quá, không ngừng thóa mạ bọn công sai.

Đang thóa mạ đến lúc cao hứng, đột nhiên nó thấy trên một con đường nhỏ có bốn tên công sai bước ra, tay cầm thước sắt xích sắt. Hai tên đi sau có dắt ngựa, đúng là ngựa của hai chủ tớ.

Trương Triều Đường và Trương Khang liếc nhau một cái. Lúc này không tránh né gì được nữa, họ đành giả bộ không nghe không thấy, cứ tiếp tục đi. Bốn tên công sai giương mắt nhìn họ chằm chằm. Một tên mặt tròn cất tiếng hỏi: “Này! Ông bạn đi đâu vậy?”

Trương Triều Đường nghe giọng nói, nhận ra đây chính là tên họ Vương hôm qua chưa hỏi đã đánh người. Trương Khang bước lên một bước, nói: “Đây là công tử của tiểu nhân, đang tới Quảng Châu để học thi.”

Lão Vương vung tay ra đoạt lấy tay nải đeo trên vai Trương Khang, mở ra thấy đầy vàng bạc. Hắn mừng rỡ la lên: “Công tử cái gì? Nhìn hai người bọn ngươi chắc chắn không phải là người tốt. Vàng bạc này từ đâu mà có? Rõ ràng là của ăn cắp hay lường gạt được. Hay lắm! Bây giờ đã có vật chứng, bọn ngươi hãy theo ta về gặp đại lão gia.”

Hắn thấy hai người này còn trẻ dễ ăn hiếp, toan dọa cho họ hoảng sợ mà bỏ chạy. Nào ngờ Trương Khang nói: “Công tử của ta là đại quan ở nước ngoài, tri phủ đại nhân mà gặp ông ấy cũng phải nói chuyện cho lịch sự. Được! Ông dẫn chúng ta về gặp đại lão gia là hay nhất.” Nó lập tức giật lấy tay nải, đeo lại sau lưng.

Một gã công sai trung niên nghe xong bỗng chau mày, nghĩ bụng: “E rằng vụ này sẽ có hậu hoạn. Không làm thì thôi, đã làm thì phải làm cho trót. Chi bằng giết luôn hai thằng nhóc này, phát tài trước rồi giải quyết sau”. Hắn đột nhiên rút đao ra chém tới Trương Khang.

Trương Khang hoảng sợ, vội vã rụt đầu lại, lưỡi đao lướt sát qua đỉnh đầu. Nó bước ra ngăn trước mặt Trương Triều Đường, la lớn: “Công tử! Chạy nhanh lên.” Trương Triều Đường quay lưng chạy ngay.

Tên công sai đó xoay tay lại chém thêm một đao nữa. Lần này Trương Khang đã đề phòng, nên nó né mình tránh qua, không bị chém trúng. Hai chủ tớ vắt giò lên cổ mà chạy. Bốn tên công sai cầm khí giới, vừa la hét vừa rượt theo.

Trương Triều Đường vốn là công tử nhà giàu quen sống trong nhung lụa, bây giờ lại hoảng sợ quýu chân, làm sao mà chạy nhanh được? Rõ ràng chàng sắp bị bọn công sai đuổi kịp, bỗng thấy phía trước có một con ngựa chạy nhanh tới. Tên công sai trung niên thấy có người đến, vội vã la lên: “Phản rồi, phản rồi! Bọn cướp này cả gan, dám chống lại quan quân!”

Mấy tên công sai kia cũng la lớn: “Bắt cướp, bắt cướp!” Chúng vu cáo chủ tớ Trương Triều Đường là trộm cướp, nghĩ bụng: “Giết đi là xong, còn ai dám đến hỏi nữa?”

Con ngựa phía trước đã chạy tới nơi. Người cưỡi ngựa thấy hai người đang chạy trốn, phía sau có bốn công sai hò hét đuổi theo, tưởng chúng đang bắt cướp thật. Y liền thúc ngựa tới trước mặt chủ tớ Trương Triều Đường, cúi người đưa tay ra, mỗi tay túm lấy một người xách hổng lên khỏi mặt đất.

Bốn tên công sai vừa thở hổn hển vừa chạy tới. Người cưỡi ngựa quăng chủ tớ Trương Triều Đường xuống đất, mỉm cười nói: “Kẻ cướp đã bị bắt rồi!”

Nói xong, y cũng nhảy xuống ngựa. Người này thân hình khôi vĩ, thanh âm vang dội, râu ria đầy mặt, tuổi trạc tứ tuần.

Bốn tên công sai thấy y tay chân nhanh nhẹn, khí hùng lực mạnh, bèn mỉm cười chắp tay đa tạ rồi bước tới dựng hai người Trương Triều Đường đứng dậy.

Người cưỡi ngựa nhìn thấy Trương Triều Đường mặc y phục thư sinh, còn Trương Khang mặc áo xanh đội mũ nhỏ, rõ ràng là một đứa thư đồng. Y thấy hai người này chẳng giống trộm cướp chút nào, bất giác ngẩn ra.

Trương Khang vội la lớn: “Xin anh hùng cứu mạng! Chúng muốn mưu hại bọn tiểu nhân.”

Người kia quát hỏi: “Các ngươi là ai?”

Trương Khang kêu lên: “Đây là công tử của tiểu nhân, định đi Quảng Châu ứng thí…” Nó chưa nói xong, đã bị một tên công sai dùng tay bịt miệng lại.

Tên công sai trung niên nói với người cưỡi ngựa: “Lão huynh! Huynh đi đâu thì cứ việc đi, đừng nhúng tay vào việc công của chúng ta.”

Người cưỡi ngựa bảo: “Huynh buông tay ra, để người ta nói đã.”

Trương Triều Đường cũng lên tiếng: “Tại hạ là kẻ thư sinh, sức trói gà không chặt, sao làm cường đạo…”

Một tên công sai hét lên: “Còn dám nhiều chuyện!” Hắn vung tay, toan tát vào mặt chàng.

Người cưỡi ngựa liền vẫy roi ra, dùng đầu ngọn roi cuộn lấy cổ tay tên công sai đó, nên cái tát của y không trúng đích. Người cưỡi ngựa bèn hỏi: “Việc này rốt cuộc như thế nào?”

Trương Khang nói: “Công tử của tiểu nhân định đi Quảng Châu để thi tú tài, nhưng gặp phải bốn người này. Chúng nhìn thấy vàng bạc, nảy ý giết người cướp của.”

Nói đến đây, nó quỳ xuống la lên: “Xin anh hùng cứu mạng!”

Người cưỡi ngựa bèn hỏi bọn công sai: “Chuyện này có thật không?”

Bọn kia chỉ cười nhạt không đáp. Tên họ Vương đứng ở sau lưng, nhân lúc người kia không chú ý, đột nhiên vung đao lên chém bổ từ trên đầu xuống. Người kia nghe sau gáy có tiếng gió, không cần quay đầu lại, thân hình chỉ hơi nghiêng về bên trái, dùng chân trái xuất chiêu Ô Long Tảo Địa đá quét ngang qua. Phát cước này trúng ngay vào mắt cá chân tên họ Vương, hất hắn văng ra mấy bước.

Ba tên công sai còn lại la lớn lên: “Trùm cướp đã đến rồi!” Lập tức hai tên vung thước sắt, một tên múa dây xích sắt, vây quanh người cưỡi ngựa.

Trương Triều Đường thấy người kia tay không tấc sắt, không khỏi âm thầm lo lắng. Nhưng người kia không hoảng hốt, cứ né trái né phải, binh khí của ba tên công sai không đụng vào y được chút nào.

Tên họ Vương đã bò dậy được, cũng xách đao nhảy vào giáp công, nhưng người kia đột nhiên thét lớn một tiếng. Tên họ Vương giật bắn mình, nhát đao chém xuống lệch đi, bị đối thủ giáng cho một quyền ngay giữa mặt, máu mũi lập tức tuôn ra. Hắn bất giác đưa hai tay lên ôm lấy mặt, đơn đao rơi xuống đất nghe “choảng” một tiếng.

Người kia nhặt lấy đơn đao, lập tức chém ngược ra sau trúng vào tay trái của một tên công sai cầm thước sắt. Y có binh khí trong tay giống như hổ mọc thêm cánh, vung đao sáng lóe như chớp giật. Chỉ chốc lát là tên công sai cầm xích sắt bị trúng một đao vào đùi bên trái, té nhào xuống đất. Tên công sai cuối cùng không dám đánh nữa, vội vắt giò lên cổ mà chạy trốn, đồng bọn sống chết ra sao mặc kệ.

Người kia cười rộ lên ha hả, vứt thanh đao xuống đất rồi tung người nhảy lên lưng ngựa. Trương Triều Đường vội vã bước tới cảm ơn, hỏi han danh tính. Người cưỡi ngựa thấy hai tên công sai nằm dưới đất vừa rên la vừa giương mắt giận dữ nhìn mình, bèn nói: “Chỗ này không nói chuyện được. Chúng ta lên ngựa trước đã.”

Trương Khang dẫn ngựa tới, ba người ba ngựa đi song song với nhau. Trương Triều Đường tự giới thiệu gia thế và danh tính mình. Người kia nói: “Thì ra là Trương công tử. Tại hạ họ Dương, tên Bằng Cử, được bằng hữu giang hồ gọi là Ma Vân Kim Xí, là tiêu đầu của Võ Hội tiêu cục.”

Trương Triều Đường nói: “Hôm nay mà không được các hạ ra tay giải cứu, thì chủ tớ tiểu đệ hai người chắc chắn không toàn mạng.”

Dương Bằng Cử nói: “Tình hình nơi đây loạn lạc, quan quân thổ phỉ khó mà phân biệt, công tử mau mau về nước thì hay hơn. Tại hạ cũng có việc cần đến Quảng Châu. Nếu công tử không thấy phiền hà thì chúng ta có thể cùng đi.”

Trương Triều Đường mừng rỡ cảm tạ liên hồi. Mấy ngày nay chàng hoảng sợ đến loạn cả thần trí, bây giờ được cùng đi với một vị tiêu sư võ công rất khá, lập tức cảm thấy yên lòng.

Ba người đi được hai mươi mấy dặm đường vẫn chưa tìm được quán nào để ăn cơm. Dương Bằng Cử có mang theo lương khô, bèn lấy ra mời hai người ăn. Trương Khang nhặt được một cái hũ sành cũ kỹ, đi lượm ít củi khô, toan nấu nước để uống. Đột nhiên phía sau có người la lên: “Cường đạo đây rồi!”

Trương Khang giật mình kinh hãi, hất đổ cả nước trong hũ sành lên bếp lửa. Dương Bằng Cử quay lại nhìn, thấy tên công sai họ Vương ban nãy đang cưỡi ngựa dẫn theo mười mấy tên lính ào đến.

Dương Bằng Cử vội la lên: “Mau mau lên ngựa!”

Ba người vội vã lên ngựa. Dương Bằng Cử để hai người đi trước, rút cương đao cài bên yên ngựa ra, đi sau hộ vệ. Bọn quân sĩ lớn tiếng la lên: “Bắt cướp!”

Ba người chạy được một đoạn thì bọn công sai đuổi tới gần. Bọn lính bắt đầu bắn tên, Dương Bằng Cử phải múa đao cản trở. Y thấy phía trước có ngã ba đường, vội kêu lên: “Đi theo đường nhỏ!”

Trương Triều Đường giục ngựa chạy vào con đường nhỏ, Trương Khang và Dương Bằng Cử chạy theo sau. Bọn lính vẫn đuổi theo, không chịu tụt lại chút nào. Tên công sai họ Vương hét lớn: “Cố đuổi theo mà bắt! Bắt được tên cướp này, rồi chúng ta chia nhau tiền bạc của nó.”

Dương Bằng Cử đắn đo một chút rồi dứt khoát thắng ngựa, quay đầu lại, vung đao hét lớn một tiếng. Tên họ Vương hoảng sợ lùi lại, còn bọn quan binh đều nhảy xổ tới. Dương Bằng Cử địch không nổi số đông, hỗn chiến một lúc thì trên đùi trúng một mũi thương. Tuy vết thương không nặng, nhưng y không dám ham chiến, vội kẹp chặt hai chân, giật cương cho ngựa chạy gấp về phía trước. Y múa đao chém rớt cánh tay trái của một tên lính, bọn kia kinh hãi lùi lại phía sau.

Dương Bằng Cử cho ngựa chạy men theo con đường nhỏ. Bọn lính thấy y bỏ chạy, lại hô hoán rượt theo. Chỉ chốc lát Dương Bằng Cử đã đuổi kịp hai chủ tớ họ Trương. May mà con đường rất hẹp, bọn lính lại khiếp oai Dương Bằng Cử nên không dám đuổi quá gần.

Ba người giục ngựa chạy một hồi. Đường núi vòng vèo khúc khuỷu, tiếng la hét của bọn lính vẫn nghe rất rõ ràng, nhưng người thì không thấy. Đang chạy nhanh, bỗng phía trước xuất hiện ba con đường nhỏ. Dương Bằng Cử khẽ quát: “Xuống ngựa!” Ba người liền dắt ngựa trốn vào trong rừng cây.

Trong chốc lát bọn lính đã đuổi tới nơi. Tên họ Vương chần chừ một chút rồi dẫn cả đám chạy theo một con đường rẽ. Dương Bằng Cử nói: “Chúng đuổi một lát mà không thấy, nhất định sẽ quay trở lại. Chúng ta phải nhanh chóng đi thôi.”

Y vừa nói vừa xé ống tay áo buộc vết thương trên đùi lại. Ba người đi theo một con đường rẽ khác. Chẳng bao lâu, lại nghe tiếng binh sĩ đuổi theo phía sau.

Dương Bằng Cử thầm kêu khổ, bỗng thấy trước mặt có ba gian nhà ngói, lại có một người nông phu đang cuốc đất. Y nhảy xuống ngựa, chạy tới cất tiếng gọi: “Lão huynh! Phía sau có quan binh muốn hại bọn ta, phiền lão huynh tìm chỗ cho bọn ta trốn nhờ một chút.”

Người nông phu vẫn tiếp tục cuốc đất, như không nghe thấy gì. Trương Triều Đường cũng xuống ngựa năn nỉ. Lúc này nông phu mới ngẩng đầu lên, nhìn dò xét họ một lát.

Từ lùm cây phía trước bỗng vọng ra tiếng chân trâu đạp mạnh, rồi một chú mục đồng cỡi trâu tiến ra ngoài. Chú bé này khoảng chừng mười tuổi, dùng chỉ đỏ thắt tóc thành một cái bím nhỏ trên đỉnh đầu, da mặt hơi ngăm đen, miệng mỉm cười, cặp mắt to rất có thần khí. Người nông phu bảo chú mục đồng: “Ngươi dắt mấy con ngựa này lên núi thả cho ăn cỏ, chờ tối hãy trở về.”

Chú mục đồng nhìn ba người Trương Triều Đường một cái, vâng dạ rồi lập tức dẫn ba con ngựa lên núi.

Tuy không biết người nông phu có dụng ý gì, nhưng Dương Bằng Cử cảm thấy trong lời nói và thần sắc của y tỏa ra uy thế, nên không lên tiếng cản trở chú mục đồng.

Lúc này tiếng bọn lính đuổi theo đã rất gần. Trương Triều Đường vội vã hỏi: “Làm sao đây?”

Người nông phu bảo: “Theo ta!” Rồi y dẫn ba người vào nhà. Trong phòng khách cũng có bàn ghế gỗ, trên tường cũng treo áo rơm và lưỡi cày, nhưng thu dọn rất chỉnh tề, không giống nhà nông bình thường.

Người nông phu đi thẳng ra phía sau nhà, ba người cứ việc đi theo. Qua khỏi sân trong, đến một căn phòng nhỏ, người nông phu vén màn lên, để lộ ra một bức tường. Y đưa tay đẩy lên tường, bỗng có một tảng đá lớn xoay vào bên trong, lộ ra một cái lỗ. Người nông phu bảo: “Vào trong ấy đi!”

Ba người vào trong, thì ra đây là một sơn động rất rộng rãi. Gian nhà này xây tựa vào vách núi ngay trước sơn động, che cửa động lại. Nếu không tháo dỡ cả gian nhà đi thì không ai đoán được bên trong có nơi ẩn náu tốt như vậy.

Ba người trốn vào xong, người nông phu bèn đóng cánh cửa bí mật lại, rồi ra ngoài tiếp tục cuốc đất. Chỉ chốc lát tên công sai họ Vương đã dẫn quân sĩ đuổi đến. Hắn lớn tiếng quát hỏi: “Này! Có thấy ba người cưỡi ngựa đi qua đây không?”

Người nông phu chỉ vào con đường nhỏ rồi nói: “Qua từ lâu rồi.”

Bọn công sai và quân sĩ rượt theo bảy tám dặm vẫn không thấy dấu vết gì của ba người Trương Triều Đường, đành quay ngựa trở lại hỏi nữa. Người nông phu giả vờ ngu ngốc, ấp úng mãi chẳng nói gì. Một tên lính cất tiếng thóa mạ: “Con mẹ nó! Hỏi thằng khùng này có ích gì đâu? Đi thôi!” Rồi cả bọn rẽ qua một con đường khác.

Trương Triều Đường, Trương Khang, Dương Bằng Cử ba người trốn trong sơn động, chỉ lờ mờ nghe thấy tiếng vó ngựa chạy tới chạy lui. Lát sau không nghe thấy gì nữa, nhưng cũng không thấy người nông phu quay lại mở cửa. Dương Bằng Cử bắt đầu lo lắng, ra sức kéo cửa, kéo hơn nửa ngày mà không thấy động đậy gì.

Ba người chỉ còn biết ngồi bệt dưới đất nghỉ ngơi. Vết thương của Dương Bằng Cử bắt đầu đau nhức, y không ngừng buông lời thóa mạ bọn công sai và quân lính.

Không biết sau bao lâu, cánh cửa đá mới kêu kèn kẹt rồi mở ra, chút ánh sáng hắt vào trong. Người nông phu cầm nến tới gọi: “Mời ra ngoài ăn cơm!”

Dương Bằng Cử nhảy ra trước, chủ tớ họ Trương lập tức theo sau. Ba người ra đến phòng khách, thấy trên bàn gỗ đã bày sẵn hai đĩa rau xanh, đậu hũ kho, hai con gà mái luộc và cơm nóng hổi. Cả ba thầm mừng trong bụng.

Ngoài người nông phu và chú mục đồng đã gặp ban ngày, còn có ba người khác cũng ăn mặc theo kiểu nhà nông. Trương Triều Đường và Dương Bằng Cử chắp tay đa tạ, tự giới thiệu danh tính, rồi xin hỏi danh tính đối phương.

Một nông phu khoảng bốn mươi tuổi, khuôn mặt gầy guộc lên tiếng: “Tại hạ họ Ưng.” Y chỉ người nông phu đã dẫn họ chạy trốn ban chiều, giới thiệu: “Vị này họ Chu.” Còn một người cao ốm tự xưng họ Nghê, một người mập lùn mang họ La.

Trương Triều Đường nói: “Tại hạ cứ tưởng các vị là người một nhà, thì ra đều khác họ cả.”

Họ Ưng đáp: “Bọn tại hạ là bạn thân.”

Trương Triều Đường thấy họ ít nói, thần sắc lỗi lạc, cử chỉ đoan chính trang nghiêm, không giống những người nông phu bình thường. Người họ Chu và họ Nghê thì khí thế oai dũng, người họ Ưng thì trông cao nhã như một nhân sĩ bụng đầy kinh sách, lại nói thổ âm vùng phía Bắc. Trương Triều Đường hỏi thêm mấy câu, nhưng người họ Ưng cứ ừ hử không đáp.

Ăn cơm xong, người họ Ưng mới hỏi tại sao họ bị quan binh đuổi bắt, Trương Triều Đường bèn kể lại đầu đuôi tỉ mỉ. Chàng có khiếu nói chuyện, diễn tả những thảm cảnh dọc đường nhìn thấy, rồi nhắc đến tình hình bọn công sai hung ác bức hiếp dân lành, ép người lương thiện phải đi làm cướp. Chàng nói mỗi lúc một hùng hồn, người họ Nghê nghe mà nổi lòng phẫn hận. Y vỗ mạnh lên bàn một cái, mày râu dựng ngược hẳn lên, há miệng toan thóa mạ. Người họ Ưng phải liếc mắt một cái, y mới im lặng không nói.

Trương Triều Đường lại kể chuyện Dương Bằng Cử ra tay cứu mình, khen ngợi một phen. Dương Bằng Cử đắc ý bèn lên tiếng: “Chuyện nhỏ xíu này không đáng nhắc đến. Năm xưa ở Giang Tây một mình ta giết chết Phan Dương Tam Hùng, chuyện đó mới thật là nở mày nở mặt.”

Y oang oang kể lại lúc đó tình thế nguy cấp, bản thân mình anh dũng, lăn vào chỗ chết để tìm đường thắng thế nào, nói đến phun cả nước bọt ra tứ phía. Mỗi lúc một thêm cao hứng, y thêm mắm dặm muối, diễn tả mình anh hùng cái thế, thiên hạ vô địch, bôn ba giang hồ đã mười mấy năm trời.

Những chuyện giang hồ mà y kể thì Trương Triều Đường chưa từng nghe, nên chàng cảm thấy rất thú vị. Trương Khang còn tính trẻ con, nghe đến há hốc mồm lại còn liên tiếp hỏi thêm.

Về sau Dương Bằng Cử nhắc đến võ nghệ, vừa kể vừa huơ tay múa chân để minh họa. Dường như mấy người nông phu này không khoái nghe chuyện đó, nên người mập họ La bỗng ngáp một cái rồi nói: “Muộn rồi, ngủ thôi!”

Chú mục đồng bước ra đóng chặt cửa lại. Người họ Chu xách một tảng đá lớn trong góc nhà ra chèn vào sau cửa. Dương Bằng Cử nhìn thấy, bất giác thở ra một hơi, thầm nghĩ: “Người này mạnh quá! Tảng đá này tối thiểu cũng phải ba trăm cân mà y xách dễ như không, chẳng phải ra sức gì cả”.

Người họ Ưng thấy y đổi sắc mặt, bèn nói: “Vùng núi này có rất nhiều cọp, có khi nửa đêm nhảy vào nhà người ta. Vì thế phải dùng đá tảng chèn lại cửa nẻo đàng hoàng.”

Đêm hôm đó, Trương Triều Đường, Dương Bằng Cử và Trương Khang ba người ngủ chung một phòng. Trương Khang vừa đặt đầu xuống gối đã lập tức ngủ say. Trương Triều Đường nghĩ đến chuyến đi này phong ba vạn dặm, nhiều phen sợ hãi, không biết từ đây đến Quảng Châu còn gặp hung hiểm gì không. Chàng cứ suy nghĩ mãi, khó mà ngủ được.

Hồi lâu, bỗng nghe thấy tiếng đọc sách dõng dạc, đúng là giọng của chú bé mục đồng kia.

Trương Triều Đường chú ý lắng nghe, hình như trong sách có nhắc đến chuyện dàn trận đánh nhau. Chàng không nén nổi hiếu kỳ, bước xuống giường, mặc áo đi lên nhà trước.

Trên bàn thắp đèn sáng trưng, chú bé mục đồng đang ngồi học. Họ Ưng ngồi bên dạy dỗ, thấy chàng bước ra chỉ gật đầu chào một cái, rồi lại cúi đầu xuống, chỉ vào những dòng chữ trong sách để giảng giải.

Trương Triều Đường tới gần, thấy trên bàn còn mấy cuốn sách. Chàng cầm lên xem, thấy trên bìa sách có ghi bốn chữ Kỳ Hiệu Tân Thư. Thì ra đây là binh pháp do tướng quân Thích Kế Quan của bản triều soạn ra. Ở Bột Nê, Trương Triều Đường đã từng nghe tiếng Thích Kế Quan, biết ông là một danh tướng đã phá tan Qua Khấu, sau này trấn giữ tại Quế Châu, cường địch không dám xâm phạm biên cương nữa. Thích Kế Quan dụng binh như thần, oai chấn một vùng duyên hải.

Trương Triều Đường hỏi người họ Ưng: “Quý vị chắc chắn không phải thường nhân, không hiểu sao lại ẩn cư ở nơi này. Có thể cho tại hạ biết hay không?”

Người họ Ưng đáp: “Bọn ta chỉ là thảo dân, trồng trọt săn bắn để kiếm ăn, đọc sách để biết chữ. Đó là chuyện hết sức bình thường, sao công tử lại thấy lạ? Chẳng lẽ chỉ có con cái nhà quan mới được đọc sách hay sao?”

Trương Triều Đường thầm nghĩ: “Thì ra ở Trung thổ, ngay cả những nông dân tầm thường cũng có học vấn đến thế này. Quả nhiên là nơi văn vật, bọn man di chúng ta không thể nào sánh được”. Chàng thán phục trong lòng, xin lỗi vì đã quấy rầy, rồi trở về phòng mà ngủ.

Trong lúc mơ hồ, đột nhiên chàng cảm thấy có người khẽ kéo mình. Chàng tỉnh dậy, nghe Dương Bằng Cử nói rất nhỏ: “E rằng đây là sào huyệt bọn cướp. Chúng ta phải đi ngay!”

Trương Triều Đường giật mình một cái, khẽ hỏi: “Sao rồi?”

Dương Bằng Cử đưa nến soi vào một cái rương gỗ, bảo: “Công tử nhìn xem.”

Trương Triều Đường thấy trong rương đầy kim ngân châu báu. Dĩ nhiên chàng kinh hãi, nhưng không dám lên tiếng.

Dương Bằng Cử đưa cây nến cho chàng cầm, nhấc cái rương ra một bên, phía dưới còn có một cái rương gỗ nữa. Y đưa tay toan bẻ cái khóa đồng.

Trương Triều Đường bảo: “Đừng tò mò chuyện bí mật riêng tư của người khác, e rằng gây họa.”

Dương Bằng Cử nói: “Không khí ở đây có mùi kỳ lạ.”

Trương Triều Đường hỏi: “Kỳ lạ chỗ nào?”

Dương Bằng Cử đáp: “Tanh mùi máu.”

Trương Triều Đường không dám nói gì nữa.

Dương Bằng Cử nhẹ nhàng vặn gãy ổ khóa, ở phòng trước vẫn hoàn toàn không có tiếng động gì. Y liền mở nắp rương ra, đưa nến đến gần soi sáng. Hai người lập tức hoảng sợ đến trợn mắt lên, đứng ngẩn ra một lúc.

Trong rương đựng hai cái thủ cấp. Một cái đã chặt lâu rồi, máu khô đen kịt lại, nhưng vẫn chưa thối rữa. Còn cái kia thì mới hơn nhiều. Rõ ràng hai cái thủ cấp này đã ướp thuốc đàng hoàng, nên râu mày vẫn còn đầy đủ, mặt mũi nhìn rất rõ ràng. Dương Bằng Cử đã bôn ba giang hồ khá lâu, nhưng cũng không khỏi tay chân bủn rủn. Trương Triều Đường lại càng không nói được lời nào.

Dương Bằng Cử khẽ đặt rương lại chỗ cũ, rồi nói: “Mau mau chuồn thôi!”

Y đến giường lắc Trương Khang dậy. Ba người bò rạp xuống sàn, nhẹ nhàng lần ra trước cửa. Dương Bằng Cử sờ được tảng đá lớn, nhưng vận hết sức cũng không sao nhấc lên được. Y thầm kêu khổ, vừa cố gắng nhích được một chút thì bỗng có ánh lửa lóe lên, người họ Chu cầm nến bước ra.

Dương Bằng Cử nắm chặt chuôi đao, biết rõ mình không địch nổi, nhưng hoàn cảnh thế này chỉ còn cách nhắm mắt đánh liều một trận. Nào ngờ họ Chu chỉ hỏi: “Muốn đi rồi ư?”

Rồi y dùng một tay xách tảng đá lớn kéo qua một bên. Dương Bằng Cử và Trương Triều Đường không dám nhiều lời, chỉ cúi đầu ấp úng cảm ơn, rồi lên ngựa chạy về hướng Tây.

Chạy được mười mấy dặm, ba người cứ tưởng đã thoát nguy. Nhưng họ chưa kịp yên tâm, thì đột nhiên phía sau có tiếng vó ngựa vang lên, rồi có người giận dữ quát: “Này, dừng lại! Dừng lại!”

Ba người không dám dừng lại, vội vàng giục ngựa chạy nhanh hơn. Đột nhiên có bóng người thấp thoáng, một người lướt qua bên mình ngựa, chặn ở trước mặt. Y đưa tay ra cản, con ngựa của Dương Bằng Cử giật mình hí dài một tiếng, dựng hai vó trước lên.

Dương Bằng Cử vung đao chém tới. Người kia không dùng binh khí, né chiêu đao rồi đột nhiên nhảy lên, vung quyền trái đánh vào huyệt Thái dương bên phải của Dương Bằng Cử. Dương Bằng Cử dựng thẳng đao lên, ra chiêu Hoành Giá Kim Ngưỡng chém vào cánh tay đối thủ. Nào ngờ đó chỉ là hư chiêu, thoi quyền giữa đường bỗng xòe ra thành chưởng. Người kia chưa rơi xuống đất đã túm được cổ tay Dương Bằng Cử, quát lên một tiếng: “Xuống!”

Y lôi họ Dương từ trên ngựa xuống, tiện tay đoạt lấy thanh cương đao, quăng xuống đất. Lúc này trời đã gần sáng, trong khoảng mờ mờ có thể nhận ra đó là người nông phu họ Chu.

Họ Chu lạnh lùng bảo: “Quay về!” Y quay lưng lại, cưỡi ngựa đi trước, không cần nhìn xem ba người kia có đi theo hay không.

Dương Bằng Cử biết mình có phản kháng cũng vô ích, muốn trốn cũng không được, đành ngoan ngoãn lên ngựa chạy theo.

Bốn người dắt nhau về, đến cửa đã thấy phòng khách đèn đuốc sáng trưng. Chú bé mục đồng và ba người nông phu còn lại đang ngồi chờ đợi, thần sắc rất trang nghiêm, không ai mở miệng nói gì.

Dương Bằng Cử biết mình không tránh khỏi cái chết, đành ngang tàng nói: “Hôm nay Dương đại gia này đã lọt vào tay các ngươi. Muốn giết thì giết, không cần phải nói nhiều.”

Người họ Chu lên tiếng hỏi: “Ưng đại ca! Chúng ta phải làm sao đây?”

Người họ Ưng im lặng không đáp. Người họ Nghê nói: “Chủ tớ Trương công tử thì thả đi, còn tên họ Dương thì giết.”

Người họ Ưng bèn nói: “Tên họ Dương này làm nghề bảo tiêu, tức là chó săn của bọn nhà giàu, không phải hảo nhân. Nhưng hôm qua hắn có một phen nghĩa khí, dũng cảm làm việc tốt, thôi thì tha mạng một lần. La huynh đệ, phế cặp chiêu bài của hắn đi.”

Người họ La đứng dậy. Sắc mặt Dương Bằng Cử thay đổi trông rất thảm hại.

Trương Triều Đường không hiểu tiếng lóng giang hồ “phế chiêu bài” có nghĩa là “móc mắt”; nhưng nhìn thần sắc mọi người cũng biết là chuyện tổn hại đến Dương Bằng Cử. Chàng định mở miệng cầu xin, nhưng chú bé mục đồng đã nói trước: “Ưng thúc thúc! Cháu thấy người này cũng rất đáng thương, hay là tha hắn một lần đi.”

Người họ Ưng nhìn mọi người một cái, ngập ngừng chốc lát rồi bảo Dương Bằng Cử: “Có người xin tha cho ngươi, thì cũng được thôi. Nhưng ngươi phải thề là mọi việc hôm nay nhìn thấy, nhất định không tiết lộ ra ngoài một tiếng.”

Dương Bằng Cử cả mừng, lập tức đáp ngay: “Việc tối hôm nay, thật sự tại hạ không cố ý nhìn trộm, nhưng đã lỡ thấy rồi. Tiếc là Dương mỗ có mắt không tròng, không biết các vị là anh hùng hảo hán. Về chuyện của các vị, tại hạ xin thề sẽ thủ khẩu như bình. Nếu sau này phản bội lời thề, xin trời tru đất diệt cho tại hạ chết thê thảm không sao tả xiết.”

Người họ Ưng nói: “Được! Chúng ta tin ngươi là tay hảo hán. Ngươi đi đi.”

Dương Bằng Cử chắp tay, quay người lại định đi. Người họ Nghê đột nhiên đứng bật dậy, lớn tiếng hỏi: “Cứ thế mà đi hay sao?”

Dương Bằng Cử ngẩn ra một chút mới hiểu ý, khổ sở gượng cười rồi nói: “Được! Xin cho tại hạ mượn đao.”

Người họ Chu lấy ở dưới bàn ra một lưỡi đao rất bén, nhẹ nhàng xoay ngược lại, đưa chuôi ra ngoài. Dương Bằng Cử đưa tay đón lấy, bước tới một bước, đặt bàn tay trái lên bàn. Y vung đao xoẹt một tiếng, chặt đứt lìa hai ngón tay của mình rồi mỉm cười nói: “Tại hạ đã không có tài sản lại không có danh tiếng gì, nhưng đã tự làm thì phải tự chịu. Chuyện này hoàn toàn không liên quan gì đến Trương công tử.”

Mọi người thấy máu trên tay y tuôn ra như suối, mà nói chuyện vẫn cứng cỏi, ai cũng thán phục khí phách của y. Người họ Nghê giơ ngón tay cái lên khen ngợi rồi nói: “Hay lắm! Việc hôm nay coi như kết thúc ở đây.” Nói xong, y quay lưng đi vào bên trong, lấy thuốc trị thương và vải trắng ra, cầm máu rồi buộc lại vết thương cho họ Dương.

Dương Bằng Cử không muốn ở đây thêm nữa, liền quay lại bảo Trương Triều Đường: “Chúng ta đi thôi!”

Trương Triều Đường thấy mặt y tái xanh tái mét, chắc chắn đang rất đau đớn. Chàng muốn khuyên y ở lại nghỉ ngơi một lát, nhưng không sao nói được.

Người họ Ưng lên tiếng: “Trương công tử đã từ vạn dặm xa xôi đến đây. Chúng ta làm kinh hãi khách phương xa, thật sự áy náy trong lòng. Không ai muốn công tử về nước kể lại người Trung thổ chúng ta toàn là bọn cùng hung cực ác. Dương Bằng Cử nói vậy là khá thông minh, còn ta cũng tặng công tử một món quà.”

Nói xong, y lấy trong bọc ra một vật, đưa cho Trương Triều Đường.

Trương Triều Đường nhận lấy nhìn kỹ, thấy đó là một cái thẻ tre. Mặt trước có dùng bút lửa vẽ chìm hai chữ Sơn Tông, còn mặt sau thì chạm khắc một ít hoa văn nhìn không ra hình gì.

Người họ Ưng nói: “Hiện nay thiên hạ đang đại loạn. Công tử là một thư sinh yếu đuối, không nên đi lại bên ngoài. Ta khuyên công tử nên mau mau về nước. Mấy ngày sắp tới, nếu dọc đường gặp phải chuyện gì, công tử đưa cái thẻ tre này ra không chừng sẽ có ích. Vài năm nữa… Ôi, có thể mười năm, hai mươi năm cũng không chừng, khi nào công tử nghe thấy Trung thổ đã thái bình thì hãy quay trở lại. Thời thế này mà theo đuổi công danh cũng vô ích, lại còn thêm họa.”

Trương Triều Đường xem kỹ cái thẻ tre một lần nữa, vẫn không thấy chỗ nào kỳ lạ hay đặc biệt. Chàng không tin nó có pháp lực thần bí gì, cho rằng đó chỉ là một vật lấy hên, bèn thuận miệng cảm ơn rồi giao cho Trương Khang cất vào trong bọc quần áo.

Ba người từ biệt ra ngoài, lên ngựa chầm chậm mà đi. Quay về tới chỗ vừa rồi giao thủ với người họ Chu, Dương Bằng Cử thấy thanh cương đao vẫn còn dưới đất, phản chiếu ánh sáng lấp lánh. Y nhặt lên, nghĩ bụng: “Ta tự khoe mình là anh hùng tài giỏi, nhưng khi lọt vào tay người ta thì thật không đáng một phát đánh rắm.”

***

Trời sáng thì đến một thị trấn nhỏ. Trương Triều Đường tìm khách điếm cho Dương Bằng Cử nghỉ ngơi một ngày một đêm, sáng hôm sau mới tiếp tục lên đường.

Giữa trưa họ ghé lại ăn cơm, rồi lại lên ngựa đi tiếp hai mươi dặm nữa. Đột nhiên nghe tiếng vó ngựa vang lên, một con ngựa chạy từ phía trước tới. Lúc đi ngang qua, kỵ sĩ kia nhìn họ một lượt rồi chạy tiếp.

Đi được năm sáu dặm, tiếng vó ngựa lại vang lên ở phía sau, thì ra kỵ sĩ vừa rồi quay lại đuổi theo. Lần này Dương Bằng Cử và Trương Triều Đường đều nhìn thấy rõ ràng, kỵ sĩ đó đầu quấn khăn xanh, giữa cặp lông mày lộ ra sắc thái nửa anh hùng nửa ngang ngạnh. Y lại qua mặt ba người, rồi giục ngựa chạy nhanh về phía trước.

Trương Triều Đường nói: “Người này lạ thật! Sao y đi rồi lại quay trở về?”

Dương Bằng Cử nói: “Trương công tử! Lát nữa công tử cứ tự mình chạy trốn, không cần phải đợi tại hạ.”

Trương Triều Đường kinh ngạc hỏi: “Lại có kẻ cướp ư?”

Dương Bằng Cử nói: “Trong vòng năm dặm nữa, chắc chắn có chuyện xảy ra. Nhưng bây giờ chúng ta không còn đường lùi, đành phải đi tiếp.”

Ba người lo lắng không yên, từ từ đi về phía trước. Chỉ mới được khoảng hai dặm bỗng nghe có tiếng veo véo, một mũi tên hiệu bắn lên trời. Lập tức có ba người cưỡi ba con ngựa từ vệ đường tiến ra, đứng chặn giữa đường.

Dương Bằng Cử thúc ngựa tiến lên, chắp tay nói: “Tại hạ họ Dương, ở Võ Hội tiêu cục, hôm nay đi đường qua quý địa phương, nhưng không phải đi bảo tiêu nên không trình thiếp để bái phỏng đương gia của các vị. Trương tướng công này là nhân sĩ ở ngoại quốc, xin các vị rộng lượng một phen để bọn tại hạ lên đường đi tiếp.”

Trên giang hồ Dương Bằng Cử hơi có danh tiếng, võ nghệ cũng không tệ lắm. Nhưng y vừa phải tự chặt ngón tay, nghĩ đến bằng hữu vùng này chắc phần lớn là đồng bọn của mấy người họ Ưng, họ Chu vừa gặp, nên mới dùng lời cung kính để mong giúp đỡ.

Trong ba người chặn đường, có một người tay không. Y mỉm cười nói: “Bọn ta đang túng tiền, muốn mượn một trăm lạng bạc.”

Y nói bằng thổ ngữ Nam Chiết Giang. Dương Bằng Cử và Trương Triều Đường nghe chẳng hiểu gì, ngẩn ra đưa mắt nhìn nhau.

Người khi nãy chạy tới chạy lui thăm dò, bây giờ bỗng cất tiếng quát: “Muốn mượn một trăm lạng bạc! Còn chưa chịu hiểu ư?”

Dương Bằng Cử thấy họ vô lễ như thế, giận dữ không kìm được, quát trả: “Muốn mượn bạc thì dựa vào bản lãnh mà mượn!”

Người nói thổ ngữ Nam Chiết Giang lên tiếng: “Được! Để xem bản lãnh của ta có xứng đáng mượn một trăm lạng bạc hay không!”

Y nói xong, lấy cây cung đeo sau lưng xuống, lắp đạn bắn veo véo ba viên lên trời. Khi ba viên đạn này lên hết đà bắt đầu rơi xuống, y bắn tiếp ba phát đạn liên châu nữa. Sáu viên đạn chia làm ba cặp chạm nhau vỡ vụn giữa trời, thành một đám bụi rơi xuống.

Dương Bằng Cử nhìn tuyệt kỹ thần đạn này mà ngẩn người ra. Đột nhiên y thấy cổ tay đau nhói, đơn đao rơi xuống đất nghe xoảng một tiếng. Thì ra cổ tay y đã bị bắn trúng rồi.

Người thứ ba vẫn chưa lên tiếng, xách nhuyễn tiên giật cương ngựa chạy tới, ra chiêu Khô Đằng Triền Thọ quất vào giữa lưng Dương Bằng Cử. Họ Dương phải thúc ngựa chạy ra tránh né. Người kia thừa thế dùng đầu nhuyễn tiên cuộn lấy cây đơn đao ở dưới đất, giật lên nắm trong tay, buông tiếng cười dài rồi giục ngựa chồm lên. Khi chạy qua cạnh Trương Khang, y lướt cương đao hai nhát, bạch quang vừa nháy động là hai sợi dây đeo cái bao sau lưng đã bị cắt đứt.

Người kia không thèm dừng lại, cứ thúc ngựa chạy tới trước. Cái bao vải đang từ trên lưng Trương Khang tuột xuống, người bắn đạn đã kịp thời chạy tới, vươn cánh tay ra. Cái bao chưa kịp rơi tới đất, y đã cúi người xách lên, nhấc thử xem nặng nhẹ ra sao rồi mỉm cười nói: “Cảm ơn nhé!”

Ba người đó phi ngựa quay trở lại, chớp nhoáng đã không thấy bóng dáng đâu nữa.

Dương Bằng Cử chỉ biết thở dài, không nói được tiếng nào. Trương Khang lo lắng hỏi: “Tiền sinh hoạt đi lại của chúng ta đều ở trong cái bao đó. Như vậy… như vậy… làm sao về nhà được?”

Dương Bằng Cử nói: “Còn giữ được mạng, coi như không tệ lắm. Bây giờ chúng ta cứ đi đã, sau này hãy tính.”

Ba người cúi đầu ủ rũ đi tiếp. Mới chừng ăn được bữa cơm, đột nhiên nghe phía sau có tiếng vó ngựa chạy tới, quay lại nhìn thì thấy ba người kia quay trở lại. Dương Bằng Cử và Trương Triều Đường đều lo lắng thở dài, nghĩ bụng: “Cướp hết vàng bạc rồi thì thôi chứ! Chẳng lẽ muốn lấy mạng nữa hay sao?”

Ba người kia phi ngựa đến trước mặt, rồi cùng ấn tay vào yên nhảy xuống ngựa. Người đầu tiên chắp tay nói: “Thì ra người phe mình cả, đắc tội, đắc tội! Bọn tại hạ không biết nên mới mạo phạm, xin các vị đừng trách.”

Một người khác hai tay nâng cái bao đưa cho Trương Khang. Trương Khang không dám nhận, nhìn qua chủ nhân một cái. Trương Triều Đường khẽ gật đầu, Trương Khang mới đón lấy.

Người đầu tiên lại nói tiếp: “Vừa rồi nghe nói, một người là Dương tiêu đầu, một người là Trương công tử, đều là tên họ thật phải không?”

Trương Triều Đường đáp: “Đúng vậy.” Sau đó chàng nói rõ tên tuổi và lai lịch của mình.

Ba người kia nghe xong đều ra vẻ kinh ngạc, nhìn nhau một cái. Người đầu tiên nói: “Tại hạ họ Hoàng, còn hai người này là anh em ruột họ Lưu. Trương công tử! Nếu công tử đưa cái thẻ tre này ra từ sớm thì hay biết mấy, bọn tại hạ tránh được cái tội vô lễ.”

Trương Triều Đường nghe câu này mới biết cái thẻ tre kia có ích. Trong lúc tâm thần bất định, chàng không biết phải nói gì.

Người họ Hoàng lại nói: “Nhất định là các vị đang lên đỉnh Thánh Phong rồi. Chúng ta cùng đi nhé!”

Trương Triều Đường và Dương Bằng Cử đều đoán họ là phe đảng của một bang hội nào đó rất có thanh thế, tránh xa còn sợ không kịp, dĩ nhiên không dám đi chung để rước họa vào thân.

Trương Triều Đường nói: “Tại hạ và vị bằng hữu này đang phải đi gấp đến Quảng Châu, chắc không lên đỉnh Thánh Phong được.”

Người họ Hoàng lộ vẻ hơi giận, nói: “Ba ngày nữa đã là mười sáu tháng tám rồi. Bọn tại hạ từ ngàn dặm xa xôi cũng cố đến Việt Đông này cho kịp, còn các vị đã đến đây rồi sao không lên núi?”

Lên núi để làm gì? Mười sáu tháng tám là ngày gì? Trương Triều Đường và Dương Bằng Cử hoàn toàn không biết, nhưng không dám nhận là mình không biết. Trương Triều Đường còn bướng bỉnh nói: “Gia đình tiểu đệ đang có việc gấp, phải lập tức quay về.”

Người họ Hoàng giận dữ nói: “Lên núi không mất tới hai ngày. Ngày kỵ của Đốc sư, các vị đi ngang núi mà không lên bái, sao có thể gọi là bằng hữu Sơn Tông?”

Trương Triều Đường càng nghe càng mù tịt, không biết ngày kỵ của vị Đốc sư nào, và Sơn Tông là cái gì. Dương Bằng Cử có kiến thức hơn, hiểu rằng phen này đỉnh Thánh Phong không thể không lên, dù gặp nguy hiểm cũng phải thử thời vận một phen. Hơn nữa, nhìn thần sắc và nghe giọng điệu của mấy người này cũng không thấy ác ý, nên y bèn nói: “Ba vị đã có hảo ý như vậy, tại hạ cùng Trương công tử nhất định phải lên núi một phen.”

Nói xong, y nháy mắt với Trương Triều Đường một cái, tỏ ý không nên từ chối.

Ba người kia đều tỏ vẻ vui mừng. Người họ Hoàng mỉm cười nói: “Phải như vậy mới đúng. Tại hạ cũng nghĩ, các vị không phải loại người không có nghĩa khí.”

Sáu người kết bạn đi cùng, suốt dọc đường ăn nghỉ ở khách sạn đều do người họ Hoàng lo liệu. Y chỉ cần đưa tay ra hiệu, nói mấy câu ám ngữ là không tiệm cơm hay khách sạn nào dám lấy tiền, lại còn tiếp đãi mười phần lịch sự.

Đi được hai ngày, phía trước đã xuất hiện một ngọn núi cao ngất chạm tới mây. Người họ Hoàng nói: “Đây chính là đỉnh Thánh Phong rồi.”

Dọc đường họ gặp rất nhiều người, phần lớn đều hướng tới đỉnh Thánh Phong. Mập ốm cao lùn loại nào cũng có, nhưng nhìn thần sắc cử chỉ đều là người có võ công. Rất nhiều người quen biết họ Hoàng và anh em họ Lưu, khi gặp mặt đều chắp tay chào hỏi.

Trương Triều Đường và Dương Bằng Cử đã khôn ra, cố gắng không thám thính bí mật riêng tư của người ta nữa, mỗi khi thấy họ nói chuyện lại đứng xa ra. Dương Bằng Cử nghe những người này chào hỏi nhau bằng đủ thứ thổ âm, Nam có Bắc có, Điêu Long có Hà Sóc có, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Thiểm Tây đều có cả. Nhìn cách ăn mặc cũng biết họ từ phương xa tới, người nào cũng dày dạn phong trần. Hai người Trương và Dương đều cảm thấy kỳ lạ, cứ phập phồng lo sợ.

Dương Bằng Cử nghĩ: “Nhất định bọn này đều là cường đạo ở các sơn trại, chắc là muốn tập hợp tạo phản. Mình là lương dân trong sạch mà phải chung đụng với bọn phản tặc này, muốn rời khỏi cũng không được, thật là cực kỳ xúi quẩy”.

Đêm đó, Trương Triều Đường cùng họ nghỉ lại một khách điếm dưới chân ngọn núi Thánh Phong, để sáng sớm hôm sau cùng lên núi. Mọi người đang ăn cơm tối, đột nhiên có một người chạy vào khách điếm la lên: “Tôn tướng công đến rồi!”

Tiếng hô vừa dứt, tám chín phần thực khách trong tiệm đều lập tức đứng dậy, chạy ào ào ra ngoài. Dương Bằng Cử giật tay áo Trương Triều Đường, khẽ bảo: “Ra ngoài xem thử!”

Ra khỏi khách điếm, họ thấy mọi người sắp hàng hai bên, thõng tay đứng nghiêm chỉnh, hình như đang đợi một nhân vật quan trọng nào đó. Lát sau từ phía tây vọng đến tiếng vó ngựa, mọi người đều kiễng chân cao lên để nhìn. Một thư sinh trạc ngoại tứ tuần đang cưỡi ngựa từ từ tiến đến. Y thấy mọi người dàn hai bên đường đón tiếp, bèn thúc ngựa chạy nhanh tới nơi rồi nhảy xuống đi bộ.

Thư sinh đó đi qua chỗ nào cũng gật đầu chào hỏi mọi người. Khi tới trước mặt Trương Triều Đường, thấy chàng cũng ăn mặc ra vẻ thư sinh, y hơi ngạc nhiên, chắp tay lại hỏi: “Xin hỏi các hạ là ai?”

Trương Triều Đường đáp: “Tại hạ họ Trương. Xin thỉnh giáo tôn tính đại danh các hạ.”

Thư sinh kia đáp: “Tại hạ họ Tôn, tên Trọng Thọ.”

Trương Triều Đường chắp tay nói: “Ngưỡng mộ đã lâu!”

Tôn Trọng Thọ hơi mỉm cười, đi vào trong.

Ăn cơm tối xong, Dương Bằng Cử khẽ bảo Trương Triều Đường: “Người thư sinh họ Tôn này có vẻ rất có quyền thế. Trương công tử nên qua đó nói chuyện một chút, xin ông ấy thả chúng ta đi. Hai vị đều là thư sinh cả, nói chuyện chắc dễ thông cảm hơn.”

Trương Triều Đường cũng cho là phải, bèn bước đến cửa phòng Tôn Trọng Thọ, đằng hắng một tiếng rồi đưa tay gõ cửa. Trong phòng đang có tiếng đọc thơ văn gì đó. Chàng gõ được mấy cái, tiếng đọc sách dừng lại, cửa phòng mở ra. Tôn Trọng Thọ bước ra đón tiếp, lên tiếng: “Khách điếm này tĩnh mịch quá. Được Trương huynh ghé qua nói chuyện, thật là tuyệt diệu.”

Trương Triều Đường chắp tay thi lễ xong bước vào phòng, thấy trên bàn có một quyển vở chép tay đang mở ra. Chàng liếc vào thấy mấy chữ Liêu Đông, Ninh Viễn, Thần, Hoàng thượng… giống như một bản tấu chương.

Trương Triều Đường sợ phạm vào chuyện kiêng kỵ của người khác, nên ngồi xuống không dám nhìn lâu. Tôn Trọng Thọ hỏi về gia thế lai lịch, chàng thật tình nói hết.

Tôn Trọng Thọ nói: “Phen này Trương huynh đến đây thật không đúng lúc. Triều chính Trung thổ đang ở vào thời kỳ tồi tệ, không biết ngày nào mới sáng sủa trở lại. Theo ý tại hạ thì Trương huynh hãy tạm thời trở về Bột Nê là tốt nhất, đợi khi nào Trung thổ có thánh thiên tử trị vì rồi hãy quay lại đây ứng thí.”

Trương Triều Đường vâng dạ, nói mình cũng đang muốn trở về. Sau đó chàng kể đến những việc mình trốn tránh quan sai, Dương Bằng Cử ứng cứu như thế nào, vì sao mà có được cái thẻ tre đó. Chàng hoàn toàn không nhắc đến việc nhìn thấy thủ cấp trong rương.

Tôn Trọng Thọ nói: “Chúng ta gặp nhau ở đây, có thể gọi là có duyên. Ngày mai Trương huynh hãy theo tại hạ lên núi để biết một vụ thiên cổ kỳ oan nơi Trung thổ. Chỉ cần không tiết lộ những gì đã thấy đã nghe với người khác, tại hạ có thể đảm bảo Trương huynh không bị thiệt thòi chi hết.” Trương Triều Đường đa tạ, nhưng không dám hỏi nhiều.

Tôn Trọng Thọ hỏi đến chuyện phong thổ dân tình ở nước Bột Nê. Nghe Trương Triều Đường kể lại những chuyện chưa từng được nghe, y than thở: “Không biết đến lúc nào bá tính ở Trung thổ bọn tại hạ mới được an cư lạc nghiệp, không lo nghèo đói, phước hưởng thái bình như bá tính ở nước Bột Nê!”

Hai người nói chuyện mãi đến canh hai, Trương Triều Đường mới từ biệt trở về phòng. Dương Bằng Cử thức đợi, vô cùng lo lắng. Nghe chàng nói lại lời của Tôn Trọng Thọ, y mới yên tâm.

***

Hôm sau đúng là tết Trung thu. Trương Triều Đường, Dương Bằng Cử và Trương Khang theo đám đông lên núi từ sáng sớm. Đến giờ ăn trưa, ở lưng chừng núi đã có mười mấy người gánh cơm nước thức ăn đợi sẵn, đều là thức ăn chay cả. Mọi người ăn xong, nghỉ ngơi một chút rồi tiếp tục lên núi.

Càng lên cao, dọc đường đều có người canh gác, tra xét rất nghiêm ngặt. Nhưng khi hỏi đến ba người Trương, Dương, Tôn Trọng Thọ chỉ gật đầu một cái là họ không hỏi tiếp nữa. Trương Triều Đường nghĩ thầm trong bụng: “Nguy quá! Nếu đêm qua ta không nói chuyện với ông ấy, hôm nay chết sống không biết thế nào.”

Xế chiều thì đến đỉnh núi, mấy trăm hán tử đã xếp hàng nghênh đón. Trên núi chỉ thưa thớt mấy chục gian nhà. Tòa nhà lớn nhất trông như một ngôi chùa. Những gian nhà xung quanh trông rất bình thường, không hề có trạm gác hay pháo đài phòng vệ, hoàn toàn không giống sơn trại của bọn trộm cướp.

Nhìn khí thế mọi người, Dương Bằng Cử cứ tưởng trên đỉnh núi phải là sơn trại hùng vĩ oai phong, phòng thủ nghiêm ngặt, nào ngờ hoàn toàn không phải, nên thầm kinh ngạc trong lòng. Y đã lăn lộn mười mấy năm trời trên chốn giang hồ, kiến văn khá rộng, nhưng lần này hoàn toàn không hiểu tí gì.

Có một việc lại càng kỳ lạ. Những người này từ vạn dặm xa xôi đến đây tụ họp, nhìn vẻ thân mật rõ ràng đã quen biết từ lâu. Nhưng họ gặp nhau lại không vui vẻ chút nào, cũng không lớn tiếng cười nói. Thần sắc ai cũng đầy vẻ bi tráng, lo âu, phẫn nộ.

Ba người họ Trương, Dương được dẫn vào một căn phòng nhỏ. Chốc lát đã có người đưa cơm đến, bốn đĩa đều là đồ chay cả. Trương Triều Đường và Dương Bằng Cử âm thầm trao đổi, đều không đoán được những người này đang định làm gì. Về vụ thiên cổ kỳ oan mà Tôn Trọng Thọ đã nhắc đến, họ lại càng mù mờ không hiểu.

Sáng hôm sau, Trương Triều Đường và Dương Bằng Cử thức dậy dùng điểm tâm xong, rủ nhau ra ngoài tản bộ. Chỗ nào cũng đầy những hán tử to cao, người thì mặt mũi sứt sẹo, người thì cụt tay què chân, ai cũng ra vẻ đánh quen trăm trận, sương gió đã nhiều. Hai người Trương, Dương sợ sinh sự chuốc họa vào thân, chỉ chốc lát đã trở về phòng, không dám ra ngoài nữa.

Suốt ngày cứ phải ăn đồ chay, Dương Bằng Cử âm thầm thóa mạ: “Con mẹ nó! Chắc là bọn cường đạo này chết sạch tổ tông mười tám đời rồi, bắt lão gia ăn toàn những thứ rau xanh, đậu khô nhạt thếch, nuốt không nổi!”

Xế chiều, đột nhiên nghe tiếng chuông binh boong vang lên. Chẳng bao lâu, có một hán tử đi vào trong phòng, lên tiếng: “Tôn tướng công mời hai vị đến đại điện xem hành lễ.”

Hai người Trương, Dương đi theo. Trương Khang cũng muốn theo, nhưng hán tử đó bảo: “Tiểu huynh đệ! Ngủ sớm một bữa đi.”

Trương, Dương theo y qua mấy gian nhà ngói, tới trước một cái miếu. Trương Triều Đường ngẩng đầu nhìn lên, thấy một tấm hoành phi viết ba chữ rất lớn: Trung Liệt Tự. Chàng nghĩ bụng: “Thì ra là một gian từ đường, không biết thờ phụng vị nào”.

Hán tử đó dắt hai người qua khỏi tiền sảnh rồi một cái sân, hai bên xếp đầy giá đựng binh khí. Trên giá bày đủ mười tám loại binh khí, nào là đao, thương, búa, mâu, kích, tiên, món nào cũng được lau chùi sáng loáng.

Vào đến đại điện, thật không ngờ bên trong đen kịt đầu người, ít ra cũng phải tới hai ba ngàn. Hai người Trương, Dương âm thầm kinh hãi, không hiểu vì sao trên đỉnh núi hoang sơ này lại tụ tập nhiều người đến thế.

Trương Triều Đường ngẩng đầu nhìn lên, thấy trong điện thờ một bức thần tượng. Người trong tranh phục sức theo kiểu đại quan bản triều, đầu đội nón sắt sơn vàng, khoác trường bào đỏ bên ngoài áo giáp màu vàng, tay phải cầm bảo kiếm, tay trái phất lệnh kỳ. Mặt ông hơi ốm, để ba chòm râu dài trông rất oai nghi, ánh mắt nghiêng nghiêng dõi về phương xa. Lông mày khóe mắt hơi chau, như có phần lo âu tư lự.

Hai bên thần tượng này còn sắp hai dãy linh vị. Trương Triều Đường đứng khá xa, không sao nhìn rõ tên tuổi ghi trên những bài vị đó. Bốn vách tường trong đại điện treo đầy cờ xí, khôi giáp, binh đao, yên cương. Cờ xí đủ màu vàng, trắng, đỏ, xanh lam, cũng có loại màu vàng viền đỏ, có loại màu trắng viền đỏ.

Trong lòng Trương Triều Đường nảy ra vô số nghi ngờ, nhưng thấy tất cả mọi người trong điện đều có sắc thái bi tráng, phẫn nộ, nên chàng im lặng không dám lên tiếng hỏi. Đột nhiên kế bên thần tượng có một hán tử vừa ốm vừa cao đứng dậy, thắp nến lên, đốt nhang rồi lớn tiếng hô: “Chí tế!”

Cả điện lập tức quỳ xuống, chỉ thấy một bãi đen nhánh đầu người. Trương Triều Đường và Dương Bằng Cử cũng theo đó mà quỳ lạy.

Tôn Trọng Thọ vượt qua mọi người, tiến lên phía trước, cầm lấy bài văn tế, dõng dạc đọc lên. Dương Bằng Cử thì không hiểu lời văn nói những gì, còn Trương Triều Đường càng nghe càng kinh hãi.

Văn tế sôi sục phẫn nộ, chửi bọn Thát tử Mãn Thanh đến mức như dội máu chó lên đầu; đối với hoàng đế Sùng Trinh đương triều cũng chẳng nể mặt tí nào, nói y “hôn quân vô đạo, không biết phân biệt ngay gian, bảo thủ cố chấp, giết hại tướng tài, tự làm sụp đổ trường thành vạn dặm, đáng làm tội nhân của con cháu Diêm vương”. Đối với đương kim hoàng đế mà dám buông lời thóa mạ như vậy, còn chưa phải công nhiên tạo phản hay sao?

Trương Triều Đường càng nghe càng kinh hãi nghi ngờ. Về sau bài văn tế còn quyết liệt thêm, ngay cả liệt tổ liệt tông của Sùng Trinh hoàng đế cũng bị lôi ra thóa mạ vô cùng thống khoái. Minh Thái Tổ thì giết hại Từ Đạt, Lưu Cơ là những vị công thần. Thần Tông thì lạm thu thuế má, chà đạp bá tính. Thi Tông thì chỉ thích dùng bọn hoạn quan ẻo lả, những bậc quân tử thanh cao trong triều không bị chém đầu cũng bị giam vào ngục. Lắm vị đại thần một lòng bảo vệ sơn hà, hy sinh kháng địch như Phùng Đình, Bạch Đề bị giết hại một cách thê thảm.

Bài văn tế này lý ngay lẽ thẳng, ngữ khí hào hùng, từng chữ từng câu đều đi vào tâm khảm Trương Triều Đường. Tuy chàng ở ngoại quốc xa xôi, nhưng những việc lớn ở Trung thổ đã từng nghe biết. Nửa cuối bài văn tế là một thiên chữ nghĩa ca tụng võ công của Đốc sư oai trấn biên cương, rồi sau đó lại chửi bới Sùng Trinh giết hại trung lương.

Nghe đến đây, Trương Triều Đường mới đoán được người trong thần tượng là Kế Liêu đốc sư Viên Sùng Hoán, người đã từng liên tiếp đánh bại quân Thanh, thắng cả Thanh thái tổ Nỗ Nhĩ Ha Xích, khiến cho binh tướng nhà Thanh nghe tên là vỡ mật.

Trương Triều Đường ngẩng đầu lên nhìn, thấy thần tượng sống động như người thật, cặp mắt dõi ra xa như đang nhìn bọn dị tộc xâm lăng Trung thổ, chiếm cứ sơn hà, tàn hại lê dân, chỉ hận không thể trở lại Liêu Đông để chống đỡ ngoại xâm.

Cuối bài văn tế là lời thề của mọi người đang dự tế ở đây: “Báo cừu tuyết hận, rửa mối thiên cổ kỳ oan, xin Đốc sư trên trời chứng giám.”

Đọc xong văn tế, người xướng lễ hô lớn: “Khấu đầu, lạy tạ thần tượng Đốc sư và linh vị của các tướng quân tử nạn.”

Mọi người liền quỳ xuống khấu đầu. Một đứa bé trai mặc đồ đại tang bỗng quay đầu lại, nằm rạp xuống đất, trả lễ mọi người. Trương Triều Đường và Dương Bằng Cử lại kinh hãi một phen. Thì ra đứa bé này chính là chú mục đồng hôm trước họ đã gặp ở nhà mấy người nông phu.

Mọi người bái lạy xong đứng dậy, ai cũng nước mắt đầm đìa, bi phẫn khó mà nén được. Tôn Trọng Thọ lên tiếng gọi Trương Triều Đường: “Trương huynh! Bài văn tế của tại hạ có chỗ nào không ổn, xin được chỉ dạy, bổ sung sửa chữa giúp.”

Trương Triều Đường khiêm tốn trả lời: “Không dám!”

Tôn Trọng Thọ sai người đem văn phòng tứ bảo ra, lại nói: “Tại hạ mời Trương huynh lên núi, chính vì muốn mượn bàn tay tài tử hải ngoại diễn tả cho huân nghiệp Viên đốc sư càng thêm sáng tỏ, khiến mọi người trên thế gian đều biết Viên đốc sư mắc nạn hàm oan, cả thiên hạ đều phẫn nộ, Trung thổ hải ngoại đồng mối bi ai. Đám bộ hạ cũ này của Đốc sư Viên Sùng Hoán ích kỷ một phen, mong Trương huynh thông cảm.”

Trương Triều Đường bây giờ đã hiểu tại sao họ Tôn mời mình lên núi, nhưng nhất thời không biết phải làm gì. Viên Sùng Hoán bị triều đình xử tử đúng là do hoàng đế Sùng Trinh hồ đồ ngu xuẩn, không biết phân biệt người trung kẻ nịnh, nghe lời sàm tấu của bọn gian thần và thái giám, thiên hạ đều biết là oan uổng. Khi ở Bột Nê, chàng đã nghe mấy thương gia người Quảng Đông vừa rơi lệ vừa nhắc đến chuyện này. Nhưng tuân chỉ của hoàng đế mà thi hành án, ai nói oan uổng tức là phỉ báng đương kim hoàng thượng. Nếu hoàng thượng biết được, gửi một bức thư đến nước Bột Nê, thì cả nhà mình khó tránh khỏi bị liên lụy. Nhưng Tôn Trọng Thọ đã nói ra lời, tình thế này làm sao cự tuyệt?

Đang lo lắng trong lòng, Trương Triều Đường bỗng phúc chí tâm linh nhớ lại hai bộ tiểu thuyết từng xem, một là Tam Quốc diễn nghĩa, một là Tinh Trung Nhạc truyện. Chàng đọc sách có hạn, không thể viết một bài văn tứ lục dài như Tôn Trọng Thọ, phải suy nghĩ một hồi mới cầm bút viết mấy dòng:

“Tống vương hôn ám;

Vũ Mục chết oan;

Hán triều vận mạt;

Gia Cát sao tàn;

Ôi đau xót thay;

Hồn về thượng hưởng.”

Chàng chỉ nhắc chuyện đời xưa. Nếu không may bài văn tế này rơi vào tay hoàng đế, cũng không ai căn cứ vào đó mà định tội được.

Tôn Trọng Thọ vốn nghĩ họ Trương là học trò hải ngoại, học vấn chẳng được bao nhiêu, chắc không viết nổi câu nào hay ho. Y chỉ mong chàng tán tụng mấy câu về công đức của Viên đốc sư là được, nhưng đọc xong sáu câu này không khỏi vui mừng. Trương Triều Đường so sánh Viên Sùng Hoán như Gia Cát Lượng và Nhạc Phi, chính là tôn kính tối đa rồi, không thể nào hơn được nữa.

Gia Cát Lượng lừng danh từ xưa đến nay, không người nào không ngưỡng mộ. Người Thanh lại là hậu duệ của người Kim, đều là tộc Nữ Chân, tự xưng là Hậu Kim. Khi Mãn Thanh mới lập quốc, đã từng xưng quốc hiệu là Kim. Nhạc Phi và Viên Sùng Hoán đều có công đối địch với quân Kim, đều chết dưới tay hôn quân gian thần. Hai người về tài lược cũng có nhiều chỗ giống nhau.

Tôn Trọng Thọ càng nghĩ càng cảm thấy không phải Trương Triều Đường nhắm mắt nói bừa. Y đem mấy câu này giải thích rõ ra, trong đại điện tức thì vang dội những lời cảm tạ. Cái nhìn của mọi người đối với Trương, Dương thân mật hơn nhiều, không cư xử như người ngoài nữa.

Tôn Trọng Thọ nói: “Trương huynh văn bút phi phàm. Võ Mục Gia Cát, hai câu này đủ khiến Đốc sư Viên Sùng Hoán ngậm cười ở chốn cửu tuyền. Lát nữa tại hạ sẽ cho người khắc bài này lên một tảng đá, dựng bên từ đường. Phải để người đời sau biết được Viên đốc sư của chúng ta lừng danh thiên hạ, ngay cả những danh sĩ ở ngoại bang xa xôi vạn dặm cũng đem lòng ngưỡng mộ.”

Trương Triều Đường vội vàng chắp tay đa tạ.

Mọi người khấu bái xong, ai về ngồi chỗ nấy. Người xướng lễ cất tiếng hô lên: “… tướng quân… tổng binh… phó tổng binh…”, toàn là quân hàm của võ tướng. Y hô đến tên ai, người đó đứng dậy vái chào.

Trương Triều Đường nghe vậy, biết những người ở đây đều là thuộc hạ cũ của Đốc sư Viên Sùng Hoán. Sau khi ông bị hại, mọi người phẫn nộ rời bỏ quân ngũ, tứ tán khắp nơi. Hôm nay là ngày giỗ kỵ ba năm Viên đốc sư gặp nạn, nên họ tụ họp về đỉnh Thánh Phong, gần quê hương của ông là Đông Quán tỉnh Quảng Đông, để tế lễ cựu soái của mình. Dường như họ còn có mưu đồ gì quan trọng nữa.

Khi người xướng lễ kêu đến Kế Chấn phó tổng binh Chu An Quốc, một người đứng dậy. Trương Triều Đường và Dương Bằng Cử lại giật mình một cái. Thì ra đây chính là người nông phu đã dẫn họ trốn vào mật thất. Dương Bằng Cử nghĩ thầm: “Thì ra y là Kế Liêu đại tướng, từng cầm quân kháng cự bọn Mãn Thanh. Ta thua dưới tay y cũng chẳng thiệt thòi gì lắm”.

Chu An Quốc dõng dạc nói: “Ba năm nay Viên công tử thân thể tráng kiện, võ nghệ tiến bộ nhiều, đọc sách cũng không ít. Tại hạ cùng hai vị huynh đệ Nghê, La đã truyền gần hết võ công của mình cho Viên công tử rồi, xin quý vị cử minh sư khác.”

Tôn Trọng Thọ nói: “Trong huynh đệ chúng ta, còn ai võ công cao hơn các vị? Chu tướng quân đừng quá khiêm nhường.”

Chu An Quốc nói: “Viên công tử hết sức thông minh, ba người bọn tại hạ đã đem hết võ nghệ của mình ra dạy rồi, không còn chiêu thức mới lạ nào nữa. Thật sự phải mời minh sư khác, để khỏi làm chậm trễ đà tiến bộ của Viên công tử.”

Tôn Trọng Thọ nói: “Được! Việc này lát nữa chúng ta sẽ bàn tiếp. Còn chuyện trừ gian thì sao rồi?”

Người nông phu họ Nghê đứng dậy lên tiếng: “Phạm gian tặc đã bị La tham tướng xử tội ở Chiết Giang mấy tháng trước. Còn Sử gian tặc thì mười ngày trước bị tại hạ đuổi kịp ở Triều Châu. Thủ cấp hai tên đó ở đây.”

Nói xong, y xách một cái bao vải dưới đất lên, lấy ra hai cái thủ cấp. Đại điện xôn xao, người thì cất tiếng hoan hô, người thì nghiến răng thóa mạ. Tôn Trọng Thọ đón lấy hai cái thủ cấp đó, đem đặt lên bàn thờ, ngay trước thần tượng.

Bây giờ Trương Triều Đường mới hiểu, hai cái thủ cấp mình phát hiện giữa đêm chính là kẻ thù của Viên đốc sư. Dĩ nhiên đây là bọn gian tặc có liên quan đến vụ hãm hại Đốc sư Viên Sùng Hoán.

Lúc này không ngớt có người nộp thủ cấp lên, trước mặt thần tượng đã bày mười mấy cái. Nghe họ trình bày, thì trong số đó có đầu của Cao thị lang đương triều. Hắn là phe cánh của Ngụy Trung Hiền, đã từng vu cáo bừa bãi Viên Sùng Hoán thông địch phản quốc. Còn có đầu của Tham tướng Tạ Thượng Chấn, vốn là đồng hương của Viên Sùng Hoán, đã được ông dìu dắt nâng đỡ rất nhiều. Nhưng vì hắn có mưu đồ thăng quan tiến chức mà vu cáo ân sư tạo phản. Mọi người hận thù sâu đậm tên này nhất.

Sau khi mọi người bẩm báo xong xuôi, Tôn Trọng Thọ nói: “Bọn tiểu gian đã giết không ít, nhưng đại thù vẫn chưa báo được. Bọn Thát tử Mãn Thanh còn nguyên, hôn quân Sùng Trinh đang tại vị. Làm cách nào để báo cừu tuyết hận cho Đốc sư, các vị có cao kiến gì không?”

Một người hơi lùn đứng dậy cất tiếng gọi: “Tôn tướng quân!”

Tôn Trọng Thọ nói: “Triệu tham tướng có cao kiến gì, xin nói.”

Người lùn ấy nói: “Theo tại hạ thì…”

Mới được bốn chữ, bên ngoài có một hán tử chạy vội vào bẩm báo: “Vương tướng quân Tam Thập Lục Doanh ở Sơn Tây phái người đến đây cầu kiến.”

Mọi người nghe thấy đều cất tiếng hoan hô. Tôn Trọng Thọ nói: “Triệu tham tướng! Chúng ta hãy đón tiếp sứ giả của Tam Thập Lục Doanh trước đã.”

Triệu tham tướng nói: “Đúng vậy!” Y lập tức đi ra ngoài, mọi người cũng đứng dậy hết. Cánh cửa lớn mở ra, nhìn thấy hai đại hán tay cầm đuốc. Hai đại hán đó đứng nép sang một bên, nhường lối ba người bước vào.

Từ lâu Dương Bằng Cử đã nghe danh tiếng của Tam Thập Lục Doanh. Ở Sơn Tây có hơn hai chục vạn quân dân khởi nghĩa, kết thành đồng minh gọi là Tam Thập Lục Doanh, tôn Tử kim dương Vương Tự Dũng làm minh chủ. Mấy năm gần đây họ giết quan tạo phản, thanh thế cực lớn. Trong Tam Thập Lục Doanh thì Sấm vương Cao Nghênh Tường là nổi danh nhất. Dưới trướng họ Cao có đứa cháu kêu bằng cậu là Lý Tự Thành, còn gọi là Sấm tướng, anh hùng vô địch, oai chấn vùng Sơn Tây, Thiểm Tây.

Trong ba vị khách thì người đi đầu khoảng hơn bốn mươi tuổi, mặt rỗ, đầu tóc bù xù, trên người mặc quần áo vải thô. Y phục rách thủng nhiều chỗ ở đầu gối và khuỷu tay, vá víu lung tung. Chân y mang giày cỏ, dính đầy đất bùn, trông hệt như một nông phu. Hai người đi theo y, thì một người chừng ba mươi tuổi, da dẻ trắng trẻo, còn người kia chỉ khoảng hơn hai mươi tuổi, thân hình khôi vĩ, da mặt ngăm đen, trông cũng giống nông phu. Ba người này dáng vẻ trung hậu thật thà, không hiểu sao lại là phe đảng bọn cường khấu đang hoành hành thiên hạ.

Ba người này đi vào đại điện, không nói lời nào, đến đứng trước thần tượng. Hán tử trắng trẻo lấy nhang đèn trong bao vải sau lưng ra, thắp lên. Ba người quỳ xuống khấu đầu, chú bé mục đồng vội tới trước bàn quỳ xuống, khấu đầu trả lễ.

Hành lễ xong xuôi, hán tử mặt rỗ dõng dạc lên tiếng: “Vương tướng quân của bọn tại hạ biết Viên đốc sư ở quan ngoại đánh bọn Thát tử đã lập đại công, người người thán phục. Viên đốc sư bị hôn quân giết hại oan uổng, bá tính trong thiên hạ đều giận dữ vô cùng. Vương tướng quân, Cao Sấm vương, Lý Sấm tướng phái bọn tại hạ đến đây thay mặt để bái lạy trước thần vị của Đốc sư. Tình hình hiện giờ là quan ép dân làm loạn, chúng ta muốn có cơm ăn thì chỉ còn cách kháng lệnh, giết quan. Khẩn cầu anh hồn của Viên đại soái phù hộ cho chúng ta đánh đến Bắc Kinh, bắt hết hôn quân gian thần giết từng tên một, để trả thù cho đại soái và bá tính khắp thiên hạ.”

Nói xong, y lại lạy thêm mấy cái.

Mọi người thấy sứ giả của Vương Tự Dũng tôn sùng Đốc sư của mình, ai cũng phát sinh hảo cảm. Mấy câu nói của y tuy rằng thô thiển, nhưng đều là lời chí lý. Tôn Trọng Thọ bước lên, chắp tay nói: “Đa tạ, đa tạ! Xin thỉnh giáo cao tính đại danh.”

Hán tử đó nói: “Tại hạ là Điền Kiến Tú. Vương tướng quân biết hôm nay là ngày giỗ của Viên đại soái, nên phái tại hạ đến đây bái tế trước linh vị, đồng thời gặp gỡ quý vị một phen.”

Tôn Trọng Thọ nói: “Xin đa tạ thịnh tình của Vương tướng quân. Tại hạ họ Tôn, tên Trọng Thọ.”

Người trắng trẻo nói: “Thì ra tướng quân là em trai của Tôn Tổ Thọ tướng quân. Tôn tướng quân đánh bọn Thát tử mà trận vong, bọn tại hạ vô cùng kính ngưỡng.”

Tôn Tổ Thọ là một đại tướng trấn giữ biên cương, lập nhiều công lớn. Khi quân Mãn Thanh xâm lăng, ông đã cùng Viên Sùng Hoán bảo vệ bờ cõi. Sau khi Viên Sùng Hoán bị hạ ngục, Tôn Tổ Thọ phẫn nộ xông ra liều chết ở ngoài Vĩnh Định Môn thành Bắc Kinh, tử trận cùng với đại tướng Mãn Quế, đã vang danh thiên hạ.

Tôn Trọng Thọ tài kiêm văn võ, trước nay vẫn là cánh tay đắc lực của huynh trưởng mình. Trong trận đó ông chạy thoát được, ôm lòng uất hận vì Sùng Trinh giết hại trung thần, nên cùng đám bộ hạ của Viên Sùng Hoán lưu lạc giang hồ, nuôi dạy con trai của Viên Sùng Hoán, âm thầm lập mưu trả thù. Ông là người túc trí đa mưu, vô hình trung chính là thủ lãnh của đám bộ hạ cũ họ Viên.

Tôn Tổ Thọ đã trung dũng lại liêm khiết, trong Minh Sử có chép hai câu chuyện về ông.

Khi Tôn Tổ Thọ trấn thủ ở quan ải, chống cự với tộc Nữ Chân, ra trận bị thương, không thể đứng dậy được. Vợ của ông là Trương Thị đã cắt thịt trên cánh tay để nấu canh cho ông uống, lại còn tuyệt thực bảy ngày bảy đêm, cầu trời cho mình chết thay trượng phu. Khi Tôn Tổ Thọ lành bệnh thì Trương Thị chết. Tôn Tổ Thọ cảm niệm ân tình của vợ, suốt đời không thân cận nữ nhân nào khác.

Khi Tôn Tổ Thọ đã làm đại tướng, có một bộ hạ đi qua Xương Bình là quê hương của ông, đưa năm trăm lạng bạc đến nhà ông. Thời kỳ đó thì việc này rất bình thường, nhưng con của ông kiên quyết không nhận. Sau này đứa con tìm đến trung quân, Tôn Tổ Thọ khen ngợi, mời con uống rượu rồi nói: “Ngươi không nhận quà cáp, rất hợp lòng ta. Nếu ngươi nhận thì phen này nhất định bị xử bằng quân pháp.”

Tôn Trọng Thọ xử sự rất có phong cách, giống như huynh trưởng của mình. Vì thế ông cũng được mọi người khâm phục.

Comments

comments


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.