Ỷ Thiên Đồ Long ký

Hồi 8: Mười năm Bắc cực đáp bè về xuôi

trước
tiếp

Tạ Tốn thong thả kể:

– Tình cảnh tối hôm đó, giờ ta vẫn còn nhớ như in. Ta ngồi trên giường lò trong khách điếm, ngầm vận chân khí, ôn lại trong óc vài lượt pho Thất Thương Quyền. Ngũ đệ, ngươi chưa hề biết đến Thất Thương Quyền của ta, có muốn xem thử hay không?

Trương Thúy Sơn chưa kịp đáp, Ân Tố Tố vội nói:

– Chắc là thần diệu vô song, uy mãnh tuyệt luân. Đại ca, sao lúc đó đại ca không đi tìm Tống đại hiệp?

Tạ Tốn mỉm cười, nói:

– Muội sợ ta thử quyền sẽ đả thương phu quân muội chứ gì? Nếu không thu phát quyền lực tùy ý muốn, thì sao được gọi là “Thất Thương Quyền”?

Nói đoạn lão đứng lên, đi tới bên một cây đại thụ, quát một tiếng như tiếng sấm, giáng một quyền vào thân cây.

Cứ như công lực của lão, thì một quyền kia nếu không làm gãy lìa thân cây, cũng sẽ lõm sâu vào trong gỗ; nào ngờ khi lão thu quyền về, cây ấy không suy suyển gì cả, ngay lớp vỏ cây cũng chẳng hề sây sát. Ân Tố Tố không khỏi thương cảm, nghĩ thầm: “Đại ca ở trên đảo chín năm, võ công bị mất hết rồi. Bao năm nay mình không thấy đại ca ôn luyện, làm gì chẳng mất”. Sợ Tạ Tốn đau lòng, nàng vẫn lớn tiếng khen ngợi.

Tạ Tốn nói:

– Ngũ muội, lời khen của muội nghe gượng lắm. Muội tưởng võ công của ta kém hẳn ngày trước, phải không?

Ân Tố Tố nói:

– Ở chốn hoang đảo cực bắc, quanh quẩn chỉ có bốn người thân, còn luyện võ làm chi?

Tạ Tốn hỏi:

– Ngũ đệ, ngươi có nhận biết điều huyền diệu gì chăng?

Trương Thúy Sơn nói:

– Tiểu đệ thấy thế đánh một quyền của đại ca thập phần cương mãnh, vậy mà lúc đánh vào thân cây, đến cái lá cũng không lay động, điều đó tiểu đệ không sao hiểu nổi. Ngay bé Vô Kỵ đánh một quyền, cành cây cũng phải rung chuyển nữa là.

Vô Kỵ nói:

– Con làm được!

Thằng bé chạy tới, đấm “bình” một cái vào thân cây, quả nhiên cành lá rung chuyển, ánh trăng chiếu vào, bóng cây dưới mặt đất chao động không ngừng.

Phu phụ Trương Thúy Sơn thấy quyền của đứa con đánh ra có lực như thế, trong lòng vui mừng, cùng nhìn Tạ Tốn, chờ lão giảng giải đạo lý Thất Thương Quyền.

Tạ Tốn nói:

– Ba ngày sau, lá cây sẽ vàng úa và rụng dần, nửa tháng sau, cây kia sẽ khô héo hết. Ta đã đánh đứt các gân mạch bên trong thân cây rồi.

Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố không khỏi kinh hãi, biết Tạ Tốn không hề nói ngoa. Tạ Tốn rút thanh đao Đồ Long ra khỏi vỏ, chém vào thân cây một nhát, “rầm” một tiếng, nửa trên của cây đại thụ đổ ra phía ngoài. Tạ Tốn thu đao về, nói:

– Các ngươi nhìn xem uy lực Thất Thương Quyền của ta có còn uy mãnh hay không?

Ba người đến nhìn vết đao cắt ngang thân cây, thấy các gân mạch dẫn nước trong lõi cây quá nửa đã bị gãy đứt, bị vặn xoắn, vỡ nát, các thớ gỗ chỗ thì đứt làm vài đoạn, chỗ đứt chỗ không, hiển nhiên một quyền vừa rồi của Tạ Tốn bao hàm nhiều kình lực khác nhau. Trương Ân hai người vô cùng thán phục. Trương Thúy Sơn nói:

– Đại ca, hôm nay quả thật khiến cho tiểu đệ sáng mắt ra rất nhiều.

Tạ Tốn không giấu vẻ đắc ý, nói:

– Một quyền của ta bao gồm bảy kình lực khác nhau, cương mãnh có, âm nhu có, trong cương có nhu, trong nhu có cương, đánh ngang có, chém thẳng có, ép vào có. Đối phương đỡ được kình lực thứ nhất, không đỡ nổi kình lực thứ hai; đỡ được kình lực thứ hai cũng không đỡ nổi kình lực thứ ba. Hà hà, bởi thế mới có tên là Thất Thương Quyền! Ngũ đệ, hôm ngươi đấu chưởng lực với ta, nếu ta sử dụng Thất Thương Quyền, làm sao ngươi chịu thấu?

Trương Thúy Sơn nói:

– Đúng vậy.

Vô Kỵ muốn biết tại sao phụ thân lại đấu chưởng với nghĩa phụ, thấy mẫu thân liên tiếp xua tay nên không dám hỏi việc đó, chỉ nói:

– Nghĩa phụ dạy Thất Thương Quyền cho hài nhi được chăng?

Tạ Tốn lắc đầu:

– Không được!

Vô Kỵ lộ vẻ thất vọng, toan năn nỉ thì Ân Tố Tố cười, nói:

– Vô Kỵ, sao ngươi ngốc thế? Môn võ công tinh diệu của nghĩa phụ ngươi phải có nội công thượng thừa trước đã, rồi mới luyện được.

Vô Kỵ nói:

– Phải rồi, vậy để con luyện nội công thượng thừa rồi sẽ hay.

Tạ Tốn lắc đầu:

– Môn Thất Thương Quyền này không luyện thì hơn. Trong cơ thể mỗi người đều có hai khí âm dương, ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ. Tim thuộc hỏa, phổi thuộc kim, thận thuộc thủy, tì thuộc thổ, gan thuộc mộc. Khi luyện Thất Thương Quyền thì cả bảy bộ phận đều bị thương. Mỗi lần luyện là một lần nội tạng bị tổn hại, nên gọi là Thất Thương, đúng là hại mình trước, hại địch sau. Chính vì ta luyện môn quyền pháp này mà bị thương tâm mạch, thi thoảng nổi cơn điên, không cách gì chế ngự đó.

Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố lúc này mới biết vì sao Tạ Tốn tài trí hơn người, võ công cao cường, nhưng khi nổi điên lại mất hết lý trí.

Tạ Tốn lại nói:

– Nếu như nội lực của ta vững vàng được như Không Kiến đại sư hoặc Trương chân nhân phái Võ Đang rồi mới luyện Thất Thương Quyền, có lẽ đã không bị tổn thương, hoặc chỉ tổn thương chút ít, không đáng ngại. Đằng này dạo đó ta quá nóng lòng báo cừu, phải tốn bao tâm lực mới đoạt được từ tay phái Không Động một bản sao rất cổ của pho Thất Thương Quyền, rồi quyền phổ vừa đến tay là ta đã luyện ngay, chỉ lo quyền công chưa thành mà lão sư phụ chết mất, cừu hận không báo được. Đến lúc phát giác nội tạng đã bị tổn thương nặng thì hết cách cứu chữa. Bấy giờ ta chưa nghĩ ra, phái Không Động nhiều đời tương truyền bản quyền phổ đó, tại sao không có một ai nổi danh thiên hạ về môn công phu này. Ta lại tham lam, thấy pho võ công này khi xuất quyền thì thanh thế lẫm liệt, cực kỳ oai phong. Ngũ muội, muội có hiểu đạo lý bên trong không?

Ân Tố Tố trầm ngâm, nói:

– Ừm, có phải quyền pháp này giống như công phu “tích lịch”[35] gì đó của sư phụ đại ca chăng?

Tạ Tốn nói:

– Chính thế. Sư phụ ta ngoại hiệu Hỗn Nguyên Tích Lịch Thủ, chưởng lực chẳng khác gì sấm sét, uy lực kinh người. Nếu ta tìm thấy lão ta, sử dụng môn Thất Thương Quyền mà đối địch, lão ta sẽ tưởng là môn võ công do y đích thân truyền dạy, đến lúc thân bị trúng đòn, nhận ra mình lầm thì đã muộn rồi. Này ngũ đệ, ngươi đừng trách ta dụng tâm hiểm độc, sư phụ ta bề ngoài có vẻ thô lỗ, nhưng là người đa mưu túc trí số một trong thiên hạ. Nếu không lấy độc trị độc, mối đại cừu kia làm sao báo được… Ôi, nói mãi mà vẫn chưa đả động tới Không Kiến đại sư. Lại nói tối hôm ấy ta vận khí ôn lại ba lượt Thất Thương Quyền công, rồi vượt tường ra ngoài, toan đi tìm Tống Viễn Kiều.

Ta nhảy qua tường, chân chưa chạm đất, bỗng cảm thấy có ai đó vỗ nhẹ vào vai. Ta giật mình kinh ngạc, với võ công của ta hồi đó, có kẻ giơ tay vỗ vào người mà ta không kịp chống đỡ là một điều khó bề tưởng tượng. Vô Kỵ, ngươi nghĩ coi, cái vỗ vai tuy nhẹ, nhưng nếu người vỗ dồn kình lực vào chưởng, thì có phải ta đã bị trọng thương rồi không? Ta vội đưa tay chộp nhưng chộp hụt, phản kích một quyền cũng chẳng trúng ai; lúc chân trái chạm đất, ta lập tức xoay người lại xem sao, thì lại bị người kia vỗ nhẹ một chưởng vào lưng, kèm theo tiếng thở dài sau câu nói “Biển khổ vô biên, quay lại là bờ”.

Vô Kỵ thấy câu chuyện hết sức lý thú, cười hỏi:

– Nghĩa phụ, người kia định đùa với nghĩa phụ à?

Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố đoán người ấy hẳn là Không Kiến đại sư. Tạ Tốn kể tiếp:

– Lúc đó ta lạnh toát cả người như bị rơi xuống vực sâu, người kia võ công như thế, muốn giết ta thật dễ như trở bàn tay. Tám chữ “Biển khổ vô biên, quay lại là bờ” y nói tuy chỉ trong giây lát, nhưng thong thả, đầy lòng từ bi, ta nghe rành rọt từng lời. Nhưng lúc đó ta chỉ cảm thấy vừa sợ vừa giận, quay mình lại, thấy một bạch y tăng nhân đứng cách xa bốn trượng. Lúc ta quay mình, nghĩ bụng y chỉ cách ta ba thước là cùng, nào ngờ vừa vỗ lưng ta xong, y đã bay ra xa những bốn trượng, thân pháp nhanh như thế, bộ pháp nhẹ như thế, thực không ai ngờ.

Lúc đó ta chỉ nghĩ “Có lẽ oan hồn của người bị ta giết hiện ra đòi mạng đây! Chứ làm gì có người sống nào thân pháp nhanh như chớp thế được?” Ta nghĩ đó là ma, thì trở nên can đảm, quát:

– Yêu ma quỷ quái kia, mau cút đi, trời ta không sợ, đất ta chẳng ngán, há ta sợ cô hồn dã quỷ?

Bạch y tăng nhân chắp tay nói:

– Tạ cư sĩ, lão tăng Không Kiến xin chào!

Ta vừa nghe hai chữ “Không Kiến”, liền nhớ trên chốn giang hồ có câu “Thiếu Lâm thần tăng, Kiến Văn Trí Tính”. Người này đứng đầu bốn vị thần tăng, thảo nào võ công cao siêu như vậy.

Trương Thúy Sơn nghĩ đến vị Không Kiến đại sư này sau đó bị Tạ Tốn đánh mười ba quyền mà chết, thì trong lòng bồn chồn không yên.

Tạ Tốn kể tiếp:

– Bấy giờ ta mới hỏi, có phải là Không Kiến thần tăng của Thiếu Lâm tự hay chăng? Bạch y tăng nhân đáp: “Hai chữ thần tăng, quả không dám nhận. Lão nạp chính là Không Kiến ở Thiếu Lâm tự đây”. Ta nói, tại hạ với đại sư vốn không quen biết, sao lại đùa giỡn như thế? Không Kiến đại sư nói: “Lão nạp đâu dám đùa giỡn với cư sĩ? Xin hỏi cư sĩ định đi đâu giờ này?” Ta nói, tại hạ đi đâu thì liên quan gì tới đại sư? Không Kiến đại sư nói: “Có phải đêm nay cư sĩ tính đi giết Tống Viễn Kiều đại hiệp của phái Võ Đang phải không?”

Ta nghe người kia nói trúng ý định thầm kín của ta thì vừa lấy làm lạ, vừa kinh hãi. Người ấy lại nói: “Tạ cư sĩ muốn gây một vụ đại án làm chấn động võ lâm, khích cho Hỗn Nguyên Tích Lịch Thủ Thành Côn xuất đầu lộ diện, để trả thù việc y giết hại toàn gia cư sĩ chứ gì…?” Ta nghe lão tăng nói đúng danh tính sư phụ ta thì lại càng kinh hãi. Nên nhớ, việc sư phụ giết hại cả gia đình ta, ta không hề nói cho người ngoài biết. Hành động xấu xa đê tiện ấy, sư phụ ta dĩ nhiên cố giấu, vậy tại sao Không Kiến đại sư lại biết?

Lúc ấy ta bị kích động mạnh, bèn nói, nếu đại sư chịu cho tại hạ biết Thành Côn hiện ở đâu, thì Tạ Tốn này nguyện suốt đời làm trâu ngựa cho đại sư. Không Kiến đại sư thở dài nói: “Hành vi mà Thành Côn đã làm, quả thật nghiệt chướng quá lớn, nhưng Tạ cư sĩ vì nóng giận mà sát hại nhiều nhân vật võ lâm, cũng là tội lớn, tội lớn!” Lúc ấy ta định nói, đại sư đừng có đa quản nhàn sự! Nhưng nghĩ lại thứ võ công mà Không Kiến đại sư vừa hiển thị, ta không phải là đối thủ; huống hồ mình đang phải cầu xin người, bèn nén giận, nói, tại hạ quả thật thế chẳng đặng đừng, Thành Côn lẩn trốn vô ảnh vô tung, bốn biển mênh mông, tại hạ biết tìm lão ta ở đâu bây giờ? Không Kiến đại sư gật đầu, nói: “Lão nạp cũng biết Tạ cư sĩ đầy lòng thù oán, không có chỗ phát tiết. Nhưng Tống Viễn Kiều là đệ tử số một của Trương Tam Phong phái Võ Đang, cư sĩ mà giết Tống Viễn Kiều thì cái họa này to lớn khôn lường”. Ta nói, thì chính tại hạ đang muốn gây đại họa, họa càng lớn, càng mau bức Thành Côn xuất hiện.

Không Kiến đại sư nói: “Tạ cư sĩ, cư sĩ mà giết Tống đại hiệp thì Thành Côn không thể không xuất hiện. Nhưng Thành Côn hôm nay không còn là Thành Côn ngày trước; võ công của cư sĩ còn thua xa Thành Côn, mối huyết hải thâm cừu chẳng báo được đâu”. Ta nói, Thành Côn là sư phụ của tại hạ, võ công của lão ta thế nào, tại hạ biết rõ hơn đại sư.

Không Kiến đại sư lắc đầu, nói: “Thành Côn có theo học một danh sư, ba năm nay tiến cảnh khó bề tưởng tượng. Cư sĩ tuy luyện được Thất Thương Quyền của phái Không Động, nhưng cũng chưa đủ tài đả thương được Thành Côn đâu”.

Ta kinh ngạc quá đỗi, mình bình sinh chưa hề gặp Không Kiến đại sư, vậy mà nhất cử nhất động của mình, Không Kiến đại sư đều thấy rõ. Ta ngẩn người giây lát, rồi hỏi, sao đại sư lại biết? Không Kiến đại sư đáp: “Là Thành Côn kể cho lão nạp đó”.

Tạ Tốn kể tới đây, Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố cùng kêu “ủa” một tiếng.

Tạ Tốn nói:

– Các ngươi lúc này nghe kể mà còn kinh ngạc, thử hỏi lúc ấy ta sửng sốt đến mức nào, ta nhảy dựng lên, quát, làm sao Thành Côn biết được? Không Kiến đại sư thong thả nói: “Mấy năm nay, lúc nào Thành Côn cũng ở bên cạnh Tạ cư sĩ, có điều y luôn luôn cải trang một cách dễ dàng, nên cư sĩ không nhận ra y đó thôi”. Ta nói, hừ, tại hạ mà lại không nhận ra lão ta ư? Dù lão ta có hóa thành tro, tại hạ cũng nhận ra. Không Kiến đại sư nói: “Tạ cư sĩ, cư sĩ không phải là người thô tâm đại ý, nhưng mấy năm qua cư sĩ chỉ chăm chăm luyện võ báo cừu, chẳng để ý gì tới mọi thứ quanh mình. Cư sĩ ở ngoài sáng, Thành Côn ở trong tối, không phải cư sĩ không nhận ra được, mà là cư sĩ không để tâm nhận diện”.

Câu nói đó, ta không thể không tin, huống hồ Không Kiến đại sư là cao tăng lừng danh thiên hạ, đâu có lừa dối ta làm chi. Ta nói, nếu thế, sao lão ta không giết tại hạ đi, cho khỏi rắc rối? Không Kiến đại sư nói: “Nếu Thành Côn có ý hại Tạ cư sĩ, y chỉ cần phẩy tay một cái là xong. Tạ cư sĩ, cư sĩ đã hai phen tìm y báo cừu, cả hai phen đều thua, nếu y muốn giết cư sĩ, sao lúc đó y không hạ độc thủ cho yên chuyện? Lại nói việc cư sĩ đi đoạt pho Thất Thương Quyền, cư sĩ từng đấu nội lực với ba đại cao thủ phái Không Động, vậy còn hai người trong Không Động ngũ lão kia đâu? Tại sao không thấy họ ra vây đánh cư sĩ? Giả sử cả ngũ lão cùng xông tới, liệu cư sĩ còn toàn mạng được chăng?”

Hôm đó, sau khi ta đả thương Không Động tam lão, mới phát giác hai lão còn lại đã bị trọng thương, thật không hiểu tại sao, nghi vấn đó ta vẫn giữ trong lòng. Chả lẽ nội bộ phái Không Động có tranh chấp? Hay là có cao thủ nào đó bí mật trợ giúp ta? Lúc nghe Không Kiến đại sư nói, ta chợt hiểu, hóa ra hai lão kia bị Thành Côn đả thương.

Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố càng nghe kể càng thấy ly kỳ, tuy chốn giang hồ chẳng thiếu gì chuyện khó hiểu, hai người kiến văn đều quảng bác, chuyện cổ quái mấy cũng từng nghe qua, nhưng câu chuyện Tạ Tốn đang kể thì thật khó tưởng tượng. Cả hai nghĩ thầm, Tạ Tốn đã là nhân vật kỳ tài, nhưng sư phụ Hỗn Nguyên Tích Lịch Thủ Thành Côn của lão bất kể về mưu trí hay võ công đều cao hơn lão một bậc.

Ân Tố Tố nói:

– Đại ca, Không Động nhị lão có đúng là do sư phụ của đại ca ngấm ngầm đả thương để trợ giúp đại ca chăng?

Tạ Tốn nói:

– Lúc ấy ta cũng đã hỏi như vậy. Không Kiến đại sư nói: “Không Động nhị lão bị thương ra sao, Tạ cư sĩ tận mắt chứng kiến, sắc diện hai người đó thế nào?” Ta im lặng một lát, rồi nói, nếu vậy, quả thực Không Động nhị lão là do sư phụ tại hạ đả thương. Nguyên ta nhớ lại, ta thấy Không Động nhị lão nằm dưới đất, mặt lấm chấm những vết máu đỏ, hiển nhiên hai lão đó dùng âm kình đánh người khác lại bị cao thủ dùng Hỗn Nguyên công đẩy trở lại. Tình trạng mặt lấm chấm đầy vết máu kia, theo chỗ ta biết, nếu không phải là do âm kình bị Hỗn Nguyên công đẩy trở lại thì chỉ do bệnh thương hàn gây nên, mà hôm ta gặp Không Động ngũ lão, thì cả năm lão đều khỏe mạnh bình thường, không thể có chuyện đột khởi bạo bệnh. Bấy giờ trong võ lâm, trừ hai sư đồ ta ra, không có người thứ ba luyện Hỗn Nguyên công.

Nghe ta nói vậy, Không Kiến đại sư gật đầu, thở dài, nói: “Sư phụ của cư sĩ uống rượu vào rồi làm chuyện vô đức, sát hại cả gia đình cư sĩ, tỉnh rượu rồi thì ân hận vô cùng, nên hai phen cư sĩ đến báo cừu, y đều không lấy mạng cư sĩ. Y thậm chí không muốn đả thương cư sĩ, nhưng cả hai phen cư sĩ đều nổi điên liều chết với y, nếu không đả thương cư sĩ thì y chẳng thể thoát thân. Sau đó y luôn luôn bám sát cư sĩ, ba lần cư sĩ gặp nguy, y đều bí mật giải cứu”.

Ta nhẩm tính, ngoài vụ Không Động ngũ lão, còn ba lần nữa, khi ta đang cực kỳ nguy khốn thì thế công của địch đột nhiên bị hóa giải, nhất là lần ta đấu với một cao thủ phái Thanh Hải, tình thế vạn phần nguy ngập. Không Kiến đại sư lại nói: “Thành Côn tự biết tội lỗi quá nặng, không thể cầu xin cư sĩ lượng thứ, chỉ mong cùng với thời gian, cư sĩ sẽ nguôi dần. Ai ngờ cư sĩ cứ ngày càng làm dữ, sát hại ngày một nhiều người. Hôm nay nếu cư sĩ giết Tống Viễn Kiều đại hiệp, đại họa này càng khó bề thu xếp cho yên”.

Ta nói, đã vậy, xin đại sư bảo sư phụ tại hạ ra gặp tại hạ. Chúng tôi sẽ thanh toán với nhau, chẳng liên quan gì đến người ngoài. Không Kiến đại sư nói: “Sư phụ của cư sĩ không còn mặt mũi nào gặp cư sĩ, hơn nữa, Tạ cư sĩ, không phải lão nạp coi thường cư sĩ, nhưng dẫu cư sĩ có gặp Thành Côn, thì cũng uổng công mà thôi”. Ta nói, đại sư là một vị cao tăng, trắng đen phải trái đương nhiên biết rõ. Lẽ nào món nợ máu cả gia đình tại hạ, nói bỏ qua là bỏ qua được ư? Không Kiến đại sư nói: “Thảm họa mà Tạ cư sĩ gặp phải, lão nạp cũng cảm thấy thương tâm lắm. Nhưng tôn sư vì say rượu mà làm bậy, thực không phải là bản ý, huống hồ y đã thành tâm sám hối, chỉ mong Tạ cư sĩ nghĩ đến tình sư đồ thuở trước mà mở cho một lối thoát”. Ta nổi giận, nói, tại hạ nếu đánh không lại lão ta, thì lão ta cứ việc đánh chết tại hạ, mối huyết cừu này không báo, tại hạ cũng chẳng thiết sống nữa.

Không Kiến đại sư trầm ngâm hồi lâu, nói: “Tạ cư sĩ, võ công của tôn sư nay đã khác hẳn trước, cư sĩ dù đã luyện thành Thất Thương Quyền, cũng không hạ nổi y đâu. Tạ cư sĩ không tin, hãy đánh thử lão nạp vài quyền thử coi”. Ta nói, tại hạ với đại sư vô oán vô cừu, đâu dám đả thương? Tại hạ tuy võ công thấp kém, song Thất Thương Quyền không phải là thứ dễ đối phó. Không Kiến đại sư nói. “Tạ cư sĩ, lão nạp đánh cuộc với cư sĩ. Tôn sư giết hại toàn gia cư sĩ tổng cộng mười ba người, vậy cư sĩ hãy đánh lão nạp mười ba quyền. Nếu cư sĩ đả thương được lão nạp thì lão nạp không can dự vào vụ này nữa, tôn sư sẽ tới gặp cư sĩ. Nếu không đả thương được, thì mối thâm cừu này coi như chấm dứt, được chăng?”

Ta trầm ngâm không đáp, thầm biết vị cao tăng này võ công vô cùng cao thâm, Thất Thương Quyền tuy lợi hại thật, nhưng nếu không đả thương nổi Không Kiến đại sư, chẳng lẽ món nợ máu không trả hay sao?

Không Kiến đại sư lại nói: “Nói thật với Tạ cư sĩ, lão nạp đã can dự vào vụ này, quyết không để cho cư sĩ giết hại các đồng đạo võ lâm vô tội nữa đâu. Nếu cư sĩ có ý hướng thiện, các vụ đã qua coi như quên hẳn. Còn nếu cư sĩ cứ tìm người báo cừu, lẽ nào gia nhân đệ tử của những người đã bị cư sĩ sát hại không biết đi tìm cư sĩ để báo cừu hay sao?”

Ta nghe giọng nói của Không Kiến đại sư trở nên nghiêm nghị, thì nổi điên lên, nói, được, tại hạ sẽ đánh mười ba quyền, lúc nào đại sư không chịu nổi nữa thì cứ nói, tại hạ sẽ dừng tay. Đại trượng phu một lời như đao chém đá, không chịu nổi là phải bảo sư phụ tại hạ đến gặp tại hạ đó. Không Kiến đại sư mỉm cười, nói: “Mời Tạ cư sĩ ra đòn!” Ta thấy Không Kiến đại sư thân hình thấp nhỏ, lông mày và râu bạc trắng như cước, tướng mạo từ bi trang nghiêm, lòng không nỡ đả thương đại sư, quyền thứ nhất chỉ sử ba thành công lực, “hự” một tiếng, giáng trúng giữa ngực đại sư.

Vô Kỵ kêu lên:

– Chao ôi, nghĩa phụ sử dụng thứ Thất Thương Quyền đã đánh đứt gân mạch cây cổ thụ kia ư?

Tạ Tốn nói:

– Không, quyền thứ nhất ta đánh ra là Tích Lịch Quyền do sư phụ Thành Côn truyền thụ. Bị quyền đó, Không Kiến đại sư loạng choạng lùi lại một bước. Ta nghĩ, quyền này mới có ba thành công lực, Không Kiến đại sư đã phải thoái lui một bước, nếu ta thi triển Thất Thương Quyền, hẳn chưa tới ba quả đấm đại sư đã bỏ mạng. Bèn tăng kình lực cho quyền thứ hai. Không Kiến đại sư lại loạng choạng lùi một bước. Quyền thứ ba, ta dồn đến bảy thành kình lực, Không Kiến đại sư cũng chỉ loạng choạng lùi một bước. Ta cảm thấy hơi lạ, kình lực quyền tiếp theo ta đã tăng gấp đôi, mà đánh vào cơ thể Không Kiến đại sư vẫn cứ trơ trơ như cũ. Với thân hình gầy gò thế kia, một quyền của ta cũng đủ đánh gãy hết gân cốt Không Kiến đại sư, vậy mà ta thấy cơ thể đại sư hoàn toàn chẳng phát ra lực phản kích, chịu đựng ba quyền cứ như không.

Ta nghĩ, muốn đánh gục Không Kiến đại sư thì phải dốc toàn lực, nhưng khi đó đại sư không chết cũng bị trọng thương. Ta tuy tác ác đã lâu, nhưng thấy vị cao tăng đầy lòng từ bi xả thân cứu người thế này, chợt cũng có phần kính nể, bèn nói, đại sư, đại sư không đỡ đòn thì tại hạ không nỡ đánh tiếp. Đại sư đã chịu nổi ba quyền rồi, tại hạ sẽ không đi hại Tống Viễn Kiều nữa. Nhưng Không Kiến đại sư nói: “Còn mối oan cừu với Thành Côn thì sao?” Ta nói, mối thù ấy không đội trời chung, chỉ có cách một mất một còn mà thôi. Ta ngừng giây lát, lại nói, nhưng nể đại sư xuất diện, tại hạ từ giờ trở đi sẽ chỉ tìm Thành Côn và gia nhân của y, chứ quyết không làm liên lụy đến đồng đạo võ lâm vô can nữa.

Không Kiến đại sư chắp tay nói: “Thiện tai, thiện tai! Tạ cư sĩ có ý như vậy, lão nạp thay mặt đồng đạo võ lâm đa tạ cư sĩ; có điều lão nạp đã lập tâm hóa giải trường oan nghiệt này, giờ còn lại mười quyền, xin cứ đánh tiếp”.

Ta thầm tính, chỉ có dùng Thất Thương Quyền đả thương Không Kiến đại sư, thì Thành Côn mới chịu lộ diện. Được cái là kình lực Thất Thương Quyền có thể thu phát tùy ý, ta xuất thủ có mức độ chuẩn xác, bèn nói, vậy tại hạ đành đắc tội! Quyền thứ tư đánh ra đã là Thất Thương Quyền. Quyền đánh vào ức, chỗ đó hơi lõm vào, Không Kiến đại sư tiến lên phía trước một bước.

Vô Kỵ hỏi:

– Sao lạ thế? Lần này Không Kiến đại sư không thoái lui, mà lại tiến lên!

Trương Thúy Sơn nói:

– Cái đó có phải là thần công “Kim cương bất hoại thể”[36] của phái Thiếu Lâm hay chăng?

Tạ Tốn nói:

– Ngũ đệ kiến đa thức quảng, đoán không sai chút nào. Quyền đó của ta đã khác hẳn ba quyền trước, cơ thể Không Kiến đại sư phát ra một lực phản chấn, khiến ta bị chấn động vùng ngực và bụng, tưởng chừng ngũ tạng đảo lộn hết cả. Ta biết Không Kiến đại sư buộc phải sử dụng thứ thần công kia, nếu không sẽ không chịu đựng nổi Thất Thương Quyền của ta. Từ lâu ta đã nghe danh “Kim cương bất hoại thể” của phái Thiếu Lâm là một trong năm đại thần công tự cổ chí kim, lúc đó chính mình được lĩnh giáo, quả thật ghê gớm. Quyền thứ năm của ta liền chuyển sang lực âm nhu, Không Kiến đại sư lại tiến lên một bước, một luồng kình lực âm nhu phản kích lại, ta cũng hóa giải được…

Vô Kỵ hỏi:

– Nghĩa phụ, lão hòa thượng nói là không trả đòn, tại sao còn dùng quyền kình phản kích nghĩa phụ?

Tạ Tốn xoa đầu thằng bé, nói:

– Ta đánh xong quyền thứ năm, Không Kiến đại sư nói: “Tạ cư sĩ, lão nạp không ngờ Thất Thương Quyền có uy lực ghê gớm đến vậy, lão nạp mà không vận công phản chấn, chắc hết chịu nổi”. Ta nói, đại sư không đánh trả, tại hạ cảm kích tấm thịnh tình đó. Rồi ta xuất quyền như gió, đánh liền một mạch quyền thứ sáu, quyền thứ bảy, quyền thứ tám, quyền thứ chín. Không Kiến đại sư quả thực bản lĩnh siêu phàm, cả bốn quyền giáng vào thân thể đại sư đều được phản chấn, cương nhu phân minh, tầng thứ đâu ra đó.

Ta thầm kinh ngạc, quát: “Cẩn thận này!” Quyền thứ mười ta nhẹ nhàng đánh ra. Không Kiến đại sư hơi gật đầu, không đợi quyền của ta chạm vào người, đã rướn tới hai bước, trong chớp mắt chiếm được tiên cơ.

Vô Kỵ dĩ nhiên chưa hiểu cái khó của hai bước đi trước kia. Trương Thúy Sơn thì biết rõ, khi cao thủ đối địch, thật khó đoán biết trước lúc nào địch thủ xuất chiêu, thông thường chỉ cần đoán trước một chiêu cũng đủ chiến thắng, chàng gật đầu, nói:

– Không xong rồi, không xong rồi!

Tạ Tốn kể tiếp:

– Quyền thứ mười ấy, ta đã sử toàn lực nhưng Không Kiến đại sư đã chiếm tiên cơ phản chấn, nên làm cho ta bị bật lùi hai bước. Tuy ta không nhìn thấy sắc diện của mình, song ta cũng đoán rằng lúc đó mặt mình nhợt nhạt như tờ giấy trắng, không còn hạt máu. Không Kiến đại sư chậm rãi thở ra một hơi, nói: “Quyền thứ mười một, cư sĩ đừng đánh vội, cứ định thần một chút rồi hãy đánh ra!” Ta tuy vạn phần hiếu thắng, nhưng bị tức thở, người lẩy bẩy, quyền thứ mười một quả thực chưa thể đánh ra.

Bọn Trương Thúy Sơn nghe tới đây, ai cũng bồn chồn, Vô Kỵ bỗng nói:

– Nghĩa phụ, còn ba quyền nữa, nghĩa phụ đừng đánh nữa là hơn.

Tạ Tốn hỏi:

– Vì sao?

Tạ Vô Kỵ đáp:

– Không Kiến đại sư là người quá tốt, nghĩa phụ đả thương đại sư, trong lòng sẽ áy náy không yên, mà để cho chính mình bị thương, thật cũng chẳng hay.

Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố đưa mắt nhìn nhau, nghĩ thầm con mình tuy nhỏ tuổi mà đã có kiến thức như thế, quả thật hiếm có. Trương Thúy Sơn lại càng yên tâm khi thấy Vô Kỵ có tấm lòng nhân hậu, lại biết phân biệt phải trái.

Chỉ nghe Tạ Tốn thở dài, nói:

– Uổng cho ta sống ngần ấy tuổi, mà kiến thức lúc ấy không bằng một đứa bé. Lòng ta tràn ngập ý định báo cừu rửa hận, chưa tìm ra sư phụ của ta thì quyết chưa dừng, thừa biết nếu đánh tiếp hẳn một trong hai người tất bị tử thương, nhưng ta đâu còn tỉnh táo. Ta vận đủ kình lực, quyền thứ mười một lại đánh ra. Lần này Không Kiến đại sư rướn người lên, nên thay vì trúng ngực, quyền đó trúng vào bụng dưới. Không Kiến đại sư chau mày, rõ ràng đại sư rất đau đớn. Ta hiểu thiện ý của đại sư, nếu đại sư dùng ngực đỡ quyền của ta, lực phản chấn rất mạnh, sợ ta không chịu nổi; còn lực phản chấn của bụng sẽ nhẹ hơn đối với ta, song đại sư sẽ bị đau đớn gấp bội.

Ta ngẩn ngơ một hồi, nói, sư phụ của tại hạ tội nghiệt thâm trọng, chết là nhẹ, đại sư dại gì đem thân thể vàng ngọc của mình chịu đòn thay cho lão ta chứ? Không Kiến đại sư gắng điều hòa hơi thở, gượng cười, nói: “Ước sao chịu được hai quyền nữa, để… để hóa giải vụ kiếp nạn này”. Ta nghe Không Kiến đại sư nói, hơi thở bị đứt quãng, chợt nghĩ: “Xem chừng khi vận thần công Kim cương bất hoại thể, đại sư không được mở miệng ra, tại sao ta không dụ cho đại sư nói, rồi bất ngờ ra đòn?” Nghĩ vậy, ta bèn nói, nếu trong mười ba quyền, tại hạ đả thương được đại sư, đại sư có bảo đảm là sư phụ tại hạ nhất định sẽ ra gặp tại hạ không? Không Kiến đại sư nói: “Chính Thành Côn nói với lão nạp như…” Không đợi đại sư nói hết, ta giáng ngay một quyền vào bụng dưới của đại sư. Quyền này thế đi cực nhanh, lại đánh chỗ thấp, cốt sao đại sư không kịp phát động thần công hộ thể.

Nào ngờ thần công của Phật môn tùy tâm phát động, quyền của ta vừa chạm vào bụng của Không Kiến đại sư thì thần công của đại sư đã trải toàn thân. Ta chỉ thấy trời đất ngả nghiêng, tim phổi tựa hồ vỡ nát, bị đẩy lùi đến bảy tám bước, lưng đụng vào một thân cây mới đứng vững lại được.

Ta thất vọng quá, ác niệm nảy sinh, bèn nói, thôi, thế là hết! Thù này khó báo, Tạ Tốn này còn sống trên thế gian làm chi? Đoạn ta vung chưởng lên nhắm ngay “thiên linh cái”[37] của mình mà đánh xuống.

Ân Tố Tố thốt lên:

– Diệu kế, diệu kế!

Trương Thúy Sơn hỏi:

– Vì sao?

Rồi chợt hiểu, nói:

– Ồ, dùng thủ đoạn đó đối phó với một vị cao tăng, thật quá hiểm độc.

Chàng đã hiểu ra, Tạ Tốn đánh thẳng xuống đỉnh đầu mình, Không Kiến đại sư chắc chắn sẽ kêu dừng tay, chạy bổ tới cứu, Tạ Tốn sẽ thừa cơ đại sư không phòng bị mà hạ độc thủ. Trương Thúy Sơn vốn thông minh cơ linh chẳng kém gì Ân Tố Tố, có điều bình thời không toan tính các trò dối trá, nên chậm hiểu thủ đoạn trên một chút.

Tạ Tốn thở dài buồn bã, nói:

– Ta đã lợi dụng từ tâm của vị thần tăng ấy, các ngươi đoán không sai. Ta vung chưởng đánh xuống thiên linh cái của mình, tuy là ngụy kế, nhưng rất nguy hiểm. Nếu chưởng đó đánh xuống không đủ mạnh, Không Kiến đại sư phát hiện sự giả trá, sẽ không chạy tới ngăn cản. Mười ba quyền, giờ chỉ còn một quyền cuối cùng. Quyền kình của Thất Thương Quyền quả lợi hại, song đâu phá nổi Thần công hộ thể? Việc tìm sư phụ ta để báo cừu coi như chấm dứt. Do đó, chưởng này quả thực ta phải dùng toàn lực đánh xuống, nếu đại sư không chạy tới cứu, ta sẽ tự đánh vỡ sọ mình mà chết, bởi lẽ nếu không trả được món nợ máu, ta cũng chả thiết sống nữa.

Không Kiến đại sư thấy sự việc diễn ra bất ngờ, bèn kêu: “Đừng, sao cư sĩ lại…” lập tức vọt tới, giơ tay chặn hữu chưởng của ta; thế là tay trái ta phóng ra một quyền trúng vào ức đại sư. Quyền này đại sư quả không hề phòng bị, ngay cả việc vận thần công hộ thể cũng chẳng nghĩ đến. Cái thể xác bằng xương bằng thịt của đại sư làm sao chịu nổi một quyền như thế? Lập tức nội tạng bị vỡ nát, Không Kiến đại sư ngã vật xuống.

Đánh quyền đó xong, ta thấy Không Kiến đại sư cầm chắc cái chết, thì thiên lương trong lòng ta trỗi dậy, ta phục xuống bên cạnh vị lão hòa thượng mà khóc to, nói, Không Kiến đại sư, Tạ Tốn này vong ân bội nghĩa, không bằng loài cẩu trệ!

Bọn Trương Thúy Sơn im lặng, cả ba đều nghĩ việc Tạ Tốn dùng ngụy kế đánh chết một vị cao tăng đức độ quả thật rất không nên.

Tạ Tốn nói:

– Không Kiến đại sư thấy ta khóc thì mỉm cười, an ủi ta rằng nào có ai không chết? Cư sĩ hà tất phải đau buồn? Sư phụ của cư sĩ sắp tới đó, cư sĩ hãy trấn tĩnh lại, đừng nên lỗ mãng. Lời nói của đại sư khiến ta tỉnh người, mười ba quyền vừa rồi đại hao chân lực, trước mắt đại địch sắp tới, há cứ khóc lóc cho hại đến tinh thần? Thế là ta ngồi xếp bằng, điều hòa hô hấp. Nào ngờ hồi lâu vẫn không thấy sư phụ ta đến. Ta ngạc nhiên nhìn Không Kiến đại sư.

Lúc đó đại sư hơi thở đã yếu lắm rồi, thều thào nói: “Ai… ai ngờ… y nuốt lời… chẳng lẽ… có người đột nhiên ngăn cản y hay sao?” Ta cả giận, quát, đại sư lừa dối tại hạ, tại hạ đánh chết đại sư, mà y có chịu ra gặp tại hạ đâu? Không Kiến đại sư lắc đầu, nói: “Lão nạp không lừa dối cư sĩ, lão nạp thật có lỗi với cư sĩ”. Trong cơn cuồng nộ, ta còn định mạ lị Không Kiến đại sư, bỗng nghĩ thầm: “Đại sư lừa dối ta đánh chết đại sư thì được lợi gì kia chứ? Ta đánh chết đại sư, mà đại sư còn xin lỗi ta”. Quá hối hận, ta bèn quỳ xuống bên lão hòa thượng mà nói, đại sư, đại sư có tâm nguyện gì, tại hạ xin dốc lòng thực hiện? Không Kiến đại sư mỉm cười, nói: “Chỉ mong sau này, khi nào định giết người, cư sĩ hãy nhớ tới lão nạp”.

Vị cao tăng ấy không những võ công tinh thâm, mà còn là bậc đại trí đại tuệ, hiểu rất rõ con người của ta. Đại sư biết ta không thể dứt lòng thù hận để trở thành người tốt, nên nói thẳng ra khi nào định giết người thì hãy nhớ tới đại sư. “Này ngũ đệ, hôm ở trên thuyền ta và ngũ đệ đấu chưởng lực với nhau, ta không lấy mạng của đệ chính vì ta chợt nghĩ tới Không Kiến đại sư đó”.

Trương Thúy Sơn không ngờ mình còn toàn mạng chính là nhờ Không Kiến đại sư, nên chàng càng thêm ngưỡng mộ vị cao tăng đó.

Tạ Tốn thở dài, kể tiếp:

– Hơi thở của Không Kiến đại sư càng lúc càng yếu, ta đặt bàn tay trên huyệt Linh Đài của đại sư, cố truyền nội lực để kéo dài tính mạng cho đại sư. Không Kiến đại sư bỗng hít mạnh một hơi, hỏi: “Sư phụ của cư sĩ vẫn chưa tới ư?” Ta đáp, chưa. Không Kiến đại sư nói: “Vậy thì y không đến nữa rồi”. Ta nói, đại sư cứ yên tâm, từ nay tại hạ sẽ không giết người bừa bãi để bức lão ta ra mặt nữa. Nhưng dù tại hạ có phải đi khắp chân trời góc biển, cũng quyết tìm lão ta bằng được. Không Kiến đại sư nói: “Ôi, có điều là võ công của cư sĩ chưa thể sánh với y… trừ phi… trừ phi…” Nói tới đó, giọng của Không Kiến đại sư nhỏ lắm rồi, ta phải ghé tai sát miệng đại sư để nghe: “… Trừ phi… tìm được thanh đao Đồ Long, tìm ra bí mật chứa trong bảo đao…” Nói đến đó thì Không Kiến đại sư tắt thở.

Đến bây giờ phu phụ Trương Thúy Sơn mới hiểu vì sao Tạ Tốn cố trầm tư mặc tưởng, quyết tìm cho ra bí mật chứa trong thanh đao Đồ Long, vì sao bình thời mềm mỏng nhã nhặn, nhưng khi nổi điên lại chẳng khác gì dã thú. Vì sao có võ công tuyệt thế mà lúc nào cũng sầu khổ…

Tạ Tốn nói:

– Về sau ta nghe tin về thanh đao Đồ Long, bèn đến Vương Bàn sơn đảo đoạt lấy. Ngũ muội, lệnh tôn trước kia là bằng hữu tri giao, vô cùng thân thiết với ta; Ưng Vương, Sư Vương, tên tuổi cùng một hàng trên thế gian, về sau lại hóa thành thù nghịch. Chuyện đó rắc rối, liên quan đến rất nhiều người, ta chưa thể nói cho ngũ muội biết được. Trước khi có được thanh đao Đồ Long, ta nghĩ trăm phương ngàn kế tìm Thành Côn; lúc đoạt được đao rồi, lại chỉ sợ Thành Côn tìm đến ta, cho nên phải tìm một nơi thật kín đáo để còn thong thả nghĩ cho ra bí mật chứa trong bảo đao. Vì ta lo các ngươi tiết lộ hình tích, nên mới đem hai ngươi đi cùng. Không ngờ thấm thoắt đã mười năm, Tạ Tốn ơi là Tạ Tốn, mi vẫn chưa làm xong việc gì.

Trương Thúy Sơn nói:

– Không Kiến đại sư lúc lâm chung nói chưa hết câu “Trừ phi… tìm được thanh đao Đồ Long, tìm ra bí mật chứa trong bảo đao…” không chừng lại có ý nghĩa khác cũng nên.

Tạ Tốn nói:

– Mười năm qua, mọi sự mọi điều ta đã nghĩ đến cả rồi, mà chưa có điều gì phù hợp với câu nói ấy. Thanh đao Đồ Long ẩn chứa bí mật lớn, đó là điều không còn nghi ngờ gì nữa, song ta đã dồn hết tâm trí nhưng vẫn chưa đoán ra được.

Từ sau buổi trò chuyện tối hôm đó, Tạ Tốn không nhắc lại việc đó nữa, nhưng việc thúc giục Vô Kỵ luyện công thì trở nên nghiêm khắc lạ thường. Vô Kỵ bất quá hơn chín tuổi đầu, tuy thông minh, nhưng trong một thời gian ngắn làm sao lãnh hội đủ thứ võ công tuyệt thế của Tạ Tốn? Tạ Tốn lại dạy nó cách chuyển đổi huyệt đạo, thuật xung giải các huyệt đạo bị phong bế, là công phu rất cao thâm trong võ học. Vô Kỵ đến huyệt đạo còn chưa nhận ra được, lại chưa có căn cơ nội công, học làm sao nổi? Tạ Tốn thì hết đánh đập lại la mắng, không cho thằng bé nghỉ ngơi lúc nào.

Ân Tố Tố thường thấy mình mẩy thằng bé có những chỗ thâm tím, thì thương con quá, nói với Tạ Tốn:

– Đại ca, võ công cái thế của đại ca, trong vòng dăm ba năm Vô Kỵ làm sao luyện thành kia chứ? Trên hoang đảo này thời gian là vô tận, đại ca cứ thong thả dạy cho nó cũng được.

Tạ Tốn nói:

– Ta không dạy nó luyện, mà dạy nó ghi nhớ thật kỹ.

Ân Tố Tố không hiểu ý Tạ Tốn, biết vị đại ca này làm việc gì cũng khác người, đành để tùy ý lão. Mỗi lần thấy Vô Kỵ trên mình hằn các vết roi, nàng lại ôm con vỗ về một cách xót xa. Vô Kỵ thì hiểu nguyên do, nói:

– Mẹ ơi, nghĩa phụ muốn con giỏi giang hơn, đánh thật đau để con nhớ kỹ, nhớ lâu đấy.

Cứ thế chừng già nửa năm. Một sớm nọ, Tạ Tốn bỗng nói:

– Ngũ đệ, ngũ muội, bốn tháng nữa gió sẽ chuyển sang hướng nam, hôm nay chúng ta bắt đầu đóng bè được rồi.

Trương Thúy Sơn vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, hỏi:

– Đại ca bảo đóng bè để về Trung thổ ư?

Tạ Tốn lạnh lùng đáp:

– Chuyện đó còn phải xem ông Trời có nổi thiện tâm không đã. “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” mà. Thành công thì về được, không thành công thì bỏ xác giữa biển khơi.

Cứ như tâm ý của Ân Tố Tố, bốn người cứ ở trên cái hoang đảo thần tiên này mà tiêu dao tự tại, chả tội gì mạo hiểm trở về, nhưng nghĩ tới việc Vô Kỵ sau này lớn lên, làm sao lấy vợ sinh con, không thể để nó mai một cuộc đời ở chốn này, thế là nàng liền hăm hở bắt đầu đóng bè. Trên đảo có rất nhiều cây cổ thụ, vì mọc ở vùng lạnh giá nên chất gỗ thật bền chắc, cứng như sắt đá. Tạ Tốn và Trương Thúy Sơn hì hục chặt cây, Ân Tố Tố thì tết dây, dùng da thú may buồm, Vô Kỵ chạy qua chạy lại đưa tin.

Tuy Tạ Tốn và Trương Thúy Sơn võ công tinh thâm, Ân Tố Tố cũng không phải hạng phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng vì không có dụng cụ nên việc đóng bè tốn rất nhiều công sức mà kết quả chẳng được bao.

Trong lúc đóng bè, Tạ Tốn bảo Vô Kỵ đứng bên cạnh, tra hỏi võ công sở học của nó. Bấy giờ vợ chồng Trương Thúy Sơn cũng không còn phải tránh ra chỗ khác nữa, nghe nghĩa phụ nghĩa tử hai người kia cứ một hỏi một đáp, toàn là các khẩu quyết mà thôi. Tạ Tốn thậm chí dạy cả đao pháp, kiếm pháp, nhưng toàn bắt Vô Kỵ học thuộc lòng như kiểu đọc thuộc sách vậy. Cái lối “dạy võ như học văn” của Tạ Tốn thật kỳ quái, không một lời giải thích, cứ y như một ông thầy vụng về bắt lũ trẻ tóc còn để chỏm ê a thuộc lòng “Thi vân Tử viết”[38]. Ân Tố Tố ở bên cạnh nghe, không khỏi thương Vô Kỵ, nghĩ thầm chẳng riêng thằng bé, ngay người lớn tinh thông võ học cũng vị tất nhớ nổi biết bao nhiêu chiêu thức, khẩu quyết, hơn nữa lại không hề diễn tập, chỉ nhớ suông trong đầu thì có tác dụng gì kia chứ? Không lẽ chỉ đọc thuộc các câu khẩu quyết là đủ thắng địch hay sao? Vậy mà hễ Vô Kỵ nhớ sai một chữ lại bị Tạ Tốn giáng cho một cái tát, tuy Tạ Tốn không dùng sức, nhưng cũng đủ khiến Vô Kỵ nổ đom đóm mắt, sưng cả má nửa ngày trời.

Cái bè gỗ lớn đóng hơn hai tháng ròng rã mới xong, việc dựng cột buồm lớn, cột buồm phụ lại mất hơn nửa tháng nữa. Tiếp đó phải đi săn, muối thịt, khâu túi da đựng nước ngọt. Đến khi mọi việc xong xuôi thì ngày đã trở nên cực ngắn, đêm thật dài, riêng gió vẫn chưa chuyển hướng. Ba người làm một cái lều cạnh bờ biển để che cái bè, chờ khi nào gió thổi về nam sẽ cho bè hạ thủy.

Dạo này Tạ Tốn không rời Vô Kỵ một bước, ban đêm cũng bắt thằng bé phải ngủ với mình. Phu phụ Trương Thúy Sơn thấy Tạ Tốn đối với con mình vừa thân thiết, vừa nghiêm khắc như thế, chỉ còn cách nhìn nhau cười gượng.

*

*        *

Nửa đêm nọ, Trương Thúy Sơn bỗng nhiên tỉnh giấc, nghe tiếng gió thổi có vẻ khác lạ. Chàng ngồi dậy, quả nhiên gió đã thổi từ phương bắc xuống, vội đánh thức Ân Tố Tố, mừng rỡ nói:

– Nàng nghe kìa!

Ân Tố Tố còn đang mơ màng, chưa kịp trả lời đã nghe tiếng Tạ Tốn từ bên ngoài vọng vào:

– Chuyển sang gió bắc rồi, chuyển sang gió bắc rồi!

Giọng nói giống như tiếng khóc thổn thức, giữa đêm khuya nghe thật thê lương.

Sáng hôm sau, phu phụ Trương Thúy Sơn vui mừng thu xếp hành trang. Họ đã sống ở Băng Hỏa đảo mười năm trời, nay rời bỏ nó, lòng không khỏi bùi ngùi quyến luyến. Khi mọi thứ đã chuyển xuống bè gỗ đâu vào đó thì đã chính Ngọ, ba người hợp lực đẩy chiếc bè xuống nước. Vô Kỵ là người trước tiên nhảy lên bè, kế đến là Ân Tố Tố.

Trương Thúy Sơn nắm tay Tạ Tốn, nói:

– Đại ca, chiếc bè ra cách bờ sáu thước, chúng ta cùng nhảy lên nhé!

Tạ Tốn nói:

– Ngũ đệ, huynh đệ ta từ đây vĩnh biệt, đệ nhớ bảo trọng nghe!

Trương Thúy Sơn chợt giật mình, tưởng như có ai giáng một quyền vào ngực mình, nói:

– Đại ca… đại ca…

Tạ Tốn nói:

– Ngũ đệ tấm lòng nhân hậu, phúc trạch thật dày, nhưng quá cố chấp phải trái thiện ác, nên cẩn thận là hơn. Vô Kỵ phóng khoáng, xem ra sau này hành sự xử thế sẽ thành công dễ hơn đệ đấy. Ngũ muội tuy phận nữ nhi, song không chịu kém ai. Người mà ta lo hơn cả, chính là ngũ đệ.

Trương Thúy Sơn càng nghe càng kinh ngạc, run run nói:

– Đại ca nói gì vậy? Đại ca không… về cùng… gia đình tiểu đệ ư?

Tạ Tốn nói:

– Ta đã nói với ngũ đệ từ mấy năm trước, ngũ đệ quên rồi sao?

Câu nói trên Trương Thúy Sơn nghe như tiếng sấm, lúc này chàng mới nhớ lại, quả thật dạo ấy Tạ Tốn có nói sẽ không rời đảo này, nhưng sau không nhắc tới chuyện đó nữa nên chàng và Ân Tố Tố cũng chẳng để tâm. Khi đóng bè, Tạ Tốn không để lộ chút nào về ý định một mình ở lại đảo, ai ngờ đến lúc khởi hành Tạ Tốn mới đột nhiên nói ra. Trương Thúy Sơn vội nói:

– Đại ca, một mình ở lại hoang đảo thì tịch mịch thê lương lắm. Chúng ta mau cùng xuống bè đi thôi.

Nói đoạn kéo tay Tạ Tốn. Nhưng thân hình Tạ Tốn y như một cây đại thụ rễ ăn chắc xuống lòng đất, không hề lay chuyển.

Trương Thúy Sơn gọi:

– Tố Tố, Vô Kỵ, mau lên bờ! Đại ca bảo sẽ không về cùng chúng ta!

Ân Tố Tố và Vô Kỵ nghe vậy cả kinh, cùng nhảy lên bờ, Vô Kỵ nói:

– Nghĩa phụ, sao không cùng đi? Nghĩa phụ ở lại, con cũng không đi đâu.

Tạ Tốn trong thâm tâm quả cũng không muốn xa lìa ba người, ba người đi rồi, vĩnh viễn sẽ không có ngày gặp lại, một mình lão cô đơn thui thủi trên hoang đảo, thực sống đấy mà khác gì chết? Lão với Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố kết nghĩa kim lan, lão lo cho phu thê họ còn hơn cả bản thân lão; còn đối với nghĩa tử Vô Kỵ thì lão yêu nó còn hơn con ruột. Lão nghĩ từ lâu, biết mình có nợ máu với quá nhiều người, trên chốn giang hồ bất luận là danh môn chính phái hay hắc đạo lục lâm, có biết bao nhiêu người cố tìm cách giết lão, huống hồ thanh đao Đồ Long đang ở trong tay lão, việc đó khó lòng giữ kín mãi được. Giả như thời trước, lão nào sợ gì ai; nhưng bây giờ hai mắt đã mù, quyết không thể chống chọi nổi sự vây công của số đông kẻ thù, mà Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố thấy thế cũng nhất định sẽ không khoanh tay đứng nhìn, sẽ liều chết cứu lão. Một khi tranh chấp xảy ra, cả bốn người sẽ phải bỏ mạng. Có về tới Trung nguyên, chỉ e bốn người không sống nổi già nửa năm. Những ý nghĩ đó, lão không thể nói cho phu phụ Trương Thúy Sơn biết, đành đợi đến phút cuối cùng mới nói rõ ý định ở lại đảo.

Tạ Tốn nghe Vô Kỵ nói mấy lời chân tình, bèn bồng nó lên, dịu dàng nói:

– Vô Kỵ, ngươi hãy nghe lời nghĩa phụ. Nghĩa phụ cao tuổi rồi, mắt lại lòa, ở đây dễ chịu lắm, về Trung nguyên chỉ e hết thảy mọi chỗ mọi thứ đều không quen thì sẽ khổ sở lắm.

Vô Kỵ nói:

– Về Trung nguyên rồi, hài nhi sẽ ngày ngày hầu hạ nghĩa phụ, sẽ không rời nghĩa phụ nửa bước. Nghĩa phụ muốn ăn uống gì, hài nhi sẽ đem tới ngay, thế thì có khác gì ở đây?

Tạ Tốn lắc đầu, nói:

– Không được đâu! Nghĩa phụ thích ở đây hơn.

Vô Kỵ nói:

– Hài nhi cũng thích ở đây. Phụ thân, mẫu thân, chi bằng chúng ta đừng đi nữa, tất cả ở đây vẫn tốt.

Ân Tố Tố nói:

– Đại ca có điều chi lo lắng, hãy nói rõ ra, mọi người cùng bàn tính xem sao. Chứ bỏ đại ca ở lại đây một mình, quyết không thể được.

Tạ Tốn nghĩ thầm: “Ba người kia đối với ta tình thâm nghĩa trọng, muốn họ bỏ ta mà đi, e rằng có nói khô cổ, họ cũng chẳng chịu. Phải nghĩ cách bắt họ ra đi thôi”.

Trương Thúy Sơn bỗng nói:

– Đại ca sợ kẻ thù quá nhiều, sẽ liên lụy đến gia đình tiểu đệ chứ gì? Bốn người chúng ta sau khi về tới Trung nguyên sẽ tìm một nơi hoang vắng sinh sống, không giao thiệp với người ngoài, thì có gì đáng lo? Tốt hơn hết là cả bốn người chúng ta lên trú ngụ trên núi Võ Đang, sẽ chẳng ai nghĩ rằng Kim Mao Sư Vương lại ở trên đó.

Tạ Tốn kiêu hãnh nói:

– Đại ca của ngũ đệ tuy khó sánh với tôn sư, nhưng cũng đâu đến nỗi phải núp bóng tôn sư Trương chân nhân!

Trương Thúy Sơn hối hận đã lỡ lời, vội nói:

– Đại ca võ công không thua gì sư phụ của tiểu đệ, không phải núp bóng ai cả. Hồi Cương, Tây Tạng, sa mạc phía bắc, thiếu gì chỗ cho bốn người chúng ta tiêu dao tự tại?

Tạ Tốn nói:

– Nếu tìm chốn hoang vắng để ở, thiên hạ còn chỗ nào tốt hơn chốn này? Các ngươi rốt cuộc có chịu đi hay không thì bảo?

Trương Thúy Sơn nói:

– Đại ca không đi, gia đình đệ quyết không đi.

Ân Tố Tố và Vô Kỵ cùng nói:

– Cả nhà quyết không đi, nếu người ở lại.

Tạ Tốn thở dài:

– Được lắm, tất cả không đi, đợi lúc ta chết các ngươi đi cũng chưa muộn.

Trương Thúy Sơn nói:

– Đúng thế, chúng mình ở đây mười năm rồi, không làm gì phải vội.

Tạ Tốn quát to:

– Ta chết rồi, các ngươi mới hết lưu luyến chứ gì?

Ba người còn đang kinh ngạc, thì “roạt” một tiếng, Tạ Tốn đã rút phắt thanh đao Đồ Long, đưa lên cắt ngang cổ.

Trương Thúy Sơn cả kinh, kêu lên:

– Khéo đả thương Vô Kỵ kìa!

Chàng biết với võ công của mình, chàng không thể ngăn cản nghĩa huynh vung đao tự tận, trong lúc nguy cấp vội kêu Tạ Tốn đừng đả thương Vô Kỵ, quả nhiên Tạ Tốn sững người, thu đao lại, hỏi:

– Cái gì?

Trương Thúy Sơn thấy Tạ Tốn quyết liệt như vậy, đành nghẹn ngào nói:

– Đại ca quyết ý như thế, tiểu đệ đành bái biệt.

Đoạn quỳ xuống lạy mấy lạy. Vô Kỵ nói to:

– Nghĩa phụ không đi, con cũng không đi! Nghĩa phụ tự tận, con cũng tự tận. Đại trượng phu nói sao làm vậy, nghĩa phụ dùng đao cắt cổ, con cũng sẽ làm như vậy.

Tạ Tốn quát:

– Con nít nói nhăng nói cuội!

Rồi chộp cổ thằng bé ném nó xuống bè, liền đó hai tay chộp Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố cùng quẳng xuống theo, cao giọng nói:

– Ngũ đệ, ngũ muội, Vô Kỵ! Lên đường thuận buồm xuôi gió! Mong các ngươi bình an vô sự, sớm về đến Trung nguyên!

Đoạn lão lại nói:

– Vô Kỵ, sau khi về đến Trung nguyên, hãy xưng là Trương Vô Kỵ, ba chữ Tạ Vô Kỵ chỉ nên giấu trong lòng, chớ có nói ra! Vô Kỵ khóc òa lên, gọi:

– Nghĩa phụ, nghĩa phụ!

Tạ Tốn giơ đao dọa:

– Các ngươi mà còn lên bờ, thì tình nghĩa chúng ta từ đây đoạn tuyệt!

Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố thấy nghĩa huynh tâm ý kiên quyết, chẳng thể thay đổi, đành gạt lệ vẫy tay từ biệt. Lúc này hải lưu đẩy chiếc bè gỗ từ từ trôi xa, hình bóng Tạ Tốn mờ dần, mỗi lúc một nhỏ. Rất lâu sau thì không còn thấy bóng Tạ Tốn nữa, ba người mới quay đầu. Vô Kỵ gục vào lòng mẹ khóc mãi, sau đó ngủ thiếp đi.

*

*      *

Chiếc bè trôi trên biển, từ hôm ấy quả nhiên chỉ toàn gió bấc đẩy chiếc bè trôi về phương nam. Giữa biển cả mênh mông, chả biết đâu là phương hướng, nhưng ngày ngày thấy mặt trời mọc phía tay trái và lặn bên tay phải, ban đêm thấy sao Bắc Cực lấp láy phía đuôi chiếc bè, mà chiếc bè cứ không ngừng trôi, đủ biết họ đang ngày một về gần Trung nguyên.

Hai mươi ngày đầu, Trương Thúy Sơn sợ chiếc bè va phải núi băng, chỉ giương một cánh buồm phụ, chiếc bè trôi tuy chậm nhưng an toàn, dù đụng vào núi băng cũng chỉ chao đảo rồi lại dạt ra. Khi đã ra khỏi vùng núi băng thật xa, chàng mới giương hết buồm.

Gió bấc ngày đêm không đổi hướng, chiếc bè trôi càng lúc càng nhanh, rất may trên đường không gặp bão biển, xem ra có bảy tám phần hi vọng về được cố hương. Suốt mấy tháng đó, vợ chồng Trương Thúy Sơn sợ Vô Kỵ đau lòng, không nhắc gì đến Tạ Tốn cả.

Trương Thúy Sơn nghĩ thầm: “Võ công mà đại ca truyền cho Vô Kỵ, liệu có dùng được không, thật khó nói. Vô Kỵ về đến Trung nguyên, phải để nó làm môn hạ phái Võ Đang”. Ở trên bè suốt ngày không biết làm gì, chàng bèn truyền thụ cho Vô Kỵ các công phu nhập môn về quyền pháp, chưởng pháp của phái Võ Đang. Phương pháp truyền thụ của chàng so với Tạ Tốn cao minh hơn hẳn, võ công nhập môn của phái Võ Đang lại hoàn toàn không khó, giảng giải vài lần, chỉ vẽ đôi chút là Vô Kỵ học được ngay. Hai cha con trên bè cứ thế tập dượt.

Một hôm Ân Tố Tố thấy mặt biển lặng sóng, chiếc bè gỗ căng gió trôi rất nhanh về phương nam thì không nhịn nổi, nói:

– Đại ca không chỉ võ công tinh thâm, mà còn tính toán chuẩn xác thiên thời địa lý, quả là bậc kỳ tài.

Vô Kỵ bỗng nói:

– Nếu cứ nửa năm gió thổi về nam, nửa năm gió thổi lên bắc, thì sang năm chúng ta quay lại Băng Hỏa đảo thăm nghĩa phụ.

Trương Thúy Sơn vui mừng nói:

– Vô Kỵ nói rất phải, khi nào ngươi trưởng thành, chúng ta lại lên phương bắc…

Ân Tố Tố bỗng chỉ về phía nam, kêu lên:

– Cái gì thế kia?

Chỉ thấy xa tít phía chân trời thấp thoáng hai chấm đen. Trương Thúy Sơn kinh ngạc nói:

– Liệu có phải là kình ngư không? Nó mà húc vào bè thì nguy lắm.

Ân Tố Tố nhìn kỹ một hồi, nói:

– Không phải kình ngư, không thấy nó phun nước lên cao.

Ba người cứ chăm chú nhìn hai chấm đen kia, hơn một canh giờ sau, Trương Thúy Sơn vui mừng reo lên:

– Là thuyền, là thuyền đó!

Chàng cao hứng nhảy tung người lên, lộn một vòng. Từ khi sinh Vô Kỵ, chàng ngày ngày bận bịu, chưa một lần có hành vi tinh nghịch kiểu con nít như vậy. Vô Kỵ cười khanh khách, bắt chước theo, cũng nhảy lộn hai vòng.

Chiếc bè trôi hơn một canh giờ nữa, dưới ánh nắng xiên xiên đã nhìn rõ hai chiếc thuyền lớn. Ân Tố Tố bỗng run người, tái mặt. Vô Kỵ lấy làm lạ, hỏi:

– Mẫu thân, người sao vậy?

Ân Tố Tố môi mấp máy, không nói nên lời. Trương Thúy Sơn nắm lấy tay nàng, lộ vẻ quan tâm. Ân Tố Tố thở dài nói:

– Vừa về đã gặp rồi.

Trương Thúy Sơn hỏi:

– Gặp cái gì?

Ân Tố Tố nói:

– Chàng thử nhìn cánh buồm kia.

Trương Thúy Sơn nheo mắt, thấy chiếc thuyền lớn bên trái, trên buồm có vẽ một con chim ưng lớn màu đen dang rộng đôi cánh, hình dáng uy mãnh, chàng chợt nhớ lá cờ lớn của Thiên Ưng giáo năm nào mình nhìn thấy trên Vương Bàn sơn đảo, liền giật mình, hỏi:

– Là… Thiên Ưng giáo phải không?

Ân Tố Tố hạ giọng đáp:

– Đúng thế, chính là Thiên Ưng giáo của phụ thân thiếp!

Trong giây lát, rất nhiều ý nghĩ nổi lên trong đầu chàng: “Phụ thân của Ân Tố Tố là giáo chủ Thiên Ưng giáo, tà giáo này không từ việc ác nào, lúc ta gặp nhạc phụ, phải làm thế nào đây? Ân sư sẽ nói sao về cuộc hôn nhân này của ta?” Chàng thấy bàn tay nhỏ nhắn của Ân Tố Tố run run trong tay mình, biết là nàng cũng đang đầy nỗi niềm lo lắng, bèn nói:

– Tố Tố, hài tử của chúng mình lớn ngần kia rồi! Trên trời dưới đất, vĩnh viễn không xa nhau. Nàng có gì phải sợ?

Ân Tố Tố thở phào một cái, liếc chàng mỉm cười, nói nhỏ:

– Chỉ mong chàng không vì thiếp mà bị gây khó dễ, có gì chàng hãy cứ nghĩ đến Vô Kỵ.

Vô Kỵ chưa bao giờ nhìn thấy thuyền, nên cứ chăm chú ngắm hai chiếc thuyền không chớp mắt, chẳng để ý tới những điều phụ mẫu đang nói.

Chiếc bè gỗ trôi tới gần, thấy hai chiếc thuyền kia đậu rất gần nhau. Nếu không đổi hướng, chiếc bè sẽ trôi qua chỗ giao thoa giữa hai chiếc thuyền kia, nhìn từ xa thấy chỉ cách mũi thuyền bên phải vài mươi trượng.

Trương Thúy Sơn nói:

– Có nên gọi người trên thuyền hay không? Thử hỏi thăm tin tức phụ thân nàng xem sao?

Ân Tố Tố nói:

– Đừng gọi. Để về tới Trung nguyên, thiếp sẽ đưa chàng và Vô Kỵ tới gặp gia gia.

Trương Thúy Sơn nói:

– Ừ, thế cũng được.

Bỗng Trương Thúy Sơn thấy trên thuyền đao quang lấp loáng, dường như có đến bốn, năm người đang giao đấu, bèn nói:

– Người trên hai thuyền kia đang đánh nhau.

Ân Tố Tố nhìn kỹ một hồi, có vẻ hơi lo, nói:

– Không biết gia gia ở trên chiếc thuyền nào?

Trương Thúy Sơn nói:

– Nếu đã gặp, chúng ta nên qua thăm.

Thế là chàng bẻ lái chiếc bè. Chiếc bè nghiêng sang trái, trôi về phía hai chiếc thuyền.

Tuy vẫn để buồm ăn gió, song chiếc bè trôi quá chậm, rất lâu mới tới gần hai chiếc thuyền. Chỉ nghe trên thuyền của Thiên Ưng giáo có tiếng nói lớn:

– Có việc giao thương nghiêm chỉnh, người ngoài không liên quan hãy tránh ra nơi khác.

Ân Tố Tố nói:

– Nhật nguyệt quang chiếu, Thiên Ưng triển xí, thánh diệm hùng hùng, phổ huệ thế nhân[39]! Đây là Đường chủ của tổng đà. Bên đó đàn nào nổi lửa thắp nhang vậy?

Câu nói của nàng là mật ngữ của Thiên Ưng giáo. Người trên chiếc thuyền kia lập tức cung kính đáp:

– Lý đường chủ của Thiên Thị đường, suất lĩnh Trình đàn chủ Thanh Long đàn, Phong đàn chủ Thần Xà đàn đang ở đây. Có phải là Ân đường chủ của Thiên Vi đường giá lâm đó chăng?

Ân Tố Tố nói:

– Là Tử Vi đường đường chủ.

Người trên thuyền kia nghe năm chữ “Tử Vi đường đường chủ” thì tức thời nhộn nhịp hẳn lên. Một lát sau, hơn một chục người đồng thanh reo to:

– Ân cô nương về rồi, Ân cô nương về rồi!

Trương Thúy Sơn thành hôn với Ân Tố Tố đã mười năm, song chưa hề hỏi nàng về việc của Thiên Ưng giáo, cũng chưa nghe nàng kể bao giờ, lúc này thấy đôi bên hỏi đáp mới biết nàng còn là “Tử Vi đường đường chủ” gì đó, xem ra địa vị của đường chủ cao hơn đàn chủ. Hồi ở trên Vương Bàn sơn đảo, chàng đã biết thân thủ của hai vị đàn chủ Huyền Vũ đàn và Chu Tước đàn, nói về võ công thì hai vị ấy cao hơn Ân Tố Tố, sở dĩ nàng giữ địa vị đường chủ vì nàng là quý nữ của giáo chủ. Vậy thì vị đường chủ họ Lý của Thiên Thị đường hẳn phải là một nhân vật cực kỳ lợi hại.

Chỉ nghe trên chiếc thuyền đối diện vang lên giọng nói của một vị cao niên:

– Nghe nói thiên kim tiểu thư của giáo chủ tệ giáo Ân cô nương trở về, chúng ta hãy tạm ngưng đấu được chăng?

Một giọng sang sảng đáp lại:

– Được! Tất cả dừng tay!

Tiếng binh khí chạm nhau lập tức im bặt, những người đang giao đấu liền dãn sang hai bên.

Trương Thúy Sơn nghe giọng nói sang sảng trầm hùng kia quá quen, chợt sững người, rồi gọi to:

– Có phải Du sư ca Du Liên Châu đó chăng?

Người trên thuyền đáp:

– Chính là Du Liên Châu đây… ôi… ôi… ngươi… ngươi…

Trương Thúy Sơn nói:

– Tiểu đệ Trương Thúy Sơn đây!

Chàng xúc động mạnh, thấy chiếc bè còn cách thuyền mấy trượng, bèn lấy một cây gỗ trên bè, vận kình ném ra, tiếp đó nhảy tới, đạp vào cây gỗ mượn lực mà vọt lên chiếc thuyền kia.

Du Liên Châu chạy tới, sư huynh sư đệ xa nhau mười năm, không biết sống chết thế nào, bây giờ gặp lại vui mừng xiết bao! Bốn bàn tay nắm chặt, bên gọi “Nhị ca!”, bên kêu “Ngũ đệ!” cả hai nước mắt rưng rưng, không nói nên lời.

Phía bên kia nghênh đón Ân Tố Tố rầm rộ lắm. Tám chiếc tù và bằng ốc biển loại lớn được thổi lên cùng lúc, Lý đường chủ đứng trên cùng, Phong Trình hai đàn chủ đứng phía sau Lý đường chủ, tiếp đến cả trăm giáo chúng. Từ thuyền lớn xuống bè có bắc ván làm cầu, bảy tám thủy thủ dùng sào dài móc giữ chiếc bè. Ân Tố Tố dắt Vô Kỵ theo tấm ván đi lên thuyền.

Giáo chủ Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính chia Thiên Ưng giáo ra làm Nội tam đường, Ngoại ngũ đàn, để cai quản các lộ giáo chúng. Nội tam đường là Thiên Vi đường, Tử Vi đường và Thiên Thị đường. Ngoại ngũ đàn là Thanh Long đàn, Bạch Hổ đàn, Huyền Vũ đàn, Chu Tước đàn và Thần Xà đàn. Đường chủ của Thiên Vi đường là Ân Dã Vương, trưởng tử của Ân Thiên Chính. Đường chủ của Tử Vi đường là Ân Tố Tố, còn đường chủ của Thiên Thị đường là Lý Thiên Viên, sư đệ của Ân Thiên Chính.

Lý Thiên Viên thấy Ân Tố Tố áo quần lam lũ, làm bằng lông và da thú, dắt theo một hài đồng thì không khỏi kinh ngạc, nhưng tức thời mừng rỡ, cười nói:

– Tạ trời tạ đất, cháu đã về, mười năm qua gia gia cháu mong ngóng quá chừng!

Ân Tố Tố vái lạy, nói:

– Sư thúc vẫn khỏe chứ?

Rồi bảo Vô Kỵ:

– Mau khấu đầu trước sư thúc tổ đi con.

Vô Kỵ quỳ xuống khấu đầu, đôi mắt đen láy chăm chăm nhìn Lý Thiên Viên. Thằng bé thấy trên thuyền quá đông người thì không khỏi hiếu kỳ.

Ân Tố Tố đứng dậy, nói:

– Sư thúc, đây là con của điệt nữ, cháu tên Vô Kỵ.

Lý Thiên Viên sửng sốt, nhưng lập tức cười ha hả, nói:

– Hay lắm, hay lắm! Gia gia cháu sẽ sướng điên người mất, không những quý nữ trở về, còn đem theo một đứa cháu ngoại tuấn tú thế này.

Ân Tố Tố thấy trên sàn cả hai chiếc thuyền đều ngổn ngang mấy tử thi, máu tươi vương vãi, bèn hỏi nhỏ:

– Đối phương là ai? Vì sao động võ?

Lý Thiên Viên nói:

– Là người của phái Võ Đang và phái Côn Luân đó.

Ân Tố Tố ban nãy nghe trượng phu gọi “Du sư ca” rồi nhảy lên chiếc thuyền bên kia, ôm chầm lấy một người, thì biết là bên đó có người của phái Võ Đang, bây giờ nghe Lý Thiên Viên nói vậy, bèn nói:

– Tốt nhất là đừng động thủ, cố hóa giải thì hơn.

Lý Thiên Viên nói:

– Phải.

Lý Thiên Viên tuy là sư thúc, nhưng trong Thiên Ưng giáo, Thiên Thị đường xếp chót trong Nội tam đường, sau Tử Vi đường. Luận về sư môn, Lý Thiên Viên ở vai trên, nhưng xử lý giáo vụ thì Ân Tố Tố có quyền cao hơn sư thúc.

Bỗng nghe Trương Thúy Sơn từ thuyền bên kia gọi:

– Tố Tố, Vô Kỵ, hãy sang bên này chào sư ca của ta.

Ân Tố Tố dắt Vô Kỵ đi sang thuyền bên kia. Lý Thiên Viên và Trình, Phong hai đàn chủ sợ nàng có điều gì thất thố, vội nối gót theo sau.

Sang đến thuyền bên kia, thấy có bảy tám người đứng, một người cao gầy trạc ngoại tứ tuần nắm tay Trương Thúy Sơn, thần thái vô cùng thân thiết. Trương Thúy Sơn nói:

– Tố Tố, đây là Du nhị sư ca mà ta thường nhắc đến! Nhị ca, còn đây là vợ tiểu đệ và cháu Vô Kỵ.

Du Liên Châu và Lý Thiên Viên nghe vậy thì cùng kinh ngạc. Thiên Ưng giáo và phái Võ Đang, hai bên chính đang liều chết ác đấu, nào ngờ mỗi bên lại có một nhân vật trọng yếu kết thành phu phụ, hơn thế nữa lại sinh một hài tử.

Du Liên Châu biết rằng nguyên ủy bên trong có nhiều uẩn khúc, chẳng thể nói rõ ngay được, bèn giới thiệu Trương Thúy Sơn với những người khác trên thuyền.

Một đạo nhân đội mũ vàng mập lùn là Tây Hoa Tử thuộc phái Côn Luân, một phụ nữ trung niên là sư muội của Tây Hoa Tử, Thiểm Điện nương nương Vệ Tứ Nương, người trên giang hồ vẫn gọi sau lưng mụ là Thiểm Điện nương nương. Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố từng nghe danh hai người này. Những người khác cũng đều là hảo thủ của phái Côn Luân, nhưng không nổi danh bằng Tây Hoa Tử và Vệ Tứ Nương. Lão Tây Hoa Tử tuy đã đứng tuổi nhưng không điềm tĩnh chút nào, vừa mở miệng đã hỏi ngay:

– Trương ngũ hiệp, tên ác tặc Tạ Tốn hiện ở đâu, ngũ hiệp có biết không?

Trương Thúy Sơn chưa về đến Trung thổ, còn đang ở giữa biển cả mênh mông đã gặp hai cái khó, một là bản môn rốt cuộc đang động thủ với Thiên Ưng giáo; hai là vừa gặp, ai cũng hỏi Tạ Tốn ở đâu. Chàng nhất thời chưa biết trả lời ra sao, bèn hỏi Du Liên Châu:

– Nhị ca, rốt cuộc chuyện này thế nào?

Tây Hoa Tử thấy Trương Thúy Sơn không trả lời câu hỏi của lão, liền nổi nóng quát to:

– Ngươi có nghe ta hỏi không? Tên ác tặc Tạ Tốn hiện ở đâu?

Trong phái Côn Luân, Tây Hoa Tử có địa vị rất cao, võ công xuất chúng, hống hách đã quen.

Phong đàn chủ của Thần Xà đàn thuộc Thiên Ưng giáo là người nham hiểm, trong cuộc ác đấu vừa rồi có hai đệ tử bị mất mạng dưới kiếm của Tây Hoa Tử, nên đang căm tức lão, lúc này bèn lạnh lùng nói:

– Trương ngũ hiệp là ái tế[40] của giáo chủ bổn giáo, ngươi nói năng nên lễ độ một chút.

Tây Hoa Tử cả giận, nói to:

– Yêu nữ của tà giáo, há được phép kết hôn với đệ tử danh môn chính phái? Vụ hôn phối này hẳn có điều mờ ám.

Phong đàn chủ cười khẩy, nói:

– Ân giáo chủ bổn giáo đã có cháu ngoại rồi, ngươi nói quàng nói xiên gì chứ?

Tây Hoa Tử tức giận nói:

– Con yêu nữ…

Vệ Tứ Nương đã nhận ra dụng ý của Phong đàn chủ là vừa muốn xúi giục hai phái Côn Luân và Võ Đang hiềm khích với nhau, vừa nhân đây lấy lòng Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố, mụ biết Tây Hoa Tử càng nói càng phun ra những lời khó nghe, vội can:

– Sư huynh, đừng nên đôi co những lời vô vị với họ, mọi người hãy nghe Du nhị hiệp chỉ giáo.

Du Liên Châu nhìn Trương Thúy Sơn, nhìn Ân Tố Tố một hồi, trong lòng có biết bao nghi vấn, nói:

– Mọi người hãy vào trong khoang nói chuyện. Những huynh đệ cả đôi bên bị tử thương, hãy mau cứu chữa trước đã.

Lúc này Thiên Ưng giáo là khách, mà quyền lực cao nhất hiện thuộc về đường chủ Tử Vi đường Ân Tố Tố. Nàng dắt Vô Kỵ đi vào khoang trước, tiếp đến Lý Thiên Viên.

Khi Phong đàn chủ bước vào khoang, chợt cảm thấy có làn gió nhẹ thổi tới sau lưng, y là người lịch lãm, biết ngay là đòn đánh lén của Tây Hoa Tử, y không đỡ mà nhào về phía trước và kêu to:

– Ối chà, đánh trộm à?

Thế là chiêu “Tam âm thủ” của Tây Hoa Tử bị hụt, ai nấy cùng quay lại nhìn hai người.

Vệ Tứ Nương đưa mắt lườm sư huynh. Mặt Tây Hoa Tử từ màu tía chuyển sang màu hồng. Ai nấy biết rằng khi đã lên thuyền này, cả bọn Phong đàn chủ đều là khách, cái trò đánh lén của Tây Hoa Tử thật làm mất đi thân phận của một cao thủ danh môn chính phái.

Hai bên phân chủ khách ngồi xuống. Ân Tố Tố là thủ tịch phía khách, Vô Kỵ đứng bên cạnh mẹ. Phía chủ thì Du Liên Châu đứng đầu, chàng chỉ chiếc ghế bên dưới Vệ Tứ Nương, nói:

– Ngũ đệ, ngồi đó đi.

Trương Thúy Sơn vâng lời ngồi xuống. Như thế hai vợ chồng Trương – Ân thành ra hai bên chủ khách, cũng là vào thế đối địch nhau.

Mười năm qua, Du Đại Nham bị trọng thương không thể ra ngoài, Trương Thúy Sơn mất tích, sống chết không ai hay, còn lại Võ Đang ngũ hiệp danh tiếng càng thêm lừng lẫy. Tống Viễn Kiều, Du Liên Châu tuy chỉ là đệ tử đời thứ hai trong phái Võ Đang, nhưng trong võ lâm thì nghiễm nhiên ngang hàng với các cao tăng của phái Thiếu Lâm. Người trên giang hồ đối với Võ Đang ngũ hiệp cực kỳ kính trọng, vì vậy Tây Hoa Tử, Vệ Tứ Nương phải nhường cho Du Liên Châu vai thủ tịch.

Du Liên Châu nghĩ thầm: “Ngũ đệ mất tích mười năm, hóa ra đã cùng con gái của giáo chủ Thiên Ưng giáo kết thành phu phụ, nếu bây giờ tra vấn trước mặt mọi người, ngũ đệ ắt có điều khó nói”. Bèn cao giọng nói:

– Chúng ta bao gồm Thiếu Lâm, Côn Luân, Nga Mi, Không Động, Võ Đang, cộng là năm phái, Thần Quyền, Ngũ Phụng Đao, cộng là chín môn, Hải Sa, Cự Kình, bảy bang, tổng cộng hai mươi mốt môn phái bang hội, vì việc truy tìm ba người là Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, Ân cô nương của Thiên Ưng giáo và sư đệ Trương Thúy Sơn của tệ phái, mà có sự hiểu lầm với Thiên Ưng giáo, không may đôi bên đều có người tử thương, mười năm qua võ lâm chẳng được yên…

Du Liên Châu nói tới đây thì ngừng một lát, rồi mới nói tiếp:

– Thật may Ân cô nương và Trương sư đệ đột nhiên xuất hiện, biết bao nghi vấn sẽ lộ rõ chân tướng. Nhưng sự việc trong mười năm qua có quá nhiều uẩn khúc, không thể nói rõ ngay một lần. Tại hạ thiết nghĩ, chúng ta hãy cùng trở về đất liền, Ân cô nương bẩm rõ với giáo chủ, tệ sư đệ cũng về núi Võ Đang bẩm với gia sư, sau đó hai bên sẽ chọn nơi hội ngộ, phân biện phải trái đúng sai, nếu qua đó có thể biến cừu thù thành bằng hữu thì không gì bằng…

Tây Hoa Tử đột nhiên nói xen vào:

– Tên ác tặc Tạ Tốn hiện giờ ở đâu? Kẻ chúng ta cần tìm là tên ác tặc Tạ Tốn.

Trương Thúy Sơn nghe nói vì việc tìm kiếm ba người mình mà hai mươi hai môn phái bang hội trong võ lâm Trung nguyên đại động can qua, đánh nhau mười năm, chết chóc hẳn không ít thì trong lòng vô cùng áy náy. Chàng lại nghe Tây Hoa Tử luôn mồm truy vấn chỗ ở của Tạ Tốn, càng cảm thấy khó nói. Nếu nói thẳng ra, sẽ có không biết bao nhiêu cao thủ võ lâm đi Băng Hỏa đảo tìm Tạ Tốn báo thù; còn nếu không nói, vậy giấu bằng cách nào đây? Chàng đang phân vân, Ân Tố Tố đột nhiên nói:

– Tên ác tặc Tạ Tốn không từ việc ác, giết người không ghê tay, đã chết cách nay chín năm rồi.

Du Liên Châu, Tây Hoa Tử, Vệ Tứ Nương cùng kinh ngạc kêu lên:

– Tạ Tốn chết rồi ư?

Ân Tố Tố nói:

– Hôm tiểu nữ sinh hài nhi này, tên ác tặc Tạ Tốn nổi cơn điên, định sát hại ngũ ca và tiểu nữ, bỗng nghe tiếng khóc của hài nhi, tâm bệnh phát tác, cái tên ác tặc Tạ Tốn hành động điên loạn đã chết tức thì.

Lúc này Trương Thúy Sơn chợt hiểu, lúc Ân Tố Tố nhắc lại câu “cái tên ác tặc Tạ Tốn đã chết rồi”, cũng không phải là nói trái sự thực, bởi lẽ từ khi Tạ Tốn nghe thấy tiếng khóc chào đời của Vô Kỵ, thiên lương liền trỗi dậy, chấm dứt cơn điên, bỏ ác hướng thiện, cho đến hôm Tạ Tốn buộc ba người rời đảo trở về, rõ ràng đó là hành vi xả kỷ vị nhân[41], đại nhân đại nghĩa, do đó hoàn toàn có thể nói “tên ác tặc Tạ Tốn không từ việc ác, giết người không ghê tay kia đã chết chín năm về trước”, và “Tạ Tốn cao thượng” đã sinh ra chín năm về trước.

Tây Hoa Tử nhăn mũi hừ một tiếng, lão cho rằng Ân Tố Tố là yêu nữ của tà giáo, lời nàng chẳng thể tin. Lão nói, giọng gay gắt:

– Trương ngũ hiệp, tên ác tặc Tạ Tốn có chết thật hay không?

Trương Thúy Sơn thản nhiên đáp:

– Đúng, tên ác tặc Tạ Tốn hành động điên loạn đã chết từ chín năm trước.

Vô Kỵ đứng bên, nghe mọi người chửi rủa tên ác tặc Tạ Tốn, cha mẹ nó thậm chí nói Tạ Tốn chết từ lâu rồi, nó tuy thông minh, nhưng làm sao hiểu nổi uẩn khúc chốn giang hồ? Tạ Tốn đối với nó ân sâu nghĩa nặng, chăm chút che chở cho nó đâu kém gì phụ mẫu, nó cảm thấy quá đau lòng, nhịn không được khóc òa lên, nói:

– Nghĩa phụ không phải là ác tặc, nghĩa phụ chưa chết, nghĩa phụ chưa chết!

Tiếng khóc và lời nói của thằng bé khiến mọi người trên thuyền cùng kinh hãi.

Ân Tố Tố cả giận, tát cho Vô Kỵ một cái, quát:

– Câm miệng!

Vô Kỵ mếu máo nói:

– Mẹ, sao mẹ lại bảo nghĩa phụ chết rồi? Nghĩa phụ rõ ràng còn sống kia mà?

Thằng bé từ nhỏ chỉ sống chung với ba người là phụ mẫu và nghĩa phụ, các mưu mô dối trá của người đời nó chưa từng gặp; nếu là một đứa trẻ sống trong giang hồ, dù chỉ thông minh bằng nửa nó thôi, cũng thừa biết người đời nói dối như cơm bữa, thì đâu có gây ra đại họa? Ân Tố Tố mắng nó:

– Người lớn đang nói chuyện, con nít không được xen vào! Mọi người đang nói về tên ác tặc Tạ Tốn, chứ đâu phải nói về nghĩa phụ của ngươi.

Vô Kỵ hoang mang không hiểu, nhưng cũng không dám nói nữa.

Tây Hoa Tử cười nhạt, hỏi Vô Kỵ:

– Tiểu đệ đệ, Tạ Tốn là nghĩa phụ của tiểu đệ đệ, đúng không? Hiện giờ Tạ Tốn ở đâu?

Vô Kỵ nhìn mặt phụ mẫu, biết rằng những điều họ nói là vô cùng hệ trọng, nghe Tây Hoa Tử hỏi vậy, bèn lắc đầu:

– Hài nhi không nói đâu.

Năm tiếng “Hài nhi không nói đâu” của nó càng chứng tỏ Tạ Tốn chưa chết.

Tây Hoa Tử trừng mắt nhìn Trương Thúy Sơn, nói:

– Trương ngũ hiệp, vị Ân cô nương của Thiên Ưng giáo kia có đúng là phu nhân của ngũ hiệp chăng?

Trương Thúy Sơn không ngờ lão ta lại hỏi như vậy, liền đáp:

– Phải, nàng là hiền thê của tại hạ.

Tây Hoa Tử gằn giọng:

– Phái Côn Luân chúng tôi có hai đệ tử bị hại bởi tôn phu nhân, biến thành sống dở chết dở, món nợ đó tính sao đây?

Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố đều kinh ngạc. Ân Tố Tố chặn ngay:

– Nói năng hồ đồ!

Trương Thúy Sơn nói:

– Việc đó chắc là sự hiểu lầm, vợ chồng tại hạ xa Trung thổ đã mười năm, làm sao có thể bức hại đệ tử của quý phái?

Tây Hoa Tử nói:

– Mười năm trước thì sao? Cao Tắc Thành và Tưởng Đào, hai người bị hại, tính ra cũng mười năm rồi.

Ân Tố Tố hỏi:

– Cao Tắc Thành và Tưởng Đào ư?

Tây Hoa Tử đáp:

– Phu nhân còn nhớ hai người đó chứ? Chỉ sợ phu nhân giết nhiều người quá, nhớ không xuể nữa.

Ân Tố Tố nói:

– Hai người ấy ra sao? Vì cớ gì vu cho tiểu nữ làm hại họ?

Tây Hoa Tử ngửa mặt cười ha hả, nói:

– Ta vu cho người, ta vu cho người ư? Ha ha! Cao Tắc Thành và Tưởng Đào tuy đã mất trí, nhưng vẫn nhớ được một việc, nói ra tên kẻ đã hại họ chính là “Ân… Tố… Tố!”

Ba chữ “Ân Tố Tố”, Tây Hoa Tử dằn mạnh từng tiếng, cách nói đầy vẻ oán độc, cặp mắt lão trừng trừng nhìn nàng, tựa hồ hận không thể tuốt gươm băm vằm cho hả giận.

Phong đàn chủ đột nhiên xen vào:

– Khuê danh của đường chủ Tử Vi đường bổn giáo há để cho lão đạo gọi ra tùy tiện? Đến giới luật thanh quy còn không theo đúng, mà đòi làm tiền bối võ lâm ư? Trình hiền đệ, hiền đệ thử xem trên đời có việc nào vô liêm sỉ đến thế không?

Trình đàn chủ tiếp lời:

– Chưa từng có! Trong danh môn chính phái lại có một gã cuồng đồ như thế, thật tức cười, tức cười!

Tây Hoa Tử cả giận, quát to:

– Hai ngươi bảo ai vô liêm sỉ? Bảo ai tức cười?

Phong đàn chủ không thèm nhìn lão, nói:

– Trình hiền đệ, có kẻ mới học được vài chiêu kiếm pháp võ vẽ đã vội vênh mặt lên, hiền đệ bảo đó là hạng người gì?

Trình đàn chủ nói:

– Phái Côn Luân từ khi Linh Bảo đạo trưởng lìa trần, đời sau càng kém hơn đời trước, thật chẳng ra gì!

Linh Bảo đạo trưởng là sư tổ của Tây Hoa Tử, đức độ và võ công, ai ai trong võ lâm cũng kính phục. Tây Hoa Tử nghe câu đó thì giận tím cả mặt, nhưng không dám đốp lại, nếu bảo câu đó sai, có khác gì vỗ ngực bảo mình giỏi hơn cả sư tổ danh chấn thiên hạ? Lão nhảy ra cửa khoang thuyền, rút kiếm, quát to:

– Tên ác đồ của tà giáo kia, có giỏi hãy ra đây thử sức!

Phong đàn chủ và Trình đàn chủ sở dĩ muốn khích cho Tây Hoa Tử nổi giận là để giải vây cho Ân Tố Tố, nghĩ Trương Thúy Sơn và Ân đường chủ đã thành phu phụ, quan hệ giữa phái Võ Đang và Thiên Ưng giáo bây giờ đã khác hẳn lúc trước, dù Du Liên Châu và Trương Thúy Sơn không tiện ra tay thì ít ra cũng không giúp bên nào, như vậy Thiên Ưng giáo đối phó với mấy người của phái Côn Luân quá dễ dàng.

Vệ Tứ Nương cau mày, nhận ra điều đó, nghĩ rằng với sáu bảy người mình và sư ca, không thể địch nổi quá nhiều cao thủ của Thiên Ưng giáo, huống hồ Trương Thúy Sơn trọng tình phu phụ, hẳn sẽ ra tay trợ giúp đối phương, bèn nói:

– Sư ca, người ta lên thuyền bên mình thì là khách, chúng ta nên nghe Du nhị hiệp chỉ giáo là hơn.

Mụ ta đẩy việc xử lý cho Du Liên Châu, nghĩ với danh vọng và địa vị của mình, họ Du không thể thiên vị. Ai ngờ Tây Hoa Tử tính tình nóng nảy, quát to:

– Phái Võ Đang của y đã kết thân gia với Thiên Ưng giáo, hợp dòng ô uế với nhau rồi, y làm sao có thể nói năng công bằng nữa?

Du Liên Châu là người thâm trầm, hỉ nộ không lộ ra ngoài mặt, nghe Tây Hoa Tử nói vậy cũng chỉ im lặng.

Vệ Tứ Nương vội nói:

– Sư ca, sao lại nói năng hồ đồ thế! Phái Võ Đang với phái Côn Luân ta đồng khí liên chi, cội nguồn sâu xa, mười năm nay liên thủ chống địch, quan hệ bền chặt; Du nhị hiệp lại là một hảo hán thiết diện vô tư, anh danh lừng lẫy giang hồ, thiên hạ có ai không khâm phục? Võ Đang ngũ hiệp xử sự đâu có thiên vị bao giờ?

Tây Hoa Tử hừ một tiếng, nói:

– Cái đó chưa chắc!

Vệ Tứ Nương thầm mắng sư ca hồ đồ không hiểu ngụ ý của mụ, bèn cao giọng:

– Sư ca, sư ca tự dưng đắc tội với Võ Đang ngũ hiệp, nếu sư phụ và sư thúc chưởng môn hỏi tới thì muội không chịu đâu đấy.

Mụ chỉ luôn miệng “Võ Đang ngũ hiệp”, không đả động gì tới Trương Thúy Sơn. Tây Hoa Tử nghe nhắc tới sư phụ và sư thúc chưởng môn, liền không dám nói nữa.

Du Liên Châu chậm rãi nói:

– Việc này liên quan đến các đại môn phái và đại bang hội trong võ lâm. Tại hạ vô đức vô năng, sao dám đưa ra chủ trương? Hơn nữa, việc này cũng đã mười năm rồi, có tốn thêm nửa năm hay một năm nữa cũng không phải là lâu. Tại hạ phải cùng Trương sư đệ trở về núi Võ Đang, bẩm rõ với ân sư và đại sư huynh, xin ân sư chỉ thị.

Tây Hoa Tử cười nhạt, nói:

– Cái chiêu “Như phong tự bế” của Du nhị hiệp dùng để thoái thác, quả thực quá cao minh.

Du Liên Châu là người vô cùng trầm tĩnh, không dễ nổi nóng, nhưng Tây Hoa Tử vừa nhạo báng chiêu “Như phong tự bế”, chính là công phu phòng thủ nổi danh thiên hạ của phái Võ Đang do ân sư Trương Tam Phong sáng tạo, như thế có khác gì Tây Hoa Tử làm nhục ân sư; nhưng Du Liên Châu nghĩ thầm: “Vụ này xử lý không khéo một chút, sẽ dẫn tới kiếp nạn ghê gớm trong võ lâm. Lão đạo sĩ nói năng hồ đồ này chẳng đáng để mình phải tranh biện”.

Tây Hoa Tử thấy Du Liên Châu nghe mấy câu lão vừa nói, liếc nhìn lão một cái, mà ánh mắt như tia chớp, thì giật mình nghĩ thầm: “Sư phụ và sư thúc chưởng môn của ta là cao thủ đứng đầu môn phái, mà nhãn thần xem ra không lợi hại bằng người này”. Ánh mắt của Du Liên Châu chợt dịu lại, nói giọng bình thản:

– Tây Hoa đạo huynh có cao kiến gì, tại hạ xin rửa tai lắng nghe.

Tây Hoa Tử vừa bị ánh mắt của Du Liên Châu quét qua, còn khiếp đảm, quay sang nói với Vệ Tứ Nương:

– Sư muội, sư muội bảo sao, không lẽ chuyện của Cao, Tưởng hai người mình đành buông tay cho qua?

Vệ Tứ Nương chưa kịp đáp, bỗng từ hướng nam nổi lên tiếng tù và rền rĩ. Một đệ tử phái Côn Luân chạy vào cửa khoang, nói:

– Phái Không Động và Nga Mi đã tới tiếp ứng!

Tây Hoa Tử và Vệ Tứ Nương cả mừng, Vệ Tứ Nương nói:

– Du nhị hiệp, chúng ta hãy nghe cao kiến của phái Không Động và phái Nga Mi luôn thể.

Du Liên Châu nói:

– Được!

Lý Thiên Viên và Trình đàn chủ đưa mắt nhìn nhau, mặt hơi biến sắc.

Trương Thúy Sơn có thêm nỗi lo: “Phái Nga Mi chẳng đáng ngại, còn phái Không Động có thâm cừu với Tạ Tốn đại ca. Tạ Tốn đã đả thương Không Động ngũ lão, đoạt lấy bộ kinh Thất Thương Quyền, bọn họ chắc chắn đã khổ công truy tìm chỗ ở của đại ca”.

Ân Tố Tố cũng nghĩ như thế, lại nghĩ giá như Vô Kỵ không nói ra lời ngây ngô của con trẻ thì sự việc đã dễ xử lý hơn rất nhiều. Thế nhưng nghĩ lại, Vô Kỵ từ nhỏ đến nay chưa bao giờ nghe nói dối, đối với Tạ Tốn tình sâu nghĩa nặng, bỗng dưng nghe bảo nghĩa phụ chết rồi, dĩ nhiên nó phải khóc phải kêu, chẳng thể trách mắng nó. Nàng nhìn má nó còn in vết mấy ngón tay hồng hồng bởi cái tát ban nãy, không khỏi thương thằng bé, bèn kéo nó vào lòng. Vô Kỵ vẫn chưa hết lo, ghé tai mẹ hỏi nhỏ:

– Mẹ, nghĩa phụ chưa chết, phải không mẹ?

Ân Tố Tố cũng ghé tai con, nói nhỏ:

– Chưa. Ta đánh lừa bọn họ đó. Mấy người kia độc ác, xấu xa, muốn hại nghĩa phụ của ngươi đó.

Vô Kỵ chợt hiểu, đưa mắt tức giận nhìn từng người, nghĩ thầm: “Hóa ra các người đều độc ác, xấu xa, định hại nghĩa phụ ta”.

Từ hôm nay, Trương Vô Kỵ bước chân vào chốn giang hồ, bắt đầu thấy sự hiểm ác của lòng người trên thế gian. Nó đưa tay rờ má, cái tát của mẹ nó vẫn còn đau rát. Nó biết tuy là mẫu thân đánh nó, nhưng lại do mấy kẻ độc ác xấu xa kia gây nên. Từ nhỏ đến giờ nó sống trong vòng tay bao bọc yêu chiều của cha mẹ và nghĩa phụ, đâu biết trên đời có những kẻ địch tâm địa độc ác. Tuy Tạ Tốn đã kể chuyện Thành Côn, nhưng mới chỉ là tai nghe, đến lúc này nó mới mắt thấy và đối mặt trực tiếp với kẻ địch..

Comments

comments


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.