Liên Thành quyết

Hậu Ký

trước
tiếp

Kim Dung

Thời thơ ấu, trong nhà cũ của tôi ở Hải Ninh, Chiết Giang có một người ở tên là Hòa Sinh.

Ông là một người tàn tật, bị gù, nhưng chỉ gù nửa người bên phải, hình dáng rất cổ quái.

Tuy gọi là người ở nhưng không làm công việc nặng nhọc nào, chỉ quét nhà, lau bụi và đưa đón bọn trẻ chúng tôi đi học. Các bạn học của anh tôi thấy ông thì vỗ tay hát:

Hòa Sinh Hòa Sinh thanh tre cong

Gọi ông ba tiếng ông nổi giận

Gọi ông ba tiếng ông xoay mòng

Xoay mòng trông như cái rá rách.”

Lúc bấy giờ tôi thường kéo tay Hòa Sinh, bảo những người bạn học lớn hơn không nên hát như vậy, có lần còn vì thế mà khóc òa lên, cho nên Hòa Sinh luôn đối với tôi rất tốt. Những ngày mưa rơi, tuyết xuống, ông thường bồng tôi đi học, bởi vì ông bị gù một bên lưng không cõng được. Lúc ấy ông cũng đã rất già rồi, cha mẹ tôi bảo ông không nên bồng nữa kẻo cả hai đều ngã nhưng ông nhất định phải bồng.

Có một lần ông bị ốm nặng, tôi đến thăm ông ở căn phòng nhỏ, đưa thức điểm tâm đến cho ông.

Ông kể cho tôi nghe về cuộc đời của ông.

Ông là người huyện Đan Dương tỉnh Giang Tô, nhà mở một cửa hàng đậu phụ nhỏ, cha mẹ đã dạm hỏi cho một cô gái xinh đẹp con nhà láng giềng. Trong nhà dành dụm mấy năm để cưới vợ cho Hòa Sinh. Tháng chạp một năm nọ, một nhà tài chủ gọi ông đến xay bột gạo để làm bánh tết. Nhà tài chủ ấy là một nhà hàng lớn, trong nhà có một vườn hoa rộng. Xay đậu phụ và xay bột gạo công việc cũng không khác nhau mấy. Nhà tài chủ ăn tết cần xay mấy thạch gạo nếp, việc xay bột được làm ở nhà sau. Việc xay bột tôi cũng đã thấy nhiều lần, chỉ xay được mấy hôm thì quanh cối xay đầy những dấu chân do người đấy cối xay giẫm lên. Phong tục các nơi ở vùng Giang Nam cũng gần giống nhau, cho nên ông mới nói là tôi hiểu ngay.

Bởi vì sắp đến tết cho nên việc xay bột phải làm đến mười, mười một giờ đêm. Hôm ấy Hòa Sinh làm việc xong, đã rất muộn rồi, đang định ra về, bỗng trong nhà tài chủ có nhiều người hô hoán lên: “Có trộm!” Có người kêu ông đến vườn hoa để giúp bắt trộm. Ông mới chạy đến vườn hoa thì bị đánh mấy gậy ngã quay ra, bảo ông là tên trùm kẻ trộm. Mấy người dùng gậy đánh ông bị thương khắp mình mấy, gãy mất mấy cái xương sườn, người ông bị gù một bên là vì vậy. Đầu ông bị mấy gậy ngất đi. Khi tỉnh lại, bên mình có rất nhiều vàng bạc và đồ trang sức, người ta nói là lôi từ trong người ông ra, lại có người soát thấy trong thúng mủng của ông có vàng bạc và tiền đồng, thế là họ giải ông đến nha môn tri huyện. Ông bị vu cho tội danh kẻ trộm bị bắt quả tang với đầy đủ tang vật, ông không thể biện bạch được, bị đánh mấy chục trượng, bị giam tù.

Dù thật là kẻ trộm đi nữa thì cũng không phải là tội nặng đến thế, nhưng Hòa Sinh bị giam đến hơn hai mươi năm mới được thả ra. Trong thời kỳ ấy, cha mẹ của Hòa Sinh đều vì tức giận đau buồn mà ốm chết, người vợ chưa cưới cũng bị con trai nhà tài chủ kia lấy làm vợ kế.

Ra tù, ông mới biết tất cả đều là do con trai nhà tài chủ kia hãm hại. Có một hôm ông gặp hắn trên đường phố, ông rút cây đao nhọn vẫn luôn mang theo bên mình ra đâm mấy nhát vào con trai lão tài chủ. Ông không chạy trốn, đề cho sai dịch bắt. Con trai của nhà tài chủ kia chỉ bị thương nặng chứ không chết. Nhưng nhà tài chủ kia không ngừng hối lộ quan huyện, sư gia và ngục tốt, muốn hại chết ông ở trong tù, đế tránh việc ông ra tù lại tìm đến báo thù.

Ông nói:

– Thật là bồ tát phù hộ, chưa đến một năm, lão gia đến làm tri huyện Đan Dương, cụ đã cứu mạng tôi.

* * *

Lão gia mà Hòa Sinh nói là ông nội tôi.

Ông nội tôi tên là Tra Văn Thanh, tự là Thương San, các cụ phụ lão ở quê nhà gọi ông là “Thương San tiên sinh” (Ông vốn ở thế hệ có chữ “mỹ” nhưng khi đi học và đi thi đều dùng tên là “Văn Thanh”). Ông đỗ cử nhân năm Ấ t Dậu thời Quang Tự, năm Bính Tuất đỗ tiến sĩ liền được bổ nhiệm làm tri huyện huyện Đan Dương, sau vì có thành tích được thêm hàm Đồng tri. Không bao lâu sau thì xảy ra “vụ án giáo đường ở Đan Dương”.

Trong quyển 5 sách “Trung Hoa nhị thiên niên sử” (Lịch sử hai ngàn năm Trung Hoa” của Đặng Chi Thành có đề cập đến sự kiện này:

“Điều ước Thiên Tân cho phép người nước ngoài đến truyền giáo, thế là dấu chân của giáo đồ in khắp Trung Quốc. Dữu dân (= dậu dân: dân xấu) theo thiên chúa giáo, cậy thế người nước ngoài không chịu sự cai quản của quan lại. Nhân dân vừa căm ghét sự kiêu ngạo ngang ngược của giáo sĩ, vừa lạ với những hành động quỷ bí của họ, cứ đồn thổi nhiều chuyện, chống “dị đoan”. Giáo dân có người bị tử thương, giáo sĩ bèn mượn cớ đòi bồi thường, thậm chí quy tội cho quan lại, ép triều đình nhà Thanh trị tội nặng. Nội chính đã bị người can thiệp, nước đã không ra hồn nước. Giáo sĩ dùng trăm mưu ngàn kế để làm to chuyện… “Vụ án giáo đường ở Đan Dương” xảy ra vào tháng tám năm thứ mười bảy niên hiệu Quang Tự… Năm ấy, giáo đường (nhà thờ thiên chúa giáo) ở các huyện Đan Dương, Kim Quỹ, Vô Tích, Dương Hồ, Giang Âm, Như Cao thuộc tỉnh Giang Tô nối tiếp nhau bị thiêu hủy, phái viên đến điều tra, cho rằng khởi sự là Đan Dương, cần phải cách chức tri huyện Tra Văn Thanh…”

(Quang Tự – Đông Hoa lục quyển 105)

Ông nội tôi trước khi bị cách chức cũng có biết việc này. cấp trên ra lệnh cho ông chém đầu hai người khởi xướng việc đốt giáo đường để cấp trên dễ điều đình với giáo sĩ ngoại quốc. Nhưng ông nội tôi đồng tình với nhân dân, báo cho hai người cầm đầu chạy trốn, rồi báo lại với cấp trên rằng: việc này là do giáo sĩ ngoại quốc khinh rẻ áp bức lương dân khiến họ công phẫn, mấy trăm người cùng xông vào đốt nhà thờ chứ không có người cầm đầu. Tiếp đó, ông từ quan, triều đình xử tội: cách chức.

Từ đó về sau ông nội tôi về sống ở quê nhà, đọc sách làm thơ, đồng thời còn làm nhiều việc công ích. Ông đã biên soạn một bộ: “Hải Ninh Tra thị thi sao” (Tập thơ của họ Tra ở Hải Ninh), có đến mấy trăm quyển nhưng khắc bản (để in) chưa hoàn thành thì ông qua đời (những bản khắc này chất đầy hai gian nhà, về sau đều trở thành đồ chơi của anh em chúng tôi – đàn cháu nội của ông). Khi đưa ông đi an táng, huyện Đan Dương đã cử mười mấy vị thân sĩ đến phúng điếu. Hai người thủ lĩnh vụ đốt giáo đường khóc lạy suốt đường đi. Theo lời các bác và cha tôi, hai người này cứ đi một dặm đường lại rập đầu lạy, từ Đan Dương (ở tỉnh Giang Tô) đến quê tôi (huyện Hải Ninh, tỉnh Chiết Giang – cách Đan Dương mấy trăm dặm). Hai người này rất cảm kích ân nghĩa của ông tôi.

Cách đây ít lâu tôi đến Đài Loan, gặp biểu ca (anh họ bên ngoại) của tôi là Tưởng Phục Thông. Anh là viện trưởng viện bảo tàng Cố Cung, trước đây là bạn học cùng lớp với bác hai tôi ở Đại học Bắc Kinh. Anh kể cho tôi nghe nhiều chuyện về ông nội tôi với những lời ca ngợi. Những điều này tôi vốn chưa hề biết.

* * *

Hòa Sinh nói, ông tội nôi sau khi đến làm tri huyện Đan Dương đã thẩm xét lại từng vụ án, biết được nỗi oan uổng của Hòa Sinh. Nhưng việc ông ấy hành hung người là có thật cho nên không thể tự tiện thả ngay được. Khi ông nội tôi từ quan trở về, bèn lặng lẽ đưa Hòa Sinh đi theo, và nuôi ở trong nhà tôi.

Hòa Sinh mãi đến thời kháng chiến (chống Nhật: 1937-1945) mới bị bệnh mất.

Câu chuyện của Hòa Sinh, cha mẹ tôi xưa nay không hề nói với ai. Hòa Sinh kể với tôi khi ông bị ốm nặng, nghĩ rằng mình không thể qua khỏi, ông cũng không hề dặn tôi không được kể lại.

Câu chuyện này tôi giấu mãi trong lòng. “Liên thành quyết” là phát triển từ câu chuyện có thật trên, viết ra đế kỷ niệm về một ông già rất thân thiết với tôi thời thơ ấu.

Hòa Sinh họ là gì tôi không hề biết, Hòa Sinh cũng không phải là tên thật của ông. Ông đương nhiên là không biết võ công. Tôi chỉ nhớ là ông thường vài ngày không nói một câu. Cha mẹ tôi đối với ông rất tử tế, không hề sai ông làm việc gì.

Bộ tiểu thuyết này viết vào năm 1963. Hồi ấy, “Minh báo” và “Nam Dương thương báo” ở Singapore ra chung một tờ phụ san “Đông Nam Á chu san”, bộ tiểu thuyết này là viết cho tờ phụ san đó, sách vốn mang tên là “Tố tâm kiếm”[1].

Tháng 4 năm 1977

———————————–

[1]       “Hòa Sinh” không phải là tên thật của ông già. Hẳn là Kim Dung muốn thể hiện ý: chỉ có tấm lòng trong trắng (tố tâm) mới thực sự là “Hòa thị bích”, viên ngọc có giá trị liên thành.

Comments

comments


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.