Nghi Lâm đỡ bên vai Lệnh Hồ Xung, trái tim trong lồng ngực cô đập loạn cả lên vì sợ hãi. Cô hỏi khẽ:
– Đại ca không bị thương chứ?
Khúc Dương thở dài nói:
– Lưu hiền đệ, hiền đệ nói sư huynh và hiền đệ bất hòa; không ngờ đến lúc hiền đệ lâm nguy thì lão ra tay cứu giúp.
Lưu Chính Phong nói:
– Sư ca của tiểu đệ hành động cổ quái khiến cho người khác khó đoán được. Tiểu đệ và sư ca bất đồng quyết không phải vì chuyện bần phú nhỏ nhoi, chỉ vì tính nết không hợp nhau mà thôi.
Khúc Dương lắc đầu nói:
– Kiếm pháp của lão tinh thâm như vậy nhưng tiếng hồ cầm lại thê lương não nuột, khiến người nghe phải rơi lệ. Lão chưa thoát được vòng trần tục, chưa ra khỏi được cái lẩn quẩn của đời thường.
Lưu Chính Phong nói:
– Đúng vậy, sư ca tấu hồ cầm chỉ có đi mà không có lại, khúc điệu vô cùng não nuột bi ai, cứ thế mà đi mãi. Ca từ diễn đạt cái vui vẻ mà không dâm, bi ai mà không ảm đạm, nhưng khúc điệu lại không được như vậy. Tiểu đệ vừa nghe tiếng hồ cầm của sư ca thì chỉ muốn tránh xa.
Lệnh Hồ Xung nghĩ thầm:
– Hai người này mê âm nhạc quá mức, đang lúc hai chân sắp bước vào quan tài mà còn thảo luận cái gì bi ai mà không ảm đạm, cái gì phong nhã với tục khí. May mà Mạc Đại sư bá kịp thời đến cứu tính mệnh chúng ta, nhưng đáng tiếc tiểu cô nương họ Khúc lại bị Phí Bân giết chết rồi.
Lại nghe Lưu Chính Phong nói:
– Nhưng nói đến kiếm pháp võ công, tiểu đệ vạn lần cũng không bằng sư ca. Lúc bình thường tiểu đệ thất kính với sư ca, bây giờ nghĩ lại thật là hổ thẹn.
Khúc Dương gật đầu nói:
– Chưởng môn phái Hành Sơn quả thật danh bất hư truyền.
Nói xong lão quay đầu nhìn Lệnh Hồ Xung nói:
– Tiểu huynh đệ, ta có một chuyện muốn thỉnh cầu, không biết tiểu huynh đệ có thể đáp ứng không?
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Tiền bối có điều gì sai bảo, vãn bối xin nghe theo.
Khúc Dương liếc nhìn Lưu Chính Phong rồi nói:
– Ta và Lưu hiền đệ say mê âm luật, đem mấy chục năm công lực ra để sáng chế khúc “Tiếu ngạo giang hồ”, một khúc nhạc kỳ diệu xưa nay chưa từng có. Từ nay về sau trên thế gian này nếu có được Khúc Dương thì không thể có Lưu Chính Phong; nếu có Lưu Chính Phong thì không thể có Khúc Dương. Cứ coi như hai nhân vật Khúc Dương và Lưu Chính Phong tuy không sinh cùng ngày nhưng đã có duyên tương ngộ nên kết giao bằng hữu. Hai người đã tinh thông âm luật, lại có nội công thâm hậu, sở thích giống nhau, lao tâm khổ trí cùng sáng tác ra khúc nhạc này, ta và Lưu hiền đệ dẫu thác về chín suối cũng không khỏi ngậm ngùi.
Lão nói đến đây, lấy từ trong bọc ra một cuốn sách rồi nói:
– Đây là cầm phổ và tiêu phổ của “Tiếu ngạo giang hồ”. Xin tiểu huynh đệ hãy niệm tình nghĩ đến tâm huyết của hai ta mà đem cầm phổ và tiêu phổ này đi khắp thế gian, kiếm tìm cho được truyền nhân.
Lưu Chính Phong nói:
– Khúc “Tiếu ngạo giang hồ” này nếu có thể truyền lại được cho thế gian thì ta và Khúc đại ca mới yên lòng nhắm mắt.
Lệnh Hồ Xung khom lưng nhận khúc phổ từ tay Khúc Dương, cất vào trong túi của mình rồi nói:
– Hai vị tiền bối hãy an tâm, vãn bối xin tận lực.
Trước đó, Lệnh Hồ Xung nghe Khúc Dương nói có chuyện khẩn cầu thì tưởng là chuyện khó khăn nguy hiểm, trong thâm tâm hắn đã nghĩ ra cách để giải quyết, chỉ sợ phải vi phạm môn quy, đắc tội với đồng đạo trong chính phái. Nhưng hắn không ngờ Khúc Dương chỉ muốn hắn tìm giúp hai người học gảy đàn thổi sáo, lúc này hắn mới an tâm, nhẹ thở phào một cái.
Lưu Chính Phong nói:
– Lệnh Hồ hiền điệt, khúc nhạc kỳ lạ này không những là tất cả tâm huyết của hai chúng ta tạo nên mà lại có liên quan đến một vị tiền nhân. Trong “Tiếu ngạo giang hồ” có đoạn viết cho đàn là do Khúc đại ca dựa vào khúc “Quảng Lăng tán” của Kê Khang đời Tấn mà cải biên thành.
Đối với chuyện này, Khúc Dương rất đắc ý. Lão mỉm cười nói:
– Ngàn xưa đã tương truyền, sau khi Kê Khang chết, khúc “Quảng Lăng tán” không còn nữa. Tiểu huynh đệ có đoán ra ta kiếm được nó từ đâu không?
Lệnh Hồ Xung nghĩ thầm: Đạo lý của âm luật ta chẳng hiểu một chút nào cả, huống hồ hai người này hành sự không giống ai, ta làm sao mà đoán được. Hắn bèn nói:
– Xin tiền bối chỉ giáo cho.
Khúc Dương cười nói:
– Kê Khang là người có tính cách rất đặc biệt. Sử thư khen Kê Khang là “Văn từ trang nghiêm, từ thuở trẻ đã thấm nhuần tư tưởng của Lão Trang”, tính cách của Kê Khang rất hợp với ta. Chung Hội lúc đó làm quan lớn, ngưỡng mộ danh tiếng của Kê Khang tìm đến thăm; Kê Khang cứ chuyên chú đánh kiếm, không cần biết đến sự có mặt của Chung Hội. Chung Hội muốn hỏi một điều nhưng không còn hứng thú nữa, bèn bỏ đi. Kê Khang hỏi Chung Hội: “Ngươi nghe cái gì mà đến, đã thấy cái gì mà đi?” Chung Hội nói: “Ta nghe cái đã nghe mà đến, thấy cái đã thấy mà đi”. Chung Hội được coi là một kẻ sĩ thông minh tài trí, nhưng đáng tiếc tính tình lại nhỏ nhen, vì chuyện này mà ấm ức trong lòng, sàm tấu Kê Khang với Tư Mã Chiêu. Tư Mã Chiêu bèn bắt Kê Khang đem giết. Lúc Kê Khang sắp bị hành hình bèn gảy lên một khúc nhạc tràn đầy khí phách, nhưng Kê Khang lại nói: “Quảng Lăng tán từ đây không còn nữa”. Người hậu thế nghe được câu nói này. Nên nhớ rằng khúc nhạc này không phải do Kê Khang sáng tác. Kê Khang là người đời Tây Tấn, khúc nhạc này sau đời Tây Tấn thì bị thất truyền, như vậy nó phải có trước đời Tây Tấn chứ?
Lệnh Hồ Xung không hiểu bèn hỏi:
– Trước đời Tây Tấn ư?
Khúc Dương nói:
– Đúng vậy. Ta không phục câu nói của Kê Khang, bèn tìm cách đi quật mộ phần của hoàng đế và đại thần hai triều Tây Hán và Đông Hán. Liên tục quật hai mươi chín ngôi mộ cổ, tới ngôi mộ cuối cùng ở Thái Ưng thì ta tìm được khúc phổ “Quảng Lăng tán”.
Lão nói xong cười ha hả, rất lấy làm đắc ý.
Lệnh Hồ Xung kinh hãi, nghĩ thầm:
– Lão này vì một khúc nhạc viết cho đàn mà lớn gan đi quật hai mươi chín ngôi mộ cổ!
Chợt thấy trên mặt Khúc Dương nụ cười biến mất, thần sắc ủ rũ, nói:
– Tiểu huynh đệ, tiểu huynh đệ là đại đệ tử trong danh môn chính phái; ta vốn không muốn ủy thác việc này cho tiểu huynh đệ, nhưng tình thế rất cần cấp nên ta phải nhờ đến tiểu huynh đệ, xin đừng trách.
Lão nói xong quay sang Lưu Chính Phong nói:
– Lưu hiền đệ, chúng ta có thể đi được rồi đấy.
Lưu Chính Phong dạ một tiếng rồi đưa tay ra. Hai người nắm chặt tay nhau, cùng cất lên một tràng cười dài, vận nội lực khắp người, làm đứt đoạn nội tức lẫn tâm mạch. Cả hai cùng nhắm mắt đi về thế giới bên kia.
Lệnh Hồ Xung giật mình kinh hãi la to:
– Tiền bối, sư thúc!
Hắn đưa tay sờ lên mũi của hai người thì không còn thấy hơi thở nữa.
Nghi Lâm sợ hãi lắp bắp:
– Họ… họ chết hết rồi ư?
Lệnh Hồ Xung gật đầu, nói:
– Sư muội, chúng ta mau đem bốn thi thể này chôn đi, để tránh khỏi bị người tìm ra sẽ sinh thêm chuyện. Chuyện Phí Bân bị Mạc Đại tiên sinh giết nhất thiết không được tiết lộ ra ngoài.
Lệnh Hồ Xung nói đến đây, hạ nhỏ giọng:
– Nếu chuyện này mà tiết lộ ra ngoài, Mạc Đại tiên sinh sẽ biết do hai chúng ta nói ra thì tai họa không nhỏ đâu.
Nghi Lâm đáp:
– Dạ, nếu sư phụ hỏi, tiểu muội có nên nói không?
Lệnh Hồ Xung nói:
– Bất kỳ ai hỏi cũng không được nói. Tiểu muội mà nói thì Mạc Đại tiên sinh sẽ đến so kiếm với sư phụ của tiểu muội, há không phải hỏng bét sao?
Nghi Lâm nghĩ đến chuyện vừa được chứng kiến kiếm pháp của Mạc Đại tiên sinh thì không kìm được sợ hãi, vội nói:
– Tiểu muội không nói đâu.
Lệnh Hồ Xung cúi người xuống nhặt trường kiếm của Phí Bân lên, đâm mười bảy mười tám nhát trên thi thể của hắn.
Nghi Lâm cảm thấy bất nhẫn, liền nói:
– Lệnh Hồ đại ca, người ta đã chết rồi, hà tất đại ca còn hận thù mà giày xéo thi thể người ta như vậy?
Lệnh Hồ Xung cười nói:
– Lưỡi kiếm của Mạc Đại tiên sinh vừa nhỏ vừa mỏng, người qua đây thấy vết thương của Phí sư thúc thì biết ngay là ai đã hạ thủ. Ta không phải muốn hành hạ thi thể của Phí sư thúc, mà chỉ muốn làm cho các vết thương trên người lão loạn xạ cả lên để ai nhìn cũng không nhận ra người hạ thủ mà thôi.
Nghi Lâm thở dài rồi nghĩ: Giang hồ có quá nhiều chuyện dối trá, thật… thật là khó đoán.
Lệnh Hồ Xung liệng trường kiếm xuống, nhấc một cục đá đặt lên thi thể của Phí Bân, nói:
– Tiểu muội đừng động lòng, ngồi xuống nghỉ ngơi đi.
Nói xong chàng nhấc cục đá đặt nhè nhẹ lên thi thể của Phí Bân, dường như nghĩ thi thể cũng có tri giác, hắn chỉ sợ thi thể bị đau.
Nghi Lâm nhặt đá lần lượt lấp hết bốn thi thể của bọn Lưu Chính Phong. Lúc lấy đá lấp đi thi thể Khúc Phi Yên, cô nói:
– Tiểu muội muội, nếu tiểu muội không vì ta thì đâu gặp nguy nan như thế này. Ta mong tiểu muội được lên tiên giới hưởng phúc; kiếp sau đầu thai lại làm thân nam tử, tích nhiều công đức để cuối cùng có thể đến được cõi Tây phương cực lạc. Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát…
Lệnh Hồ Xung ngồi trên tảng đá, nghĩ đến ân cứu mạng của Khúc Phi Yên, nghĩ đến cô bé tuổi còn nhỏ mà sớm gặp bất hạnh, lòng rất thương cảm. Chàng vốn không tin đạo Phật, nhưng cũng ráng niệm vài câu “Nam mô A Di Đà Phật” với Nghi Lâm.
Một lúc sau, vết thương của Lệnh Hồ Xung đau buốt. Hắn lấy từ trong người ra khúc phổ “Tiếu ngạo giang hồ”, mở ra xem chỉ thấy toàn là những văn tự cổ quái, một chữ cũng không đọc ra. Sở học, văn tự của hắn vốn có hạn, không biết cầm phổ của thất huyền cầm vốn là kỳ hình quái tự ; còn văn tự trong tiêu phổ lại cổ xưa và bí hiểm, chính hắn chưa hề thấy qua. Tiện tay, hắn gấp cuốn sách cất vào trong túi, ngẩng đầu lên trời thở dài, rồi nghĩ: Lưu sư thúc kết giao bằng hữu khiến tính mệnh toàn gia bị diệt. Tuy sư thúc kết giao với trưởng lão trong Ma giáo nhưng cả hai đều gan dạ nghĩa khí, không hổ thẹn là những bậc hảo hán tử oanh liệt, thật khiến cho người đời khâm phục. Ngày Lưu sư thúc rửa tay gác kiếm muốn rút ra khỏi võ lâm không biết như thế nào mà kết oán thù với phái Tung Sơn. Thật là kỳ lạ.